Truyện dài : Đền - phần 4
5. Ở trường vẫn không có gì khác biệt, vẫn là những bài giảng cũ, những con người cũ theo đuổi nhưng tâm tư cũ...Chỉ riêng có Văn...
5.
Ở trường vẫn không có gì khác biệt, vẫn là những bài giảng cũ, những con người cũ theo đuổi nhưng tâm tư cũ...Chỉ riêng có Văn là có chút thay đổi, kể từ lúc tôi hôn cậu ta trên đồi thông gần nhà mình trước khi mẹ tôi mất. Dù cả hai đã cố tỏ ra bình thường nhưng một cái gì lơ lửng trên đỉnh đầu như lưỡi hái tử thần chỉ chực chờ xuống cắt đứt sợi dây giả dối vốn đã mỏng manh. Chuyện xảy ra khi Văn đến nhà tôi thăm mẹ tôi, nhưng cha tôi đã đưa bà đi bệnh viện theo đợt khám định kì, chúng tôi quyết định đi dạo một vòng ở ngọn đồi thông cách nhà tôi độ một cây số. Đồi thông không cao, các cây thông cũng không giống như trong cách bức ảnh và trong tưởng tượng: thân thông thấp, vòm lá mỏng và màu đậm, quả thông chỉ to bằng hai ngón tay chụp lại. Chỗ chúng tôi dù khí hậu có mát hơn nhưng cũng không phải là điều kiện lí tưởng cho cây lá kim phát triển ở trạng thái thể lực tốt nhất, bất quá cũng chỉ sống được thôi. Và tôi không biết ai nảy ra cái ý định trồng cả một rừng thông ở đây. Nhìn ở mặt tích cực, rừng thông đối với chúng tôi - những đứa trẻ sống ở một thị trấn chẳng có gì để khắc phục những tổn thương tinh thần vẫn xảy ra hằng ngày thì có một rừng thông trông tạm được để thỉnh thoảng đi dạo cũng là khá lắm rồi. Chúng tôi chẳng mong ước gì hơn.
Bầu trời hôm nay xanh như hôm đầu tiên tôi đến thị trấn này, nhìn từ dưới những gốc thông trông nó càng vòi vọi hơn nữa. Tôi mang theo một cái chăn cũ để trải xuống đất với một bình nước lọc hứng ngay từ vòi có mùi rờn rợn để giải khát. Chúng tôi nằm trên cái chăn cũ, cỏ dưới lưng chọc vào ràn rạn, ngắm nhìn bầu trời trong xanh không một gợn mây phía đỉnh đầu. Ban đầu hai đứa nói những câu chuyện hết sức bình thường như tất cả bọn trẻ chúng tôi thường hay nói: về trường lớp, về các bạn học, đánh giá từng đứa, rồi chuyển dần về gia đình và cuộc sống trong tương lai. Chúng tôi chưa bao giờ phải cố gắng trong việc tìm một đề tài để nói chuyện, khi không cần phải nói, sự im lặng giữa hai đứa cũng dễ chịu và thoảng mùi thơm chứ không gay gắt như những lần im lặng mà sau này lớn lên tôi nhiều lần nếm trải. Trong khi chúng tôi đợi chủ đề tiếp theo tự nhiên đến, mùi hương phát ra từ Văn khiến tôi hơi có phần xao lãng, xáo trộn thính giác thính giác của tôi. Văn luôn luôn có một mùi rất riêng biệt, có thể do cậu ấy quá sạch sẽ, quá trắng trẻo nên mùi hương bám lại lâu hơn người khác chăng?, và thứ mùi đặc trưng của cậu ta lúc nào cũng gợi lên mùi của nắng: cái áo sơ mi trắng (luôn luôn là áo sơ mi trắng) có mùi nắng khô mùa đông nhẹ như giọt nước rơi vào chảo dầu , vành tai sạch sẽ dưới mái tóc cháy mùi nắng (vì cậu ta phải giúp bố mẹ trong việc đồng áng) tỏa mùi ngây ngấy giữa cháy và vừa chín tới, bộ ngực mỏng manh dưới lớp áo là mùi nắng ấm ngày xuân đong đầy hương cây cỏ dại, hai bắp chân cậu ta hãy còn vẳng lên tiếng kẽo kẹt của bánh xe đạp guồng lên màu vàng dại.. Mùi hương xen lẫn tiếng văng vẳng của nhạc hầu đồng đang diễn ra trên Đền khiến tôi bỗng thấy nao nao lòng, như người chuẩn bị xa quê. Tôi biết một khi mẹ tôi mất đi, mà cũng chẳng còn bao lâu thời gian nữa, cha tôi sẽ rời đi mang theo cả tôi, đến một vùng trời cách xa ngọn đồi thông này, cách xa ngôi trường có sân sau trồng đầy rau, và cách xa cả Văn - cậu bạn nắng của tôi. Lòng tôi dâng lên một nỗi bồi hồi xanh như màu lá thông, nước mặt chưa kịp trào ra đã bị Văn nhìn thấy, cậu ta bật dậy hỏi tôi có chuyện gì, vì lo lắng cho mẹ ư?, tôi cũng ngồi dậy theo phản xạ xoa tay quanh mắt lấy lại thế chủ động. Cái dụi mắt quá mạnh làm hai mắt tôi tối sầm và những đám mây sao hiện ra lấp lóe trước mắt, một cảm giác thoải mái thay vào nỗi bồi hồi ban nãy xâm chiếm khuôn mặt tôi. Tôi mỉm nụ cười khi hạ tay xuống, và nhắm vào miệng cậu bạn đặt một nụ hôn. Tôi chỉ có ý nghĩ rằng tôi đang cưng nựng con búp bê cưng của mình trong buổi diễn trà chiều trong căn phòng nhỏ của mình, hay đang âu yếm đứa trẻ con má phúng phính của nhà hàng xóm mà hồi nhỏ nhiều lần tôi xin mẹ mình xin nó về nuôi. Ngoại trừ cảm giác ấy ra, một thứ dục vọng nhỏ hơn bị dìm lại trong cơn say đắm không phải là lí do chính đáng để tôi hành động như thế. Hai chữ dục vọng vừa làm tôi kinh sợ vừa làm tôi rối trí. Ngoại trừ giữ cho mình một đầu óc cân bằng, ở nơi này tôi còn phải thể hiện mình sao cho mãi mãi giống một đứa trẻ mười tuổi. Chính thế hai chữ ấy có sức mạnh khiến tôi, ngay cả khi đã bước sang tuổi hai nhăm và sống ở một đất nước hoàn toàn tự do về mặt sinh lý, vẫn không tài nào thoát khỏi cái ý nghĩ đấy là điều xấu xa. Khi mới chỉ mười sáu tuổi, dứt ra khỏi cơn choáng nắng của mình và nhìn thấy đôi mắt đong đầy bối rối của cậu bạn đối diện, tôi mới nhận ra mình vừa làm điều khủng khiếp gì. Hình ảnh ngày hôm đó sẽ mãi đi theo tôi cho đến tất cả những năm về sau của cuộc đời ngắn ngủi này. Tất nhiên không ai trong hai chúng tôi nói được gì cho đến khi nắng đã hạ xuống một tông và bầu trời đã không còn màu xanh mát rượi của nó, cái lạnh phả ra từ mặt đất và không khí bắt đầu ngấm dần vào da thịt của chúng tôi. Hai đứa không ai bảo ai thu dọn đồ đạc rồi đi về. Tất cả những hành động ấy đều được thực hiện trong cơn mê mải chạy đuổi theo những suy nghĩ riêng tư của mỗi người, thật may sao bầu không khí rời rạc này không có đứa nào cảm nhận được.
Tôi không nhớ gì nhiều về cảm giác khi môi mình chạm môi Văn, nó giống như ăn một miếng thạch,đã trôi tuột xuống cổ họng trước khi nhận ra nó có vị gì, vì thế khi phải nhớ về nụ hôn đầu, tôi chỉ có thể kể ra khung cảnh xung quanh và mùi nắng tỏa ra từ cậu ta, thế thôi, không vị giác, không thính giác, không gì cả. Nhưng có lẽ như thế cũng đủ tối hôm đó và nhiều hôm sau nữa, khi đang trông chừng giấc ngủ mẹ mình và giấc ngủ của chính mình, kí ức vừa hiện ra loáng thoáng là bụng tôi đã xoắn lại trong một cảm giác hút tụt vào bên trong, vừa âm ỉ lại vừa đê mê, không, tất nhiên nó không phản ánh dục vọng, tôi không nói về dục vọng ở một cô gái mười sáu tuổi, mà có thể nó phản ánh sự yêu thích. Tôi muốn nói với mẹ về tình cảm của mình dành cho Văn đột nhiên biến đổi lên thành một thứ gì kì lạ và rạo rực trong mình, trước đây những chuyện như thế này tôi luôn nói với cha mình, nhưng lúc này, người tôi muốn tâm sự nhất lại là mẹ. Tuy thế, cái gì cũng có thể nói được, duy chỉ có chuyện này, kể cả khi mẹ tôi mãi nhắm đôi mắt và thở khò khè trong cơn khó chịu của giấc ngủ không đều, tôi cũng cứ ngập ngừng nửa muốn nói nửa lại thôi. Nửa giữ tôi ngậm miệng ấy cũng không phải là thứ có ở trong tôi từ lâu, nó mới xuất hiện thôi, nên tôi không tài nào định nghĩa được nó, cảm giác giống xấu hổ như vừa bị bắt gặp làm việc xấu, lại như chột dạ vì sợ làm sai. Tôi cứ mãi ngắm khuôn mặt mẹ mình rồi quyết định giữ nó cho riêng mình.
Tôi nhớ đến cô bạn xinh gái học cùng lớp, cô mà có làn da trắng muốt và đôi má luôn ửng đỏ vì cha mẹ bắt gặp cặp kè với cậu thanh niên học cấp ba nên cho đến tận giờ vẫn bị đưa đón ngày hai buổi tới trường, tôi tự so sánh tình cảnh của cô ấy với mình, để xem xem những thứ đang diễn ra trong tôi mấy ngày gần đây có điểm nào khác biệt minh chứng cho sự thật, nhưng việc ấy vốn chỉ như nhìn vào những ngọn sóng ở biển, không tài nào phân biệt được cái nào cao cái nào thấp, cái nào mang nhiều phân tử nước hơn cái nào. Tôi hoàn toàn rối trí, hơn nữa, bầu không khí giữa Văn và tôi khi ở lớp vẫn không được cải thiện gì hơn so với hôm ở đồi thông, gượng gạo và khô khan, đến độ có hôm bé Thi hỏi chúng tôi đang giận nhau đấy ư?, và tôi đã không trả lời được câu hỏi ấy.
Ở phía Văn, tôi cảm nhận được dòng chảy mát mẻ trong veo của nó cũng có sự xáo trộn, nhưng theo chiều hướng có lợi cho tôi, có lợi cho sự phát triển tình cảm mới mẻ đang xảy ra trong tôi. Tuy nhiên nó cũng bối rối hệt như tôi, khi cả hai đứa còn quá nhỏ và quá thiếu kiến thức để tìm hiểu xem chúng tôi sẽ làm gì với thứ tình cảm này. Thế nên để nó trôi qua ngày qua ngày trong cơn mơ hồ là lựa chọn của chúng tôi, không đứa nào phàn nàn hay thấy mệt mỏi, cuộc rượt đuổi tiếp diễn cho đến tận ngày mẹ tôi mất đi, và đến tận ngày cha tôi nói chúng tôi phải rời khỏi đây.
Cha tôi sau đám tang của mẹ tôi trở nên hoạt bát hơn, ông vẫn tiếp tục duy trì công việc nghiên cứu của mình, đồng thời dành cho tôi nhiều thời gian hơn. Mỗi buổi tôi tan trường về đã thấy cơm trưa dọn sẵn, cha ngồi đợi tôi trên bàn ăn. Buổi tối trước khi đi ngủ ông ngồi nói chuyện với tôi về nhiều vấn đề, trong đó có cả chuyện về mẹ tôi. Nhưng kể từ khi tôi phát hiện ra một đốt ngón trỏ của mình biến mất, và có một thứ tình cảm khác lạ đang nảy nở trong tôi thì tôi thích tự khép mình vào thế giới riêng hơn, không còn hứng thú với những câu chuyện của cha mình nữa, hẳn ông cũng tự nhận ra điều ấy nhưng vẫn không ngừng nói chuyện với tôi. Cho đến một hôm, ông thông báo:
“Có chuyện cha cần nói với con,con gái. Một trạm nghiên cứu ở Mỹ mời cha về làm việc, và cha nghĩ đó là một cơ hội rất tốt cho sự nghiệp của cha.”
“Nghĩa là chúng ta sẽ chuyển đến Mỹ sống ạ?”
“Con gái, cha đang hỏi ý kiến của con. Nếu con không muốn, con biết đấy, mẹ con vừa mất, ta cũng hiểu tình cảm con dành cho mẹ, nên nếu con không muốn, chúng ta sẽ không đi đâu hết.”
Cha tôi nhìn thẳng vào mắt tôi khi nói câu ấy, và tôi cũng thế, trong mắt ông không chỉ có sự mong chờ, mà còn là ánh lửa dù đã cố giấu đi những vẫn rực lên của niềm khao khát. Tôi không biết câu ông nói có chút nào ý nghĩa với chính bản thân ông không. Tôi chán chường trả lời:
“ Con sẽ suy nghĩ rồi trả lời cha sau nhé!”
Đôi lúc, tôi ích kỉ ghê gớm, không chỉ với bản thân mình mà còn với tất cả những ý định của những người xung quanh. Nhưng lần này, ngay khi mẹ vừa mất, ngay khi tôi hãy còn chưa định hình được bản thân mình trong cuộc rượt đuổi với Văn, ngay khi tất cả mọi thứ hãy còn đang dang dở, cha tôi lại định chạy trốn. Tôi biết, ông cũng yêu mẹ nhiều như tôi, nhưng ở ông có xu hướng thoát ngay ra khỏi mớ rắc rối nếu nó làm ảnh hưởng đến cái mà ông gọi là sự nghiệp của mình, và chính điều này làm tôi rất buồn. Vì tôi đặt ra một sự so sánh, giữa tình cảm và cuộc đời, giữa những cái có và cái không, giữa thứ nên duy trì và thứ không thể duy trì,...nó nằm ngoài những quy luật phát triển của cuộc sống,với một số người nó chỉ có tính chất mỹ thuật, nhưng với tôi, với đứa con gái vừa phát hiện ra bản thân mình chỉ là một tế bào phân chia, nó là tất cả. Ấy thế mà cha tôi lại bắt tôi phải đặt lên bàn cân hai thứ ấy, chỉ bởi mục đích cá nhân của mình. Tôi đã biết câu trả lời của mình trước cả khi cha nói câu thứ hai, nhưng ở một mặt nào đấy, tôi lại cũng cảm thấy không phải với cha mình nếu cứ thế mà đứng dậy và bỏ ông lại với một sự nghiệp dở dang. Với cha, nghiên cứu khoa học là sinh mạng, mẹ tôi là tình yêu, nhưng cái gì đã mất, và cái gì còn tồn tại thì rõ ràng như lòng bàn tay, chỉ là tôi tức giận đến độ không muốn thấy nó mà thôi. Tôi mất cả đêm để tự làm mình nguội xuống, chứ không phải để nghĩ về việc tôi quyết định như thế nào. Sáng hôm sau tôi nói với cha trước khi đi học, rằng chúng ta nên đi Mỹ.
Quyết định của tôi giống một quyết định rút quân của kẻ bại trận, không sao tránh được cái cảm giác thất vọng và não nề mà nó mang lại, tôi chỉ còn biết ủ rũ nói lại với Văn rằng chúng tôi sẽ chuyển đi vào tháng sau. Cậu ta với gương mặt hết thảy thất vọng, miệng trễ xuống để hở một khe nhỏ giữa hàm răng. Tôi dám chắc lúc này cậu ta suy nghĩ về nụ hôn của tôi kiểu như một dạng thể hiện tình cảm lần cuối trước khi rời đi, hay cái gì đại loại như vậy, nhưng tôi không muốn cậu ta nghĩ về nó theo cái cách như thế, tôi nói tiếp rằng cha vừa bảo tôi tối hôm qua và tôi đã đồng ý. Văn thôi không diễn cái hành động như vừa nãy, ánh mắt cậu ta trùng xuống giống trong sự chấp nhận, việc này nằm ngoài quyền kiểm soát của cậu ta, và tôi lấy làm vui lòng vì biểu hiện ấy.
Cuộc chia tay của chúng tôi không đẹp như cách các câu chuyện khác thường diễn ra, nó nhạt nhòa và khô cứng, đấy là kết quả của một khoảng thời gian mê mải theo những ý nghĩa riêng của mỗi đứa mà nguyên nhân bắt nguồn từ cơn bột phát ở đồi thông của tôi. Văn cũng đến vào ngày tôi và cha leo lên chuyến xe khách với hai vali to đùng, cậu ta đã không nói được một câu gì cho tử tế, tôi cũng vậy, đành chỉ nhìn nhau khi xe lăn bánh và vẫy tay. Dáng hình của cậu ta lùi lại dần dưới bóng đen thẫm của ngôi Đền trên đỉnh đồi. Ôi, tôi cũng đã không từ biệt ngôi Đền cho cẩn thẩn, tôi đã không dám tự mình bước lên đó và đặt tay lên những tấm vách ngả màu cũ kĩ nhưng mát lạnh ấy, không dám nhìn thẳng vào những con mắt không tròng của bốn con rồng ngậm ngọc trên mái nhà. Vì tôi biết rằng chính trong cái tiềm thức sâu xa của ngôi Đền, hay là chính một phần của tôi, sẽ bung ra thành từng hạt bụi khi nhìn sâu vào đó, sự dũng cảm này sẽ bay biến hết đi để trơ lại bộ xương trắng với mái tóc chỉ còn một nửa. Bóng đen của ngôi Đền phủ xuống giống như một tấm màn chết, một tấm màn đen tối chuẩn bị sẵn cho tôi một khi tôi chùn bước, một khi tôi thả lỏng bàn tay đang giữ chặt trái tim khóc thầm của mình, tôi sẽ bị chụp vào trong, bị cái bẫy giăng sẵn ấy dày vò cho đến hết cuộc đời, và linh hồn của mẹ tôi sẽ than khóc vì đã không bảo vệ được con gái bà. Tôi cứ ngoái đầu lại nhìn bóng Văn nhỏ xíu đựa vào ngọn đồi cho đến khi một cơn chuếnh choáng cướp đi nốt mảnh lí trí cuối cùng của mình.
Năm tiếng sau chúng tôi có mặt ở sân bay quốc tế, chuẩn bị cho chuyến bay đến một đất nước xa vời mà chính cái khoảng cách vô cùng là tấm màn ngăn trở hoàn toàn tôi với những dạng thức suy nghĩ và tình cảm cũ. Tôi với một đốt ngón tay trỏ biến mất, tiếp tục tồn tại ở một nơi khác trong một quãng thời gian khác dù rằng không hề có một quãng ngắt ở giữa.
Lúc mẹ mất tôi đã không nhỏ một giọt nước mắt, ấy thế mà khi ở trên máy bay, khi tất cả mọi người đều mơ màng trong giấc ngủ lơ lửng giữa không trung, tôi trốn vào phòng vệ sinh và khóc nấc một mình, không cả tìm hiểu xem nỗi bứt rứt và tủi thân này là từ nguyên nhân nào, nước mắt cứ tràn ra ngập bờ mi.
6.
Sau ba mươi tiếng đồng hồ với đủ các thủ tục và di chuyển mệt mỏi , hai cha con tôi đã hạ cánh an toàn ở Mỹ, một thế giới mới mở ra trước mặt chúng tôi như quyển sách mở ra những trang cuối cùng mà lại cũng là những trang đầu tiên trắng toát và lộng lẫy, thu hết những cảm giác khác trừ loại cái chuếnh choáng như con ong mật bay ngang qua mặt trời. Thiếu ngủ khiến đầu óc tôi không phân định được ranh giới của ngày và đêm cũng như giữa mơ và thực, cha kéo tôi về phía chiếc taxi màu vàng đỗ ngay cửa ra, nhét hai chiếc vali vào trong cốp xe và đọc địa chỉ bằng thứ tiếng Anh vững chãi mà tôi không hề biết ông có thể nói. Người tài xế trắng toát như vị thiên thần gác cổng thiên đàng gật đầu và bắt đầu lái xe rời sân bay, hướng về thành phố hãy còn chìm trong cơn mê của buổi ban mai đọng đầy sương tuyết. Xung quanh cái trắng lạnh của người tài xế là một viền lân tinh bao bộc, ánh sáng của nó rưng rưng trong xung động của buổi sáng sớm có nắng chiếu xiên qua cửa kính chưa kịp kéo hết lên. Mùa đông ở đây không giống như mùa đông ở nơi cũ, nó trắng toát - đến độ phản chiếu màu xanh của bầu trời trong ánh mắt mỗi con người. Thi thoảng cũng có sắc xám, nhưng phần lớn đều có cường độ tươi mới và nhẹ nhàng hơn. Tuy thế, nỗi buồn của tôi quá mạnh đủ để bao trùm lên toàn bộ cảnh vật. Thông qua khung cửa kính trên xe taxi và cái màng chắn của cơn mơ màng, thành phố cứ mỗi lúc một hiện rõ hơn, nhưng nó chưa kịp định hình trên thành giác mạc của tôi thì đã bị hút tụt về phía sau. Không giống như H.C được miêu tả với những tòa nhà chọc trời có những cửa sổ san sát mở ngỏ xuống đường lớn với những bóng người đan vào nhau như đàn ruồi làm việc trong cái tổ của nó, thành phố này êm ái và thấp hẳn xuống so với cái ảo tưởng về nơi không thuộc về mình của tôi. Những khung cửa kính ở các hàng quán được lau sáng bóng lên trong buổi sớm mùa đông hãy còn đọng hơi nước, phản chiếu hình ảnh chiếc taxi màu vàng mà bên trong bao lấy hai cha con chúng tôi, truyền cho chúng tôi hơi ấm từ bộ phận sưởi của nó như cánh tay vỗ về những người xa lạ. Thi thoảng khi xe đi chậm lại, tôi nhìn thấy khuôn mặt mình lấp lóa giữa những bàn ghế và nến thơm, giữa những cốc cà phê nghi ngút khói và những cái bánh vòng đủ màu sắc, nhưng khuôn mặt tôi lại mang linh hồn của một kẻ không cam chịu và đầy đớn đau, trái ngược hoàn toàn với vẻ lạnh lẽo của không gian cũng như con mắt xanh của hàng rào người đang chờ xếp hàng mua đồ ăn sáng. Tôi đặt bàn tay mình lên cửa kính xe trong khi mắt vẫn không ngừng nhìn sâu vào trong từng cảnh vật đang trôi vù vù, không phải tôi muốn được nhìn những thứ ấy gần hơn, mà vì bàn tay tôi với một đốt ngón trỏ bị thiếu, nhắc tôi nhớ về nơi tôi từng thuộc về, nhắc tôi rằng tôi đã chấp nhận từ bỏ để đồng hành cùng cha tôi bước ra ngoài thế giới, và nó, sự thiếu sót của tôi nhắc tôi rằng tôi chính là một phần của thế giới này - kể từ giây phút này.
Bỏ qua tâm trạng của tôi, cha tôi nhiều lần huých vào vai tôi vì muốn chỉ cho tôi những tòa kiến trúc lộng lẫy mà tôi chỉ được chiêm ngưỡng qua những cuốn sách và những lời văn miêu tả. Tôi không còn tâm trí để ngạc nhiên, tôi biết mình hãy còn nhiều thời gian ở đây để làm điều ấy, tôi hướng ánh mắt uể oải theo ngón tay cha tôi chỉ: con đại bàng tung cánh trên nóc ngôi nhà, những cái cột kiến trúc La Mã cổ, những bậc thềm cao và rộng trước tòa thư viện thành phố tượng trưng cho lí tưởng của một đại nhân vật, màu trắng của sự sạch sẽ (khiến tôi liên tưởng đến Văn) hiện diện khắp nơi trên bằng lớp sơn trên các tòa nhà. Điểm này, khiến tôi thương xót bốn bức vách nhỏ xíu và mốc những rêu của ngôi Đền trước ngôi nhà cũ, nơi mà tôi bỏ đi khi không nói một lời từ biệt, nơi mà sự hiện diện của nó như một sinh vật sống khiến tôi hoảng sợ nhưng cũng an ủi một vài thời điểm trong những tháng ngày đã qua. Nỗi nhớ của tôi dù không có cơ sở những cứ tiếp tục tràn về, cha tôi biết thế nên càng không để tôi ngồi im trong nỗi cô đơn này.
Cha con chúng tôi được cấp cho một căn hộ nhỏ ở phía Bắc thành phố, lầu năm, không thang máy, không camera chống trộm, có một ban công hướng ra đường lớn, bỏ đầy những chậu cây đầy đất xám và thân hoa héo rũ chết từ lâu. Căn nhà nhìn xuống đường lớn, nơi mà một tuần đầu tiên tôi dành ra tất cả các thời gian rỗi trong ngày để nhìn chằm chằm xuống những mái đầu tóc đủ màu và sắc thái di chuyển đơn độc trên đôi chân của mình. Từ đó tôi cũng thấy được những nóc nhà nhấp nhô ở ba hướng bên phải, bên trái và đối diện, những căn hộ cũng có những ban công chìa ra dùng vào đủ thứ việc tùy theo sở thích của chủ nhân nó. Những ngôi nhà cũng sơn một màu trắng toát, cầu kì hơn thì có những bức tượng đặt hai bên chái nhà, hoặc đơn giản chỉ là những hoa văn chạy dọc theo những đường viền cửa. Trong ngày đầu tiên tôi ngắm khu vực mà mắt tôi có thể bao quát được, đã phát hiện ra bốn căn hộ trống, mười một căn hộ có trẻ nhỏ và hầu như căn hộ nào cũng nuôi một chú chó. Hơi chếch xuống ban công về phía tay trái là một gia đình có ba người, cô con gái nhỏ của họ nuôi một chú chó mà tôi nghe thấy họ gọi tên là Ham - chú chó lai có bộ lông màu nâu đất và đôi tai nhọn hoắt lúc nào cũng ngoáy rất tợn. Các buổi chiều khi đi học về, cô chủ nhỏ của nó thường ngôi ngoài ban công phơi nắng và ăn bánh trong khi nâng niu chú cún con, liên tục dùng tay gãi hai bên tai và bụng khiến nó nằm im, đôi mắt lim dim hưởng thụ. Cứ đúng giờ cô bé ra ban công, là tôi nép mình vào những chậu hoa héo khô mà ngó xuống, tôi thấy ghen tị và thèm muốn cái hạnh phúc bé nhỏ của cô. Tôi nhớ rằng mình cũng từng có lúc ngồi nhâm nhi thức ăn vặt mẹ làm trong cái ngập tràn của buổi ban ngày mà không hề bận tâm một chút nào về những u ám phía trước, thứ đã kéo tôi xuống hố đen tuyệt vọng của hiện tại. Tôi không nhìn thấy bản thân mình trong cơn tuyệt vọng của thời điểm cuộc đời tôi đảo lộn từ trên xuống dưới như thế, nhưng cho đến tận những năm sau , cảm giác về sức sống bị cạo ra khỏi cơ thể lúc ấy đã trở thành nghị lực đẩy tôi tiếp tục tiến về phía trước mà không một lần quay đầu cho sự nghi hoặc.
Căn hộ của chúng tôi có hai phòng ngủ và một phòng khách thông với bếp. Phòng cha tôi có bàn làm việc và một cái giường đôi, nơi mà trong một lần vào dọn dẹp, tôi thấy chiếc gối của ông đặt hẳn sang bên trái, nhường một phần bên phải cho ai đó , hoặc thứ gì đó - luôn thích nằm gần cửa sổ.Tôi đã bị kích động khi nhìn thấy chiếc gối cô độc lệch về một bên giường của cha, tấm rèm cửa sổ bay dang ra như cánh bướm phủ lên màu hoài niệm khiến nó càng lẻ loi. Tôi tưởng tượng ra cha tôi , thân hình cao lớn của ông cuộn tròn trong chiếc chăn dày quay về phía bên phải, nhìn vào nửa kia chiếc giường chờ đợi một bàn tay đặt lên mái tóc đã bắt đầu hoa râm của mình, nhưng tất cả chỉ là một khoảng trống - trên chiếc giường và trong trái tim ông. Có thể tôi hơi cả nghĩ, đánh đồng nỗi nhớ thương của mình với của cha mình, bằng chứng là tất cả những hình ảnh tưởng tượng ấy khiến tôi chao đảo, nhưng cũng có điều tốt lành đã xảy ra khi những ảo ảnh đó khiến tôi nhận ra tôi đang không là chính mình, đang mải mê chìm đắm trong một nỗi buồn vô căn cứ để rồi dằn vặt cả bản thân cũng như người bên cạnh mình. Ở ngoài kia, cách một lớp màng mỏng, có một người khác mang cùng một nỗi buồn nhưng luôn luôn cố gắng giấu nó vào trong để truyền cho tôi - con gái ông một nghị lực để tiếp tục. Tôi đã không chấp nhận nó như mình đáng lẽ phải thế, tôi từ chối ngay cả cha mình , từ chối chia sẻ nỗi buồn với ông và từ chối chia sẻ nỗi buồn của ông.
Cha tìm cho tôi một lớp học tiếng Anh miễn phí do cộng đồng người Việt đứng ra tổ chức, mỗi ngày bốn tiếng, từ 10 giờ đến 2 giờ chiều, sau đó bắt tay vào làm việc ngay khi ông vừa nhận căn hộ chưa đầy hai bốn tiếng. Ngày nào ông cũng rời khỏi nhà từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối. Chỉ còn lại một mình tôi trong căn hộ nhỏ và dùng toàn bộ thời gian để ảo tưởng lấn át lí trí của bản thân. Cha chán nản tính trẻ con ương bướng của tôi, hoặc là ông đã nhận ra cách chữa căn bệnh này là để người bệnh tự chữa lành nó, nên ông đã không còn quan tâm. Cha nhìn vào mắt tôi và ra lệnh cho tôi phải chăm sóc nhà cửa, phải tự tìm lấy đường mà đi học, tự mua bán và nấu ăn. Tôi không có lí do nào để từ chối, dù sao cha cũng bận cả ngày ở cơ quan, hơn nữa việc đánh lạc hướng tâm trí mình một thời gian cũng không phải là điều gì tồi tệ. Tôi bắt đầu bằng việc dỡ đồ đạc trong vali của mình, vì khối lượng hành lí mang theo có hạn nên tôi chỉ mang những gì mà tôi cảm thấy không thể rời xa nó. Nhưng thực ra không có gì nhiều trong những thứ như thế, trừ quần áo vài bộ ra thì chủ yếu là sách, một quả thông tôi nhặt trên đồi gần nhà, cái lược chải tóc của mẹ và một hòn sỏi trắng tôi nhặt trên một bậc thang dẫn lên Đền. Tôi không biết vì sao tôi muốn giữ nó, cái viên sỏi ngả vàng lóng lánh những hạt cát ấy, dường như quá đỗi kì lạ ở nơi chứa đựng những linh hồn cũ kĩ, Nhưng tôi đã mang nó theo, nhấc nó ra khỏi vali và đặt ngay ngắn nơi bàn học, ngay chỗ tôi có thể nhìn thấy từ trên giường. Tôi đi siêu thị, chọn hai bộ ga màu xám, một cho tôi, một cho cha - cái màu nhắc tôi đến mùa đông ở nơi cũ, thứ mùa đông mịt mù như tình cảnh của mẹ tôi lúc bấy giờ. Tiến ra đến bếp, tôi dọn rửa tất cả những bát đĩa mà người chủ cũ đã để lại cho chúng tôi, bằng cảm giác mẹ sẽ thích, tôi sắp xếp chúng như cách bà thường làm rồi mới yên tâm xào một chút rau vừa mua ở siêu thị, ăn quấy quá cho qua bữa.
Những ngày sau tôi nghĩ cách trồng lại những chậu hoa ngoài ban công. Tôi hỏi cha những kiến thức cơ bản của gieo trồng, rồi tự tay nhổ bỏ những thân cây héo rũ và khô cứng vứt đi, tưới đẫm nước cho đất xốp ẩm rồi xới tơi lên. Tôi gieo vào đó những hạt giống hoa mà một cửa hàng hoa ngay đầu phố tôi có bán, những loại hoa xứ hàn đới tôi chưa bao giờ nghe tên, chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến nhưng mang trong mình hy vọng, hy vọng được nảy nở, sinh sôi và tràn đầy nhựa sống của cả hai chúng tôi.
Bận rộn khiến tôi an tâm một thời gian, nhưng chính nó lại làm nổi lên một cơn hoài niệm xưa cũ rằng tôi đã hoàn toàn thay thế hình ảnh của người phụ nữ trong gia đình, hình dáng của mẹ tôi vừa mới biến mất trong cuộc sống này, và tất nhiên cần có một sự thay thế, không ai khác là chính tôi - tôi trở thành kẻ xâm lăng nhưng đồng thời tự tuyên bố quyền hành của mình trong câm lặng, nhưng điều đau đớn là không ai lên tiếng cho sự bất công đó, kể cả tôi.
Tôi dành thời gian đi dạo quanh thành phố , học cách đi xe bus và tàu điện ngầm. Lần này, với một thái độ bình tĩnh và con mắt tỉnh táo tôi nhâm nhi vẻ đẹp của thành phố như nhâm nhi một li rượu vang, không vội vàng, từng chút một và cảm nhận vẻ âm trầm của nó qua mùi vị. Ở đây không có những ngôi nhà cao tầng chọc mũi nhọn của mình lên bầu trời, cũng không có những cột khói phả ngập màu đen một vùng, càng không có những vụ tắc đường mà người ta thường nhắc tới ở những thành phố công nghiệp lớn hơn. Chúng tôi mặc dù có tất cả những thứ mình cần, nhưng cũng không phải hấp tấp chạy đuổi theo chúng, đấy là một điều tuyệt vời mà không phải nơi nào cũng đáp ứng được. Tôi ngắm nhìn những tòa nhà cổ kính xây theo phong cách Phục Hưng, một số lại theo phong cách Tây Ban Nha, số khác là kiểu Tân Cổ Điển,...cuốn hướng dẫn của tôi nói như thế. Tất cả chúng tạo nên một quần thế sống động giữa hiện đại và cổ điển, giữa lịch sử và tương lai mà điểm giao của nó chính là thời gian tôi đang đứng trong. Đứng giữa thành phố đầy vẻ đẹp ám ảnh ấy, tôi thấy mình may mắn theo một khía cạnh nào đó khi được chứng kiến những tác phẩm nghệ thuật có giá trị như thế này, trong thời điểm này, và với con mắt thẻ hiện một tâm hồn hãy còn tươi trẻ. Sau này, thời gian dần dần bào mòn mỹ cảm trong tôi, xóa nhòa đi ranh giới giữa hiện thực và tính tượng trưng, những tác phẩm kiến trúc ấy chỉ đơn giản là ngôn ngữ phát ra từ miệng tôi, hoàn toàn không phải từ trái tim tôi, cũng giống như những con người hàng ngày vẫn bước qua nó với ánh mắt thờ ơ muốn trốn chạy hiện thực nhưng không nhìn thấy được sự hoàn hảo của cánh cửa dẫn tới thiêng đường. Ngay lúc tôi đặt mình ngồi xuống bậc thang của tòa thư viện thành phố, nơi mà cha đã cố chỉ cho tôi thấy vẻ đẹp của nó trong lần từ sân bay về căn hộ, tôi đã ngước mắt nhìn về phía mái nhọn hướng lên trên bầu trời của nó, và thấy trong đấy trái tim mình mềm nhũn ra trước sự chinh phạt của Cái Đẹp thần thánh. Cảm giác này trái ngược với cảm giác khi tôi nhìn lên bốn góc mái cong vút trạm đầu rồng của ngôi Đền trước nhà cũ, một thứ gì đó trong tôi đã bị khuất phục, và tôi dâng mình lên vòm miệng của sự hoàn mỹ. Những bậc thang rộng và cao đến độ tôi tiếng bước chân của mọi người bị gió thổi tản mác vào không khí trước khi kịp truyền tới tai tôi. Những người khác chủng tộc nhưng có cùng một thứ máu đỏ, sự đối lập giữa hai sắc thái trắng và vàng trong khối óc tôi dần bị giãn ra dưới sức nặng của khối kiến trúc , dù rằng sự hiện hữu của tôi ở nơi này lạc lõng là thế, nhưng chẳng đem lại cảm xúc gì cho những người xung quanh. Trong mắt họ tôi ngoài là một con người, thì chỉ là một cô gái nhỏ, không hơn, dù cho tôi có đang phải gồng mình gánh một nỗi buồn to lớn thì tôi cũng sẽ chỉ tồn tại trong một thời điểm này mà thôi. Sự tương phản trong màu sắc của bóng tôi đang đổ xuống những bậc thang với cái bóng khổng lồ mang màu nhạt hơn của thư viện thành phố làm nổi lên một cơn sóng lòng, nó thúc vào tôi những giục giã mà rằng thời gian đang chảy qua vai còn tôi thì đang lãng phí nó. Hình bóng của hai chúng tôi đè lên nhau trong khoảnh khắc này, nhưng tôi sẽ tan biến chỉ trong một thời gian ngắn nữa, còn nó - ngôi nhà đồ sộ của tri thức, kho tàng nhân loại sẽ còn mãi với thời gian. Gió mát mẻ thổi qua lớp sơn trắng mang theo những cái nhìn sắc lẹm của những con thú khắc trên những bức tường chiếu thẳng vào vầng trán nóng hầm hập của tôi, mặc kệ cho mái tóc đen với những sợi cứng cáp giống y hệt của mẹ chảy dài xuống vai.
Tôi phát hiện ra một công viên nhỏ ngay gần khu nhà tôi ở trên đường từ thư viện trở về nhà. Bên trong công viên có một thảm cỏ xanh mướt và một hồ nước bé - đủ để gạn lọc những tinh chất của không khí mà hòa vào thêm những hương vị của thiên nhiên. Tôi không suy nghĩ nhiều bước vào trong, chiếm một chiếc ghế gỗ có lưng tựa thoải mái, ngồi hết một buổi chiều, suy nghĩ về những thứ tôi đã bỏ lở vì sự vô tâm của bản thân. Một cơn mệt mỏi khủng khiếp ập xuống đè lên đôi vai tôi, tôi thảng thốt nhận ra mình đã phải chịu đựng tất cả những thứ này trong thời gian dài như vậy mà vẫn sống sót được ư?, và rằng cha tôi đã buồn như thế nào khi nhìn thấy tôi như vậy nhưng tôi cố tình lờ ông đi. Tôi vô tâm và ngang bướng, để được gì?, không gì bù đắp nổi chỗ thiếu sót mà tôi gây nên ấy nữa rồi - tôi mân mê ngón tay trỏ ngắn hơn những ngón khác của mình - “hẳn mẹ cũng đang đau buồn khi nhìn thấy tôi chìm trong nỗi đau khổ tự mình gây ra”. Tôi đứng phắt dậy, phủi tay vào quần, rồi trở về căn hộ, nơi cha tôi đang đợi cho bữa tối.
Từ đó, cứ sau giờ học ở lớp tiếng Anh là tôi mang sách và một mẩu bánh mì cứng ra đó để tập đọc tiếng Anh trong khi rải những mẩu bánh ra đất cho lũ chim. Những chuyện bận rộn đó khiến tôi lấy lại được sức lực mà tôi cứ ngỡ mình đã mất đi, những nỗi nhớ, những thứ dang dở, câu chuyện trường lớp vừa hôm qua hãy còn nay đã ở xa vời,...Đối diện với thiên nhiên (dù chỉ là thứ thiên nhiên trong lồng kính), tôi thấy mình bỗng dưng lớn vượt lên, cả về tâm thần cũng như ngoại hình cơ thể. Tôi cao hơn trước phải đến cả năm phân, mái tóc dài ra, luôn sà xuống bàn ăn mỗi khi tôi lóng ngóng dùng dao nĩa. Ngoài ra tôi còn tập thức dậy vào một giờ khác muộn hơn, tập uống cà phê và trà, tập ăn bánh mì thay vì dùng cơm, tập làm quen với những nghi thức và câu chuyện xoay quanh những con người nơi này. Ngực tôi bắt đầu nhô dần lên, sự phát triển ấy khiến tôi đau đớn hơn mình tưởng tượng, chỉ một cử động nhẹ cũng khiến toàn bộ phần ngực rung lên như có ai quất roi điện vào người. Cái đau có lẽ bắt đầu từ trước kì kinh nguyệt đầu tiên nhưng thời gian đó tôi quá bận rộn với việc phải trông chừng mẹ nằm trên giường nên không cảm nhận được nó. Chỉ khi tất cả thời gian trên đời thuộc về tôi thì tôi mới nhận ra mình đã đau đến chừng nào. Ngực tôi phát triển trong giai đoạn thiếu người dẫn đường và những kiến thức lượm lặt không đủ để tôi chọn cho mình một chiếc áo ngực đúng cỡ. Có thể đấy cũng là lí do tạo nên ngoại hình xộc xệch của tôi khi người đàn ông già ở lớp tiếng Anh muốn dùng để tiếp cận, hẳn ông ta bị hấp dẫn bởi bộ ngực mới nhú nhấp nhô sau lớp áo. Ông ta tên Kiên - doanh nhân trong nghành cổ phiếu, thường xuyên đi lại giữa Mỹ - Việt Nam vì con gái ông đã lập gia đình và định cư ở đây. Một hôm sau buổi học, ông mời tôi uống cà phê ở một tiệm nhỏ, tôi với lòng kính trọng của mình đã đồng ý không một chút mảy may.
“Cháu cảm ơn chú!”- tôi nói khi ông đưa cho tôi ly cà phê nóng hổi.
“Ở đây đừng gọi ta là chú, hãy gọi ta là anh.” Giọng nói vang lên trên nền khuôn miệng cười, hở ra những chiếc răng bóng loáng.
Thời tiết hôm nay tuy lạnh những vẫn nắng chói chang, chúng tôi chọn một cái bàn ở ngoài trời giữa một vùng nắng chiếu vào. Qua vai ông Kiên tôi thấy những người công nhân đang khuôn những bao tải gạch vụn từ một căn hầm để xe của tòa nhà đối diện. Họ mặc những bộ áo liền quần màu xanh với găng tay trắng, tất cả đều bám bụi khiến thân thể những người công nhân ánh lên những hạt lấp lánh như người bước ra từ các bữa tiệc đêm. Khi ông Kiên nói câu đó với tôi - đứa con gái vừa tròn mười sáu tuổi, những cái chuông cảnh báo nhỏ xíu giấu trong thân thể tôi rung lên tiếng động leng keng của nó, kéo ánh mắt của tôi từ những người công nhân diện bộ đồ xanh quay trở lại phía đối diện. Làn khói từ hai cốc cà phê nghi ngút khiến tôi không nhìn thấy rõ ánh mắt của người đàn ông, thế nên không thể dùng ánh mắt của mình để trả lời cho câu nói đó, tôi đành im lặng.
“Anh biết em có những dự định và đang bấp bênh trong cuộc sống. Anh nói này, anh thích cái cách em thương lượng với thế giới, nó thấy anh nhớ về những ngày ấu thơ của mình. Anh nói thật lòng đấy, thế nên anh sẽ rất vui lòng nếu được ngồi cạnh em mỗi ngày như thế này, chỉ cần nhìn vào mắt nhau thôi, có được không, em?” - ông ta nói với giọng chân thành đến độ tôi nghĩ mình sắp bị thuyết phục đến nơi. Những đoạn ngắt câu, ông ta thường nhấn nó bằng một từ âm vực cao vút, rồi lặp lại điều ấy ở câu tiếp theo. Những câu nói chậm rãi nhả ra như con cá thả bong bóng ra trong lòng hồ, vừa nói ông ta vừa mân mê ánh mắt của tôi, cố tìm ra một tia cảm xúc.
Khi tôi mười sáu tuổi, tôi cho đó là một câu tỏ tình thuộc hàng khá khẩm từ góc độ một thiếu nữ, nhưng lại xuất phát từ một người đàn ông mà thái độ của tôi dành cho chỉ là sự tôn kính vì vẻ ngoài già dặn như của cha tôi, thì ngoài ra không gì nữa. Nhìn ông ta mà xem, một gương mặt sáng sủa dưới mái tóc hoa râm, ông ta có chiếc mũi cao và một khuôn miệng vừa phải, điều ấy làm cho ông ta giữ được vẻ hấp dẫn nhất định trong độ tuổi của mình. Nhưng thứ tôi nhìn thấy khi ông mở lời nói chuyện với tôi trong tư thế ngang bằng, ấy là cái cằm xệ, hai bên mép trễ nải và những nếp nhăn ở khóe mắt. Tôi không chê ông già, không, không hề, tôi chưa từng nghĩ theo kiểu ông ta không xứng với tôi vì sự chênh lệch tuổi tác giữa hai bên, tôi chỉ đơn giản nghĩ, mình không sinh ra để đánh đổi bản thân cho một tình yêu miễn cưỡng, đặc biệt là vào lúc tôi còn chưa có cơ hội được nếm trải vị của của thứ trái cây màu nhiệm ấy.
“Em nghe này, ta chỉ cần ngồi với nhau thế này là đủ. Ta không cần tất cả những thứ khác ở em, những thứ ấy ta không thiếu” - tiếp tục trong cơn mơ hồ về sự chấp thuận của tôi, ông ta hắng giọng - “biết đâu đấy ta lại có thể giúp được em những thứ mà em cần. Đầu tư cho một cái gì đó, xây dựng một cái gì đó,... cho tương lai chẳng hạn” - tôi không thấy sự ngập ngừng trong câu nói đó, phải chăng ông ta nói nhiều lần những từ ngữ y chang?
Cái giọng thẳng thớm của ông ta đến giờ phút này khiến tôi thấy mình vừa bị rơi vào một cái hố giăng sẵn, như con chim chưa chữa lành vết thương của mình đã rơi tiếp vào cái bẫy khác, mà kẻ thủ ác không ai khác chính là đồng loại của nó. Tôi cảm thấy bị tổn thương mà mất hết bình tĩnh, tay tôi run lên trước cơn giận dữ với bản thân. Những thứ tốt đẹp đến với mình chẳng phải là mình nên tự xây dựng nên sao ?, chính cha mẹ trong quá trình giáo dục đã dạy tôi thế, và rằng con người ta sẽ hạnh phúc khi biết rằng công sức mình bỏ ra thật xứng đáng. Còn ở đây, mọi giá trị đảo lộn trong cái nhìn và tư tưởng của những người khinh rẻ thành quả của những thứ nên được xây dựng một cách chậm chạp để chủ nhân nó có thời gian hưởng thụ niềm vui trong lao động , mà điều ấy sao dễ dàng với họ đến độ chỉ cần thông qua lời nói của sự ham muốn? Nhưng cái tôi không thể chấp nhận nhất, ấy là bản thân mình không chắc nếu việc bán rẻ những giá trị của mình sẽ khiến mình vui. Liệu con chim trong tôi sẽ vẫn cất lên tiếng hát như cũ khi nó rơi vào cái bẫy và nhận lấy những vết thương, hay liệu tôi có còn là mình với những thay đổi trong tư tưởng? Tôi run run khi phải vật lộn trong những suy nghĩ mà người đàn ông trước mặt reo giắc vào đầu, khi ấy tôi hãy còn quá nhỏ để hiểu hết những hiện tượng tự nhiên phát sinh từ phía xã hội loài người đang hưởng thụ, nhưng ít nhất vụ việc ấy cũng đã khiến tôi phải tập trung suy nghĩ về những thử thách tôi sẽ phải đương đầu trong tương lai phía trước. Nhưng trước khi nghĩ cho thông suốt vấn đề ấy, những chiếc chuông tí hon trong người tôi đánh lên bài hát của mình tạo thành những rung động vô hình tác động vào hạt nhân của tôi, và nó quyết định nắm quyền kiểm soát mà lên tiếng thay cho chủ nhân của nó, đến khi tôi lấy lại được nhận thức thì đã thấy mình đang bước những bước thật dài như trốn chạy, để lại phía sau người đàn ông với gương mặt có những tình cảm khó giải thích.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất