Dạo gần đây quá nhiều sự kiện rầm rộ xoay quanh về vấn đề “đạo đức” là gì và sau khi đọc bài của Tornad về “Nhân danh công lí, hãy tôn sùng bạo lực và tôn vinh thảo khấu”, tôi lại có cảm hứng viết thêm một bài phân tích khác về các tâm lý, hành vi của con trai qua góc nhìn của bản thân.
Trước khi vô chi tiết, tôi cũng muốn chia sẻ là tôi cũng chỉ là một người không có nhiều kiến thức về tâm lý học cũng như trải nghiệm về tình trường cũng giới hạn nên các bạn đọc chỉ xem bài viết tôi như một bài viết nói về quan điểm cá nhân. Tôi không sẽ không cố gắng dùng quá nhiều lý lẽ để thuyết phục các bạn phải nghe theo. Tôi viết ra để lưu giữ và hệ thống hóa những suy nghĩ của mình. Mong bài viết không xúc phạm đến bất cứ ai.

Hệ suy nghĩ hời hợt, nói chơi gây hậu quả thật

Thời kỳ mạng xã hội, thông tin bùng nổ khiến cho rất nhiều quan điểm, khái niệm sai lệch về cuộc đời mà các guru, “thầy đời mạng” dạy dỗ cho những con chiên của mình những cái chuẩn mực đạo đức mà “không giống ai”.
Lấy một ví dụ điển hình:
Good boy
=> Đối xử tốt với mọi cô gái
==> Làm họ cười..
===> Nhận lại được từ các cô gái:"Bạn tốt"
====> Cuộc đời anh ta chỉ gặp toàn "bạn tốt"
=====> Hưởng thụ cuộc sống F.A đến gi
Bad boy:
=> Đùa giỡn với tình cảm của các cô gái
==> Làm họ khóc....
===> Nhận lại được từ các cô gái:"Em yêu anh"
====> Rồi 1 ngày anh ta gặp người con gái làm thay đổi anh ta
=====> Họ cưới nhau và hạnh phúc trọn đời...
Với một trải nghiệm nông cạn trong 27 năm cuộc đời, có cũng kha khá mối quan hệ, tôi không nhận ra được ai là good boy và ai là bad boy cả. Những cái nhãn mác hời hợt như vậy không thể đánh giá được bản chất một con người như thế nào nhưng giới trẻ vẫn cứ thích lao đầu vào phân loại anh này good boy, anh kia bad boy. 
Câu chuyện nghe chỉ như đùa cho vui nhưng tôi nói chuyện và theo dõi nhiều cuộc tranh luận trên mạng liên quan đến vấn đề trên thì thấy mọi người cực kỳ nghiêm túc và rất obsessed (ám ảnh) về chuyện đó. 
Không ai muốn yêu một good boy và chả ai muốn trở thành một good boy cả.
Ai cũng chỉ muốn hưởng cái thành quả khi yêu một bad boy và thuần hóa được hắn, và những người muốn trở thành bad boy chỉ muốn hưởng cái thành quả ngủ hết với những người phụ nữ mà họ thích bằng cách thao túng suy nghĩ của họ về mình. 
Cả hai đều “Khôn” như vậy thì ai sẽ thắng? 
Các bạn đang muốn tìm kiếm “Tình yêu” hay đang muốn “Cuộc chiến Vương quyền”?
Không ai có thể bắt phải bạn theo suy nghĩ của họ. Chỉ do bạn chọn mà thôi.
Con trai thì lại đi theo xu hướng tự phân chia nhãn mác khác là đàn ông alpha, redpill, pua, và những đứa cặn bã dưới đáy xã hội như simp, beta, loser, soy, cuck, white knight các kiểu đầy sự khi bỉ. Thât sự khi tìm hiểu đến mới biết được là những tư tưởng cực đoan như vậy nó hủy hoại tư duy giới trẻ hiện tại như thế nào nhưng rất ít người dám lên tiếng (thế nào viết xong bài này sẽ có chục, trăm, nghìn đứa vô chửi tôi simp, cuck, beta….).
Các thầy đời mạng lại thích đi cổ súy các “bản năng nguyên thủy”, cướp bóc dành phần thắng, bài xích sự “văn minh” mà loài người phải tốn cả hàng nghìn năm phát triển, hy sinh, để thay đổi để không còn “thô sơ” như thời các bộ lạc nữa.
Tội cho các bạn trai trẻ chưa hình thành xong hệ tư tưởng đã bị nhét vào đầu một đống kiến thức lệch lạc. Cho rằng tôn thờ “chủ nghĩa cá nhân” là một tư tưởng triết lý gì đó cao sang để che lấp đi “sự yếu đuối trong tâm hồn, nhận thức”, hay để thỏa mãn cái “tham lam về vật chất, ham muốn dục vọng” mà hành động bất chấp cả lý lẽ, đạo đức. Cứ dán cái mác là “Yêu bản thân” to đùng lên là có thể dung túng được cho mọi hành động ích kỷ, vụ lợi cá nhân, làm xấu đi “đạo đức mà bản thân gầy dựng, được nuôi nấng đàng hoàng từ nhỏ”. Liệu có đáng không ?
Sau các hành động tốt xuất phát từ trái tim, không được đáp trả lại, thì lại đi cầu cứu những hệ tư tưởng lệch lạc khác dẫn lại lối đi cho đúng, cho hợp thời với xã hội hiện tại thì sẽ cứu rỗi cho bản thân? Tìm đến các tư tưởng red pill, alpha để dung túng cho trái tim yếu đuối, dễ tổn thương. Ai mới là người đi tìm blue pill đây? Các bạn chỉ giống những kẻ khát trên sa mạc, tìm kiếm những gì các bạn muốn nghe, muốn thấy. Và Google thì như một vị thánh quyền năng, bạn tìm thứ bạn muốn thấy thì nó sẽ hiện ra thôi, nhưng đó là sự thật hay không thì thánh Google không chịu trách nhiệm. Bản thân bạn muốn tin như thế nào, nó sẽ thành như thế ấy.
Sau tất cả, các con chiên sùng đạo sau khi thất bại sau những cuộc tình thì lại muốn đi “tổn thương người khác” để lấy phần thắng. Thua thì chơi ván mới. Vòng xoáy này khi nào các bạn sẽ thoát ra?
Các bạn có hiểu được bản thân thật sự cần gì không?
Xã hội chúng ta hiện nay quá hời hợt và nhận định mọi vấn đề quá nhanh, quá nguy hiểm. Hiệu ứng đám đông ngày càng trở nên thái quá và càng ngày càng tiêu cực đi vì lười suy nghĩ, thiếu tư duy.
Tôi cũng suýt rơi vào những cái hố đen đó, sắp đánh mất đi bản ngã của mình vì hoang mang không biết được cái động lực gì thôi thúc mình phải hành động như những gì trước giờ mình đã từng làm. Tôi phải ở một mình nhiều hơn, nói chuyện với bản thân để hiểu bản thân nhiều hơn.
Nên ở đây tôi muốn chia sẻ cho những bạn trai, đang ở giai đoạn “khủng hoảng ¼ cuộc đời” một mẹo nhỏ để không bị lạc lối bản thân trong những “ma trận thông tin” như hiện tại.
Hãy tìm cái “Why” của mỗi hành động hơn là cái “How”.
Tôi có nghe một bài phỏng vấn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch cà phê Trung Nguyên) có đề cập đến các tầng và hình thái khác nhau của hành động, được xếp loại tăng dần như sau:
Hành động vì sợ hãi < Hành động vì tham lam < Hành động vì thù ghét < Hành động vì yêu thương
Hành động xuất phát từ sự yêu thương sẽ mạnh mẽ nhất và điều đó đã được chứng minh từ rất nhiều trong thực tế, gần gũi ngay trong gia đình của các bạn, trong công việc, hay trong tình yêu.
Có hay không những cảm xúc ấy, bạn đã từng trải qua rồi. Chỉ là không chịu thừa nhận mà thôi.
Đừng chỉ vì “yêu bản thân” giờ mới “hợp thời”.
“Không có bad boy, good boy.
Chỉ có người chưa tìm được mục đích thật sự để nỗ lực mà thôi”