Trường phái Ký hiệu học trong phim Trùng Khánh Sâm Lâm.
Điện ảnh là một khái niệm lớn bao gồm các bộ phim tạo bởi những khung hình chuyển động (phim); kỹ thuật ghi lại hình ảnh, âm thanh...
Trường phái “ký hiệu học” trong điện ảnh
Điện ảnh là một khái niệm lớn bao gồm các bộ phim tạo bởi những khung hình chuyển động (phim); kỹ thuật ghi lại hình ảnh, âm thanh và ánh sáng để tạo thành một bộ phim (kỹ thuật điện ảnh); hình thức nghệ thuật liên quan đến việc tạo ra các bộ phim và cuối cùng ngành công nghiệp và thương mại liên quan đến các công đoạn làm, quảng bá và phân phối phim ảnh (công nghiệp điện ảnh).
Trường phái ký hiệu học được áp dụng rất thành công trong điện ảnh, cũng là một yếu tố tạo nên ngôn ngữ điện ảnh hay kỹ thuật điện ảnh. Ứng dụng ký hiệu học có thể là tiền lý thuyết hoặc lý thuyết để tạo nên ý nghĩa mới cho những yếu tố cuộc sống đã quá quen thuộc, cũng là điều mà điện ảnh luôn muốn tìm kiếm. Nói cách khác, với cùng chất liệu từ cuộc sống, với những vật dụng và khung cảnh quen thuộc, các nhà làm phim có thể tạo nên những “thứ được biểu hiện” khác biệt ở mỗi bộ phim, mang đến trải nghiệm mới mẻ và ấn tượng khác biệt cho người xem.
Đặc biệt, trong kỹ thuật điện ảnh, thuật ngữ “Mise en Scene” được định nghĩa là “sự sắp xếp các phân cảnh và đạo cụ sân khấu trong vở kịch”. Trong phim ảnh, nó là tất cả những thứ liên quan xuất hiện trước ống kính máy quay, bao gồm bố cục, dựng hiện trường, ánh sáng và nhân vật. Nói cách khác, khi kết hợp lại với nhau đúng cách , những thứ quen thuộc sẽ được “biến tấu” trở thành một tác phẩm, một hình thức biển diễn có mục đích, thu hút cảm xúc người xem.
Giới thiệu phim Trùng Khánh Sâm Lâm.
Chungking Express (Trùng Khánh Sâm Lâm) được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh những năm 1990, góp phần đưa tên tuổi đạo diễn Vương Gia Vệ trở thành môt biểu tượng. Bộ phim bao gồm hai câu chuyện tình riêng biệt, được dẫn dắt bởi 2 người cảnh sát Hồng Kông với hai người phụ nữ. Câu chuyện đầu tiên là một đêm bên nhau ngắn ngủi của chàng cảnh sát mang số hiệu 223 với cô sát thủ tóc vàng, do Kim Thành Vũ và Lâm Thanh Hà thủ vai. Câu chuyện thứ hai là cuộc sống bị đảo lộn của chàng cảnh sát mang số hiệu 663 khi cô nhân viên quán đồ ăn nhanh nọ đột nhiên xuất hiện, được diễn xuất Lương Triều Vỹ và Vương Phi. Điểm kết nối của hai câu chuyện là một cửa hàng đồ ăn nhanh tên Midnight Express.
Trùng Khánh Sâm Lâm được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất của điện ảnh châu Á mọi thời đại. Bộ phim đã giành giải Phim hay nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 1995, đồng thời đem về giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Vương Gia Vệ và giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Lương Triều Vỹ. Bộ phim xếp thứ nhất trong danh sách Phim Hong Kong hay nhất thập niên 2000. Bộ phim còn xếp thứ 17 trong danh sách những phim điện ảnh xuất sắc nhất thế giới mọi thời đại do tạp chí Time của Mỹ bình chọn và một trong 3 bộ phim châu Á duy nhất lọt vào danh sách này.
Trường phái Ký hiệu học trong phim Trùng Khánh Sâm Lâm.
Quentin Tarantino – một trong những đạo diễn nổi tiếng đã đánh giá Trùng Khánh Sâm Lâm là một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa, một tác phẩm đẹp trong từng khuôn hình, một tác phẩm dành cho ai yêu điện ảnh đích thực. Một bô phim không có những tình tiết gay cấn, không có những cú twist hay plot phức tạp, chỉ dẫn dắt người xem vào khung cảnh Hồng Kông của những năm 90 qua những khung hình xuất sắc, những lời thoại được chắt lọc.
Biểu hiện của trường phái Ký hiệu học trong Trùng Khánh Sâm Lâm thông qua những biểu tượng, cách tạo hình nhân vật và sắp đặt bối cảnh trong từng khung hình. Ngôn ngữ điện ảnh trong phim của Vương Gia Vệ đã biến những đồ vật tầm thường trong cuộc sống hàng ngày trở thành một biểu hiện cảm xúc, mang tính biểu tương, tương tác với nhân vật.
Ngay từ tên phim, đao diễn Vương Gia Vệ đã “cài cắm” một số thông điệp. Bộ phim diễn ra trong bối cảnh Hồng Kông những năm 90, nhưng tựa gốc của bô phim: Trùng Khánh Sâm Lâm hay Khu rừng Trùng Khánh, lại gợi nhớ cho người xem về thành phố Trùng Khánh – Trung Quốc, nơi có những tòa nhà bê tông san sát, tầng tầng lớp lớp như trong một khu rừng. Trùng Khánh cũng là tên của khu chung cư Trùng Khánh Đại Hạ, khu Tiêm Sa Chủy, Hồng Kông, nơi điễn ra phần lớn các sự kiện trong câu chuyện đầu tiên của phim. Tên tiếng anh của bộ phim, Chungking Express là cách chơi chữ, ghép tên hai địa danh chính: Chungking Mansion ( khu Trùng Khánh Đại Hạ) va Midnight Express ( tên cửa hàng thức ăn nhanh, điểm kết nối hai câu chuyện).
Những phút đầu tiên, hai nhân vật chính xuất hiện trong khung cảnh hỗn loạn, khi nhân vật nam chính đang truy bắt tội phạm. Những góc máy chạy lướt qua, xoay vòng, ánh đèn vàng mù mờ không đủ chiếu sáng cả khu vực Trùng Khánh Đại Hạ, những chiếc bảng biểu nhiều màu sắc, những gương mặt ở nhiều góc, với nhiều quốc tịch càng làm nổi bật sự bất ổn của khu vực này nói riêng và Hồng Kông ở thời điểm đó nói chung. Những chiếc bảng biểu cửa hiệu nhiều màu sắc và ánh đèn vàng mờ mịt sau này cũng trở thành biểu tượng của Hồng Kông cũ, được góp phần không nhỏ bởi sự thành công của Trùng Khánh Sâm Lâm và sê-ri phim được phát hành sau này của Vương Gia Vệ.
Trong câu chuyện thứ nhất, nhân vật của Kim Thành Vũ sau khi bị bạn gái tên May nói lời chia tay vào ngày 1.4, ngày nào cũng mua một hộp dứa đóng hộp hết hạn vào ngày 1.5. Nhân vật tự cho bản thân một cái hẹn rằng sau 30 ngày, nếu như May không thay đổi quyết định và quay lại, thì sẽ kết thúc câu chuyện tình ấy. Hộp dứa đóng lon khi ấy không còn chỉ là một loại đồ ăn, mà còn là lời hứa hẹn và hi vọng về mặt tình cảm của nhân vật.
Tôi quyết định rằng, sau khi mua 30 hộp dứa, cuối cùng May vẫn không quay lại, thì chuyện tình của chúng tôi sẽ kết thúc.
Ở đoạn tiếp theo của bộ phim, viên cảnh sát thấy nhân viên siêu thị loai bỏ những món đồ đóng hộp ra khỏi kệ hàng, anh ta đã hét vào mặt nhân viên: “Cô vứt chúng đi trước khi hết hạn sử dụng. Cô có bao giờ nghĩ đến cảm giác của chúng chưa?”. Biết rằng lon đồ hộp là vật vô tri vô giác và sẽ chẳng ai đọc được suy nghĩ của nó cả, nhưng nó đã thể hiện khao khát được quan tâm, không muốn bị loai bỏ và sự cô đơn của nhân vật. Người yêu cũ đã không quay lại với anh ta, và anh ta hay câu chuyện tình yêu trước đây giữa hai người cũng sẽ bị vứt bỏ khi đến hạn, giống như những lon đồ hộp ấy.
Nếu trí nhớ là một cái hộp, tôi mong nó không hết hạn. Nếu có một cái hạn được đề vào, tôi hi vọng nó sẽ là "một triệu năm".
Trường phái ký hiệu học còn được thể hiện ngay từ cách tạo hình của nhân vật nữ do Lâm Thanh Hà thủ vai. Trong khung cảnh hỗn loạn, người phụ nữ bí ẩn luôn mặc chiếc áo choàng gió kín, bộ tóc xoăn màu vàng đôi môi đỏ, đôi giày cao gót màu trắng và luôn đeo một chiếc kính râm. Bất kể thời gian, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân vậ nữ cũng không bao giờ tháo kính xuống. Chiếc kính râm che đi đôi mắt, không ai có thể biết người và hiểu được người phu nữ ấy đang nghĩ gì sau chiếc kinh râm đó. Khi ấy, kính râm trở thành biểu tượng của sự xa lánh, ngăn cách.
Có ba lí do phụ nữ đeo kính râm vào giờ này. Cô ấy có thể mù, hoặc là tội phạm, hoặc là thất tình và không muốn cho người ta biết mình đang khóc.
Cùng ý nghĩa ấy, bộ tóc giả vàng, đôi giày cao gót màu đỏ, áo gió xanh và giày cao gót trắng là biểu tượng sống động khẳng định sự cảnh giác của cô ấy đối với thành phố hỗn loạn này. Đôi giày dưới chân nhân vật nữ chính sau này lại được nhân vật nam chính nâng niu trên tay, lau chùi sạch sẽ, cũng phần nào thể hiện sự trân trọng và đồng cảm với cô gái không quen biết, mới chỉ gặp nhau vài giờ trong một quán bar nơi cả hai tìm đến khi không có nơi nào để đi.
Câu chuyện thứ hai diễn ra tại ba địa điểm: quán ăn nhanh Midnight Express, nhà của nhân vật nam chính 663 và khu chợ Trùng Khánh Đại Hạ vào ban ngày. Trong ngôi nhà của nhân vật nam chính thứ hai, các biểu tượng của trường phái ký hiệu học cũng xuất hiện dày đặc.
Chiếc máy bay được nhân vật nam chính nâng niu mang theo kỷ niệm của nhân vật nam chính với cô gái người yêu cũ, là một tiếp viên hàng không. Những vật nhỏ trong nhà như chiếc khăn mặt, cục xà bông, con gấu bông..cũng đều gợi nhớ ký ức về cô gái người yêu cũ của nhân vật và thể hiện sự mỏng manh trong tâm hồn của người đàn ông sau khi thất tình. Sau khi cô gái do Vương Phi đóng xuất hiện, cuộc sống của nhân vật nam chính bị đảo lộn. Chi tiết nhân vật nữ chính thứ hai thay thế toàn bộ những vật dụng cũ, thay bằng những thứ mới mẻ, và nhân vật nam chính cũng dần quen với việc sử dụng chúng mà không còn nhớ về những thứ quen thuộc trước đây cũng là lời khẳng định về việc tạm biệt quá khứ và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Một biểu tượng rất đáng nhớ trong phim là chiếc vé máy bay được vẽ ra trên giấy do nhân vật nữ chính gửi lại nam chính. Nó không chỉ là một chiếc vé mà đã trở thành một lời hẹn ước của nhân vật sẽ gặp lại nhau sau 2 năm tại nơi mọi thứ bắt đầu.
Anh muốn đi đâu?
Không thể bỏ qua việc sử dụng màu sắc và âm thanh trong phim, cũng góp phần tạo nên một câu chuyện sống động và đầy cảm xúc. Bao trùm trong toàn bộ câu chuyện thứ nhất, là sự u ám. Toàn bộ khu Trùng Khánh Đại Hà chìm trong đêm tối, ánh sáng le lói từ những cửa hiêu hay ánh sáng nhiều màu sắc của những chiếc bảng hiệu không đủ để chiếu sáng cho khu vực ấy. Ngay cả trong ngôi nhà của nhân vật nam chính do Kim Thành Vũ thủ vai hay ngoài sân khi nhân vật chạy bộ cũng gần như không có ánh sáng. Quán bar nơi hai nhân vật gặp gỡ cũng chìm trong sắc đỏ và vàng, thuộc về bóng tối. Câu chuyện đầu tiên, âm nhạc gần như được tiết chế hoàn toàn, tất cả chỉ là sự lặng lẽ, cũng là điềm báo trước cho kết cục của hai nhân vật chính không mấy tốt đẹp. Điểm sáng duy nhất trong câu chuyện đầu tiên là khi nhân vật nam chính đến với quán ăn nhanh Midnight Express, cũng là điểm kết nối và giao thoa với câu chuyện thứ hai.
Ngược lại với câu chuyện đầu tiên, ngay từ thời điểm nam chính thứ hai bước ra, bóng tối đã chuyển thành ánh sáng. Bối cảnh của câu chuyện thứ hai chủ yếu diễn ra vào ban ngày. Khu chợ nơi hai nhân vật thường xuyên gặp nhau, ngôi nhà có ánh sáng, và những câu chuyện cũng bớt tăm tối hơn. Thêm vào đó, âm nhạc cũng là yếu tố giúp cho câu chuyện thứ hai sống động hơn, thông qua bài hát “California Dreaming” mà nhân vật nữ chính thứ hai yêu thích. Chi tiết “California” trong phim cũng mang nhiều tầng ý nghĩa, không chỉ là một địa danh của Mỹ, mà còn là quán bar nơi hai nhân vật chính hẹn gặp nhưng bỏ lỡ, là “điểm đến trong mơ” mà nhân vật nữ chính luôn muốn tìm đến và trải nghiệm.
Hai câu chuyện trong bộ phim tưởng chừng như rất rời rạc và mơ hồ, nhưng cộng hưởng lại lại tạo nên một bức tranh đầy màu sắc với sự cổng hưởng về cảm xúc tinh tế về nỗi cô đơn của những con người thành thị. Bên cạnh diễn xuất của hai cặp diễn viên chính, những chi tiết thuộc về trường phái ký hiệu học được thể hiện trong phim có ý nghĩa nhất định, góp phần rất lớn mang lại sự thành công và trường tồn vĩnh viễn cho bộ phim Trùng Khánh Sâm Lâm và người đạo diễn tài ba Vương Gia Vệ.
Nguồn tham khảo:
1. Tài liệu Lý thuyết truyền thông nâng cao, Khoa Quan hệ công chúng – Học viện Báo chí và tuyên truyền.
2. “Hong Kong film archive database: ''Chungking Express''”. Ipac.hkfa.lcsd.gov.hk. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2012.
3. ''Chunking Express'' at Box Office Mojo”. Boxofficemojo.com. 16 tháng 4 năm 1996. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2012
4. D. Lafrance, 'Cinematic Pleasures: Chungking Express', Erasing Clouds23 (2004)
5. Tiểu luận: Semiotics in Cinema and Its Application In Chinese Film: Chunking Express, https://www.ukessays.com/essays/film-studies/semiotics-in-cinema-and-its-application-in-chinese-film-chunking-express.php
6. Robert, S. R. (1992) New Vocabulary in Film Semiotics: Structuralism, Post Structuralism and Beyond. pp. 10-15.
7. Metz, C. M. (1990) ‘Film Language: A Semiotics of The Cinema’, Michael Taylor, pp. 20-40.
8. Buckland, W. B. (2007)The Cognitive Semiotics of Film, pp. 102-135.
9. Youtube, Semiotics analysis for beginners! | How to read signs in film | Roland Barthes Media Theory
10. Language of Cinema and Semiotic Modelling - Katre Pärn
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất