Trước hết, phải nói đây là cuốn sách hay. Nó đưa ra khá đầy đủ những hiểu biết cơ bản nhất về cái gọi là “công lý mạng” hiện hành (chương một tới chương ba, phần một), có cái nhìn “khảo cổ” về sự làm nhục công cộng (chương bốn, năm, phần một), đưa ra hậu quả cũng như nguyên nhân từ góc độ tâm lý (giải trí) ở phần hai (làm nhục mua vui và tàn nhẫn để giải khuây). Phần ba, trên cả giải trí, Tsi. Đặng Hoàng Giang khai thác những yếu tố vô thức nhất của hình thức làm nhục này, à thì ra nó tới từ căm ghét, mà căm ghét tới từ sợ hãi, mà nó khiến người ta tụ tập lại thành những nhóm hội, rồi kinh khủng hơn là thành lý tưởng, lẽ sống… Ở đây, Tiến sĩ sử dụng lại lý thuyết về Bảy bước đi của Căm ghét của Schafer và Navarro. Cuối cùng, tác giả đề ra giải pháp cho từng cá nhân, đó là hướng tới sự tử tế, đặt mình vào vị trí người khác, ấy là giải pháp cho cá nhân, và một giải pháp cho tập thể, “dự án trắc ẩn” ở chương cuối.


Cuốn sách về cơ bản đã thành công với thông điệp của nó: Truyền tải nguyên nhân, hậu quả và đưa ra phương thức giải quyết cho hiện tượng “dân phòng mạng”, bắt nạt mạng này. Ví dụ, khi ta muốn chửi bới một cá nhân nào đó, hoặc kéo bè kéo bạn chửi đối tượng đấy, thì ta phải biết tại sao ta làm như vậy. Nó có phải vì cơn giận trong bản thân, mà bắt nguồn từ sự sợ hãi cho chính bản thân nào khay không? Nó có phải vì bất an do đối tượng đó nói gì đấy liên quan đến mình? Chúng ta đang cố gắng khiễnax hội đi lên, hay chỉ tăng thêm sự thu ghét lưu truyền trên mạng xã hội trong tình hình vốn đã rất ảm đạm này? Những câu hỏi này hầu hết đều được trả lời trong Thiện Ác và Smartphone.


Đặt trong bối cảnh hiện tại, cuốn sách cũng dễ dàng có thể dùng làm một từ điển đơn giản cho cách hành xử của ta trong cơn dịch. Tại sao chúng ta chỉ trích Ngô Bảo Châu, gọi ông ấy là thằng ngu, thằng trí thức rởm..v…v… trong khi những cống hiến của NBC cho toán học là tường minh? Ấy là chủ nghĩa toàn trị, như được đề cập trong chương cuối của sách. Với chủ nghĩa toàn trị, ta chỉ có thể thấy người là xấu hoặc tốt, và quan trọng nhất là không tin rằng người khác có khả năng thay đổi. Một dạng suy nghĩ kiểu “theo ta thì thiện, chống ta thì ác” cực kì có hại. Hoặc giả, những trường hợp như của N17 hay N34, tại sao ta lại nguyền rủa họ, đay nghiến họ? Ấy là vì chúng ta (cho rằng) lợi ích cá nhân bị đụng chạm, lại được châm nọc bởi văn hoá chửi bới, “làm nhục mua vui”, coi việc do thám thông tin cá nhân của họ là những hành động hiển hách… Những thứ thù ghét tổng hợp đó đều bắt nguồn từ sự đay nghiến, cơn giận dữ vô lý trí hoặc sự sợ hãi… Mấy nguyên nhân, phương pháp này đều được đưa ra khá rõ ràng trong sách, cùng với đó là cách giải quyết chúng từ trong lý trí. Những khía cạnh này của Thiện Ác và Smartphone vẫn còn giữ đúng vị trí của nó, nhất là trong thời kì đại dịch, ai ai cũng hoảng hốt, sợ hãi và nóng giận như hiện nay.


Tiến sĩ cũng rất thành công khi đưa ra nguyên nhân khách quan về nguồn gốc của sự chửi bới, ấy là cơn giận dữ. Khi cố so sánh cơn giận dữ của cư dân mạng với N34 so với cơn giận dữ đó khi nghe tin về “miễn dịch cộng đồng” của Anh, tôi có sử dụng Chủ nghĩa Vị Lợi, nhưng mãi vẫn quanh co, luẩn quẩn trong tính “phải trái đúng sai” của vấn đề này. Về điểm này, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thành công và trau chuốt hơn rất nhiều khi lý giải nguyên nhân sâu xa của mọi hành vi đó, ấy là nguyên nhân cảm xúc, cũng như sự vô dụng của sự phẫn nộ và những cảm xúc phi lý trí này trong nhiều hoàn cảnh.


__________________________
Tuy nhiên, phải nhận xét rằng cuốn sách dài nhưng không sâu. Vẫn biết Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nhắm rất nhiều tới độc giả trẻ tuổi, nhưng cuốn sách vẫn thiếu chiều sâu ở rất nhiều khía cạnh, chủ yếu trong vấn đề nguyên nhân, mặc dù hầu hết những khía cạnh cơ bản nhất đều được phác hoạ ra.


Ví dụ, khi nói về “thiện, ác và Smartphone”, thì Tiến sĩ có đề cập tới sự “vô danh tính” là đặc trưng mới mẻ của mạng xã hội. Đây là một luận điểm hoàn toàn chính xác, thế nhưng cách Tiến sĩ sử dụng sự khác biệt đặc trưng này thì vẫn còn nhiều dấu hỏi. Đơn cử, đâu là sự khác biệt trong hành vi của đám đông này đối với đám đông thực tiễn, giả sử với hệ thống “bảy bước thù hận” được tiến sĩ chỉ ra rất rõ ràng? Xuyên suốt quyển sách, mặc dù đề cập tới rất nhiều case study điển hình về việc bắt nạt trên mạng, đám đông trên mạng, nhưng khi xử lý vấn đề về “bảy bước đi của căm ghét” này thì những ví dụ vẫn là những ví dụ khá sách vở (về băng nhóm đầu trọc) và có phần xa rời chủ đề chính của sách. Hoặc nữa, đâu là cách khác biệt khi chúng ta “đối đầu”, “xử lý” với sự ghét bỏ trên mạng, so với sự ghét bỏ thực tế? Mặc dù những phương cách của Tiến sĩ đều thiết thực và có thể áp dụng vào trong lối sống thường ngày, nhưng đâu là điểm khiến chúng “smartphone”, như tiêu đề quyển sách?


Hoặc, nữa, đây là vấn đề lớn nhất của tôi với quyển sách. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cũng đề cập rằng ông từng tin vào “công lý mạng”, nhưng sau đó vỡ mộng khi thứ công lý này bị lạm dụng nhân danh sự thù ghét. Tuy nhiên, ta phải công nhận rằng thứ “công lý mạng” có phần đàn đúm và có nguyên do chẳng dễ chịu gì này thật sự hiệu quả. Một người luôn đong đầy thù ghét hoàn toàn có thể nói về trường hợp của bộ phim Hàn do đài SBS phát năm 2013, trong đó có câu:"Uống rượu cả ngày như con thì có sang Việt Nam cũng không kiếm được vợ.". Câu nói này sau đó đã bị cư dân mạng Việt Nam lên án cũng với hình thức trending hashtag Twitter và Facebook tương tự với những trường hợp hiện tại như bánh mì - Hàn Quốc hay N17, N34.. Và cách thức này đã thật sự thành công, khi nó khiến nhà đài Hàn Quốc phải xin lỗi, cắt cảnh đó khỏi phim.


Vậy, tại sao cư dân mạng lại có thể thành công như vậy trong khi Chính quyền và luật pháp hoàn toàn chưa có động tĩnh gì, thậm chí có thể nói là bất lực trước những hoàn cảnh này? Chúng ta đều có thể biết rằng cư dân mạng năm 2013 cũng manh động, đàn đúm và thiếu ứng xử như bây giờ, nhưng họ đã đạt được cái kết quả tích cực mà họ muốn. Chúng ta đều hiểu rằng ứng xử từ sự thù ghét, dù là sự thù ghét “chính đáng” (dám bôi nhọ nước mình!) như vậy là tiêu cực, nhưng nó hữu dụng… Vậy, đâu là “giới hạn” của nó, giới hạn của sự thù ghét? Trong đoạn cuối (Giận dữ và thay đổi xã hội), Tiến sĩ có đề cập (và trích Of Anger của Seneca, yay!), rằng sự thù ghét là vô nghĩa, vô dụng…. Nhưng, nếu nó thật sự từng “có dụng”, lại kết hợp với đám đông và một nguyên nhân cụ thể (lòng tự tôn dân tộc), thì đâu là lý do thật sự để ta dừng nó lại? Làm sao chuyển hoá sự thù ghét như một năng lượng thành những hành động tích cực hơn? Dân ta có câu, “phép vua thua lệ làng” chính là đề cập tới tinh thần cộng đồng, đám đông này, vậy, quan trọng nhất, tính “tự xử” này có xuất phát điểm từ sự bất tin vào chính quyền, vào hệ thống pháp luật không?


Hoặc một luận điểm khác nữa, rằng ngay đầu khi nói về cơn giận và tàn nhẫn (Tàn nhẫn tới từ đâu), Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã quy nó về sự sợ hãi cũng như sự liên tưởng cá nhân, sợ rằng nó “sẽ xảy ra với mình” (tàn nhẫn từ lý tưởng, cái tôi bị tổn thương). Nhưng Tiến sĩ lại không phân tích nỗi sợ hãi này cụ thể, mà những phương cách cũng luôn luôn nhằm giải quyết vấn đề “thứ cấp”, theo luận điểm của tiến sĩ, ấy là giải quyết cơn giận dữ. Đành rằng nó cũng có hiệu quả đi, nhưng nếu vậy thì nỗi sợ hãi ở đây có vai trò gì? Làm thế nào để nhìn nhận đích xác nó, định vị nó?


Đó cũng chính là vấn đề lớn nữa của quyển sách, rằng nó nói quá nhiều, nhưng tựu trung lại thì nói chưa đủ. Mặc dù tên là thiện ác và smartphone, nhưng những vấn đề của quyển sách lại đi hết từ đám đông, phong trào thù ghét, tính lịch sử hay nguồn cơn của sự giận dữ. Mặc dù chúng có sự thống nhất nhất định (tính thống nhất của nó sẽ được đề cập ở đoạn dưới), nhưng mỗi chủ đề, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang gần như chỉ phớt qua, đưa ra một vài khái niệm hay lý thuyết quan trọng, phù hợp với mạch chung của bản thân phân đoạn đó, và rời sang một ý khác. Cuốn sách hoàn toàn có khả năng để đề cập sâu vào một, hai vấn đề, như tác động của công nghệ lên tính giận dữ, thù ghét của đám đông (mà tôi cho rằng là vấn đề chủ đạo cuốn sách muốn nói), hoặc nguyên nhân cụ thể lẫn tính hiện tượng của vài biểu hiện như giận dữ, sợ hãi… Hoặc, có thể có hướng đi mới chăng, là phân tích tính đúng sai của nó? Rằng, tại sao đám đông giận dữ, trừng phạt tự xử vẫn có những thành tựu nhất định tích cực cho xã hội (hay môi trường mạng đi) nhưng ta không nên để chúng lấn át, làm ưu thế?


Để so sánh với tiêu đều, thì gần như Thiện Ác và Smartphone, chỉ đề cập tới phần “Ác”, còn phần “thiện” và “smartphone” chỉ đưa ra luận điểm ở đôi chỗ, hoàn toàn không có tính thống nhất. Tôi hoàn toàn có thể thấy từng chương nhỏ của quyển sách được đăng thành công như các status Facebook dạng dài, nhưng để đưa thành quyển sách, thì Thiện Ác và Smartphone còn thiếu một chủ đề chính, tiên quyết nhất.


__________________________
Có thể coi là tôi kì vọng quá nhiều, đòi hỏi quá nhiều của một tác giả “tay ngang” trong lãnh vực này, cũng như một quyển sách hướng tới đối tượng độc giả nhỏ tuổi. Tuy nhiên, với ba trăm trang sách, thì chúng ta có thể đạt được điều gì đó sâu sắc hơn nữa chăng, mặc dù bản thân quyển sách, như đã đề cập, đã rất thành công và thời sự rồi.


Đây lại là một vấn đề lớn nữa của quyển sách, nhưng tôi không đề cập ở trên, vì nó không phải lỗi của tác giả. Đó là lỗi của biên tập.


Thứ nhất, quyển sách dư thừa ví dụ. Những ví dụ này đều đúng và đều được lấy từ những nguồn đáng tin cậy, nhưng chúng quá… giống nhau. Ví dụ, vụ của Dương Tường thì khác gì vụ của tác giả, hay vụ ăn cắp kính của hai nhân vật nào đó kia? Hay thậm chí, vụ của tác giả đi. Nó là trải nghiệm thực tế, thậm chí tôi đồ rằng, là nguyên nhân tiên quyết khiến tác giả viết quyển sách này, nhưng nó là một trường hợp nhỏ và không có tính đặc thù. Vụ của Hồ Ngọc Hà, ngược lại, gần như có tình hệ thống, bao hàm bao trùm toàn bộ những vấn đề được tác giả đề cập, thì lại bị nói qua qua trong một vài chương giữa. Hay, như tác giả cũng dày công nghiên cứu vụ của hai bảo mẫu, thì ví dụ đó cũng chỉ được đề cập thêm một hai lần trong những phần nguyên nhân quan trọng nhất của quyển sách. Những ví dụ khác gần như là giống nhau, bão hoà và ít cống hiến cho nội dung chung.


Thứ hai, cách sắp xếp các chương của quyển sách có vấn đề. Đặc biệt như phần Bốn, Giã từ văn hoá làm nhục. Đây là một phần chủ chốt trong phương án để loại bỏ những nguyên nhân được đề cập từ phần một tới phần ba, và là một phần rất hay, rất “thiền”, phù hợp với từng cá nhân. Tuy nhiên, nó lại nằm… trước phần năm, ta nói gì khi nói vê tha thứ, mà nội dung phần này, một lần nữa, lại đảo lại những nguyên nhân của sự thù ghét. Đây cũng là một phần hay, đề cập tới Chủ nghĩa Toàn Trị hết sức đúng đắn. Có điều, nội dung của nó gần như khập khiễng, khiên cưỡng khi được đưa vào giữa Phần Bốn và Phần Sáu, dự án trắc ẩn, khi hai phần này đều nghiêng về cách giải quyết từ góc độ cá nhân cho tới tập thể. Những chương nhỏ trong Phần năm hoàn toàn có thể ghép vào Phần ba để giải nghĩa sự căm ghét.


Hơn nữa, còn một vài đoạn editing có vấn đề. Ví dụ như tên tác giả quyển Roots and Collapse of Empathy ở Chú thích 129 là Stein Braten chứ không phải John Braten như được viết trong bài. Tạm thời tôi mới để ý được vậy, vì thật sự đó có vẻ là một cuốn sách hay.
__________________________


Cuối cùng thì, tôi vẫn rất trân trọng những gì Thiện Ác và Smartphone mang tới cho văn hoá ứng xử ở Việt Nam. Mặc dù còn vài điểm chưa đồng ý như đã đề cập, tôi vẫn tin rằng nó có những tác dụng thiết thực lớn lao, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện tại, khi cư dân mạng gần như rảnh rỗi và luôn tìm hết vụ việc này đến vụ việc khác để nhắm vào.