F. Scott Fitzgerald (1896 - 1940) - Tiểu thuyết gia, nhà văn nổi tiếng người Mỹ, thuộc "Thế hệ Lạc loài" (Lost Generation), được biết đến nhiều nhất với tác phẩm <i>Đại gia Gatsby </i>
F. Scott Fitzgerald (1896 - 1940) - Tiểu thuyết gia, nhà văn nổi tiếng người Mỹ, thuộc "Thế hệ Lạc loài" (Lost Generation), được biết đến nhiều nhất với tác phẩm Đại gia Gatsby
Từ giã cõi đời ở tuổi 44, nhà văn F. Scott Fitzgerald –  “cha đẻ” của tiểu thuyết Đại gia Gatsby (Gatsby vĩ đại) đã trải qua những ngày tháng cuối đời trong niềm tin tuyệt vọng rằng mình là kẻ thất bại, vì không có tác phẩm của ông đạt thành công. 
Mặc dù The Great Gatsby đã được đón nhận khi được xuất bản lần đầu vào năm 1925, nhưng phải mãi đến những năm 1950 và 1960, rất lâu sau sự ra đi của Fitzgerald thì nó mới đạt được tầm vóc như một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của nước Mỹ. 
Ngày 21/12/2022 vừa qua là kỷ niệm tròn 82 năm ngày mất của nhà văn F. Scott Fitzgerald, hãy cùng mình vặn ngược chiều đồng hồ về những năm 20, 30 của thế kỷ trước để khám phá những "bí ẩn" trong cuộc đời của tiểu thuyết gia đại tài này nhé! 

Những năm đầu đời  

F. Scott Fitzgerald tên đầy đủ là Francis Scott Key Fitzgerald, sinh ngày 24 tháng 9 năm 1896 trong một gia đình gốc Ireland Công giáo tại St. Paul, bang Minnesota, Hoa Kỳ. Cha ông – Edward Fitzgerald là chủ một doanh nghiệp đồ nội thất đan lát, sau do kinh doanh thất bại, ông chuyển sang làm nhân viên bán hàng cho Procter & Gamble. 
Trong thập kỷ đầu tiên của cuộc đời Fitzgerald, công việc của cha ông đã đưa gia đình di chuyển qua lại giữa Buffalo và Syracuse, ngoại ô New York. Khi F. Scott Fitzgerald 12 tuổi, Edward Fitzgerald nghỉ việc ở Procter & Gamble, năm 1908 gia đình ông quay trở lại St. Paul.
Fitzgerald là một cậu bé thông minh, sáng sủa và đầy tham vọng. Ông là niềm tự hào của cha mẹ và đặc biệt là mẹ ông. Ông theo học tại Học viện St. Paul. Khi ông 13 tuổi, bài viết của Fitzgerald đã xuất hiện trên báo, đó là một câu chuyện trinh thám được đăng trên báo của trường.
F. Scott Fitzgerld hồi trẻ trông sẽ như này
F. Scott Fitzgerld hồi trẻ trông sẽ như này
Vào năm 1911, khi Fitzgerald 15 tuổi, cha mẹ gửi ông đến trường Newman, ngôi trường Công giáo danh tiếng ở New Jersey. Ở đó, nhà văn đã gặp Sigourney Fay – người đã nhận thấy tài năng của ông và khuyến khích Fitzgerald theo đuổi sự nghiệp văn chương.
Sau khi tốt nghiệp trường Newman năm 1913, Fitzgerald quyết định ở lại New Jersey để tiếp tục việc học tại Đại học Princeton. Tại đây, ông trau dồi kỹ năng viết lách bằng việc viết kịch bản cho các vở kịch của Câu lạc bộ Triangle Club của Princeton, đồng thời ông thường xuyên viết bài cho tạp chí Princeton Tiger và tạp chí Văn học Nassau. 
Công việc viết của Scott buộc ông phải đánh đổi bằng thời gian học của bản thân. Bị quản chế trong học tập, đến năm 1917 thì ông bỏ học để gia nhập quân đội Hoa Kỳ. Lo sợ mình có thể hy sinh trong cuộc chiến trong khi những giấc mơ văn học vẫn còn dang dở, Fitzgerald đã viết The Romance Egoist và đem gửi nhà xuất bản Charles Scribner’s Sons. 
Mặc dù bị từ chối, cuốn tiểu thuyết này giúp ông lọt vào mắt xanh của các nhà phê bình và họ khuyến khích ông gửi thêm các tác phẩm trong tương lai. 

Mối tình dang dở 

Trong khoảng 1915 – 1917, Scott có cho mình một mối tình thanh xuân nồng thắm cùng Ginevra King, một thành viên của Big Four – là top những cô gái được khao khát nhất thế hệ bấy giờ. 
Cả hai đều yêu nhau say đắm, tuy nhiên, theo mô-típ thường thấy ở những câu chuyện tình yêu thì Scott – trẻ, nghèo, chưa có gì trong tay chắc chắn sẽ đánh mất King – vốn là nàng tiểu thư đài các, ngậm thìa vàng từ nhỏ. 
Và chất xúc tác cho chuyện tình này chắc hẳn không thể thiếu đi sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình nhà ngoại, mà ở đây là ông bố của King. 
F. Scott Fitzgerald và Ginevra King
F. Scott Fitzgerald và Ginevra King
Trong một bức thư của bố King gửi cho Scott có viết như sau: "Poor boys shouldn't think of marrying rich girls", đại loại là nghèo thì đừng có hòng lấy con tao.
Chính “nàng thơ” Ginevra King sau này đã trở thành cảm hứng cho nhân vật Daisy Buchanan trong tiểu thuyết Đại gia Gatsby của Scott Fitzgerald, khi trong truyện, ông cũng xây dựng một cốt truyện tương đồng giữa việc Gatsby để mất Daisy và ông – ngoài đời thực, đã đánh mất King ở những năm tháng lưng chừng tuổi trẻ. 
Nhà văn gặp King lần đầu khi đang là sinh viên năm 2 đại học Princeton, theo thư từ trao đổi giữa họ thì mối tình thanh xuân này đã kéo dài trong khoảng 2 năm rồi chấm dứt không lâu sau sau khi Scott nhập ngũ. 
Mặc dù Ginevra King đã hứa sẽ chờ Scott trở về, tuy nhiên không lâu sau đó, tuân theo sự sắp xếp của gia đình, bà kết hôn với William “Bill” Mitchell – người đàn ông giàu có và xuất thân danh giá, là con trai đối tác bố của bà. Chính Mitchell sau này cũng được Scott lấy cảm hứng cho nhân vật Tom Buchanan, và vợ chồng nhà Buchanan chính là hiện thân văn học của cặp đôi nhà Mitchell ngoài đời thực. 
Vợ chồng nhà Mitchell - Nguyên mẫu của bộ đôi nhà Buchanan trong tiểu thuyết <i>Đại gia Gatsby</i>
Vợ chồng nhà Mitchell - Nguyên mẫu của bộ đôi nhà Buchanan trong tiểu thuyết Đại gia Gatsby
Một số nguồn tin lại cho rằng Zelda Fitzgerald – vợ của Scott mới chính là hình mẫu cho nhân vật Daisy Buchanan, bằng chứng là các chi tiết trong truyện có những điểm tương đồng đáng chú ý so với cuộc tình của họ. 
Mình thì thiên về phía Ginevra King hơn, vì một thành viên khác của Big Four – golf thủ nghiệp dư Edith Cummings cũng được cho là nguyên tác đời thực cho nhân vật Jordan Baker. Tuy nhiên, có thể nói là Scott cũng đã đem khá nhiều chất liệu từ đời sống của mình và xào nấu, biến tấu nên Đại gia Gatsby
Chiến tranh kết thúc, nhà văn tương lai may mắn sống sót và trở về. Sau khi giải ngũ, Scott Fitzgerald chuyển tới New York ấp ủ khát khao khởi nghiệp trong ngành quảng cáo. Tuy nhiên, ông đã nghỉ việc chỉ sau vài tháng và trở lại St. Paul để viết lại cuốn tiểu thuyết của mình, đồng nghĩa với việc ông quyết tâm theo nghiệp viết. 
Mình khá là tiếc khi Scott bỏ công việc quảng cáo, vì biết đâu ông có thể copywriter kỳ cựu cũng nên. Lúc đấy thì bên cạnh Claude Hopkins, John Caples, David Ogilvy thì mình có thêm một Scott Fitzgerald nữa để mà thần tượng.. Nhưng mà dù gì thì tên tuổi ông cũng vang danh trong văn chương rồi, mình vẫn sẽ hâm mộ ông dưới tư cách một nhà văn vĩ đại. 

Bước ngoặt lớn 

Cuộc đời Scott Fitzgerald rẽ sang bước ngoặt lớn vào tuổi 22, khi ông đem lòng yêu Zelda Sayre, con út của thẩm phán tòa án tối cao Alabama. 
Theo thông tin mình tìm hiểu được, Scott gặp vợ lần đầu tiên vào năm 1918 trong một buổi tiệc, lúc ông đang phục vụ cho quân đội. Scott say mê Zelda tới mức, mỗi nhân vật nữ mà ông tạo ra trong tác phẩm của mình đều dựa trên hình mẫu của bà.
Scott và vợ - Zelda
Scott và vợ - Zelda
Nếu bạn để ý thì trong hầu hết các cuốn sách của mình, ông đều ký tên đề tặng “Dear Zelda”, riêng mình thì cuốn Đại gia Gatsby của Nhã Nam ngay trang đầu đã có dòng “MỘT LẦN NỮA, TẶNG ZELDA” làm mình khá tò mò nên mới mày mò search web tìm hiểu. 
Sau này, cuốn tiểu thuyết This Side of Paradise (Phía bên kia địa đàng) thành công rực rỡ. Tiền tài, danh vọng bắt đầu về tay Scott. Zelda sau đó đã rời bỏ quê nhà Alabama để theo đuổi Scott vào năm bà 19 tuổi. 

Cuộc hôn nhân đầy sóng gió 

Năm 23 tuổi, Scott Fitzgerald đã chia sẻ với báo chí rằng tham vọng của ông là viết cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại và yêu vợ mình mãi mãi. Dù trải qua vô số sóng gió, bất hạnh nhưng ít nhất tới cuối cùng, cả hai vẫn thể hiện nhiều cảm xúc, có yêu thương xen lẫn đau khổ cho nhau. Trong lá thư cuối cùng Zelda gửi Scott, bà đã viết: “Hạnh phúc, hạnh phúc mãi mãi về sau”. 
Cặp vợ chồng nhà Fitzgerald được cho là biểu tượng của nước Mỹ vào những năm 1920. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân giữa nhà văn và người vợ Zelda không thực sự hạnh phúc. 
Bản thân Fitzgerald từng phải tiết lộ với con gái rằng, ông đã sai lầm mặc dù khi cưới Zelda, ông đã biết trước đó cô là một người phụ nữ hư hỏng, từ năm 17 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng Montgomery vì nghiện ngập.
Bà hoang dại và nổi loạn, một cô nàng phóng khoáng, yêu thích tiệc tùng, rượu chè, khói thuốc và luôn được vô số “vệ tinh” bao quanh. Chính sự nổi loạn ấy đã khiến cả hai vợ chồng nhà Scott trở thành cặp đôi nhiều tiếng vang nhất thời đó. 
Gia đình nhà Scott
Gia đình nhà Scott
Quay lại vấn đề chính, Scott biết Zelda sẽ chẳng giúp ích gì nhiều cho ông ngoài việc đem lại những gánh nặng, và thực tế đã diễn ra đúng những điều Fitzgerald tiên liệu. 
Vốn là người quen thói tiêu pha hoang phí và thích sự xa hoa, Zelda khiến Fitzgerald nhiều lần khổ sở, ông thường xuyên gác lại kế hoạch viết những tác phẩm dài hơi để dành thời gian cho những truyện ngắn đem bán nhanh cho các tòa báo kiếm tiền duy trì lối sống ấy. 
Vì chuyện này mà ông đã bị bạn mình – nhà văn nổi tiếng Ernest Hemingway phê phán nặng nề. Sau tiểu thuyết The Great Gatsby, Fitzgerald đã dành toàn bộ tài năng để viết “những truyện ngắn làng nhàng vì tiền”. Đang ngự trị trên đỉnh cao danh vọng và thành công, Fitzgerald trở thành nhà văn thương mại. Các tạp chí tới tấp gửi đơn đặt hàng, và ông, vốn rất cần tiền nên không thể từ chối. 
Ở khoảng thời gian đầu, tình cảm mặn nồng của Zelda và Scott vẫn luôn khiến người đời phải ngước nhìn và giới báo chí cũng tốn không ít giấy mực vì chuyện tình này. Thế nhưng dần dà mối quan hệ giữa họ trở nên độc hại, đầy mùi ghen tuông, họ bắt đầu công kích nhau và cuộc hôn nhân dần đi vào ngõ cụt. 
Đỉnh điểm là, đã có lần Zelda tố cáo chồng đã “lấy cắp chất liệu cuộc đời” bà cho các tiểu thuyết của ông. Vào năm 1922, bà phát hiện trong tác phẩm The Beautiful and Damned của chồng có bút ký của mình, Scott dính tội “đạo văn” và sự việc này đã ảnh hưởng tới thanh danh của ông không ít: 
"Tôi nhận ra trang đó giống với một phần trong nhật ký của tôi. Quyển nhật ký này đã biến mất một cách bí ẩn sau khi tôi kết hôn. Không chỉ thế, quyển tiểu thuyết cũng có một số đoạn tương đồng với những mảnh vụn thư của tôi. Chắc hẳn ngài Fitzgerald - tôi tin đây là cách ông ấy luôn đánh vần tên của bản thân – đã đạo văn của tôi ngay trong chính căn nhà của chúng tôi.”
Không ai nhường ai cả, ở chiều ngược lại thì Scott cũng thẳng thừng chỉ trích việc viết lách của Zelda, xem đó là “trò rẻ tiền”. Ông công khai “kết tội” Zelda ăn cắp ý tưởng của mình cho tác phẩm Save Me The Waltz – tiểu thuyết duy nhất trong cả cuộc đời bà. Tác phẩm này không chỉ nhận phản hồi tiêu cực từ phía công chúng, chính Scott cũng chê rằng trình độ văn học của Zelda quá kém cỏi. 
Việc này đã dẫn đến mâu thuẫn giữa hai vợ chồng và cuộc hôn nhân của họ luôn trong tình trạng căng thẳng, bí bách. Tới năm 1930 thì Zelda bị suy nhược và đã phải đi điều trị tâm lý. Bà bị chẩn đoán mắc phải một dạng tâm thần phân liệt gọi là rối loạn lưỡng cực, hiểu đơn giản là tâm trạng “nắng mưa thất thường” đó. Suốt những năm sau đó cho tới cuối đời, Zelda đã dành hầu hết thời gian của mình trong bệnh viện.
Sau khi viết Đại gia Gatsby, Scott rơi vào cảnh nghiện rượu trầm trọng, cộng thêm việc Zelda ra vào liên miên trong bệnh viện khiến những khoản nợ nần dần đuổi kịp ông. Nhà văn vẫn tiếp tục cho ra đời các tác phẩm, một số trở nên nổi tiếng nhưng đa số là không mấy thành công. Vì thế mà Scott mới phải dồn tâm sức viết truyện ngắn gửi đăng cho nhiều tờ tạp chí khác nhau để kiếm được tiền nhanh chóng. 
Quay lại với bệnh tình của Zelda, trong suốt 4 năm từ 1930 – 1934 bà đã đột quỵ ít nhất 3 lần, phải chữa trị đặc biệt tại Pháp, Thụy Sĩ rồi nhập viện ở Mỹ. Tình trạng không mấy tiến triển, nhưng bà vẫn tiếp tục viết tiểu thuyết và trao đổi thư từ với chồng mình.
Zelda Fitzgerald qua đời không lâu sau đó trong một vụ hỏa hoạn vào năm 1948 tại bệnh viện, khi đang ngủ ở tầng cao nhất của tòa nhà. 

Cái chết của nhà văn F. Scott Fitzgerald 

Năm 1937, sau lần nhập viện cuối cùng của Zelda, Scott nhận thấy mình không thể từ chối lời đề nghị từ Metro-Goldwyn-Mayer để chuyển đến Hollywood và viết riêng cho hãng phim của họ. 
Trong thời gian đó, ông có một mối quan hệ tình ái nổi tiếng với nhà báo chuyên mục tin đồn Sheilah Graham, bạn có thể search tên bà để thấy được bà đẹp như thế nào.. 
Như đã nói phía trên, Scott rơi vào chứng nghiện rượu trầm trọng kéo dài trong nhiều thập kỷ. Ông cũng tuyên bố rằng mình bị bệnh lao – và đã bị ít nhất một cơn đau tim vào cuối những năm 1930 – khi ấy ông mới ngoài 30 tuổi. 
Tháng 9/1939, Fitzgerald chuẩn bị bắt tay vào viết bộ tiểu thuyết về đời sống ở Hollywood Nhà tài phiệt cuối cùng với nhân vật chính lấy từ nguyên mẫu là một nhà sản xuất phim lừng lẫy thời ấy. Tuy nhiên, tập sách này đã không được hoàn thành.
Ngày 21/12/1940, một cơn trụy tim đã vĩnh viễn cướp đi mạng sống của nhà văn đại tài F. Scott Fitzgerald. Năm đó ông vừa bước vào tuổi 44, và suốt những năm cuối đời, Scott vẫn mang một nỗi day dứt rằng bản thân là một kẻ thất bại và chẳng có tác phẩm nào thành công cả. 
Trên thực tế, Đại gia Gatsby chỉ thực sự trở thành biểu tượng và đem ra bàn tán xôn xao vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, vậy nên Scott của chúng ta đã không đủ may mắn để nhìn thấy cái ngày ấy. 
Nãy mình có đề cập vụ thư từ giữa Scott và vợ khi bà điều trị trong bệnh viện, trên thực tế thì các bức thư ấy sau này đã được tập hợp lại, sắp xếp tỉ mỉ, đầy đủ và chi tiết, sau đó xuất bản dưới tựa đề Dear Scott, Dearest Zelda. 
Bìa cuốn <i>Dear Scott, Dearest Zelda </i>
Bìa cuốn Dear Scott, Dearest Zelda
Ngoài ra thì cách đây ít năm ở Việt Nam, Nhã Nam có xuất bản cuốn Alabama Song – một cuốn sách nửa dạng hồi ký, nửa hư cấu, đề cập tới chuyện tình của Scott và Zelda. Mình có tìm mua cuốn sách này nhưng hiện tại thì đã ngừng phát hành mất rồi, mong là trong tương lai có kỳ tích nào đó. 
P/s: Bài viết này của mình chỉ mang tính chất điểm lại những cột mốc và dấu ấn quan trọng trong cuộc đời F. Scott Fitzgerald, vậy nên các nội dung có thể sẽ không được sâu mà mang tính dàn trải. Tuy nhiên, bạn cũng để ý thấy là trong phần nói về mối quan hệ giữa Scott và vợ mình viết khá dài. Đúng vậy, chuyện tình của họ vẫn luôn tốn không ít giấy mực của báo đài, truyền thông chứ không riêng gì một đứa vô danh như mình. 
Ngoài ra thì trong bài có thể bạn sẽ thấy đôi lúc thì mình dùng “Gatsby vĩ đại”, lúc thì là “Đại gia Gatsby”. Cá nhân mình thì yêu thích nhan đề “Gatsby vĩ đại” hơn, nhưng vì các ấn bản hiện nay trên thị trường đều đặt là “Đại gia Gatsby”, nên mình nghĩ sẽ tốt hơn nếu đề cập cả hai. 
Bài viết này sẽ là bài mở đầu, là tập đầu tiên trong serie Còn gì bạn chưa biết về F. Scott Fitzgerald không? mà mình đang ấp ủ và sẽ liên tục ra mắt trong thời gian tới. Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về các tác phẩm của ông, chuyện tình của ông với vợ hay các bức thư từ mà họ đã trao đổi, hãy theo dõi mình và đón chờ các bài viết tiếp theo! Sự ủng hộ của các bạn sẽ là động lực to lớn đối với mình! 
Giờ thì, hé lộ một chút về tập tiếp theo nhé: Bạn có muốn thảo luận về Đại gia Gatsby một chút không?