Trịnh Văn Quyết, làm thế nào mà có thể thao túng thị trường chứng khoán?
Trịnh Văn Quyết (TVQ) có lẽ không phải cái tên xa lạ với các bạn nào đã hoặc đang đầu tư chứng khoán. Cựu chủ tịch công ty FLC nổi...
Trịnh Văn Quyết (TVQ) có lẽ không phải cái tên xa lạ với các bạn nào đã hoặc đang đầu tư chứng khoán. Cựu chủ tịch công ty FLC nổi danh trên sàn chứng khoán từ những năm 2011 - 2012 nhờ cổ phiếu của các công ty mà ông sử hữu luôn có mức tăng giá phi thường khi bắt đầu lên sàn. Bằng chứng là ông từng trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán vào năm 2016 nhờ sự tăng giá của cổ phiếu ROS.
Thế nhưng sau này, “anh Quyết” lại được biết đến nhiều hơn bởi những hành động sai phạm 1 cách lộ liễu đến nực cười trên sàn chứng khoán và chúng còn ngang nhiên được lặp đi lặp lại trong cả 1 khoảng thời gian dài trước sự theo dõi các cơ quan chức năng.
Vậy thì thực hư mọi chuyện thế nào? Các sai phạm bắt nguồn từ đâu? Và TVQ đã làm thế nào để có thể “móc túi” được hàng chục nghìn nhà đầu tư như vậy? Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết bên dưới nhé.
1, Lịch sử phát triển tập đoàn FLC và cái tên Trịnh Văn Quyết
Đầu tiên chúng ta sẽ bắt đầu với người đàn ông này.
Ông là Trịnh Văn Quyết, sinh năm 1975 tại tỉnh Vĩnh Phúc. Từ thời niên thiếu, ông đã được đánh giá cao về khả năng học tập và sự thông minh, lanh lợi. Ngay từ năm thứ 2 khi đang theo học tại Đại học Luật Hà Nội, ông đã bắt đầu kinh doanh bằng việc mở 1 trong những văn phòng gia sư đầu tiên ở Hà Nội. Nguồn thu từ đây giúp ông có vốn mở 1 văn phòng luật ngay sau khi ra trường, trong khi bạn bè cùng trang lứa vẫn đang loay hoay đi tìm việc. Công việc kinh doanh của công ty phát triển tốt cho đến năm 2010 thì ông cho sáp nhập tất cả các công ty thành viên để thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (viết tắt của 3 từ Finance (Tài chính), Land (Bất động sản) và Commerce (Thương mại)), khởi đầu cho thời đại nhận diện thương hiệu dưới thời ông TVQ.
Dưới sự chèo lái của ông, FLC bắt đầu mở rộng đầu tư bất động sản bằng hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) và phát triển một loạt dự án tại Hà Nội cũng như xây dựng những khu nghỉ dưỡng có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại các địa phương khác, trở thành 1 trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam. Nước đi này sau đó đã trở thành lý do tạo nên sức hút của FLC sau khi lên sàn.
Tháng 4/2011, Tập đoàn FLC chính thức được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trở thành công ty đại chúng. 6 tháng sau vào ngày 5/10/2011, FLC niêm yết 10 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đánh dấu bước đi đầu tiên trên sàn chứng khoán.
Trong giai đoạn đầu giao dịch, FLC đã trở thành "hiện tượng" khi tăng giá ngoạn mục tới gần 300% chỉ sau 5 tháng. Tuy nhiên tăng sốc giảm sâu, FLC sau đó đã lao dốc và lình xình suốt 1 năm trước khi nổi sóng trở lại với "game" chuyển sàn từ HNX lên HOSE.
Tháng 8/2013, FLC chính thức chuyển sàn niêm yết 77,2 triệu cổ phiếu từ HNX sang HoSE. Chưa đầy 1 năm sau, cổ phiếu này đã được thêm vào nhiều rổ chỉ số quan trọng, điển hình là VN30 – nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường.
Dù vậy, FLC cũng không thể trở lại giai đoạn đỉnh cao như khi mới niêm yết mà chỉ giao dịch dưới mệnh giá.
(Chú thích: Mệnh giá ở đây là giá trị danh nghĩa mà công ty ấn định cho 1 cổ phiếu trên sổ sách, phân biệt với giá thị trường của cổ phiếu đó được quyết định bởi cung cầu trên thị trường. Theo luật ở Việt Nam thì mệnh giá cổ phiếu là 10,000 đồng. Cổ phiếu dưới mệnh là các cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán có giá nhỏ hơn 10,000)
Tất nhiên vào năm 2020, toàn thị trường bị ảnh hưởng xấu bởi Covid 19 và FLC cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên kỳ lạ là cổ phiếu này vẫn luôn là 1 trong những cái tên được quan tâm nhiều nhất trên sàn chứng khoán với thanh khoản thường xuyên nằm trong top đầu thị trường.
Năm 2021, khi dòng tiền đầu cơ chảy mạnh vào thị trường, FLC cùng các mã liên quan trong cùng hệ sinh thái như ROS, HAI, AMD, KLF, GAB cũng bật tăng mạnh mẽ. Từ mức giá trà đá, FLC tăng gấp 10 lần, leo lên mức giá hơn 22.000 đồng vào phiên 3/1/2022 giúp nhiều cổ đông "về bờ" sau cả thập kỷ chờ đợi. Cổ phiếu này cũng lập kỷ lục về thanh khoản khi có đến 3 phiên thanh khoản khớp lệnh trên 100 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, giống như trong quá khứ, hành trình leo dốc của FLC ấn tượng bao nhiêu thì quá trình lao dốc cũng gây sốc bấy nhiêu.
Trong thời điểm mọi thứ đều đang tích cực, nhà đầu tư đang hứng khởi với các khoản lãi lớn, thì vào phiên giao dịch ngày 10/1/2022, chỉ trong vòng 5 phút phiên chiều, cổ phiếu này đang từ mức giá trần đã bất ngờ quay đầu giảm sàn, giáng 1 đòn chí mạng lên tất cả nhà đầu tư đang nắm giữ FLC và khởi đầu cho 1 chuỗi ngày bi kịch u ám sau đó.
Ngay sau khi hết phiên, ông TVQ cũng bị phanh phui việc bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC trong phiên để “úp bô” nhà đầu tư và chỉ đưa ra 1 lý do là … lỗi do thư ký quên không thông báo :))
Lần này thì cơ quan chức năng đã không dễ dàng bỏ qua. Ngay sau hành động đó, ông Quyết bị khởi tố vì tội danh thao túng thị trường chứng khoán, FLC cùng các công ty thành viên cũng vướng vào nhiều sai phạm nghiêm trọng về công bố thông tin sai quy định. Các cổ phiếu trong “hệ sinh thái” FLC sau đó lần lượt bị hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch, rồi hủy niêm yết khi các kế hoạch giải cứu bất thành.
Bắt đầu với cổ phiếu ROS, FLC bị hủy niêm yết vào cuối năm 2022, đầu năm 2023; sau đó là lần lượt là HAI, GAB, AMD, ART cũng theo chân, và gần nhất, cái tên cuối cùng mang họ FLC là KLF cũng bị hủy niêm yết vào ngày 31/1/2024. Nhà đầu tư thì cố gắng bán tháo, giá các cổ phiếu cũng vì thế mà lao dốc không phanh.
Tại thời điểm bị đình chỉ giao dịch vào 9/9/2022, FLC đã giảm về mức giá 3.570 đồng/ cổ phiếu.
Ngày 14/2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu FLC. Toàn bộ 710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết vào ngày 20/2/2023, chính thức khép lại câu chuyện li kỳ bậc nhất từng có trong lịch sử sàn chứng khoán Việt Nam kéo dài hơn 1 thập kỷ.
Bây giờ nếu bạn tìm kiếm mã cổ phiếu FLC thì sẽ vẫn thấy trên sàn Upcom với giá 3,500 đồng/cổ phiếu, nhưng tuyệt nhiên sẽ không thấy ai giao dịch nó nữa...
Vậy thì đội nhóm Trịnh Văn Quyết đã làm thế nào để thực hiện những vi sai trái trong suốt 1 thời gian dài như vậy?
2, Sai phạm
Ngày 24/2/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Trong đó TVQ bị truy tố 2 tội danh là: Thao túng thị trường chứng khoán (lái giá cổ phiếu) thu lời 723 tỷ và lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ bằng chiêu trò tăng vốn điều lệ khống.
2.1, Hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”
Trong thời gian từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, TVQ đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) mượn chứng minh nhân dân của 45 người để mở hơn 500 tài khoản chứng khoán nhằm thực hiện hành vi "thổi giá" với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Cụ thể, 141 tài khoản được mở tại chính CTCK BOS (mã chứng khoán: ART - thuộc nhóm FLC) và 359 tài khoản mở tại 40 công ty chứng khoán khác. Các tài khoản này đều được cấp hạn mức khách hàng VIP, thậm chí cấp hạn mức khống (ko cần chuyển tiền vào vẫn có số dư trong tài khoản chứng khoán) để bà Huế thực hiện các tác vụ thao túng giá như: mua tay trái bán tay phải để tạo thanh khoản cho cổ phiếu; mua bán với khối lượng lớn vào thời điểm mở và đóng cửa phiên giao dịch để tạo cung cầu giả; hay đặt lệnh mua bán cổ phiếu với số lượng lớn sau đó hủy lệnh để gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.
Hiểu đơn giản là giá cổ phiếu sẽ được thao túng tăng giá ảo bằng các tài khoản trên để thu hút nhà đầu tư, khi số lượng đã đủ thì ông Quyết sẽ âm thầm bán ra để được mức giá tốt nhất. Sau đó cổ phiếu sẽ sàn liên tục nhiều phiên và những nhà đầu tư nhỡ mua trước đó thậm chí không thể bán được và sẽ phải chịu những khoản lỗ rất lớn.
Trong đó, thương vụ nổi bật là quá trình đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 tăng hơn 60%, đạt mức cao nhất 24.000/cổ trong phiên 10/1/2022.
Cũng chính trong phiên giao dịch đó, khi thấy mọi thứ đã chín muồi, ông Quyết đã chỉ đạo người thân bán chui gần 75 triệu cổ mà không có thông báo trước. Nhóm TVQ nhờ thế đã hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng.
Tuy nhiên may mắn là sau khi xảy ra sự việc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này cũng được hoàn lại tiền.
Tất nhiên đây cũng không phải lần đầu tiên. Trong quá khứ ông Quyết cũng đã nhiều lần đẩy giá các cổ phiếu khác trong họ FLC để trục lợi: nhẹ thì có mã chứng khoán HAI tăng 459%, mã FLC tăng 593% (tháng 9-2020 đến tháng 1-2022), còn khó tin hơn thì có mã GAB thậm chí được "thổi giá" tăng tận 1.776%.
2.2, Hành vi “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Riêng với cổ phiếu Công ty Faros (mã chứng khoán: ROS), cách lừa đảo có phần cao tay hơn khi không chỉ thổi giá mà TVQ còn tăng vốn khống cho cổ phiếu này trước khi lên sàn.
Cụ thể, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, TVQ đã chỉ đạo người thân cùng họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn ký khống hồ sơ góp vốn vào công ty Faros. Vốn điều lệ công ty nhờ đó mà tăng đột biến gần 3000 lần, từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng - tương ứng với 430 triệu cổ phần.
Hiểu đơn giản là đội nhóm TVQ không cần nộp tiền góp vốn nhưng vẫn được sở hữu 430 triệu cổ phần ROS với giá trị 4300 tỷ đồng. Do đó nếu số cổ phiếu này lên sàn và nhóm ông Quyết bán ra cho nhà đầu tư thì gần như bán giá nào cũng có lãi.
Tháng 9/2016, 430 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống đã được niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu chỉ 10.500 đồng/cp. Nhờ tin tốt về tăng vốn cộng với hoạt động thao túng giá thì cổ phiếu ROS đã tăng gấp hơn 20 lần chỉ sau 1 năm, đạt mức 210.000 đồng/cổ phiếu.
Lúc đó ROS đứng thứ 6 về vốn hóa trên HoSE, lọt vào rổ Vn30 và danh mục của rất nhiều quỹ ETF, thậm chí còn thu hút cả sự chủ ý của cả giới tài chính quốc tế như The Wall Street Journal. Điều này đã đưa ông Quyết trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2016 với tổng tài sản gần 34,000 tỷ đồng. Và tất nhiên cũng giúp kế hoạch lừa đảo của ông bằng việc bán cổ phiếu ROS cho nhà đầu tư trên sàn càng dễ dàng thành công hơn.
Từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022 (trước thời điểm bị khởi tố và tạm giam), nhóm ông Quyết đã bán được hơn 391 triệu cổ phiếu ROS và chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
2.3, Sự bao che
Tất nhiên để thực hiện được những hành vi sai trái đó trong 1 khoảng thời gian dài, TVQ chắc chắn không thể thiếu được sự trợ giúp từ chính các vị quan chức cấp cao của Ủy ban Chứng khoán.
Cụ thể, có 4 bị can thuộc Sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 3 bị can thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị khởi tố về tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Trong đó nổi bật có:
- Ông Trần Đắc Sinh là cựu Chủ tịch HĐQT HOSE. Trong thời gian công tác, ông Sinh dù biết báo cáo kiểm toán về Báo cáo tài chính năm 2014, 2015 của Faros không phù hợp vì vi phạm lưu ý lớn, "không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp”, nhưng ông vẫn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới tại HoSE hỗ trợ để Công ty Faros được sớm niêm yết lên sàn.
- Và ông Lê Hải Trà (khi đó là Ủy viên HĐQT HOSE, sau này là Tổng giám đốc HOSE từ 2/2021 đến 5/2022 - khoảng thời gian xảy ra nhiều vụ lũng loạn thị trường như TVQ và Đỗ Thành Nhân (nhóm Louis)). Ông này cũng biết rõ báo cáo kiểm toán về tài chính của Faros có vi phạm bởi "chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp”, nhưng ngày 23/8/2016, khi Hội đồng niêm yết nhận được báo cáo giải trình của công ty, dù chưa có thời gian nghiên cứu nhưng trong cuộc họp trưa cùng ngày, ông Trà và các thành viên của hội đồng vẫn đồng ý với báo cáo này. Dẫn đến hậu quả ông Quyết và đồng phạm được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống.
Tại Cơ quan điều tra, ông Sinh và ông Trà thừa nhận hành vi phạm tội và trình bày lý do giúp cựu Chủ tịch FLC là vì mối quan hệ quen biết và cũng muốn HOSE có doanh thu từ phí niêm yết và phí giao dịch để "nâng cao uy tín bản thân”.
- Một bị cáo khác là ông Lê Công Điền (Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng) cũng cho biết: Ông TVQ là người có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các cấp. Khi thẩm định hồ sơ của công ty Faros, bị can Điền đã yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng về việc góp vốn nhưng bị công ty khiếu nại 2 lần rằng ông Điền "làm vượt thẩm quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp". Do đó, vì sợ ảnh hưởng đến công việc của bản thân, bị can Điền dù biết sai vẫn phải nhắm mắt làm.
3, Kết tội và xử lý
Tổng số tiền gần 4500 tỷ trục lợi từ các sai phạm của ông Quyết đã được cơ quan điều tra truy vết đầy đủ để thuận tiện cho việc truy tố và thu hồi. Phần lớn đều được sử dụng để đầu tư ngược lại và các công ty trong hệ sinh thái FLC và để trong các tài khoản chứng khoán để tiếp tục thực hiện kế hoạch thao túng giá, 1 phần nhỏ hơn thì được dùng vào các việc cá nhân như trả nợ, sửa nhà, ăn chia các bên và chi tiêu ngoài của ông Quyết.
Đến thời điểm mình viết bài này thì cơ quan điều tra đã thu giữ được hơn 187 tỷ đồng của ông Quyết; kê biên hàng chục lô đất và các tài sản gắn liền với đất của nhóm ông Quyết, bà Huế, bà Nga (đều là các em gái của ông Quyết), cùng nhiều đồng phạm khác. Các tài sản còn lại đều đã được đóng băng phong tỏa và chờ xử lý.
Trước đó thì tin vui là đã có hơn 20 nghìn tài khoản chứng khoán đã được trả lại tiền trong vụ bán chui 75 triệu cổ phiếu FLC của TVQ vào ngày 10/1/2022.
4, Thay lời kết
Thực tế câu chuyện về FLC và ông TVQ không mới trên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư cũng luôn biết và truyền tai nhau rằng đây là 1 trong số những cổ phiếu “lái” nhất trên sàn (tức là giá biến động mạnh theo ý muốn của 1 số bên chứ không phải theo các yếu tố cơ bản như những cổ phiếu khác).
Trong quá khứ cũng không ít lần ông Quyết thực hiện hành vi kéo xả, rồi úp bô nhà đầu tư, lần nào cũng có hàng trăm nhà đầu tư lên các diễn đàn than trách, chửi bới, nhưng rồi biết cũng không làm gì được lại tự nhủ lần sau sẽ không dính vào “hàng lái” nữa.
Thế nhưng mỗi lần cổ phiếu FLC tăng sau đó thì lần sau lại luôn có nhiều người tham gia hơn các lần trước. Con số thậm chí lên đến hàng chục nghìn người trong lần thao túng cuối cùng của ông Quyết vào ngày 10/1/2022. Tất nhiên lỗi lớn nhất chắc chắn là của các bị can nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao hàng chục nghìn nhà đầu tư dẫu biết việc cổ phiếu đó tăng giá là “thổi giá”, là lừa đảo nhưng vẫn cố tham gia vào? Có phải chỉ vì lòng tham, vì những khoản lãi nhanh, hay vì tâm lý sợ người khác sẽ có lãi còn mình thì không?
Nếu đúng vậy thì phải chăng chính bản thân nhà đầu tư cũng đã góp 1 phần lỗi khi thiếu cẩn trọng với chính những đồng tiền đầu tư quý giá của mình đúng không?
----------------------------------------------------
Trang cá nhân tác giả: https://tinyurl.com/6p7ndj6r
Tài chính
/tai-chinh
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất