Bà Ching trong loạt phim "Pirates of Caribbean", được lấy cảm hứng từ Trịnh Nhất Tẩu
Bà Ching trong loạt phim "Pirates of Caribbean", được lấy cảm hứng từ Trịnh Nhất Tẩu
Trong lịch sử hàng hải thế giới, vấn nạn hải tặc luôn là một trong những hiểm họa hàng đầu. Suốt một thời gian dài từ cuối thế kỷ 17 tới tận đầu thế kỷ 19, nhiều băng nhóm hải tặc từ Á sang Âu, từ phương Tây sang phương Đông liên tiếp hoành hành, gây ra vô số tai ương. Thậm chí có nhiều tên cướp biển đã trở thành huyền thoại vì những chiến tích kinh hoàng của mình. Trong số những kẻ từng đi theo con đường này, có một hải tặc phải nói là cực kỳ đặc biệt. Kẻ ấy không chỉ là một nữ hải tặc, mà còn đường hoàng là một thủ lĩnh nắm trong hay hàng vạn thuộc hạ, gây biết bao kinh hãi cho vùng duyên hải miền nam Trung Quốc vào đầu thế kỷ 19. Đó chính là Trịnh Nhất Tẩu, một “bà hoàng hải tặc” đúng nghĩa.

Thân thế

Trịnh Nhất Tẩu có tên thật là Thạch Dương, nhũ danh Hương Cô nên còn có cách gọi khác là Thạch Hương Cô. Bà sinh năm Càn Long thứ 40 (tức năm 1775) tại Tân Hội, Quảng Đông. Không có thông tin gì về cha mẹ hay người thân, chỉ biết rằng bà kiếm sống bằng việc làm kỹ nữ. Nhờ nhan sắc hơn người, Thạch Hương Cô dần trở nên nổi tiếng và lọt vào mắt xanh của Trịnh Nhất - một tay hải tặc khét tiếng thời ấy. Trịnh Nhất cưới bà vào năm 1801, từ đấy về sau người ta hay gọi Thạch Hương Cô là Trịnh Nhất Tẩu (nghĩa là vợ của Trịnh Nhất). Trịnh Nhất thời trẻ từng cùng anh họ là Trịnh Thất cầm đầu một hạm đội hải tặc lớn, tác oai tác quái khắp vùng vịnh Bắc bộ của Đại Việt. Về sau, khi Nguyễn Huệ đem quân Tây Sơn ra Bắc Hà đã chiêu dụ nhiều nhóm hải tặc để tăng cường sức mạnh cho đội thủy quân. Các nhóm hải tặc này liên tục quấy phá vùng duyên hải miền nam nhà Thanh. Trịnh Nhất đã từng được nhận lệnh của Tây Sơn tham gia nhiều trận đánh chống lại quân chúa Nguyễn và quân Thanh, lập nhiều công trạng. Dưới tay Trịnh Thất bấy giờ có hơn 200 chiến thuyền, là lực lượng ngoài biển lớn nhất thời ấy và được thăng tới chức Đại tư mã, quản lý toàn bộ hải tặc vùng Biển Đông.
Đến năm 1801, sau khi Tây Sơn suy yếu, các nhóm hải tặc dần tìm cách trở về Trung Quốc để tránh sự truy quét ngày càng gắt gao của nhà Thanh. Sau khi Tây Sơn bị diệt và Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, các nhóm hải tặc bị truy lùng và tiêu diệt triệt để. Cuối cùng, thủ lĩnh Trịnh Thất bị bắt và bị xử tử; Trịnh Nhất và các nhóm tàn dư may mắn trốn thoát được và quay về hoạt động ở vùng duyên hải Trung Quốc.
Sau khi trở về Trung Quốc, các nhóm hải tặc lại tiếp tục rơi vào cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa những bang nhóm. Trong số 12 thủ lĩnh hải tặc ở vùng Lưỡng Quảng, 5 người chết trong những cuộc giao tranh kéo dài đến tận năm 1805; 1 người sau đó đầu hàng nhà Thanh. Còn lại 6 người quyết định ngừng chiến và đồng ý thành lập một liên minh chặt chẽ. 6 nhóm được phân biệt bằng màu sắc; lần lượt là Hồng (đỏ), Hoàng (vàng), Thanh (xanh), Lam (lục), Hắc (đen), Bạch (trắng), liên hợp với nhau thống nhất kế hoạch tác chiến. Trong số đó, Hồng Kỳ Bang của Trịnh Nhất là nhóm hải tặc quy mô và mạnh nhất. Nhóm này có từ 600 - 1000 thuyền chiến các loại, lực lượng đông tới hàng vạn người. Ngoài Trịnh Nhất là thủ lĩnh tối cao, dưới quyền ông ta còn có nhiều đầu lĩnh khét tiếng như Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo - con nuôi hai vợ chồng. Dưới sự chỉ huy của họ, Hồng Kỳ Bang dần trở thành một đế chế hải tặc khét tiếng, thao túng toàn bộ vùng biển từ phía Nam Trung Quốc sang đến tận Malaysia.

Vươn tới quyền lực

Năm 1807, trong một lần đem quân tấn công nhà Nguyễn, Trịnh Nhất bỏ mạng. Quyền kiểm soát Hồng Kỳ Bang sẽ thuộc về Trương Bảo; thế nhưng Trịnh Nhất Tẩu quyết định giành lấy quyền lực về tay mình. Bà trở thành tình nhân của Trương Bảo, và thuyết phục anh ta để mình trở thành chỉ huy chiến lược và đầu não của toàn bang. Trương Bảo chấp nhận, để Trịnh Nhất Tẩu trở thành chỉ huy không chính thức của Hồng Kỳ Bang. Bà sẽ lo liệu mọi việc cai quản nội bộ, lên chiến lược và ngoại giao với các bang nhóm khác; còn Trương Bảo sẽ chỉ quản việc chiến đấu và cướp bóc. Mối quan hệ giữa hai người cực kỳ khăng khít, Trương Bảo răm rắp nghe theo lời Trịnh Nhất Tẩu và tham vấn ý kiến của bà trong mọi công việc. Quy mô của Hồng Kỳ Bang nói riêng và liên minh các bang nhóm hải tặc ở Lưỡng Quảng ngày càng lớn mạnh mà mở rộng. Công việc cướp biển cũng được mở rộng nhiều về quy mô và hình thức: cướp bóc giờ đây chỉ là phần thứ yếu bên cạnh những hoạt động khác như bắt cóc, tống tiền, bảo kê. Trịnh Nhất Tẩu còn vươn cả vào nội địa, thiết lập hẳn một mạng lưới gián điệp rộng khắp. Bà còn thành lập nhiều liên minh với các địa chủ, chúa đất để đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm cho Hồng Kỳ Bang. Về phần trị an trong nội bộ Hồng Kỳ Bang, mặc dù Trịnh Nhất Tẩu quản lý việc này, nhưng ba quy tắc cơ bản và nổi tiếng nhất trong bang lại do Trương Bảo đề ra. Ba quy tắc đó là:
- Kẻ nào tự tiện vào bờ mà bị bắt sẽ bị cắt tai rồi bị xử tử công khai. - Mọi của cải cướp được đều phải được nộp lại để phân chia. Người cướp sẽ được hưởng hai phần, còn lại đưa vào kho chung. Kẻ nào trái lệnh sẽ bị xử tử. - Không được giết hại hoặc cưỡng bức những người phụ nữ bị bắt lên tàu. Kẻ nào trái lệnh sẽ bị xử tử.
Bên cạnh ba quy tắc đó của Trương Bảo, Trịnh Nhất Tẩu cũng đề ra thêm nhiều quy định chi tiết hơn về phương thức đối xử với chiến lợi phẩm, tù binh hay phân chia của cải. Nhờ vậy, quy mô của Hồng Kỳ Bang ngày càng được mở rộng và gây cho chính quyền nhà Thanh vô số rắc rối. Liên minh hải tặc dưới sự thống lĩnh của Trịnh Nhất Tẩu lúc cao điểm nhất có đến 200 tàu viễn dương - mỗi chiếc có từ 20 đến 30 súng thần công; 800 tàu chiến nhỏ và vô số các loại thuyền khác. Dưới quyền của bà có từ 7-8 vạn người, tuy nhiên trên thực tế con số đó bao gồm cả thân nhân của những hải tặc. Nếu chỉ tính lực lượng chiến đấu được, thì liên minh hải tặc chỉ có từ 1-2 vạn hải tặc thực thụ. Thế nhưng con số ấy cũng đã quá đủ để reo giắc vô số nỗi kinh hoàng trên các vùng biển.
Trong 3 năm từ 1808 - 1810 xảy ra rất nhiều giao tranh lớn nhỏ giữa liên minh hải tặc và quân triều đình. Nhà Thanh quyết tâm tiễu trừ hải tặc, nên liên tiếp thực hiện các chiến dịch tấn công và bố ráp. Đáp lại, Trịnh Nhất Tẩu cũng cho người đối phó và chống trả quyết liệt. Cả hai bên đều thiệt hại nặng; hàng chục tàu chiến của triều đình bị tiêu diệt, nhiều tướng lĩnh tử trận. Đổi lại, liên minh hải tặc cũng thiệt hại tương tự; và đỉnh điểm là thống lĩnh Bạch Kỳ Bang là Lương Bảo bị tiêu diệt vào tháng 7/1809. Tuy nhiên, đối với Hồng Kỳ Bang, những thiệt hại này vẫn chưa đủ để khiến Trịnh Nhất Tẩu dao động. Bà tổ chức một chiến dịch cướp phá quy mô lớn vào tháng 8/1809 để trả thù với lực lượng tham gia là Hồng Kỳ Bang, Hắc Kỳ Bang và cả hạm đội của riêng bà. Chiến dịch này đã khiến hơn một vạn người bị giết. Đến đầu tháng 9, Trịnh Nhất Tẩu cho người cướp phá và hủy diệt hoàn toàn một thị trấn, 2000 người bị giết. Trong những tháng sau đó, nhiều làng mạc khác cũng bị cướp phá bởi những nhóm hải tặc hung bạo. Lực lượng hải quân triều đình không thể đối phó nổi với những đợt cướp phá cường độ cao này, nhất là sau những thiệt hại lớn của cuộc chiến với liên minh hải tặc. Để đối phó với Trịnh Nhất Tẩu, triều đình quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ của các hạm đội Bồ Đào Nha - vốn cũng đang muốn trả thù các đợt cướp phá của hải tặc ở Ma Cao trước đó.

Chống trả và quy hàng nhà Thanh

Đầu tháng 11/1809, sau thời gian dài cướp phá, hạm đội của Trịnh Nhất Tẩu neo lại ở vịnh Đông Dũng để sửa chữa. Nhận được tin, người Bồ Đào Nha lập tức cho ba tàu chiến tới vây hãm. Trịnh Nhất Tẩu lập tức bắn tin cho quân Hồng Kỳ Bang tới cứu viện. Thế nhưng khi hạm đội của Trương Bảo tới nơi vào ngày 5/11 thì lại không thấy bóng dáng tàu của người Bồ Đào Nha ở đâu cả nên cũng quyết định neo lại để sửa chữa. Chỉ 3 ngày sau, người Bồ Đào Nha đã quay lại với 6 tàu chiến, trong đó có 1 khu trục hạm và vây hãm cả Trương Bảo và Trịnh Nhất Tẩu bên trong vịnh. Đến ngày 20, 93 tàu chiến dưới quyền Đề đốc Tôn Toàn Mưu cũng tới hợp sức, toàn bộ vịnh bị phong tỏa và nhóm hải tặc không thể chạy trốn bằng đường biển. Nhận thấy sự nguy hiểm, Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo nhiều lần cho phản kích, nhưng không thành công do ngược hướng gió. Ngày 23, đám hải tặc cướp thành công một tàu của quân Thanh, toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 74 người bị giết. Tình hình dần trở về thế giằng co giữa hai phe. Tức giận trước việc này, Tôn Toàn Mưu quyết định dùng 43 tàu của mình làm hỏa thuyền để tấn công vào các tàu của Trịnh Nhất Tẩu. Thế nhưng các hải tặc đối phó thành công khi chuyển hướng nhiều tàu vào bờ, dập tắt lửa và dỡ chúng lấy gỗ. Lúc này, hướng gió bắt đầu thay đổi và có hai con tàu bị thổi trôi ngược lại chính hạm đội nhà Thanh. Đến ngày 29, lợi dụng hướng gió, Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo cho toàn bộ các tàu phản kích, phá vòng vây chạy thoát được.
Tuy nhiên, tình thế cũng cho thấy việc làm hải tặc dần trở nên bất lợi hơn. Lực lượng triều đình và hải quân các đế quốc Bồ Đào Nha và Anh tiếp tục tấn công và chiêu dụ các nhóm hải tặc. Trịnh Nhất Tẩu cũng nhận thấy tình hình sẽ ngày càng chuyển biến bất lợi, nên quyết định đồng ý gặp mặt Tổng đốc Lưỡng Quãng để thảo luận về việc đầu hàng vào ngày 21/2/1810. Sau nhiều cuộc thảo luận kéo dài suốt 2 tháng, cuối cùng triều đình chấp nhận một số yêu cầu của Trịnh Nhất Tẩu. Ngày 20/4/1810, Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo chính thức đầu hàng nhà Thanh. Lúc ấy dưới quyền hai người họ có hơn 17000 thuộc hạ, 226 tàu chiến, 1315 khẩu pháo và 2798 khẩu súng các loại. Trong số đó, chỉ có 126 hải tặc bị xử tử, 400 người bị lưu đày, còn lại đều được tha bổng - hoặc về quê làm ăn hoặc sung vào quân đội. Còn với Trương Bảo thì anh ta được phong làm Thiên tổng, được giữ lại khoảng 20-30 tàu làm hạm đội riêng. Trịnh Nhất Tẩu chính thức kết hôn và sống với Trương Bảo đến khi họ Trương qua đời năm 1822. Sau đó, bà cùng con trai Trương Ngọc Lân quay về đất liền, mở một sòng bạc lớn ở Quảng Đông và sống khá yên bình đến khi qua đời năm 1844, thọ 69 tuổi.

Kết

Trong vô số những cái tên từng gây kinh hoàng cho các vùng biển trên thế giới, Trịnh Nhất Tẩu đúng là một cái tên đặc biệt. Thân là nữ nhân, nhưng bà ta lại đường hoàng đứng ở vị trí chỉ huy của không chỉ một bang nhóm, mà cả một liên minh hải tặc có tới hàng vạn người. Trong gần 10 năm hoạt động, Trịnh Nhất Tẩu cùng đồng bọn đã trở thành một thế lực khét tiếng và gây ra không biết bao nhiêu tai họa, khiến triều đình nhà Thanh cũng không tiễu trừ được. Điều đáng nói là Trịnh Nhất Tẩu cũng là một người nhạy bén và thức thời, khi khôn ngoan mà sẵn sàng đầu hàng triều đình lúc có cơ hội. Chính nhờ thế mà bà ta có thể sống phần đời còn lại trong thoải mái và giàu có - một điều quả thực là hiếm thấy trong lịch sử hải tặc.