Những năm tháng được ngồi trên ghế nhà trường, học dưới mái trường đại học, đến bây giờ mỗi khi nhìn lại tôi lại thấy biết ơn vì bản thân đã được truyền thụ những giá trị cao quý của Triết học bởi giảng viên của mình – bởi đối với tôi cô chính là người có sự hiểu biết và niềm đam mê đích thực dành cho bộ môn này. Bằng việc đạt điểm số cao nhất lớp, đã giúp tôi tự tin vào chính kiến của bản thân khi bỏ ngoài tai những suy nghĩ của đa số mọi người:“Những người học giỏi triết bị coi là hâm” hay “triết học chỉ mang tính hàn lâm, học xong lại bỏ đó, chẳng có tác dụng gì”…
Vậy nên ngay khi bắt gặp cuộc thi triết học thực hành trong đời sống, một cuộc thi tôi rất tâm đắc bởi đã xoáy sâu vào tính thực tiễn của nó, giải đáp cho vấn đề mấu chốt liệu: “Triết học là cao siêu hay thực tế?” tôi không chỉ biết ơn ban tổ chức đã tạo cơ hội để bản thân được mang những suy nghĩ cá nhân tới mọi người. Mà tôi thiết nghĩ, đây còn là cơ hội giúp mình có thể góp chút công sức nhỏ bé, lan tỏa những giá trị thực tế của triết học cùng góc nhìn tích cực, khoa học nhưng vô cùng gần gũi tới mọi người. Để ai ai cũng sẽ coi việc được học Triết học, tiếp thu tư tưởng của những nhà khoa học vĩ đại của toàn nhân loại là một điều đáng quý trong đời. Qua đó giúp thế hệ trẻ, những người dễ lầm đường lạc lối phần nào rút ra những hướng đi đúng đắn cho cuộc sống của chính họ.
Tôi rất tâm đắc một câu nói, đại ý: thà rằng hiểu sai còn hơn chỉ hiểu một nửa. Câu nói ấy vận vào triết học thật đúng làm sao. Từ xưa đến nay không chỉ thế hệ sinh viên mà phần đa mọi người đều quan niệm triết học là cao siêu, vĩ mô, xa vời… trong khi chính bản thân họ không biết là do chính mình chưa hiểu hết về triết học. Định kiến này khiến họ khép chặt trái tim, không chịu mở lòng để đón nhận những góc nhìn mới, khoa học hơn và đúng đắn hơn, bởi thế phần đa mọi người không hiểu rõ vị trí của triết học trong cuộc sống, hoặc là đánh giá quá cao để rồi thấy “học cũng như không” hoặc người không chuyên sâu lại dễ đánh giá thấp vai trò triết học. Vậy nên tôi sẽ có ví dụ để các bạn thấy rõ triết học có tồn tại, và thực sự ảnh hưởng to lớn trong cuộc sống như thế nào.
Có lẽ đa số chúng ta đều từng nghe thấy một quy luật khá quen thuộc: “quy luật thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất” đây chính là quy luật, chân lý cơ bản, nền tảng đầu tiên nhập môn triết học của các tân sinh viên. Có thể hiểu một cách giản đơn quy luật này chỉ ra rằng đối với bất kì sự vật, hiện tượng nào, trong đó tồn tại cả loài người chúng ta để có được sự chuyển biến từ bên trong cần đạt được một sự tích lũy nhất định bằng các hoạt động cụ thể từ bên ngoài. Điều này thật chính xác trong cuộc cách mạng tháng 8 thành công của dân tộc ta. Sự kiện mang tính bước ngoặt mở ra một giai đoạn mới nhân dân Việt Nam có quyền làm chủ đất nước sau hàng nghìn năm thực dân đô hộ, tôi sẽ coi kết quả này là “chất” chúng ta đang nói tới.
Nhưng để có được sự thay đổi mang tính bước ngoặt vĩ đại ấy, chúng đến từ rất nhiều những giai đoạn khác nhau mà từ những nhà lãnh đạo, đến toàn bộ nhân dân đều đang từ từ tích lũy về lượng. Chính nhờ những lần thất bại từ phong trào cách mạng lần thứ 1 (1930-1931) được coi là “cuộc tập dượt đầu tiên” đến những phong trào lần 2 (1931-1935), đến phong trào dân chủ 1936 –1939 mỗi giai đoạn chúng ta lại từ từ có sự chuyển biến tốt hơn khi nhận thức về địch, về hoàn cảnh xã hội, về lực lượng của ta… từ đó Đảng và quần chúng tích lũy nhiều bài học quý báu về tư tưởng cho Tổng khởi nghĩa tháng 8 sau này. Như vậy kết quả thành công không phải do ngẫu nhiên, may mắn mà thành, để có được thứ gọi nôm na trong suy nghĩ mọi người “thời cơ chín muồi, ngàn năm có một” thực ra đã được nung nấu hơn chục năm mới có. Đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho thấy triết học đã ảnh hưởng đến cuộc sống trong thực tế của mỗi chúng ta.
Nhìn nhận như vậy chẳng phải triết học rất tuyệt vời hay sao. Cuộc sống mỗi người hóa ra không phải do ngẫu nhiên, chúng ta thay vì bị động phó mặc cho số phận, nhờ triết học ta nhìn nhận được bản chất cuộc sống, tự mình nắm lấy số phận chính mình, chủ động làm việc, học tập… và đạt được thành công như ta hằng ao ước. Nếu các bạn trẻ hiểu được điều này, tôi nghĩ đây sẽ là bước đệm dẫn lối các bạn tới thành công. Tuy nhiên triết học không phải thần thánh để dự đoán tương lai, không phải mọi tư duy áp đặt khuân mẫu triết học đều được coi là lí tưởng.
Có thể nói triết học là những tư tưởng được đúng kết từ sự quan sát, vận dụng tư duy khoa học, logic từ chính quy luật trong cuộc sống – người nhìn ra điều đó được gọi là Triết gia. Có rất nhiều tư tưởng triết học từ nhiều triết gia từ Phương Đông cho đến phương Tây. Vì vậy thay vì ngộ nhận rằng triết học không mang lại giá trị thực tế là hoàn toàn sai lầm, chính vì triết học  được lấy ra từ đời sống, vì vậy chân lí cao nhất của triêt học là phục vụ cho cuộc sống con người.
Có một điều tôi thấy đáng tiếc hiện nay, khi triết học trên lý thuyết luôn được tôn sùng như tư duy khoa học của mọi khoa học, nhưng bản chất con người vốn có sự hoài nghi, người ta sẽ không thể tin điều gì nếu không phải được chứng kiến tận mắt hoặc không thấy ngay giá trị trước mắt. Từ đó đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ khiến các bạn dễ mất niềm tin vào sự tồn tại của triết học. Từ đó có cách nhìn sai lệch về triết học, vì vậy thay vì sử dụng triết học để vận dụng thực hành trong đời sống, các bạn đang tự mình đánh mất cơ hội của bản thân.
Triết học cho ta biết cuộc sống không tĩnh tại mà luôn từ từ thay đổi, cái mới ra đời là sự đào thải của cái cũ, lạc hậu… Và quả đúng là vậy, thể hệ trẻ “Gen Z” chúng ta đương bước vào một kỉ nguyên mới – kỉ nguyên số được gắn với sự văn minh và tiến bộ của toàn nhân loại. Nhưng triết học được ra đời từ rất lâu nhưng chưa bao giờ cũ, bất kể thời kì nào tư tưởng triết học như kim chỉ nam dẫn đường, góc nhìn của những triết gia vĩ đại đã đi trước tư duy của toàn nhân loại, họ đã lường trước các giai đoạn phát triển của xã hội, trong đó là tư tưởng Mac – Lenin, vậy nên để có được cuộc sống tự do, văn minh như ngày nay, mỗi thế hệ trẻ chúng ta đều đang mang ơn, có được cuộc sống tốt hơn nhờ vào những tư tưởng của những triết gia vĩ đại đó.
Vậy thì hỡi các bạn trẻ, chủ nhân của hàng trăm năm sau, tại sao chúng ta không học tập, kế thừa và vận dụng triết học vào đời sống để làm giàu cho bản thân, sau đó sẽ là làm giàu cho người thân yêu bên cạnh, cho quê hương đất nước… cho cả những thể hệ giống như chúng ta trong tương lai?
Thực ra thực hành triết học không có gì cao siêu cả, nó luôn gần gũi, tồn tại xung quanh mỗi chúng ta. Chính vì cuộc sống luôn tồn tại hai mặt là tốt và xấu, những lúc hạnh phúc và cả những thăng trầm, đau khổ. Cuộc sống hiện đại như ngày nay càng kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp hơn về sự tha hóa nhân cách, sai lệch tư duy bởi nhiều thông tin được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội. Nắm lấy sợi dây triết học, và “tu tập” “thực hành” nó sẽ giúp ta giữ được sự tỉnh táo, minh mẫn trong tư duy, từ đó đứng trước những cơ hội, sự lựa chọn, thử thách… ta sẽ dễ dàng định hướng được lối đi cho mình. Đó cũng là cách triết học được thực hành trong đời sống giải đáp cho câu hỏi làm sao để giúp mỗi chúng ta giữ tâm trí bình an trước những biến cố.
Với tôi tuy tư tưởng triết học có mặt tại nhiều quốc gia, từ phương Đông cho đến phương Tây. Nhưng điều quan trọng nhất trước khi bắt tay vào thực hành triết học chúng ta phải hiểu rõ về chính mình để chọn lọc những tư tưởng, hướng đi phù hợp. Tôi tâm đắc tư tưởng triết học duy vật biện chứng Mac Lenin đơn giản vì sự khoa học, dễ hiểu, là cội nguồn nền tảng căn bản để quy định những hệ tư tưởng “cao siêu” hơn. Triết học Mac Lenin xuất phát từ con người, từ thực tiễn, chỉ ra những quy luật của sự vận động, phát triển của xã hội và của tư duy con người. Mục đích của triết học Mac lenin là nâng cao hiệu quả của quá trình nhận thức và hoạt động thực tiễn nhằm phục vụ lợi ích con người. Chức năng thế giới quan và chức năng phương pháp luận là 2 chức năng của triết học Mac Lenin. Từ đó khi gieo vào bản thân những “hạt mầm” tư tưởng triết học Mac Lenin từng ngày, tôi hiểu mình đang tự tạo cho mình một điểm tựa tinh thần, giúp tôi có niềm tin vào chính mình trong hiện tại. Chính từ niềm tin này chúng ta có thể dễ dàng bình tĩnh, an yên để tìm ra cơ hội trong khó khăn.
Chủ nghĩa Mac Lenin đã cho thấy “Ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan” chỉ là cái “vật chất bên ngoài” di chuyển vào đầu óc con người, sự phản ảnh này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chi phối như phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm sống… từ đó kết quả phản ánh đối tượng mỗi người sẽ khác nhau, góc nhìn tích cực, tiêu cực chỉ mang tính tương đối. Hiểu như vậy khi đối mặt với biến cố, ta có thể dễ dàng chuyển hóa góc nhìn của mình thay vì tập trung vào đối tượng, ta có thể thay đổi ý thức của mình trở nên đơn giản hóa,tích cực và lành mạnh hơn. Vì chính triết học cũng chỉ ra ý thức cũng tác động ngược lại đến vật chất – thông qua hành động của con người.
Liên hệ dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp hiện nay, chúng ta có thể học cách thích nghi trong những hoàn cảnh éo le, tập thay đổi bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh, tạo ra sự bền bỉ, kiên trì và nghị lực trong suy nghĩ… và đặc biệt ta sẽ biết sống vì nhau hơn, biết nương tựa, đoàn kết vào đồng bào mà trước nay vì bận rộn lo nghĩ cho bản thân mà ta đã lãng quên. Và chắc hẳn khi đại dịch khép lại, sẽ mở ra một nền “văn minh tư tưởng” dân tộc lớn trong cộng đồng.
Đó là cách tôi đã học và thực hành triết học trong đời sống trước những biến cố, còn bạn thì sao?