Cuộc thi viết: Triết học thực hành trong đời sống.
Chúng ta đã biết, xã hội đang ngày càng phát triển, tư tưởng con người tiến bộ hơn trước, chất lượng cuộc sống cũng được nâng lên rất nhiều, gần như không còn phải lo lắng về các vấn đề cơ bản như: cơm ăn áo mặc, nước sạch, thiếu thuốc men, nhà ở,.... Bù lại, khi chúng ta càng tiến xa hơn, càng phát triển hơn, luôn luôn có những mối lo, nguy hiểm, những hệ lụy phát sinh đi kèm tương ứng. Những nỗi lo về chính trị, thiên tai cho đến vấn đề tiền bạc, gia đình cho đến sự phức tạp trong tâm lý mỗi người. Vậy nên, con người dù cho sống trong một cuộc sống đầy đủ về mặt vật chất nhưng ở đâu đó nỗi hoang mang, sợ hãi, những cảm xúc tiêu cực vẫn tồn tại trong trái tim của mỗi chúng ta, đợi chờ một thời cơ, lớn lên và xâu xé trái tim con người. Điều đó, khiến ta khó có thể cảm thấy được sự bình an trong tâm trí ở giữa chốn muôn vàn thị phi, cám dỗ mang tên cuộc đời.
Nói như trên, có thể nghĩ rằng con người là một giống loài yếu đuối, mỏng manh. Chúng ta đã trải qua bao nhiêu khó khăn, qua bao nhiêu giai đoạn lịch sử kể từ lúc mới xuất hiện trên hành tinh này cho đến bây giờ. Những khó khăn về vật chất đã được khắc phục bởi chính sự sáng tạo, tìm tòi, học hỏi của con người. Và những khó khăn về tinh thần cũng vậy. Tri thức là kết quả của hàng ngàn năm đúc kết, chọn lọc ra những tinh hoa của nhân loại, càng đi xa chúng ta lại càng tiến gần hơn đến với chân lý, chạm đến những lý tưởng cao đẹp, hướng ta đến những điều tốt đẹp, lành mạnh đem lại sự cứu rỗi trong tâm hồn ta. Và để làm được điều đó, ta cần có triết học.
Triết học dạy ta về cách tư duy, một cách tư duy khác thường so với các bộ môn khoa học khác, cho ta thấy cái nhìn bao quát, toàn diện và cơ bản nhất đối với một chủ thể nào đó. Triết học không phải là một thứ gì đó xa lạ hoặc cao siêu đến mức chỉ có những bậc hiền triết, vĩ nhân mới tiếp cận được. Nó đã và luôn hiện hữu trong đời sống của chúng ta, trong mọi lĩnh vực khoa học. Và từ những câu hỏi bản lề như: Ta là ai? Ý nghĩa sự sống là gì? Tại sao ta lại tồn tại? cho đến những vấn đề cơ bản, đời thường nhất trong cuộc sống, dần dần triết học vun đắp sự bình an trong tâm trí, bảo vệ trái tim chúng ta trước những biến cố của cuộc đời.
Để triết học có thể phát huy được vai trò của nó, ta phải bắt tay vào thực hành.
Và triết học được thực hành như thế nào? 
Trước tiên, hãy luôn tâm niệm rằng triết học luôn luôn là con đường đúng đắn, là chiếc phao cứu sinh, là ngọn đèn soi sáng ta trong những lúc tăm tối nhất, ta đưa triết học vào trí óc như thể nó là một trong những  thành phần chủ đạo của não bộ. Để làm được điều này, không có bí quyết hay cách làm nào trông cao siêu, ghê gớm cả. Chỉ đơn giản rằng, mỗi ngày đọc một ít, đọc ít nhưng nghiền ngẫm thêm chút và trong cuộc sống đôi khi ta lại nhận ra rằng những câu nói, lời khuyên của các triết gia để lại, chúng đúng đắn đến không ngờ. Ví dụ như một câu nói rất hay của Socrates: “ Những bộ óc lớn thảo luận về những ý tưởng, bộ óc trung bình bàn luận về những sự kiện còn những bộ óc non yếu chỉ nói chuyện về con người." Bạn có thể phần nào liên hệ  nó với thực tế mà đúng không? Và vì tính đúng đắn của nó, ta đã tạo được một lòng tin với triết học. Một lòng tin vững chắc không thể bị phá vỡ, để cho dù ta có lạc lối đến đâu, từ sâu trong tâm trí ta không bao giờ nghi ngờ triết học.
Thứ hai, củng cố thêm kiến thức. Nếu chỉ liên hệ được một chút thì chưa đủ, ta phải tiếp tục đi sâu hơn, sâu hơn nữa. Ta vượt qua mốc nhận ra được sự liên hệ giữa các câu nói và thực tế, đó là bắt đầu nhìn sự vật, tình huống bằng một cái nhìn bao quát và rõ ràng hơn. Thay vì trông chúng mơ hồ, ta sẽ lại gần, ngắm nghía chúng thật kĩ càng. Đặt ra những câu hỏi như là: Tại sao nó lại xảy ra? Nó đã diễn biến như thế nào?  Vì sao nó lại trông như vậy? Mọi người suy nghĩ thế nào về nó? Và kết quả mà nó đem lại là gì? Đừng ngại đặt câu hỏi,  mỗi ngày biết thêm một chút kiến thức, học thêm một chút kỹ năng tư duy vì suy cho cùng triết học là một bộ môn dạy cho ta cách tư duy mà. Với mỗi câu hỏi bạn đặt ra, ngoài câu trả lời bạn thấy bên ngoài, hãy thử chia nhiều khả năng hơn, đừng để bản thân mình cuốn theo cái nhìn phiến diện từ đám đông, vì những gì chúng ta thấy trước mắt chỉ là một phần của sự thật hoặc thậm chí còn không phải sự thật. Ta càng hiểu biết thì ta sẽ càng thấy được nhiều thứ hơn nữa, đọc sách, đọc một cách thông minh, chọn lọc, sẵn sàng tiếp nhận những thứ mới mẻ, lắng nghe, thấu hiểu,... là những cách để tăng vốn hiểu biết triết học. 
Cuối cùng, đem nó vào thực tế thôi.
Khi có triết học, ta sẽ thấy một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới mà con người chỉ là những cá thể, những hiện tượng tự nhiên và xã hội chúng chỉ đơn thuần là diễn ra theo một cách tự nhiên, như cách mà bạn mở vòi nước và nước chảy ra ấy, ở đó một người doanh nhân thành đạt trong mắt bạn không còn là một hình ảnh trông tỏa sáng, lớn lao nữa, anh ta chỉ là một cá thể loài người mà thôi. Và những điều tốt xấu cũng vậy, chúng chỉ đơn thuần là một trong những nhánh rẽ ra từ nguyên do, diễn biến, ngoại hình hay kết quả từ một sự vật, sự việc nào đó và nếu bạn nhìn những thứ được cho là xấu xa, tệ hại, ngu ngốc bằng góc nhìn khác, đào sâu hơn, biết đâu ta lại tìm thấy được kho báu bị ẩn đi thì sao nào? Kho báu đó có thể là kiến thức, kinh nghiệm quý giá, cơ hội hay thậm chí là chứa đựng cả những điều tốt đẹp. 
Mỗi sáng thức dậy, tự nói với bản thân rằng hôm nay sẽ là một ngày thật tuyệt vời, ta tiếp xúc với nhiều người, học hỏi từ họ, đón nhận những điều tốt đẹp, ta săn tìm báu vật ẩn chứa trong những gì được cho là xấu xí, tầm thường nhất và ta sử dụng những thứ ấy, trở thành công cụ hỗ trợ trong cuộc sống, thêm chúng vào hành trang cuộc đời.
Thời nay, các thiết bị điện tử công nghệ rất phổ biến nhưng đừng dành quá nhiều thời gian cho chúng, thi thoảng pha một tách trà nhâm nhi, giở một cuốn sách mà bạn tâm đắc ra đọc, đoán thử xem vì lý do gì mà tri thức trong cuốn sách bạn đọc được để lại và lưu truyền, bởi chỉ khi hiểu được mục đích ta mới có thể xác định chính xác hướng đi và những gì ta cần làm. 
Ra ngoài hoạt động nhiều hơn, giao tiếp với mọi người xung quanh, mở lòng, bao dung với họ, họ sẽ cho ta thấy những thứ mà ta chưa từng được biết đến. Rèn luyện một tinh thần ham học hỏi, tò mò, sẵn sàng tiếp nhận mọi thử thách, anh hùng sau khi đánh bại kẻ thù sẽ luôn luôn có phần thưởng chờ đợi anh ta và bạn cũng vậy. 
Có các thói quen lành mạnh như: tập thể dục, ăn uống điều độ, thiền định,... cũng là những cách để thực hành triết học. 
Và khi có triết học rồi, bạn dự đoán xem mình sẽ thay đổi như thế nào nào? Một cái nhìn rõ ràng, đa chiều xem xét mọi thứ theo nhiều hướng. Một tinh thần ham học hỏi, tích lũy nhiều tri thức đủ hiểu biết để không bị lu mờ trước đám đông. Một tính cách lạc quan, yêu đời biến những bất lợi, khó khăn thành cơ hội. Một tâm trí vững chắc, không dễ bị lung lay hay tác động. Và thêm lợi ích phụ là có một lối sống lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tổng kết lại, triết học rất quan trọng, triết dạy ta cách tư duy, mở mang tầm mắt, giúp ta có sức mạnh đương đầu trước những biến cố, cám dỗ trong cuộc đời. Triết học dẫn lối, soi sáng con đường ta đi, cho ta một cái đầu lạnh và một trái tim ấm áp, một tâm hồn thanh tịnh, an nhàn. Bởi vì thay đổi bản thân thì đồng thời ta cũng thay đổi thế giới quan của mình. Hãy luôn tự nói rằng, ngày mai luôn luôn tốt hơn hôm nay, bởi vì ngày sau ta sẽ là một phiên bản “ta” khác, một phiên bản “ta” mạnh mẽ hơn, làm chủ được chính mình, sẵn sàng đấu tranh với những thử thách và sẵn sàng đón nhận những điều tích cực trong cuộc sống. 
Tất cả những điều đó là nhờ có triết học.