Truyện kể rằng một lần Socrates đứng ngắm một gian hàng bán đủ loại hàng hóa. Cuối cùng, ông nói “Thật lắm thứ mà tôi chẳng cần đến!”. Câu nói đó có lẽ đã là phương châm cho trường phái triết học Yếm thế do Antisthenes sáng lập ở Athens vào khoảng năm 400 trước Công nguyên. Antisthenes đã là một học trò của Socrates, và là người đặc biệt chú ý đến sự thanh đạm của Socrates.


Các triết gia Yếm thế nhấn mạnh rằng hạnh phúc chân chính không có trong các thuận lợi bên ngoài chẳng hạn sự giầu sang, quyền lực chính trị và sức khỏe tốt. Hạnh phúc chân chính là ở sự không phụ thuộc vào những thứ ngẫu nhiên và phù du đó. Và bởi vì hạnh phúc không bao gồm những lợi ích thuộc kiểu đó, nó nằm trong tầm tay của mọi người. Hơn nữa, một khi đã tìm được, nó sẽ không bao giờ bị tuột mất.
Triết gia Yếm thế nổi tiếng nhất là Diogenes, một học trò của Antisthenes. Người ta kể rằng ông chỉ sống một cái thùng và chẳng có gì ngoài một cái áo choàng, một cây gậy và một túi bánh mì. (Do vậy chẳng dễ gì mà ăn trộm được hạnh phúc của ông!). Một hôm, ông được Alexander Đại Đế đến thăm khi ông đang ngồi sưởi nắng bên cạnh cái thùng. Vị hoàng đế đứng trước mặt ông và hỏi xem ông có mong muốn điều gì không. “Có,” Diogenes trả lời. “Tôi muốn ngài đứng tránh sang bên. Ngài đang chắn mặt trời.” Như vậy, Diogenes cho thấy ông hạnh phúc và giầu có chẳng kém người đàn ông vĩ đại đứng trước mặt mình. Ông có mọi điều mà ông muốn.
Các triết gia Yếm thế tin rằng con người không cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Thậm chí họ không cần lo âu về đau khổ bệnh tật và cái chết. Họ cũng không để bản thân phải dằn vặt bởi sự quan tâm đến những nỗi thống khổ của người khác.
Ngày nay, từ “yếm thế” hay “chủ nghĩa yếm thế” đã mang ý nghĩa về sự hoài nghi nhạo báng về sự chân thật của con người, và hàm ý sự vô cảm trước nỗi đau khổ của người khác. [*]
Các triết gia Yếm thế đã có công trong sự phát triển của trường phái triết học Khắc kỷ tại Athens vào khoảng năm 300 trước Công nguyên. Người sáng lập ra trường phái này là Zeno, người đảo Síp. Ông thường tập hợp học trò dưới một mái hiên lớn. Từ khắc kỷ (stoic) trong tiếng Hy Lạp bắt nguồn từ từ mái hiên (stoa). Chủ nghĩa Khắc kỷ sau đó đã có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa La Mã.
Cũng như Heraclitus, các triết gia Khắc kỷ tin rằng mọi người đều là một phần của cùng một tri thức con người - hay “logos”. Họ cho rằng mỗi người là một thế giới thu nhỏ hay “tiểu vũ trụ” - một phản ánh của “đại vũ trụ”. Từ đó dẫn tới tư tưởng rằng tồn tại một lẽ phải phổ quát - cái gọi là quy luật tự nhiên. Và vì quy luật tự nhiên này dựa trên lý tính phổ quát phi thời gian của con người, nó không thay đổi theo thời gian và không gian. Ở đây, các nhà triết gia Khắc kỷ đã đứng về phía Socrates và phản bác các Học giả.
Quy luật tự nhiên chi phối toàn bộ loài người, kể cả nô lệ. Các triết gia Khắc kỷ coi chế độ pháp luật của nhiều nước chỉ là những sự bắt chước không đầy đủ quy luật có sẵn trong chính tự nhiên. Cũng như vậy, các triết gia Khắc kỷ đã xoá bỏ sự khác biệt giữa cá nhân và vũ trụ, họ còn phủ nhận mọi mâu thuẫn giữa “tinh thần” và “vật chất”. Chỉ có một thiên nhiên, họ quả quyết. Kiểu tư tưởng này được gọi là thuyết nhất nguyên (ngược lại với thuyết nhị nguyên rõ ràng hay thực tại kép của Plato).
Là những đứa con đích thực của thời đại mình, các triết gia Khắc kỷ thực sự là những “người theo chủ nghĩa thế giới” ở chỗ họ cởi mở trước văn hóa đương thời hơn các “triết gia thùng gỗ” (các triết gia Yếm thế). Họ kêu gọi sự quan tâm đến tình bằng hữu của con người, họ quan tâm nhiều đến chính trị, nhiều người trong số đó, nổi bật nhất là hoàng đế La Mã Marcus Aurelius (121 - 180), đã trở thành nhữnh chính khách năng động.
Họ cổ vũ văn hóa và triết học Hy Lạp tại La Mã. Một trong số những người nổi bật nhất là nhà chính trị, nhà triết học và nhà hùng biện Cicero (106 - 43 TCN). Ông là người định hình cho khái niệm “chủ nghĩa nhân văn” - đó là một quan niệm sống đặt cá nhân vào trung tâm. Vài năm sau, triết gia Khắc kỷ Seneca (4 TCN - 65) nói rằng “đối với loài người, loài người là vật linh thiêng”. Câu nói đó đã là khẩu hiệu cho chủ nghĩa nhân văn kể từ đó.
Ngoài ra, các triết gia Khắc kỷ còn nhấn mạnh rằng tất cả các quá trình tự nhiên như bệnh tật và cái chết đều là những quy luật bất diệt của tự nhiên. Do vậy, con người phải học cách chấp nhận số phận của mình. Không có cái gì xảy ra một cách tình cờ. Mọi sự xảy ra đều là tất yếu, do vậy, chẳng ích gì mà phàn nàn khi số mệnh đến gõ cửa. Họ cho rằng, con người còn phải tiếp nhận những sự kiện hạnh phúc trong cuộc sống một cách điềm tĩnh. Ở đây, ta thấy sự gần gũi đối với các triết gia Yếm thế - những người cho rằng mọi sự kiện bên ngoài đều không quan trọng. Ngày nay, ta vẫn dùng từ bình tĩnh khắc kỷ (stoic calm) để chỉ những người không để bị cuốn theo tình cảm của mình.
[Jostein Gaarder]
__________
Chú thích:
[*]: Hiện tại, đôi khi họ gọi "chủ nghĩa yếm thế" bằng cái tên "mĩ miều" là "chủ nghĩa chó cắn", link: https://tuoitre.vn/chu-nghia-cho-can-va-cach-duong-dau-2019010314530496.htm