Lời đầu tiên

Taking of the Hôtel de Ville, Amédée Bourgeois.
Taking of the Hôtel de Ville, Amédée Bourgeois.
Kính chào quý độc giả,
Bài viết ngày hôm nay là phần tiếp theo của bài viết “Chuyện cười tháng Bảy: Tifosi, Barbie, Blackpink, đường lưỡi bò, và r/place” được đăng tải vào tháng Bảy năm 2023. Tôi vốn dĩ không có ý định đưa bài viết đó thành một xê-ri (series) dài, nhưng vì các thành phần Sô vanh chủ nghĩa năm nào cũng tấu hài, tôi phải viết một bài tổng hợp các câu chuyện cười mang tính giáo dục, để cho các trí thức, những người có học thức, và các cháu thiếu nhi được một tràng cười vui vẻ, giòn giã. Giả định trong trường hợp bài tổng hợp năm sau trùng tháng với bài tổng hợp năm nay, hoặc khi toàn bộ mười hai tháng đều đã được dùng, tôi sẽ có chú thích thêm để xác định rõ, tránh nhầm lẫn giữa các bài viết.
Tuy thời điểm tôi bắt đầu gõ bài viết hôm nay không phải là những ngày cuối cùng của tháng Tám, tôi cho rằng những sự kiện tấu hài diễn ra trong suốt nửa tháng đã quá đủ để được viết thành một bài tổng hợp. Tất nhiên, tôi cũng không rõ trong vòng nửa tháng còn lại, các chú hề Sô vanh chủ nghĩa sẽ đem lại tiếng cười nào cho chúng ta. Quý độc giả vì vậy hãy tận hưởng những tràng cười từ bài viết hôm nay.
Cơ sở lí luận của bài viết cũng giống như bài Chuyện cười tháng Bảy, nên tôi sẽ không viết lại thành một phần riêng để tránh trùng lặp. Nếu quý độc giả có hứng thú thì có thể tìm bài viết Chuyện cười tháng Bảy để đọc thêm. Những lí luận mới, bổ sung sẽ được tôi trình bày rải rác trong bài.
Tiếp thu ý kiến của quý độc giả, cũng như tránh những phiền phức nhất định từ những kẻ Sô vanh chủ nghĩa, những kẻ chăm chăm nhìn vào một từ để phủ định toàn bộ nội dung, tôi sẽ không dùng từ “các cháu” để gọi những kẻ này nữa, dù bọn chúng đa phần là học sinh nhỏ tuổi, hoặc những kẻ đã có tuổi nhưng tư duy như đứa con nít mới lên ba.
Và giờ, kính mời quý độc giả thưởng thức những màn tấu hài đỉnh cao đến từ những kẻ Sô vanh chủ nghĩa.

Phần I: Olympics ở Paris và cú bào chữa vội vàng (mà ngu)

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trước khi vào phần chính, kính mời quý độc giả quan sát tấm ảnh phía bên dưới để hiểu phương pháp luận và cơ sở lí luận của các thành phần Sô vanh chủ nghĩa:
Đó là không gì cả.
Theo khảo sát được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Việt Nam đứng thứ năm sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi về mức độ kém văn minh nhất trên Internet. Năm 2019, Việt Nam tăng 7 điểm ứng xử kém văn minh so với năm 2018. Người tham gia khảo sát đều cho biết họ gặp những hành vi thiếu văn minh trên không gian mạng ngày càng nhiều trong thời gian gần đây, với 70% người được khảo sát cho biết họ đã gặp phải một trong 21 hành xử không đúng mực trong một tháng gần đây, 97% thừa nhận họ đã bị tổn thương từ những hành xử đó trên không gian mạng, và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa. Các chủ đề mà người Việt hành xử thiếu văn minh trên không gian mạng gồm: quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc và quan điểm chính trị (23%). [1]
Với tư duy vô văn hóa, vô giáo dục, cơ sở lí luận và phương pháp luận của những thành phần Sô vanh chủ nghĩa là chửi đổng, và đặc biệt nhất là đấu tố hòng thỏa mãn căn tính bệnh hoạn của chúng.
Đấu tố là một nét văn hóa rất đặc trưng trong Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Trong Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc thập niên 1960, lực lượng Hồng vệ binh, chủ yếu bao gồm học sinh, sinh viên, được coi là xung kích trong việc đấu tranh, phá bỏ những tập tục hủ lậu trong xã hội, nhưng về bản chất thì lực lượng này là hệ quả của cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Trung Quốc được dẫn đầu bởi Mao Trạch Đông. Dần dần, lực lượng này đã trở nên quá khích vì ảo tưởng sức mạnh. Với quyền lực trong tay, chúng đã đấu tố, tức là buộc tội một cách vô căn cứ những người mà chúng cho là phản cách mạng, phản Mao. Chúng đã sử dụng bạo lực tra tấn, phá hoại, và cướp đoạt tài sản, nhà cửa, bức tử, giết hại cả những cán bộ, đảng viên, và tướng lĩnh bị chúng cho là thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nạn nhân của các Hồng vệ binh bao gồm cả các lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc như Lưu Thiếu Kỳ và Bành Đức Hoài. Sử gia Daniel Chirot nhận định rằng khoảng ít nhất một triệu cho đến hai chục triệu người đã mất mạng trong Cách mạng văn hóa [2].
Văn hóa đấu tố đó đã một lần nữa xuất hiện tại Việt Nam ngay trên không gian mạng. Trong phần II, tôi sẽ nói chi tiết hơn, nhưng biểu hiện của văn hóa đấu tố này đã được thể hiện sơ qua dựa trên cách các thành phần Sô vanh chủ nghĩa đấu tố nước Pháp và Phương Tây vì thành tích... 0 huy chương vàng, 0 huy chương bạc, 0 huy chương đồng của đoàn Việt Nam tại Olympics năm nay.
Để bào chữa cho kỷ lục hai kỳ Olympics liên tiếp “đoạt” 0-0-0, các thành phần Sô vanh chủ nghĩa đã dùng lí luận bài Phương Tây theo một cách không thể nực cười hơn. Đó là “vì kỳ Olympics lần này nhiều tai tiếng, đoàn Việt Nam không cần huy chương” (?!)
Có thật sự là như vậy? Tôi kính mời quý độc giả xem niên biểu của từng sự kiện tại Olympics mà tôi quan sát được.
Trước 31 tháng 7, các thành phần Sô vanh chủ nghĩa bào chữa rằng do mới thoát chiến tranh, cấm vận nên đoàn Việt Nam thực hiện chưa tốt.
Kết quả: Ngày 31 tháng 7, Triều Tiên, một quốc gia đang bị cấm vận, có huy chương bạc môn nhảy cầu. Ukraine, một nước đang chịu chiến tranh, có huy chương vàng môn nhảy cao vào ngày 4 tháng 8.
Ngày 2 tháng 8, các thành phần Sô vanh chủ nghĩa lên bài cười vận động viên bắn súng Hàn Quốc Kim Ye-ji vì cô này bị loại do đứng ngắm quá lâu, trong khi tung hô vận động viên Việt Nam là xạ thủ Trịnh Thu Vinh.
Kết quả: Xạ thủ Trịnh Thu Vinh không có huy chương ở tất cả hạng mục, Kim Ye-ji thì đã đoạt huy chương bạc hạng mục bắn súng 10m. Xạ thủ Kim Ye-ji còn trở thành một hiện tượng mạng vì phong thái ngầu của cô này khi ngắm bắn.
Cùng ngày, các thành phần Sô vanh chủ nghĩa đăng bài xạ thủ Hoàng Xuân Vinh “cũng ngầu không kém” từ… tám năm trước để đối phó hiện tượng mạng xạ thủ Thổ Nhĩ Kỳ Yusuf Dikeç.
Kết quả: Internet thế giới vẫn đang bàn luận rôm rả về xạ thủ Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chẳng ai, trừ người Việt, nhớ tới Hoàng Xuân Vinh. Tôi thậm chí còn không rõ những thành phần Sô vanh chủ nghĩa có xem trực tiếp phần thi của Hoàng Xuân Vinh tại Olympics Rio 2016 hay không, riêng tôi thì có. Chuyện thực sự sẽ rất buồn cười nếu các thành phần Sô vanh chủ nghĩa tự hào thành tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh dù chưa từng biết ông là ai hay xem trực tiếp phần thi của ông. Trở lại với xạ thủ Thổ Nhĩ Kỳ, giả định rằng ông có thể bị quên lãng trong tương lai, ông Yusuf cũng đã thành một meme và hiện tượng mạng được thế giới quan tâm.
Từ đầu Olympics cho đến trước ngày 3 tháng 8, các thành phần Sô vanh chủ nghĩa tiếp tục đăng bài “ngạo nghễ” Đông Nam Á có thành tích 0-0-0.
Kết quả: Đến cuối Olympics, Philippines có 2 huy chương vàng, 2 huy chương đồng. Indonesia có 2 huy chương vàng, 1 huy chương đồng. Thái Lan có 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Mã Lai và Singapore lần lượt có có 2 huy chương đồng và 1 huy chương đồng. Việt Nam? 0-0-0. Một chuyện đáng buồn cười hơn là khi Philippines có huy chương vàng, báo đài đăng tin “Đông Nam Á có huy chương vàng” thay vì “Philippines có huy chương vàng” để ngạo nghễ ké.
Không rõ xu hướng lấy thành tích các kỳ Olympics học thuật quốc tế cho học sinh phổ thông ra để bào chữa cho thất bại tại Olympics Paris xuất hiện từ lúc nào, nhưng tôi tiện thể sẽ lật tẩy cái ảo tưởng này nốt.
Việc Việt Nam đoạt thành tích cao tại các kỳ Olympics học thuật và việc Việt Nam có thành tích 0-0-0 tại Olympics thể thao hoàn toàn chẳng liên quan gì nhau, không có mối quan hệ lô-gích hay mối quan hệ nhân quả, và không thể lấy cái này bào chữa cho cái kia.
Thành ngữ có câu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, trường hợp này đã biểu hiện quá rõ nét. Đây chính xác là loại ngụy biện red-herring (cá trích đỏ), một dạng ngụy biện phi hình thức (informal fallacy).
Ngụy biện cá trích đỏ là loại ngụy biện đưa ra những phát ngôn đánh lạc hướng, gây hiểu nhầm khi tranh luận, diễn giải một câu hỏi hoặc đề tài quan trọng. Cơ bản là phát ngôn đó chẳng liên quan gì đến chủ đề đang tranh luận [3]. Hãy lấy ví dụ sau:
- A: Ta cần phải giải quyết vấn đề học phí đại học tăng quá cao. Nó đang khiến cho nhiều sinh viên không thể tiếp cận được giáo dục đại học.
- B: Nhưng còn việc học tập căng thẳng ở Đại học thì sao? Sinh viên hiện cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý và tâm thần.
Trong trường hợp trên, B đưa ra chủ đề về sức khỏe tâm thần, và nó chẳng liên quan gì đến vấn đề ban đầu là chi phí đại học tăng cao. Nó khiến cho cuộc tranh luận bị lạc hướng, sao nhãng, và đây chính xác là red-herring.
Các thành phần Sô vanh chủ nghĩa đang làm tương tự khi lấy Olympics học thuật cho học sinh phổ thông để bào chữa cho thất bại tại Olympics thể thao. Thật sự là đáng buồn cười và đáng thương hại.
Thước đo của một nền khoa học cũng chưa bao giờ là số lượng huy chương các cuộc thi học thuật dành cho học sinh phổ thông mang tính chất giao lưu. Nó được tính từ nhiều yếu tố, chẳng hạn như các số lượng các giải thưởng lớn như Nobel hay Fields, chất lượng nghiên cứu khoa học được xuất bản, chất lượng giáo dục Đại học, tính liêm chính khoa học của nền học thuật đó, số lượng bằng sáng chế và phát minh,... Những học sinh có giải thưởng IMO, IPhO, IChO,... đều rất xuất sắc so với những bạn đồng trang lứa, nhưng những bạn này không thể có chuyên môn như các giáo sư đại học được. Những bạn học sinh này sẽ còn có tương lai rộng mở phía trước nếu theo đuổi con đường học thuật, và tất nhiên đó là tương lai của các bạn này, không phải của ai khác.
Và cũng tránh trường hợp các thành phần Sô vanh chủ nghĩa lấy giáo sư Ngô Bảo Châu ra để bào chữa, giáo sư vốn được đào tạo chuyên sâu tại Pháp, cụ thể là tại École Normale Supérieure. Giáo sư cũng đã nhập quốc tịch Pháp trước khi nhận giải, dù vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Hơn nữa, chẳng phải thường ngày những kẻ Sô vanh chủ nghĩa công kích giáo sư là “phản động” hay sao? Tư duy nước đôi gì ở đây?
Cuối cùng, việc khâu tổ chức Olympics Paris năm nay tệ hại là sự thật, và việc đoàn Việt Nam trắng tay cũng là sự thật. Hai sự thật này không có mối quan hệ nhân quả, lô-gích gì với nhau. Một lần nữa, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Việc lấy khâu tổ chức tệ hại để biện minh cho thất bại của đoàn Việt Nam là ngụy biện red-herring.
Bài học rút ra từ đợt Olympics lần này là các thành phần Sô vanh chủ nghĩa có làm gì, ta cứ làm ngược lại là ắt thành công.

Phần II: Cachmangmauphobia

Ảnh: Trần Tiến.
Ảnh: Trần Tiến.
Theo một thứ lô-gích quái đản nào đó, bạn không sinh đẻ thì bạn làm cách mạng màu. Tôi gọi những hình thức spam cách mạng màu kiểu này là cachmangmauphobia.
Về mặt định nghĩa Tâm lý học, “phobia”, hay hội chứng sợ, là một dạng rối loạn lo âu, tức là một dạng rối loạn cảm xúc được đặc trưng bởi cảm giác lo sợ lan tỏa và thường đi kèm theo các triệu chứng thần kinh tự chủ như đau đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, siết chặt ở ngực,... “Phobia” có thể được hiểu như là một nỗi sợ hãi kéo dài, dai dẳng về một sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó, và người mắc phải phobia thường phản ứng thái quá, thiếu tự chủ mỗi khi tiếp xúc hay gặp phải sự vật, hiện tượng, đối tượng đó. [4]
Ví dụ, hội chứng sợ nhện (Arachnophobia) có gốc từ nguyên từ Tiếng Hy Lạp, với ἀράχνη (aráchnē) có nghĩa là nhện, và φόβος (phóbos) có nghĩa là nỗi sợ hãi. Người mắc phải hội chứng sợ nhện có xu hướng căng thẳng, sợ hãi tột độ và phản ứng thái quá khi thấy hình ảnh con nhện hoặc bất cứ những gì có hình dáng con nhện.
Một cách tương tự, cachmangmauphobia có nguyên lý hoạt động giống như các “phobia” khác. Về mặt Từ nguyên học và Ngữ nghĩa học, từ cachmangmauphobia được ghép với nguyên tắc khá giống với arachnophobia mà tôi lấy ví dụ ở phía bên trên, với “cachmangmau” có nghĩa là cách mạng màu, và “phobia” có nghĩa là nỗi sợ hãi. Như vậy, cachmangmauphobia có nghĩa là hội chứng sợ hãi cách mạng màu, một đặc trưng gần đây của các thành phần Sô vanh chủ nghĩa và yêu nước online.
Tôi đồ rằng phong trào spam, đấu tố cách mạng màu của các thành phần Sô vanh chủ nghĩa đến từ cuộc biểu tình lật đổ chính phủ ở Bangladesh.
Chuyện dài, kể ngắn: Vào tháng 6 năm 2024, nhằm đáp lại việc Tòa án Tối cao Bangladesh khôi phục hạn ngạch tuyển 30% chỉ tiêu viên chức cho con cháu của những người có công với cách mạng, học sinh, sinh viên bắt đầu đổ ra đường biểu tình một cách ôn hòa. Khi biểu tình kéo dài, cựu Thủ tướng Hasina ban bố thiết quân luật kèm lệnh bắn ngay lập tức nếu phát hiện người vi phạm. Học sinh, sinh viên tức giận trước cái chết của rất nhiều người biểu tình. Họ cho rằng bà Hasina chuyên quyền, độc tài, dẫn đến bạo loạn. Trước tình cảnh hỗn loạn, quân đội Bangladesh quay sang ủng hộ sinh viên. Bà Hasina phải từ chức, tháo chạy sang Ấn Độ.
Cách mạng màu (colour revolution) là các cuộc biểu tình thường ôn hòa và phi vũ trang và đi kèm là những thay đổi về chính phủ và xã hội diễn ra ở các quốc gia hậu Xô Viết và Cộng hòa Liên bang Nam Tư.
Sự tan rã của Liên Xô đã mang đến độc lập cho các quốc gia hậu cộng sản ở Đông Âu và Trung Á. Dẫu vậy, di sản của hệ thống Xô Viết cũ vẫn in đậm dấu ấn lên nền chính trị của những quốc gia này. Chuyển đổi sang nền dân chủ diễn ra một cách không trọn vẹn, thay vào đó là sự xuất hiện của những “chế độ lai”. Mặc dù có quốc hội và đảng đối lập, các thể chế của các quốc gia hậu Xô Viết lại mang một diện mạo đặc trưng, được học giả Henry E. Hale gọi là “Chủ nghĩa tổng thống bảo trợ” (patronal presidentialism). Theo Hale, bản chất của “Chủ nghĩa tổng thống bảo trợ” được định hình bởi hai yếu tố chính:
Thứ nhất, chức vụ tổng thống được bầu trực tiếp được trao quyền lực chính thức lớn hơn so với các cơ quan nhà nước khác.
Thứ hai, tổng thống nắm giữ quyền lực phi chính thức ở mức độ cao dựa trên các mối quan hệ bảo trợ - khách hàng (patron - client) rộng khắp giữa nhà nước và nền kinh tế.
Trong trường hợp này, ta có thể định nghĩa thêm thuật ngữ “bảo trợ” là việc thực thi quyền lực chính trị chủ yếu thông qua chuyển giao có chọn lọc các nguồn lực, thay vì thông qua các hoạt động thể chế chính trị dựa trên ý tưởng hoặc quy định pháp luật đã được thiết lập. Nói tóm lại, việc chuyển giao dân chủ ở các chế độ hậu Xô Viết không thành công vì tổng thống nắm giữ quá nhiều quyền lực bên trong hoặc bên ngoài thể chế chính trị [5].
Trong các cuộc cách mạng màu ở thế kỷ XXI, chỉ có Cách mạng Cam mới thực sự có màu tượng trưng cho thuật ngữ này. Từ “cách mạng” có nghĩa là thuật ngữ này không bao gồm những hậu quả sau biến động chính trị, mà là để xác định các phong trào chống chính quyền đã thành công trong việc lật đổ chế độ hiện tại.
Xuất phát từ các cuộc cách mạng màu trong đầu thế kỷ XXI, các học giả nhận định rằng để được gọi là cách mạng màu, một cuộc cách mạng xảy ra cần phải thỏa mãn đầy đủ bốn tiêu chí:
Thứ nhất, người lãnh đạo đương nhiệm của chế độ bị cách mạng màu không được lòng dân.
Thứ hai, các lực lượng chống chế độ được ủng hộ bởi các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ ba, cách mạng không được mang tính chất tư tưởng. Nó phải vì mục tiêu quốc gia tốt hơn, tự do, dân chủ và phát triển kinh tế. Quan trọng nhất, dân chúng phải có nhu cầu cải thiện tình hình rất lớn.
Thứ tư, các lực lượng chống chế độ được thúc đẩy bởi sự bất bình đối với chính phủ tham nhũng được nhà nước nước ngoài hỗ trợ mà người dân không hề mong muốn. Các lực lượng chống chế độ từng tồn tại ở các nước hậu Xô Viết chỉ có thể chuyển hóa thành cách mạng màu thành công nếu đáp ứng được các tiêu chí này.
Như vậy, đối chiếu với định nghĩa, cuộc biểu tình lật đổ chính phủ ở Bangladesh không phải là cách mạng màu, tuy nó có nhiều tương đồng với một cuộc cách mạng màu. Đối chiếu với bốn tiêu chí ở trên, sự việc ở Bangladesh không đáp ứng được tiêu chí thứ hai và thứ tư, vì chính phủ của bà Hasina đã khóa Internet và chặn mọi nguồn thông tin đại chúng ủng hộ biểu tình, khiến cho thế giới gần như không biết gì về những sự việc đang diễn ra cho tới khi bà Hasina từ chức, và điều này có nghĩa là cuộc biểu tình diễn ra dựa trên ý chí đồng loạt của người Bangladesh thay vì được thúc đẩy bởi các phương tiện truyền thông đại chúng. Hơn nữa, nguồn cơn biểu tình là nhằm phản đối chỉ tiêu viên chức bất bình đẳng, không phải vì chính quyền được một nhà nước nước ngoài hỗ trợ mà người dân không thích.
Trên các phương tiện truyền thông nước ngoài, sự kiện này được ghi là 2024 Bangladesh quota reform movement. Theo như tôi tìm hiểu, chỉ có Nga, Trung Quốc, và các thành phần Sô vanh chủ nghĩa trên Facebook gọi sự kiện này là cách mạng màu.
Cách mạng màu đã là một phần của lịch sử. Chúng không còn là một nhân tố chính trị quan trọng ở các nước Liên Xô cũ, chúng cũng không thúc đẩy, hoặc có khả năng thúc đẩy, những tiến bộ dân chủ ở các quốc gia này hoặc các nước khác mà lấy cảm hứng từ cách mạng màu. Mỗi khi có gian lận bầu cử hoặc bất bình tham nhũng ở đâu đó mà dẫn đến các cuộc biểu tình của công chúng, cuộc bàn tán về cách mạng màu lại nóng lên. Tuy vậy, không có một cuộc cách mạng màu đúng nghĩa nào xảy ra từ sau 2005. Phong trào Mùa Xuân Ả Rập cũng không là cách mạng màu vì nó không thỏa mãn được tiêu chí thứ tư ở trên. [6]
Việc các thành phần Sô vanh chủ nghĩa spam cách mạng màu ở khắp nơi mà không hiểu cách mạng màu là cái gì cho thấy tình trạng nhận thức tồi tệ của chúng. Có thể xem đây là dấu hiệu của căn bệnh hoang tưởng.
Dân tộc tính Sô vanh hoang tưởng của bọn này xảy ra vì bối cảnh khách quan, mà ở đó Việt Nam luôn là đối tượng bị xâm lược và nô dịch trong suốt chiều dài lịch sử. Sự nguy hiểm của Chủ nghĩa Sô vanh được thể hiện qua sự thượng đẳng dân tộc, ngạo nghễ với quốc tế về sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị,... của Việt Nam suốt những năm qua trên không gian mạng xã hội. Sự tự ti ấy tích lũy qua nhiều thế hệ và được ẩn sâu trong tâm hồn của mỗi con người, trong bối cảnh Việt Nam chưa thể sánh được với bất cứ quốc gia nào, chứ chưa nói đến là các cường quốc phát triển trên thế giới. Nó chỉ được dịp bùng phát mạnh mẽ khi Việt Nam có cơ hội thể hiện mình qua loạt thành tích phát triển ấn tượng về một số phương diện, sau bi kịch của một quốc gia từng chịu cảnh nghèo đói (từ một nước nông nghiệp cho đến phải xin viện trợ lương thực, ăn độn bo bo) và sự tàn phá thảm khốc của chiến tranh. Đây cũng là cơ hội cho những kẻ tư tưởng Sô vanh vùng lên để khẳng định mình sau hàng năm trời ròng rã chịu nhục. Những kẻ ấy bắt đầu thể hiện và lan truyền sự cực đoan và biến chất trong người qua các công cụ của thế giới hiện đại: Internet. Sự kết nối toàn cầu và số hóa của thế giới văn minh vô hình trung trở thành một công cụ cho những kẻ Sô vanh mặc sức tung hoành.
Cũng như tôi đã nói rất nhiều lần trước đây, tôi không có vấn đề gì nếu bạn là một người yêu nước hoặc là muốn thể hiện sự tự hào bằng cách đồng nhất căn tính cá nhân vào quốc gia, nhưng sẽ thật là phản tri thức nếu tôi lại làm ngơ trước sự quá quắt và nguy hiểm của Chủ nghĩa Sô vanh, và đặc biệt là những tên Sô vanh chủ nghĩa.
Cũng đối với những tên Sô vanh chủ nghĩa này, bất cứ cái gì những kẻ Sô vanh chủ nghĩa không thích, không ưa thì chúng nó lại chụp mũ, đấu tố, gán cho là cách mạng màu.
Đây là một kiểu ăn vạ về mặt lí luận, nói theo học giả Nguyễn Quốc Tấn Trung.

Phần III: Fulbright — Khi cơn ngáo cần biến tri thức thành cục phân

Tôi nghĩ rằng phần này sẽ khá ngắn gọn, do ngụy luận spam cách mạng màu đã được tôi giải quyết ở phần II.
Cớ sự là những thành phần Sô vanh chủ nghĩa bắt đầu tràn vào tấn công Đại học Fulbright vì cho rằng “việc trường này không dạy Chủ nghĩa Marx - Lenin và quân sự sẽ tạo điều kiện cho cách mạng màu xảy ra”.
Ngụy luận cách mạng màu và văn hóa đấu tố đã được tôi phá giải ở trên. Quý độc giả hẳn cũng đã thấy việc spam cách mạng màu và đấu tố ngu ngốc và nguy hiểm như thế nào, nên tôi sẽ không lặp lại nữa. Tôi sẽ chỉ nói đến phần tin giả ở phía trên.
Ngạc nhiên chưa, những kẻ Sô vanh chủ nghĩa, Đại học Fulbright có dạy quân sự và Marx - Lenin.
Nguồn: https://dsec.tdtu.edu.vn/tin-tuc/2023/khai-giang-mon-hoc-giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-cho-gan-600-sinh-vien-cac-truong-dai#:~:text=S%C3%A1ng%20ng%C3%A0y%206%2F6%2F2023,Kinh%20t%E1%BA%BF%20%2D%20K%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20TP.
Nguồn: https://dsec.tdtu.edu.vn/tin-tuc/2023/khai-giang-mon-hoc-giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-cho-gan-600-sinh-vien-cac-truong-dai#:~:text=S%C3%A1ng%20ng%C3%A0y%206%2F6%2F2023,Kinh%20t%E1%BA%BF%20%2D%20K%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20TP.
Ngày 04/08/2017, phát biểu tại hội thảo về Giáo dục khai phóng ở TP. HCM, Chủ tịch Trường Đại học Fulbright Việt Nam Đàm Bích Thủy cho biết trường sẽ dạy Triết học Marx - Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình học. Bà Thủy cho biết đặt Karl Marx cùng những Triết gia khác của Đức để nhìn thấy sự phát triển tư tưởng triết học của Đức, để xem dòng chảy tư tưởng là như thế nào, tại sao đến lúc đó thì Chủ nghĩa Marx xuất hiện.
Khi những ngụy luận này bị phá giải, các thành phần Sô vanh chủ nghĩa lại dùng một tin giả khác, đó là Thượng nghị sĩ Fulbright mà chúng cho là thành lập Đại học Fulbright ủng hộ Chiến tranh Việt Nam.
Tin buồn cho những kẻ Sô vanh chủ nghĩa, đó là chương trình Fulbright và Đại học Fulbright hoàn toàn khác nhau.
Đại học Fulbright Việt Nam chỉ trùng tên chứ không liên quan gì đến chương trình Fulbright và Thượng nghị sĩ Fulbright cả. Vả lại, Thượng nghị sĩ Fulbright đã phản đối Chiến tranh Việt Nam. Về chương trình Fulbright, nó được thành lập vào năm 1946 theo luật do Thượng nghị sĩ lúc bấy giờ là James William Fulbright của Arkansas đưa ra. Chương trình Fulbright được tài trợ bởi Cục Văn hóa và Giáo dục của Bộ Ngoại giao Mỹ. Một số quan chức cấp cao cũng đã được đào tạo nhờ chương trình Fulbright.
Trước khi được chính thức thành lập, vào tháng 7 năm 2015, nhân chuyến thăm chính thức Mỹ, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Đại học Fulbright Việt Nam tại New York. Tổng bí thư nói:
“Tôi rất tán thành quan điểm của các bạn, rằng phát triển FUV là vì con người, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nếu làm tốt dự án này chúng ta góp phần tăng cường khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ.” Nguồn: https://vnexpress.net/thanh-lap-dai-hoc-fulbright-viet-nam-3404344.html
Mới đây, chiều 17/07/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Thomas Vallely, cựu Giám đốc Chương trình Việt Nam thuộc Đại học Harvard, hiện là Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright và các chuyên gia Đại học Fulbright. Thủ tướng đã cảm ơn, đánh giá cao ông Thomas Vallely đã có nhiều đóng góp quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đối thoại chính sách, góp phần mang lại hiệu quả điều hành kinh tế và củng cố, thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Thủ tướng còn đề nghị Giáo sư Thomas Vallely và các chuyên gia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tư vấn chính sách, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị thông minh; giao các bộ, ngành và TP. HCM vận dụng linh hoạt các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác, nhà đầu tư nói chung và Đại học Fulbright Việt Nam nói riêng hoạt động, phát triển trên cơ sở tuân thủ pháp luật. [7]
Chưa dừng lại ở đó, các thành phần Sô vanh chủ nghĩa tiếp tục cắt xén ngữ cảnh, tung tin giả “sinh viên Fulbright khóc thương cho lính Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam”.
Tôi xin phép trích lại những gì bà Đàm Bích Thủy đã nói trong cuộc phỏng vấn, đã được tạm dịch. Tôi sẽ dẫn nguồn phỏng vấn ở dưới phần tư liệu tham khảo:
[49:05] Tôi nghĩ các giáo sư lịch sử đã chiếu một tập phim về Chiến tranh Việt Nam của Ken Burns mà con gái tôi đã thực sự hợp tác với họ. Và tập cuối cùng có tên là “Trọng lượng của kí ức”. Giáo sư đã cho các sinh viên xem và họ đã có một số cuộc thảo luận. Tôi được biết rằng cả lớp đã khóc sau đó. Tất nhiên, giáo sư có chút lo lắng. Các sinh viên khóc và giáo sư muốn biết tại sao. Giáo sư tự hỏi liệu có phải mình đã nói sai điều gì đó làm tổn thương sinh viên hay không. Vì vậy, tôi đã đến gặp sinh viên và hỏi họ tại sao họ lại xúc động đến vậy. Vì bạn sinh năm 2000 nên không sống trong thời kỳ chiến tranh nên bạn chưa biết nhiều về nó. Bạn đã học về nó chủ yếu ở trường. Tuy nhiên, bộ phim tài liệu này dường như đưa ra một góc nhìn mới. Họ nói với tôi rằng họ chưa bao giờ nhận ra mức độ đau khổ mà người Mỹ phải trải qua. Họ vốn cho rằng chỉ có người Việt Nam phải chịu đựng nỗi đau của chiến tranh. Cho đến khi chúng ta nhận ra rằng đây là một khoảnh khắc khiến nhiều sinh viên tỉnh thức, tôi nghĩ vậy. Trong suốt 12 năm học, họ chỉ được học một cách hiểu duy nhất về lịch sử. Tôi tin rằng chính điều này là lý do tại sao chúng ta cần một nền giáo dục khai phóng: Để nhìn mọi thứ từ nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là trong lịch sử. [8]
Có ba điều nhỏ mà các thành phần Sô vanh chủ nghĩa dốt ngoại ngữ phải hiểu từ phần phỏng vấn của bà Thủy:
Thứ nhất, phim tài liệu The Vietnam War của Ken Burns mang góc nhìn phản chiến, phản đối Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Thứ hai, có vẻ như các thành phần Sô vanh chủ nghĩa bài Phương Tây đến nỗi bỏ qua luận lí thông thường. Cả Mỹ và Việt Nam đều tham gia chiến tranh, và nỗi đau chiến tranh không đến từ riêng phía Việt Nam, dẫu cho các thành phần Sô vanh chủ nghĩa ghét phe Mỹ đi chăng nữa. Với lính Mỹ, đó là nỗi đau mất đồng đội, mất một hay nhiều bộ phận nào đó trên người, và có lẽ đáng sợ nhất là nỗi đau tinh thần. Giết người rõ ràng không phải là một điều dễ dàng. Tôi khuyến khích quý độc giả đọc “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh để hiểu thêm về nỗi đau của người lính.
Thứ ba, học lịch sử phải có góc nhìn đa chiều, đề cao tư duy phản biện, và biết lí luận. Nghiên cứu Sử học chưa bao giờ là nghiên cứu giáo điều. Điều này được thể hiện rõ qua chi tiết sinh viên khi đó đã rất xúc động và bất ngờ khi biết về nỗi đau của lính Mỹ mà họ tưởng là chỉ có lính Việt Nam mới có. Đó là tinh thần giáo dục đúng đắn, và sinh viên cho thấy họ cũng có cảm xúc và lí trí như một con người tử tế.
Như vậy, những thành phần Sô vanh chủ nghĩa đã quay lại tấn công chính nhà nước và cơ sở đào tạo học thuật cho nhiều học giả, cán bộ hiện và sẽ làm việc cho bộ máy. Chính những tên Sô vanh chủ nghĩa mới là những “phản động” mà chúng hằng tấn công.
Tôi xin nhắc lại một lần nữa, Chủ nghĩa Sô vanh chính là nguồn cơn cho hai cuộc Thế chiến, với tổng hơn 100 triệu người chết và thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị thế giới.
Yêu nước online, Chủ nghĩa Sô vanh, và ngay cả chính Chủ nghĩa dân tộc chưa bao giờ là giải pháp cho vấn đề của một đất nước. Nó là mối nguy tiềm tàng cho mọi quốc gia, khi những kẻ bảo hoàng hơn vua xuất hiện, và khi những kẻ đó sẵn sàng đấu tố bất cứ ai như các hồng vệ binh trong Cách mạng văn hóa. Đúng như Bertrand Russell đã từng nói:
Chủ nghĩa dân tộc là một tội ác nghiêm trọng và là nguồn gốc của các mối nguy hiểm kinh hoàng.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 14/08/2024, hoàn thành vào 16/08/2024. Chỉnh sửa và bổ sung thêm phần giải ảo ảo tưởng rằng sinh viên Fulbright khóc cho lính Mỹ vào 16/08/2024.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] “Microsoft survey finds Vietnamese among least civil online”. VnExpress, 26 Feb. 2020, https://e.vnexpress.net/news/news/microsoft-survey-finds-vietnamese-among-least-civil-online-4060000.html. Accessed 26 July 2023.
[2] Chirot, Daniel. “Modern Tyrants: The Power and Prevalence of Evil in Our Age”. Princeton, Princeton University Press, 2009, p. 198. “At least one million died, though some estimates of deaths go as high as 20 million”.
[3] Hurley, Patrick J. “A Concise Introduction to Logic”. Cengage Learning, 2011, pp. 131–133. 
[4] Bourne, Edmund J. “The Anxiety & Phobia Workbook 5th ed”. New Harbinger Publications, 2011. pp 50-51.
[5] Henry E. Hale. “Regime Cycles: Democracy, Autocracy and Revolution in Post-Soviet Eurasia”. World Politics 58, 2005, pp. 133-137.
[6] Mitchell, Lincoln A. “The Color Revolutions”. University of Pennsylvania Press, 2012, pp. 187-199. JSTOR, http://www.jstor.org/stable/j.ctt3fj606. Accessed 16 Aug. 2024.
[7] “Thủ Tướng Tiếp Chủ Tịch Hội Đồng Tín Thác Đại Học Fulbright Việt Nam.” Báo Sài Gòn Giải Phóng, 17 July 2024, www.sggp.org.vn/thu-tuong-tiep-chu-tich-hoi-dong-tin-thac-dai-hoc-fulbright-viet-nam-post749810.html. Accessed 16 Aug. 2024.
[8] “A Conversation with Fulbright University President Dam Bich Thuy Saturday, May 25, 2019.” YouTube, 28 May 2019, www.youtube.com/watch?v=4WZ8hbdIqiE. 49:05. Accessed 16 Aug. 2024.
Ngày 16 tháng 08 năm 2024,
Trần Tuấn