Who are you? I don't know, go away :>
            Trước giờ mình rất thích đọc bài của chị Gwen, các bài viết về Batman, Tây Du Kí rồi RPO nhưng lần đầu tiên mình phải ấn nút downvote một bài viết của chị. Downvote để nói lên ý kiến và thể hiện quan điểm của bản thân mình. 
            Chị xét một phát ngôn mang tính lịch sử, nhưng lại không nói đến lịch sử thế nào, rõ ràng là không mấy hợp lý. Cho dù có thế nào, đặt lời nói tách rời ra khỏi bối cảnh, lời nói đó sẽ trở nên vô giá trị, trừ khi đó là kiểu câu “How are you?”. Và đúng, lời nói nếu vô giá trị, chúng ta cứ vứt nó vào sọt rác chứ để tâm làm gì?
            Nhưng ở đây, mình sẽ cho rằng nó có giá trị (vậy mới có cái cho mình chém chứ) và hãy xem xét nó cũng như tranh biện, bày tỏ quan điểm cá nhân cùng với bài viết của chị Gwen nhé!
Trước khi vào bài viết mời mọi người cùng đọc qua bài viết của chị Gwens83 https://spiderum.com/bai-dang/Tu-Singapore-den-trom-cho-gj1 

1.Nói về phát ngôn của ông Lý, mình cho rằng cần phải xét theo 2 khía cạnh

-Một là khía cạnh về lịch sử, rõ ràng vào những năm đó, chẳng mấy ai ưa Việt Nam cả. Đơn giản vì khi đó chúng ta yếu, chúng ta như những con cờ trên bàn cờ chính trị để các nước lớn hơn xâu xé. ASEAN5, Mỹ lo sợ chủ nghĩa cộng sản bành trướng, TQ vốn chẳng tốt đẹp mấy, lại đang mâu thuẫn với anh hai Liên Xô và quay sang thân Mỹ nên lại càng có thêm lý do để quay sang ăn hiếp người em Việt Nam (hệ quả sau đó là chiến tranh biên giới phía bắc 1979). Và dĩ nhiên việc chúng ta dẫn quân tiến vào thủ đô Campuchia là điều dễ dàng bị cả thế giới lên án. Gọi đó là xâm lược cũng chẳng sai. Nhưng, việc đưa quân vào tận Phnom Penh có cần thiết không? Câu trả lời là CẦN, rất CẦN. Khmer Đỏ (gọi vậy cho dễ) được thành lập vào năm 50, đến những năm 79 chúng ta mới bắt đầu đưa quân sang, đơn giản vì những năm từ 75-79 quân Pol Pot đã tàn sát biết bao nhiêu người Việt ở biên giới Tây Nam? Khi đó thế giới có ai nói gì không? Có ai coi đó là hành động khiêu khích hay “xâm lược” hoặc đơn giản là xâm hại đến quốc gia khác hay  không? Nếu chúng ta chỉ đẩy lui quân địch ra khỏi biên giới hôm nay, ngày mai chúng quay lại, liệu có ai bảo vệ Việt Nam không? Vì cả thế giới đang quay lưng , nên cách duy nhất của chúng ta là chấm dứt cái chế độ đó, vì chính chúng ta trước đã, sự sống còn của hàng vạn nhân dân phía Tây Nam trước đã. Và do vậy, mang tiếng xâm lược một chút cũng không sao. Đáng để đánh đổi. 
Thảm sát Ba Chúc. Xem thêm về thông tin số người đã chết tại đây
- Hai là xét theo khía cạnh hiện tại. Việt Nam sau những ngày tháng bị các cuộc chiến quay như chong chóng đó, chúng ta đã trở lại, đã hòa nhập và đã thể hiện thiện chí của mình. Chúng ta thực sự chẳng muốn mở rộng cái chủ nghĩa cộng sản đó ra làm gì, càng không muốn "bành trướng" như cái sợ hãi ảo tưởng của người Mỹ, chúng ta chỉ là một phần trong cái thế giới rộng lớn và điều chúng ta luôn muốn là hòa bình, là phát triển. Và chúng ta đã hòa nhập thành công, ASEAN10, LHQ, gỡ bỏ cấm vận và WTO.  Năm 2018 khi LHQ công nhận diệt chủng Pol Pot là tội ác diệt chủng của nhân loại, hẳn cái nhìn về Việt Nam những năm đó đáng ra phải được thay đổi, có lẽ là đã thay đổi nhưng nhiều người không nói ra. Và, các nguyên thủ quốc gia nếu đúng, phải là người biết và tôn trọng điều đó rất rõ ràng. Tôn trọng sự thật đã được thế giới công nhận, rằng Việt Nam đưa quân vào Phnom Penh là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở.
            Đến phát biểu của ông Lý, rõ ràng đó là một phát biểu tưởng không khôn nhưng lại cực kì khôn khéo đến không tưởng. Những từ ngữ ông dùng, không đánh động sự quan tâm của dư luận quốc tế, đề cập đến một sự kiện mà công chúng quốc tế đôi khi còn chẳng quan tâm lắm. Nhưng với tư cách là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về nhiều thứ( có cả giáo dục, mà thường người ta sẽ suy tưởng tới đạo đức) thì phát ngôn đó sẽ dễ gây hiểu lầm và đem đến những hậu quả sai lầm về mặt nhận thức. Rõ ràng mục đích của ông Lý chẳng phải là khơi khơi gợi lại mọi thứ để cho dân mạng Việt Nam, chính quyền Việt Nam và Campuchia ném đá chơi, mà mình suy là đang chuẩn bị cho cái gì đó ghê gớm hơn. Như nhiều bài báo hay đặt title, ông phát biểu cho ai khác, không chỉ riêng ông (nhưng mình sẽ không xét đến vì mình cũng không đủ khả năng).
            Đánh giá khách quan cho câu nói của ông thì gọi xâm lược, không sai theo góc nhìn của thế giới, nhưng việc gợi lại mọi thứ đã quá xa xưa theo một kiểu “xỏ lá ba que” thì là người Việt Nam, mình không thể đồng tình được. Không thể chấp nhận không phải vì lòng trung thành với quốc gia, vì lòng yêu nước mà là vì nó sai trái với những gì mình được biết.

2. Đôi lời về lòng yêu nước, lý trí cá nhân và xâm lược

            Để phải nói thì lòng yêu nước là thứ gì đó rất khó phân biệt và định nghĩa. Với người này trong lúc này thì đó là yêu nước, với người khác hoặc trong mốc thời gian khác thì điều đó là không đúng. Mình đồng ý với 1 quan điểm của chị Gwen là “Không thể nào biết trước được 1 quyết định là luôn luôn đúng, với chỉ ít thông tin và chung chung như thế” và lòng yêu nước cũng bị thay đổi từ đó. Chúng ta không thể ngồi đây và đánh giá những chuyện đã qua, và gọi đó là yêu nước hay không yêu nước được. Trong bối cảnh thời đó, chúng ta không thực sự hiểu đúng được chuyện gì đã xảy ra, cũng như không thể đem cuộc sống đương hiện hữu, thông tin chúng ta đang biết để đánh giá được trong quá khứ, ai mới là kẻ yêu nước. Yêu nước, cũng như nhiều thứ khác, đơn giản là chúng ta lựa chọn từ những điều chúng ta biết, những điều ta cho là đem lại lợi ích cho dân tộc. Đúng phe, chúng ta chiến thắng, được ca ngợi, sai phe, chúng ta trở thành tội đồ. Yêu nước, là một thì hiện tại!
            Chị Gwen có nhắc đến một điểm, cho rằng: “Xâm lược, không cần phân định tốt hay xấu, đó là nghĩa vụ quốc gia, chúng ta cần “ăn cây nào, rào cây đó”, bảo vệ nơi đó. Và vì vậy phản chiến là sai trái, là không yêu nước” [1]
            Vậy ở đây mình xin đặt ra một tình huống thế này. Giả dụ bạn đang là kế toán trưởng của một công ty, anh sếp ăn của nhà đầu tư ( nhà nước chẳng hạn) một khoảng tiền lớn. Bạn là kế toán trưởng, hẳn nhiên cũng đã đóng góp cho công ty và được hưởng rất nhiều quyền lợi, thậm chí trong phi vụ này bạn sẽ được chia số tiền rất lớn từ khoản mà anh kia bỏ túi được. Vậy khi anh sếp nhờ bạn hậu thuẫn, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ “ăn cây nào, rào cây đó” hay bạn sẽ rời bỏ công ty, phản đối anh sếp vì biết điều đó là sai? Hay bạn sẽ chỉ đơn giản là không làm theo, vì bạn có thể ngồi tù? Bạn quay lại, tố cáo anh sếp của mình trước pháp luật, nơi có quyền xử lý cao hơn thì mới gọi là phản bội. Bạn ở dưới, la ó, kêu anh sếp đừng làm vậy, đó thì không gọi là phản bội được.
            Ví dụ trên chắc chắn có phần khập khiễng so với cái vĩ mô của “lòng yêu nước” và “nghĩa vụ quốc gia” mà chị Gwen nêu ra, nhưng theo khía cạnh logic, thì nó tương đồng nhiều thứ và bạn đọc bài viết này có thể nhận ra nó dễ dàng.
            Với một người ghét bạo lực như mình, mình chưa bao giờ ủng hộ việc đem vũ lực ra để giải quyết điều gì cả. Nhưng để bảo vệ những thứ mình yêu thương, thì vũ lực phải luôn được chuẩn bị. Đúng, điều này mình đồng ý. Nhưng, là bảo vệ. Và bảo vệ và xâm lược, nó nằm ở niềm tin của mỗi người.
            Tại sao ư? Thế bạn nghĩ vì sao đất nước nghèo nàn An Nam chỉ bé bằng cái mắt muỗi, đánh nhau bằng “cuốc thuổng, gậy gộc” lại có thể đánh bại được đế quốc Mỹ. Vì chúng ta là bảo vệ và họ là xâm lược, không hẳn, vì chúng ta có niềm tin vào thứ mình đang chiến đấu là bảo vệ, còn họ thì không tin lắm vào cái nhiệm vụ “giải cứu” và "bảo vệ" của mình. Không có lý do gì thực sự để tin, người dân An Nam có vẻ đâu cần lắm sự giải cứu này, hay sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản có thực sự đang diễn ra hay không? Đến cuối cuộc chiến, chúng ta nhiều niềm tin và kiên cường hơn, chúng ta đã đẩy lùi được họ.
            Vớ vẩn, nói nhăng cuội gì thế, chuyện này chứng minh được gì? Vâng được chứ, “niềm tin để bảo vệ” đó không thuộc về bất kì ai, đúng hơn nó thuộc về mỗi người lính chứ chẳng thuộc về một kẻ cầm quyền nào cả. Nó là ý chí, là lý trí, là sự nhận định của mỗi con người, bằng mắt thấy, tai nghe, và bằng từng chút cảm nhận của các giác quan trên chiến trường. Chứ không phải là thứ được truyền đạt qua radio hay trước màn hình vô tuyến.
            Vậy thì trong chuyện của Hà Nội và Phnom Penh, chúng ta đang đứng ở vị trí nào? Mình cho rằng mỗi người lính tham chiến, đều cho rằng mình chiến đấu để bảo vệ dân tộc mình, chứ chẳng vì đất nước nào khác cả. Chỉ là "tiện tay" mà thôi, và đài báo chính quyền chỉ tập trung vào 2 chữ "giúp đỡ, giải phóng" cốt chỉ để muốn đặt chúng ta ở trên họ, là " những kẻ ban ơn" mà thôi.

3. Tản mạn chuyện phản chiến

            Nói về phản chiến, phản chiến thật sự phải chăng xuất phát từ cái "đánh bóng đạo đức" như chị Gwen gọi? Không, mình không cho là như vậy, vì nếu như vậy sẽ chẳng bao giờ tồn tại 1 người đàn ông tự thiêu để phản đối chiến tranh như Morrison.
            Phản chiến xuất phát từ đâu? Lấy ví dụ ở Mỹ, phản chiến có xuất hiện từ ngay đầu cuộc chiến hay không? Câu trả lời là không. Người dân Mỹ đã ngờ ngợ có gì đó không ổn kể từ sau những năm 1960, khi mà sau gần một thập kỉ viện trợ để chống lại “ quân xâm lược cộng sản” nhưng vẫn không có kết quả gì. Cho đến khi quân Hoa Kỳ quyết định đặt chân đến Việt Nam, chiến đấu và sa lầy, họ mới nhận ra bản chất vô nghĩa và sự không cần thiết của cuộc chiến này. Rằng họ không chiến đấu vì điều gì thật sự chính nghĩa cả. Khi người thân của họ mất mạng hoặc trở về quê hương với một cánh tay mất đi, họ mới nhận ra cái họ đang cố “bảo vệ” có khi còn chẳng tồn tại. Đó là lúc các phong trào phản chiến xuất hiện.
            Còn với thuật ngữ “silent majority”, mình tự hỏi nếu đặt ngược vấn đề trở lại, có bao nhiêu người giơ tay ủng hộ chiến tranh ở Việt Nam nếu Nixon hỏi câu hỏi đó. Hay chỉ là : “1 triệu người ủng hộ chiến tranh, nhưng silent majority thì có nghĩa là phản đối” , vậy có được không?
            “Không đúng, lòng yêu nước không phải là cứ mù quáng chạy theo cái điều mà lý trí ta thừa biết là sai. Hệt như khi đâm đầu vào chiến tranh, hay việc trung thành chạy theo 1 thằng vua đổ đốn nào đấy. Tất cả đều đưa đất nước đó vào guồng quay tự hủy. Khi biết sai, quay đầu lại, đó mới là yêu nước.”- Trích cmt của mình về phản chiến và yêu nước :’)
            Mình cho rằng cái gì cũng có 2 mặt, có những người thực sự thấy rằng việc tham gia bất kì cuộc chiến tranh nào cũng đều phi nghĩa nhất định. Đó là người cha, người con, người mẹ, những người vì cuộc chiến nào đó mà họ còn không biết liệu có đáng hay không, có cần thiết hay không? Liên quan một chút, nó hệt như là làm từ thiện vậy, có người làm vì tấm lòng mình, có người làm vì đánh bóng tên tuổi bản thân, vì lợi ích cá nhân. Điều gì cũng có 2 mặt, nên thật khó để nhìn và nhận xét nếu chỉ nêu ra được 1 ví dụ.
            Đã nhắc đến Hoa Kì và Việt Nam thì cũng nên nhắc so sánh sơ một chút vụ Việt Nam và Campuchia. Mình thấy rằng Việt Nam những năm 54 thậm chí còn chẳng gây hại gì cho nước Mỹ, vốn cách xa nhau nửa vòng trái đất. Tất cả nổ ra cũng chỉ vì nỗi sợ mà họ tự vẽ ra để rồi đem bỏ cả đống Mỹ kim vào cái vùng đất bé tẹo [2]. Còn chúng ta với Campuchia, gần 4 nghìn người dân Việt Nam chết ở biên giới Tây Nam, liệu có đủ để cho rằng hành động của chúng ta là chính đáng chưa?

            Trước giờ mình luôn né viết chuyện chính trị, một phần vì không tự tin lắm về kiến thức của mình, một phần vì nó khá nhạy cảm và “không vui”. Nên nếu các bạn đọc được, thấy có sai sót gì hay chỗ nào không hợp ý thì hãy để lại bình luận phía dưới để cùng tranh luận nhé.
[1] Chỗ này tóm tắt ý từ đoạn chị Gwen viết, nếu tóm tắt sai ý, mong nhận được phản hồi từ chị.
[2] Cái này chém gió tí. Mình nghĩ là tư bản Mỹ sợ chủ nghĩa cộng sản khi đó như vậy là bởi họ thực sự tin rằng chủ nghĩa cộng sản có thể làm họ mất vị thế độc tôn vốn có. Hành động can thiệp vào nhiều quốc gia như vậy, thậm chí là rất sâu cho thấy họ đã thua về mặt tư tưởng so với những người cộng sản.