Trần Khánh Dư - từ danh tướng bán than đến nhà đầu cơ trục lợi
Danh tướng lắm tài nhiều tật
Trần Khánh Dư (? - 1340), tước hiệu là Nhân Huệ Vương, ông được biết đến là một viên tướng tài ba thời Trần và câu nói nổi tiếng mang tính "con buôn" như : "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?".
Có rất ít tư liệu chép về Khánh Dư thuở thiếu thời. Theo Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí thì vua Trần Thánh Tông nhận ông làm Thiên Tử Nghĩa Nam (con nuôi) vì lập được nhiều công lao như đánh úp quân Nguyên ở biên giới, Sau đó, đánh người Man ở vùng núi Tây Bắc, thắng lớn, được phong làm Phiêu kỵ đại tướng quân. Sau khi có được địa vị, thái ấp, gia sản thì Khánh Dư bị vướng vào án thông dâm nổi tiếng với công chúa Thiên Thụy, dù đó người tình ông yêu say đắm trước đó.
Tư thông trọng án
Tương truyền, Công chúa Thiên Thụy được Trần Thánh Tông vô cùng yêu mến bởi bà vừa xinh đẹp lại vừa dịu hiền. Còn Trần Khánh Dư thường xuyên được phép ra vào cung cấm bàn luận chính sự với vua quan trong triều. Vậy nên Công chúa Thiên Thụy và ông cũng có không ít dịp gặp mặt nhau. Công chúa cảm mến sự kiêu dũng của vị tướng trẻ, Trần Khánh Dư cũng có tình ý với bà, chẳng bao lâu sau, 2 người yêu nhau say đắm.
Tưởng chừng cuộc tình của vị tướng trẻ và công chúa sẽ đến các kết viên mãn, nhưng không, chính lúc đó Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn xen vào cuộc tình ấy, làm cho hai người mãi không thể đến được với nhau. Hóa ra, Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn cũng đem lòng say mê Công chúa Thiên Thụy, thế nên Trần Quốc Tuấn mới xin cưới Thiên Thụy cho con trai. Trần Thánh Tông không thể từ chối Hưng Đạo Vương nên đành hứa gả con gái.
Vậy là Công chúa Thiên Thụy phải chia xa người thương, lên kiệu hoa về với Hưng Vũ Vương. Thế nhưng vì tình yêu quá mãnh liệt, cả Công chúa lẫn Trần Khánh Dư đều không thể dứt tình. Hai người vẫn lén lút gặp nhau và không may, việc này đã bị phát giác. Sự kiện chấn động hoàng cung này không thể che giấu nổi, vua Nhân Tông lúc này mới lên ngôi sợ phật ý Trần Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lai dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản không để lại cho một chút gì. Sau đó ông phải trở về đất tổ Chí Linh làm nghề bán than.
Danh tướng bán than lập được đại công
Năm 1282, quân Nguyên Mông lại chuẩn bị xâm lược lần thứ 2, Vua Trần Nhân Tông đang sầu lo thiếu tướng tài thì thấy Trần Khánh Dư chèo thuyền than đi qua thuyền ngự, bèn xuống chiếu tha tội cho ông. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ, sau đó phục chức và được phong làm Phó đô tướng quân trấn giữ Vân Đồn.
Trần Khánh Dư theo xa giá của vua về cung. Thế rồi "tình cũ không rủ cũng tới", ông gặp lại Công chúa Thiên Thụy, 2 người lại quấn quýt bên nhau. Đến nỗi chính sử còn phải ghi: "Rốt cuộc Trần Khánh Dư cũng không sửa được lỗi lầm cũ". Giấy không gói được lửa, câu chuyện của 2 người vẫn bị phát giác, vì để giữ thể diện hoàng gia, Vua Trần Nhân Tông buộc phải khuyên chị gái xuất gia. Đầu năm 1284, trút bỏ lăng la tơ lụa của công chúa để khoác lên mình bộ áo vải ni cô, Công chúa Thiên Thụy đành đào sâu chôn chặt mối tình say đắm mà oan nghiệt với Trần Khánh Dư. Một cuộc tình mà người đau khổ nhất là chính Công chúa Thiên Thụy.
Nói về Khánh Dư, cuối năm 1287, ông cho quân tập kích giặc Mông Nguyên ở Vân Đồn và tiêu diệt được đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép là: " Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, [Khánh Dư] đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều...". Khánh Dư coi như cũng có được công lao lớn, góp phần làm xoay chuyển tình thế chiến tranh.
Tháng 5 năm 1312, ông theo Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Trận này quân Đại Việt bắt được vua Chiêm Thành là Chế Chí đem về.
Nhà đầu cơ trục lợi
Sau kháng chiến quân Mông - Nguyên thắng lợi, Khánh Dư được vua cử đi trấn thủ Vân Đồn. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi lại một chuyện như sau:
"Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo tục người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang, ra lệnh: "Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón), ai trái tất phải phạt".
Nhưng Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, sai người ngầm báo dân trong trang: "Hôm qua thấy trước vịnh biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu". Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người khách phương Bắc có câu: "Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh" (Vân Đồn gà chó thảy đều kinh) là nói thác sợ phục uy danh của Khánh Dư mà thực là châm biếm ngầm ông ta. Khánh Dư có tính tham lam, thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét."
Năm 1296, Khánh Dư được vua Trần Anh Tông về vời về triều, hỏi về tình hình ở Vân Đồn thì Khánh Dư đã để lại một câu nói nổi tiếng: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?". Vua Anh Tông nghe xong thì không đồng tình với cái lý luận ấy, cho nên sang hôm sau thì Khánh Dư vội vã quay về bản doanh vì ông ta sợ vua lôi ra hạch tội. Sử gia Nguyễn Khắc Thuần cũng đánh giá về Khánh Dư trong Việt Sử Giai Thoại: "Nhờ tài cao mà lập được công lớn nhưng cũng bởi đức mỏng mà để tiếng xấu với đời. Nhân Huệ vương Khánh Dư quả có lý lịch khác thường vậy. Sau Khánh Dư còn nói Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì lạ. Sợ thay"!
Đánh giá
Trần Khánh Dư có một cuộc đời đầy thăng trầm, cuộc đời ông có lúc vinh quang tột độ nhưng cũng có lúc khổ cực bần hàn. Dù là vậy, bỏ qua những cái xấu của Khánh Dư mà nhìn nhận đúng đắn về ông là một vị tướng văn võ toàn tài, lập nhiều chiến công góp phần làm nên chiến thắng Mông - Nguyên lừng lẫy của dân tộc Việt Nam. Về cuối đời, Khánh Dư xin về chí sĩ, cùng gia nhân khai khẩn, lập thành làng ấp mới, ông cũng bỏ tiền ra giúp dân học nghề và hình thành lên những làng nghề dệt cói. Sau khi ông mất, người dân đã tạc bia đá tưởng nhớ công đức của ông. Sử sách cũng không chép lại về vợ con của Khánh Dư, có lẽ trong lòng ông vẫn còn lưu giữ hình bóng của công chúa Thiên Thụy - một cuộc tình dang dở đầy sóng gió.
Nguồn tham khảo:
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Nhân Tông Hoàng Đế
Chuyện tình buồn nhất triều Trần: Công chúa Thiên Thụy - Trần Khánh Dư - Yan.vn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất