Tôi đã không còn nhớ lần cuối tôi và đám bạn cười đùa một cách vô tư với nhau là khi nào. Từ khi nào những chủ đề chung về game, truyện, những câu nói tếu táo cà khịa của chúng tôi trôi đi mất.
Bây giờ, chúng tôi vẫn gặp nhau nhưng không còn thường xuyên như trước, vẫn còn những sở thích trẻ con đó nhưng không nói về chúng nữa. Chúng tôi nói về tiền bạc, về công việc, về hoài bão to lớn sau này. Hơn hết cả, chúng tôi nói về bản thân mình nhiều hơn, thay vì về "chúng tôi".
Thời gian trôi đi, vài người bạn không đến nữa. Những cuộc hẹn cũng từ đó thưa dần.
Công việc, tiền bạc thay cho Game. 
Kinh tế, chính trị thế cho tiểu thuyết và truyện tranh.
Mọi thứ vẫn thế, chỉ là nó "to" hơn, và chúng tôi "lớn" rồi.
Ngây thơ mất từ khi nào nhỉ ?

Với tôi có lẽ mảnh vỡ đầu tiên là khi mất Rơm. Rơm là chú chó nhà bác nuôi khi tôi còn bé. Sở dĩ nó có cái tên đó là do nó suốt ngày cứ thích vùi mình vào những đống rơm rạ mà ngủ. Tôi hay đến nhà bác để thăm Rơm vào những ngày cuối tuần, cùng nó tắm sông, cùng đi dọc khắp cánh đồng giữa trưa hè mà bắt cào cào để làm mồi câu cá. Tôi thương Rơm, và tôi cược rằng nó cũng thế. Bác tôi hứa là khi gia đình cho phép, tôi có thể đem Rơm về thành phố.
- "Theo tao về thành phố nha!" . Tôi xoa đầu nó và hỏi. Rơm chỉ vẫy đuôi mà cọ đầu vào tay tôi. Tôi nghĩ là nó đồng ý. 
Thế là Rơm theo tôi lên Sài Gòn, quãng thời gian đó rất vui. Rơm chờ tôi đi học về, nó lúc nào cũng trông chờ buổi đi dạo công viên vào mỗi chiều. Ngày tôi sốt li bì trên giường, nó luôn nằm dưới hiên nhà, ngoắc ngoải nhìn vào phía bên cửa sổ, nó vẫn chờ tôi. Không lâu sau đó, do chứng dị ứng của ba, nên Rơm lại bị đưa về cho nhà bác chăm sóc.
Khi ra về, Rơm đi theo sau xe mẹ tôi, vừa chạy vừa sủa mãi, có lẽ nó vẫn thắc mắc vì sao chúng tôi không đem nó theo. 
Sau đó, tôi vẫn thường về bác chơi, Rơm không trách tôi, nhưng bản thân lại cảm thấy mình có chút tệ bạc với nó. Rơm và tôi vẫn như xưa. 
Một lần, tôi về nhưng Rơm không ở đó nữa. Mẹ bảo Rơm đã được đem cho nhà khác. Tôi có hỏi bác vài lần về gia đình đã nhận nuôi Rơm. Bác không trả lời, chỉ nói họ ở thành phố khác rất xa. Tôi buồn nhưng cũng chẳng thể làm gì hơn. 
Lũ trẻ trong vùng kể lại rằng Rơm bị người ta bỏ thuốc, rồi trộm đi mất. Mẹ và bác đã nói dối. Tôi không về nhà bác nữa. 
Chúng tôi đã cùng nhau đi qua cả một đoạn tuổi thơ rất dài. Một ngày, Rơm dừng lại, nằm xuống, không đi nữa. Tôi đi tiếp cho đến cuối đoạn đường, quay mặt lại. Tôi gọi, lẫn la hét, Rơm vẫn ở đó, không tiến lên. Nó ngồi đó, bên cạnh là tôi của "tuổi thơ" đang vẫy tay chào tạm biệt tôi của "hiện tại".
Lần đầu tiên trong đời tôi ý thức được về sự mất mát.

Vài năm trước, ông tôi ngã bệnh. Tôi có dịp đi thăm những đứa trẻ có hoàn cảnh "đặc biệt" trong bệnh viện. Do bệnh viện ông tôi điều trị gần với nơi các em.
Đó là lúc tôi gặp Quân, một cậu bé hoạt bát và hay cười, khác với những bạn bè cùng lứa, cậu có niềm hứng thú rất lớn với sách. Trong một lần, tôi lướt ngang dọc qua một cuốn trên tay, Quân chạy đến và hỏi mượn tôi về quyển sách tôi đang đọc. Tôi gấp lại và từ chối cậu, hứa sẽ đem cho cậu một quyển khác vào lần sau, bởi vì cuốn tôi đang đọc có chút không phù hợp. Thật ra cuốn sách tôi đang đọc là của ông. Nó chễm chệ nằm trên kệ sách của ông từ rất lâu, nhưng mãi sau này tôi mới có thể thật sự đọc nó.
- "Hôm nay anh lại đến thăm ông à."
- "Ukm, anh có đem sách cho em nè, cuốn "Chuyện con mèo dạy hải âu bay"  đọc xong rồi hử?"
- "Em đọc xong rồi, hôm nay, anh đem theo cuốn gì thế?" 
Tôi chìa ra cuốn "Hoàng Tử Bé" trước mặt Quân.
- "Còn cuốn kia ?" Quân hỏi với ánh mắt tò mò về cuốn sách trên tay tôi.
- "Anh vẫn chưa đọc xong." Tôi ngập ngừng.
Vẫn là cuốn sách ấy, vẫn là chương đó. Tôi không đọc tiếp, chỉ là muốn đem theo nó bên mình, lật ra rồi lơ đễnh nhìn vào khoảng trắng trên trang sách.
Vài tuần sau đó, bệnh tình ông cũng thuyên giảm đi ít nhiều, đã có thể xuất viện để điều trị tại nhà. Tôi lại ghé qua thăm Quân như mọi lần. Hễ gặp tôi, cậu hay cười, kể tôi nghe về những cuốn sách lần trước, nào là về Toto chan, nào là về hành trình của cậu bé Remi, vv... Cứ như thế tủ sách nhà tôi cũng dần được đọc hết. Tôi thầm nghĩ chắc không lâu sau, tài sản tinh thần của tôi sẽ chẳng còn "vốn liếng" gì để cho cậu mượn cả. 
Tôi nghĩ thế...
Nhưng sau mỗi lần tôi đến, Quân gầy dần, môi cũng khô đi. Giai đoạn điều trị cũng trở nên gắt gao hơn. Những cuốn tôi có thể cho Quân mượn cũng thưa dần. Một lần mẹ Quân kể cho tôi nghe về tình trạng bệnh của cậu. Tôi nhìn về phía cậu, hình ảnh trong mắt nhòa đi, chợt nhận ra Quân đến giờ vẫn là một cậu bé mười hai tuổi.
- "Quân có biết không ?" Tôi hỏi.
- "Dì không nói, nhưng chắc là nó biết, nó thông minh vậy mà." Bà nói mà không kìm được nước mắt.
Ngày hôm ấy tôi ra về, không chào cậu, chỉ xách xe chạy về thành phố. Trời bỗng mưa ngay lúc trưa hè, mưa và nắng đan xen nhau va vào mặt đường, va vào cả lòng tôi. 
- "Chết sẽ thế nào anh hỉ?" Quân từng hỏi tôi như thế.
- "Anh không biết nữa!". Lúc đó, tôi chỉ ậm ừ, rồi lắc đầu.
Tôi đã suy nghĩ rất lâu về câu hỏi đó. Tôi không chắc mình có nên trả lời cậu khi mà chính tôi cũng không biết về đáp án của nó.
Một ngày, tôi đem theo quyển sách mà cậu hỏi tôi vào ngày đầu tiên chúng tôi gặp mặt. Lưỡng lự hồi lâu, tôi đưa nó trước mặt cậu, tên cuốn sách được giọng trong trẻo của Quân đọc lên "Ai rồi cũng chết".  
- "Thật ra anh vẫn chưa đọc xong, nhưng anh tin em có thể đọc xong nó ."
Tôi xoa đầu cậu, môi khẽ cong một cách bất đắc dĩ, Tôi nói : 
- "Thật ra anh rất ghét dậy sớm vào thứ Hai đầu tuần. 
Lúc nhỏ thì ba mẹ anh thường phải đến tận phòng dùng roi để đánh thức anh dậy. 
Lớn lên tí thì anh ghét luôn cả tiếng chuông của đồng hồ. 
Lúc đang say những giấc mơ đẹp thì chỉ muốn chìm sâu vào nó, không muốn một ai quấy rầy. Nhưng hết lần này đến lần khác, sẽ có cái gì đó lôi em ra khỏi nó.
Lúc đó anh chỉ muốn giá mà những lúc như thế có thể vô tư mặc kệ hết tất cả mà ngủ thôi thì thật là tốt.
Anh nghĩ ... Cái chết cũng không quá tệ, em mệt rồi nằm xuống nghỉ ngơi một tí, mọi sự sẽ không còn có thể phiền em nữa, thoải mái mà chìm vào giấc mơ của chính mình.
Nhưng "ngủ" rồi, không có nghĩa là mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn với người thân của em. Họ có thể chấp nhận, có thể giằng xé, vật lộn ngoài kia. 
Chỉ là ... Em đời này có thật sự muốn mặc tất cả, để lại cha mẹ, gia đình mình ngoài kia hay không? "
Quân nhìn vào cuốn sách thật lâu, cậu đang suy nghĩ gì đó, rồi ngẩng mặt mỉm cười với tôi.
Ngày hôm ấy, tôi và em nói với nhau về rất nhiều thứ về tương lai xa xôi, về giấc mơ nơi em và tôi cùng lớn lên trong một viễn cảnh hai chàng hiệp sĩ xứ Mancha chu du khắp thế giới, cuối cùng dừng chân tại mảnh đất Wonderland. Nơi tôi gặp lại tuổi thơ của mình. Nơi sự trong sáng không bị vấy bẩn.
Ngày Quân mất, tôi không có mặt ở đó, chỉ nhận được cú điện thoại từ mẹ cậu. Tôi đến phòng bệnh nhận lại cuốn sách tôi cho Quân mượn ngày trước.
Một chiếc kẹp sách đã nằm ở trang cuối cùng.
Hôm đó, trời mưa, mưa rất nhiều, nhưng cơn mưa trong phòng bệnh to hơn hết thảy.

Lần cuối ông lại ngã bệnh, tay nắm chặt, người ta kéo ông lên băng ca, rồi chở đi trong tiếng hú dài. Ánh mắt tôi đỏ hoe vì giận. Tôi không thích nơi họ đưa ông đến. Những người xung quanh tôi, hễ ai đó bước vào cánh cửa đó, quay lại vài lần, rồi lần cuối. Đối với tôi bệnh viện là nơi thời gian đếm ngược, họ đến để chờ chết. Ông tôi cũng vậy.
Càng lớn tôi càng không tin vào cái gọi là trăm năm đời người. Đã tai nghe mắt thấy rất nhiều chuyện đau lòng, sinh lão bệnh tử, định nghĩa đó giờ đây đối với tôi hơi hạn hẹp và thiển cận. Nó hứa hẹn ta về một quãng thời gian ở phía trước, rằng cuộc sống là một chiếc đồng hồ cát đếm ngược. 
Trăm năm, chúng ta có 100 năm để sống. Thế thì...
Tất cả những người đang vật lộn hàng ngày với sự sống khi đang xuân xanh, thì có được gọi là một đời ?
Những đứa trẻ đang chờ từng ngày được sống, những năm còn lại của chúng đã đi đâu ? 88 năm còn lại của Quân đã bị ai cướp mất ? 12 năm của ông ?
Đời người vốn không phải trăm năm. Nó vốn dĩ chưa từng được tính về quãng thời gian sống của một người .Cuộc sống chưa từng hứa với bất kỳ ai về tương lai, rằng cuộc sống chúng ta sẽ kết thúc như thế nào, vào thời điểm nào cụ thể. Sẽ chẳng có hứa hẹn gì xa xôi nếu, cuộc sống ta kết thúc chỉ là vài giây tiếp theo, và cũng sẽ chẳng có gì chắc chắn về đích đến, khi mà nó là 100 năm dài.
 Cái chúng ta có chỉ là hiện tại, là từng giây trôi đi.
Tôi từng tự hỏi:
Nếu có thể cho mọi người sống đến vạn năm.
Liệu một giây có còn là một giây, một năm có còn là một năm ?
Ai sẽ trân trọng những giây phút ngắn ngủi đó ?
Con người phải càng lớn thì sẽ càng đối diện với nhiều mất mát. Và những mất mát của vạn năm đó có khiến con người quen dần với nó. Con người sẽ không là con người của hiện tại ?
Dẫu biết là nhân sinh vô thường, nhưng tôi chưa từng quen với mất mát. Tôi tin cũng chả có ai quen với mất mát cả. Sau này tôi dần hiểu được do mất mát, do đời người chẳng ngắn cũng chẳng dài, nên chúng ta mới biết trân trọng hiện tại và giá trị của từng giây trôi đi. 
Ngày bạn tôi mất, mọi người nhớ về những kỷ niệm ngắn ngủi với cậu. Chúng tôi ôm nhau, vài người bật khóc.
Ngày ông mất, chú út cũng chưa từng có cơ hội nói lời xin lỗi. Ba cũng không thể bù đắp được phần đời thiếu vắng ông của mình. 
Quân mất, cuộc đời cậu không là trăm năm, nhưng cậu được mọi người yêu thương, và có cả lòng dũng cảm đối diện với tử thần. Trong những quãng thời gian cuối cùng ấy, tôi chưa từng nhớ rằng cậu đã khóc. Cuộc đời cậu bình lặng trôi đi, không rạng rỡ, mà an yên, trong vắt như ngày nắng mà tôi gặp cậu .
Sau tất cả, tôi không khóc, chỉ cảm thấy đau lòng.
Có lẽ bầu trời sẽ lại mưa.
Và có lẽ có vài chuyện mãi mãi không đợi được đến sau này.
Rốt cuộc thì trăm năm chẳng hoá một đời.