Xin chào mọi người !
Mình là học sinh lớp 12 của một trường ở TP.HCM
Suốt từ khi lên cấp 3, mình bắt đầu tự đặt câu hỏi về những gì mình đang được học. Mà trong khuôn khổ của bài viết này mình muốn chia sẻ về trải nghiệm của mình với môn Ngữ Văn. Không biết các trường khác trên phạm vi toàn cả nước đang giảng dạy như thế nào. Riêng với trường mình thì môn Ngữ Văn đang được dạy một cách rất rập khuôn. Giáo viên sẽ phát cho học sinh bộ đề cương được chia theo 2 kỳ theo chương trình từng kỳ của môn. Trong đó viết khá chi tiết về từng tác phẩm trong chương trình, mỗi bài còn có cả 1 bài văn mẫu riêng. Cứ mỗi lần gần đến kì kiểm tra hoặc thi, thì giáo viên sẽ cho các bạn học thuộc theo những gì trong đó, theo kiểu học vẹt, từng câu từng chữ. Nên các bạn thường viết văn theo 1 cái form chung là phần đầu giới thiệu tác giả tác phẩm, thân bài làm bám sát theo những gì đã học thuộc, và kết bài là khen tác phẩm. Dẫn đến việc mình đọc bài nào cũng thấy nó rập khuôn vô cùng, rất khô khan. Theo mình, Văn học là môn cần có sự quan sát và cảm nhận, đưa ra những đánh giá và quan điểm của bản thân. Mình cũng thích phân tích văn thơ, tác dụng của nó là dạy học sinh tư duy phân tích & tổng hợp, đánh giá sự vật sự việc dựa trên nhiều khía cạnh, yếu tố, có thể giúp học sinh vận dụng những kĩ năng đó vào đời sống hoặc công việc sau này. Ví dụ như để viết cảm nhận về 1 bài văn nào đó thì phải phân tích ra, tác phẩm lấy bối cảnh xã hội như thế nào ? Xoay quanh mấy nhân vật ? Họ là ai ? Công việc của họ là gì ? Tính cách, quan điểm, hành động ? Điều gì khiến họ làm vậy ? Bi kịch này do những yếu tố nào tạo nên ?... và hàng tá câu hỏi khác. Đan xen vào đó là phát hiện và nêu tác dụng của những biện pháp nghệ thuật.
Thế nhưng giảng dạy theo kiểu cho học sinh học vẹt theo đề cương thì làm sao học sinh phát triển được những kĩ năng phân tích vấn đề đó đây ?
Cảm ơn mọi người đã đọc, đây chỉ là góc nhìn cá nhân ở hiện tại. Mong mọi người đóng góp ý kiến mạnh tay ạ !