Tất nhiên chúng ta không thể lấy Thạch Lam làm quy chuẩn và đại diện cho nền văn học Việt Nam, Đen đối với Rap Việt cũng vậy – dù cho cả hai đều xuất sắc trong lĩnh vực của riêng mình. Tuy vậy, trong một mặt nào đó, mỗi khi ta nhắc đến văn học Việt Nam thì lại nhớ đến Thạch Lam, và nhắc đến rap lại nghĩ ngay đến Đen Vâu.
Hiển nhiên nền văn học và nền rap của Việt Nam còn nhiều tên tuổi khác: Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng; DSK, Krazinoyze, Rhymastic,… Nhưng tôi chọn Thạch Lam và Đen Vâu vì giữa họ có một chút gì đó đồng điệu, một sự giao thoa nhẹ nhàng giữa văn chương và rap.
Nghệ sĩ (ngay cả là ruột thịt và ngay cả hoạt động trên cùng một lĩnh vực) đều có những nét riêng, những thứ của người này mà không thể tìm thấy ở người kia dù có cố gắng mấy. Và đồng thời nghệ sĩ, dù ở thời đại nào, không kể địa lý, địa vị sang hèn đều có một cái tôi mà ở đây tạm gọi là cái tôi Nghệ sĩ. Cái tôi này là một hằng số, khiến nghệ sĩ nhạy cảm hơn đối với những niềm rạo rực hay u sầu của cuộc sống — cũng là thứ để phân biệt một nghệ sĩ và một kẻ giả mạo:  "ngụy" nghệ sĩ. Cái tôi nghệ sĩ thôi thúc họ luôn đi tìm cái mới, loại bỏ mọi khuôn sáo trống rỗng, và trong một chừng mực nào đó, khiến người ta có một niềm kiêu hãnh của một người tạo ra những giá trị tốt đẹp. Và theo tôi, một cách chân thành và tôn trọng nhất, Thạch Lam và Đen Vâu xứng đáng nhận được cái danh xưng "nghệ sĩ"

Từ sự bình lặng trong nghệ thuật...

Trong rất nhiều giông bão trong thế giới nghệ thuật ở thời đại mình. Thạch Lam hay Đen đều giữ cho mình một phong cách sáng tác vô cùng nhẹ nhàng và tĩnh lặng.  Nếu Nam Cao, Ngô Tất Tố hướng ngòi bút của mình đến với những người nông dân khốn khổ, Vũ Trọng Phụng lại nổi tiếng với "Số đỏ" — một tác phẩm xuất sắc viết về "những gương mặt thị dân của đô thị Việt Nam ở giai đoạn đầu của quá trình tư sản hóa" *, thì Thạch Lam lại hướng văn chương về tầm hồn của những kiếp người nhỏ bé, những cuộc sống đơn giản, hoặc đơn điệu. Văn Thạch Lam không có nhiều biến cố lớn, ông chỉ để nhân vật bộc lộ cái "tình" của mình bằng những cử chỉ thoáng qua hoặc bằng như lời độc thoại nội tâm (thường thấy nhất trong văn chương Thạch Lam). Các tác phẩm của ông nhẹ nhàng, nhưng làm cho những sợi tơ xúc cảm của con người ta run lên, đưa người ta đến với cánh cửa đến vùng đất tình người, rồi để họ tự thân mà đi tới. 
Khi nhắc đến rap thì một phần của đó là bỗ bã, táo bạo, mạnh mẽ và tục, nhưng chẳng thể vì thế mà ta đánh đồng mọi bài nhạc rap đều như nhau. Trong rap, vẫn có một góc riêng (và khá lớn) dành cho cuộc sống và con người. Trong con đường nghệ thuật của mình, Đen đã sáng tạo (và được nhiều người biết đến) ở loại hình thứ hai.
Trong những năm gần đây, khi người cũ dizz nhau, người cũ dizz người mới, người mới dizz người cũ, người mới dizz nhau và dizz cả thế giới, Đen Vâu lại được người ta biết đến nhiều hơn bởi những câu từ về tuổi trẻ, về cuộc sống. Anh hướng lời nhạc của mình đến với thiên nhiên, với những chuyến đi tìm lại bản thân mình (Đưa nhau đi trốn, Ngày khác lạ,...), với tình yêu (Đố em biết anh đang nghĩ gì, Anh đếch cần gì nhiều ngoài em,...), và với bản thân mình (Lộn xộn 1/2/3,...),... Một người rap, cái ngông là điều tất nhiên phải có, nhưng cái ngông của Đen nhìn chung cũng yên bình hơn so với các nghệ sĩ cùng thời nói chung: 
Sống mà không có hater, như nấu ăn mà không có gia vị
Đặc điểm chung của bọn nó là nói rất hay nhưng làm đ*o ra gì
Trong khi tao đang chill với homiez
Thì bọn nó chỉ biết gièm pha và đố kị
Cứ ở đó mà chê bai, đừng tìm tao làm gì cả
Không quan tâm chuyện được mất
Chính là vì thế mà bọn tao đi xa
Quan điểm của tôi khi trích rap là không có những dấu "*" che hoặc những tiếng *beep*. Nhưng trên này có trẻ con đấy, nên thôi đành.
Xung quanh anh toàn là nước (eii). Cơ thể anh đang bị ướt (eii)

...đến tâm thế tiếp nhận nghệ phẩm của người thưởng thức.

Thạch Lam nói:
...người đọc tiểu thuyết là một người đọc yên lặng, hay nghĩ ngợi, suy xét và tìm trong tâm lý các nhân vật của truyện những tư tưởng và ý nghĩ của chính mình...
Hay trong trường hợp Đen, thì là "người nghe rap".
Người đọc Thạch Lam và Đen luôn chuẩn bị tư thế để được những giọt sống mát lành. Tất nhiên không phải vì người đọc/ người nghe muốn thế nên họ viết thế, mà là vì cái tạng người như họ là vậy, họ viết về những biểu hiện của cái tôi, và có nhiều người thích, nhiều người không thích. Guy De Maupassant viết trong "Tiểu thuyết":
"Hãy làm cho tôi cái gì đẹp, trong hình thức nào phù hợp với bạn nhất, tùy theo tạng của bạn"
Nghệ sĩ thử làm, thành công hoặc thất bại 
Vậy chúng ta chỉ đa dạng hóa các nhân vật của mình bằng cách thay đổi tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội và mọi hoàn cảnh sống của cái tôi nơi chúng ta, mà tạo hóa đã vây bọc bằng một hàng rào khí quan không thể vượt qua 
Vậy ở Thạch Lam, cũng như Đen Vâu, hai người đều biểu hiện cái tôi của mình thành những nghệ phẩm, và như cách nói ở trên là cái tôi nghệ sĩ. Cái tôi nghệ sĩ này (qua nhiều rèn giũa) một cách nào đó lại đồng bộ được với tâm hồn của người đọc.
Ở điểm này thì người nghệ sĩ chân chính, hay người thưởng thức chân chính nào cũng như nhau.
Xin lỗi cụ Thạch Lam, cháu không có bức ảnh nào đẹp của cụ hết

20/6/2019,
Dìa dia.