Trà đá đây!
Ông dượng của vợ tôi, một ông già đã 92 tuổi lại có trí nhớ nguyên vẹn đến lạ kỳ, ông kể: - Ông nội vợ mày, tía vợ tao, từ bên Tàu...
Ông dượng của vợ tôi, một ông già đã 92 tuổi lại có trí nhớ nguyên vẹn đến lạ kỳ, ông kể:
- Ông nội vợ mày, tía vợ tao, từ bên Tàu chạy đói chạy khổ qua đây rồi làm nên cơ nghiệp. Tao còn nhớ ổng quắc mắt căn dặn cha vợ mày: “Mày học trường Tây, bày đặt mở hãng xưởng, tía không cản nhưng mày phải biết xứ Nam Kỳ lục tỉnh này đời nào cũng chỉ cần nhà máy xay lúa với nước đá. Chớ có vẽ chuyện bỏ tiền bày biện ba cái thứ máy móc bất thức thời. Liệu hồn mà mần ăn nghen!”
Tôi nghe vợ kể, ông dượng vợ là con nhà quan ở Tây Ninh. Cuối đời chơi bời hết vốn, ông về làm quản lý cái nhà máy nước đá ở trước chợ Củ Chi cho cha vợ tôi. Ông dượng kể tiếp:
- Cha vợ mày đâu dám cãi. Cứ y lời làm vài cái nhà máy xay lúa với nước đá rồi ngồi hốt tiền nhưng trong bụng cha vợ mày coi thường mấy cái nhà máy nhỏ xập xình đó lắm. Nó không đặng phỉ chí, cũng bởi bạn bè cùng cỡ đua nhau hùn hạp mở hãng dệt, hãng xe hơi... Rồi đùng một cái ông nội vợ mày chết. Tháng trước tháng sau nó gom vốn hùn làm một cái nhà máy dệt bao bố trong khu công nghiệp Biên Hòa. Sản xuất chưa tròn năm thì tàu Ấn Độ chở bao bố qua bán, giá rẻ mạt. Cha vợ mày làm ăn thua lỗ tức tới thổ huyết! Cái thằng nghĩ cũng kỳ, từ đó về sau thề chỉ uống đồ lạnh, trà nóng không ngó tới, uống trà phải có đá. Có người nói chơi: “Chắc chả ghét mấy tay Chà Và ưa đồ nóng”.
Tôi không nghĩ là cha vợ tôi, một người Tiều lại uống trà đá! Cái cớ sự dẫn tới việc ông ưng uống trà đá như lời ông dượng kể có vẻ không chắc ăn. Bởi vì không một người Hoa gốc Tiều nào không khoái khẩu với việc mỗi sáng húp món cháo trắng thật nóng với hột vịt muối, cải mặn rồi tựa môi kề mũi vào một tách nước trà nóng bốc khói. Đâu phải uống trà nóng là không đã khát. Vì sao lại thay đổi khẩu vị uống trà nóng truyền thống!
Trước đây nhiều người vững tin khẩu vị “cách mạng trà đá” là thị hiếu chiều chuộng đầu môi chót lưỡi tầm thường, chắc chắn sẽ chết yểu. Họ lầm! Đại bộ phận dân Sài Gòn - Chợ Lớn ngày nay bất chấp nắng hạn hay mưa dầm, gió nồm hay gió bấc, ở nhà hay ở quán, buổi sáng hay buổi tối cứ mở miệng ra đều kêu: “Cho một ly trà đá!”. Đâu đơn giản chỉ là một cách phản ứng có tính kháng cự với thời tiết quanh năm nóng nực. Phải chăng trong khẩu vị trà đá, trong cách uống ực một hơi rồi “khà” một tiếng, với trà đá, người Sài Gòn tìm thấy ở thứ thức uống này tánh hào sảng tương đồng để cùng bộc trực hé lộ một phần của cái mảng lớn phong phú không sao kể xiết của cách ăn - cách chơi - cách nghĩ - cách làm - cách sống!Tôi có một người bạn già vốn là dân học ở trường Chu Văn An Hà Nội rồi di cư vào Nam, sau đó di cư một lần nữa qua tới xứ lạnh Canada. Một sáng nọ, tôi với anh đi chơi quanh quanh Sài Gòn rồi tấp vào một quán phở bên đường. Ông ăn một tô phở Sài Gòn có rau om, cần nước, sa tế, tương đỏ và tương đen rồi gật gù khen lạ râu miệng. Xé gần nửa cuộn giấy vệ sinh ra chùi đi chùi lại lớp mỡ bò béo dính đầy mép râu, lịch sự ông gọi:
- Cô chủ quán, xin vui lòng cho ly trà nóng.Cô chủ quán cầm cái khăn đen thui vừa lau bàn vừa khuyến mại cặp vú mướp đã nổi gân xanh, nói:
- Em chỉ có trà đá.Ông bạn tôi kêu lên:
- Giời ơi! Tôi không dùng được đá! Nước sôi nguội có không nào?Cô chủ quán hất mái tóc nhuộm vàng như bờm sư tử nói:
- Anh Hai chịu khó về biểu vợ nấu nước pha trà dùm. Em mua bán lu bu, chịu chết!
Có người sau khi ăn một tô phở, tô hủ tiếu, dĩa bánh cuốn ở Sài Gòn vẫn cảm thấy khó chịu khi không có được một ly trà nóng để tráng miệng. Nhưng tôi đoán rằng số người ấy ngày càng ít đi. Ngày nay, bạn quả là người có số đỏ nếu đi khắp các tiệm ăn Sài Gòn - Chợ Lớn mà tìm được một chủ quán nào đó chịu pha cho bạn bình trà nóng.
Bước vô một quán bất kỳ sang hèn nào ở Sài Gòn, dù người phục vụ có đưa menu ra mời hay đơn giản hỏi “Anh dùng gì?”, bạn nói “Trà đá!”, chủ quán sẽ hiểu là bạn đã ăn hoặc uống ở chỗ khác hoặc một lúc nữa sẽ gọi món, hoặc riêng hôm nay bạn không muốn ăn uống ở quán họ. Cả chủ quán và người phục vụ sẽ vui lòng mang ra cho bạn một ly trà đá, có khi kèm theo nguyên một bình trà. Gọi một ly trà đá không có nghĩa là ai đó ít tiền, bần hèn, chỉ đơn giản là họ muốn uống trà đá. Với những chủ tiệm ăn uống ở Sài Gòn khi khách gọi xong món ăn mà chỉ gọi thức uống trà đá, có nghĩa là trà đá đương nhiên bình đẳng với bia, nước ngọt, cà phê... Họ quan niệm có bán là có lời. Còn nếu họ muốn đuổi khác h thì họ chỉ việc không bưng thêm trà hoặc ngưng cho thêm nước đá vào ly. Lúc đó dù có kêu khát rát cổ họng họ vẫn cứ ngó lơ. Giá một ly trà đá ở các tiệm lớn tính 1.000 đồng, tiệm nhỏ 500 đồng. Ai cũng nói: “Bán trà đá lời bà cố luôn!”. Bởi trà pha sẵn đựng trong chai gọi là trà cốt, khi bán cứ việc chế chút xíu vô ly rồi đổ nước lã cho đầy ly đá. Mới đây, tôi có vào sân vận động Thống Nhất coi đá banh, trận U23 Việt Nam đá với U23 Bulgaria, thấy cô gái bán trà đá ở khán đài D tay xách bịch trà đá, tay cầm điện thoại di động gọi om sòm. Một người khách ngồi sau lưng tôi ghẹo:
- Từ nhỏ tới lớn anh mới thấy bán trà đá mà có di động! Cho anh xin số chút nữa khát anh gọi, em cưng ơi!
Cô gái đưa bịch trà đá vào mặt người khách, nói nửa chơi nửa thiệt:
- Mua liền đi anh. Bán hết mấy trận banh em đổi cái Nokia đời mới một cái rụp.
Ngày nay ở những quán cà phê sang trọng trà đá không cần phải gọi, vừa đặt đít ngồi vô ghế tức thì người ta cứ thản nhiên mang ra phục vụ bạn một ly trà đá, hết thì kêu thêm, miễn phí, sau đó bạn thích ăn uống gì khác thì tùy. Tất nhiên khi làm vậy không phải vì họ cho là bạn không đủ tiền để uống các thứ trà Tàu, trà Tây, trà Việt có giá xứng với chuyện ăn nên làm ra của bạn; chỉ đơn giản là ai ai khi mới vô quán và trước khi rời tiệm cũng đều được “phong cách ứng xử trà đá” làm cho thành đồng đẳng đá hết trọi. Ở các quán vỉa hè, nước đá sẽ được chủ hàng bỏ luôn vào cái ấm trà bằng nhôm hoặc bằng sứ, ai muốn uống thì tự tay rót ra ly mà uống. Hỏi nguyên cớ thì họ cho biết, “Dân lao động mà!Khách nào cũng đòi trà đá, làm vậy để khách khỏi mắc công cằn nhằn. Tốn hao bao nhiêu đâu!”. Ở các hàng ăn bình dân, buổi sáng từ món cơm tấm, bánh canh, bún riêu; buổi trưa thì cơm bình dân; buổi tối thì cháo mực, bún bò... đâu đâu cũng có thùng trà đá với một cái ca nhựa úp sẵn. Nếu không thấy ngại cái ca nhựa “môi miệng tập thể” và ớn cái thứ nước “lý lịch vệ sinh không trong sáng” bạn cứ tha hồ phình bụng uống! Có khi không cần phải vào quán ăn hàng, đi đường khát quá cứ nhào vô xin uống, chủ quán hay mấy cô bán hàng chỉ nhìn bạn sơ qua là gật đầu. Thí dụ bạn có bước xuống từ xe hơi đời mới bóng lọng cũng vậy. Xin uống nước tức là dân chơi hết tiền, trà đá miễn phí trở thành nước thánh ban tặng cho mọi cơ cảnh đời khốn nạn!
Trà đá thường được pha bằng thứ trà dở tệ, dở hạch nhất, có khi chỉ là thứ trà cám trà cây tầm bậy tầm bạ. Bạn đừng tìm tới món trà đá ở các tiệm quán vì mùi thơm của hoa sen hoa lài hay chính gốc mùi trà, đừng tìm trong trà đá vị ngọt chát hưng phấn thần kinh đến mức muốn thành “thánh nhân”. Chính hiệu trà đá chỉ là cái màu vàng vàng gọi là cho có màu trà, mục đích làm con mắt được yên để khỏi hơi đâu thắc mắc nước pha trà có sôi hay không, hay sâu xa hơn một chút là yên cái tâm rằng dù sao ta đây vẫn được uống thứ nước có cốt cách thanh cao mỗi ngày. Nhưng nếu tạm dằn cái tánh khó khăn hay cố chấp thì bạn sẽ nhận ra một điều là uống trà với một cục nước đá giữa Sài Gòn nóng bức quanh năm, ôi thôi thật là đã! Thành ra cái cốt yếu của trà đá chính là cục nước đá làm nên một thứ nước uống đủ độ lạnh sảng khoái. Như Sài Gòn làm gì có mùa thu! Ai lầm thì ráng chịu chớ “nghĩa lý gì”cái thứ trà hiện hữu trong ly đá. Bởi Sài Gòn thời tiết quanh năm nóng nực, cây có xanh, trời có cao thì cũng ngộp khói bụi, trời có mưa hay hạn thì cũng khô họng, đổ mồ hôi. Cũng có lý khi cho rằng người Sài Gòn tìm tới cục nước đá và ly trà đá là để bụng dạ, đầu óc hưởng thụ chút hơi hướm sảng khoái của cái lạnh mùa thu, mùa đông. Cái cảm giác được ly trà đá xoa dịu nóng bức, nguồi nguội bực bội, mát hơi thở, lạnh ruột gan... luôn là thứ cảm giác không thể không ghiền. Bạn thử nghĩ coi vào một hôm xấu trời bất hạnh nào đó người Sài Gòn đương đại phải sống trong tình cảnh không có nước đá và trà đá thì sự thể biết sẽ ra sao!
Vào những buổi chiều tối giữa mùa hè Sài Gòn, khi đám trai gái ăn xong cơm tối cưỡi xe gắn máy đổ về hướng trung tâm thành phố, còn cán bộ công chức thì hẹn nhau ra quán nhậu. Đâu gì hơn nếu bạn sai trẻ con đi mua 500 đồng đá cục rồi pha cho mình một bình trà ngon, để nguội rồi bắc ghế ra ngồi trước cửa nhà tận hưởng từng ngọn gió mát hiếm hoi và uống trà ngon với nước đá. Nhà ông nọ bà kia con nít thì nô đùa, còn người già thì lim dim phe phẩy quạt giấy. Sài Gòn bây giờ dẫu có thay đổi đến mức rối loạn nhưng đâu thể mất những cảnh sống bình yên. Vậy cớ chi ta không ực một hơi trà đá! Thứ nước uống đã mang trong nó hết thảy những khoảng không phóng khoáng còn lại của Sài Gòn. Trà đá! Lúc nào cũng màu vàng như nắng trong, mát dịu như gió mùa mưa và thú vị như sự ban phát ân huệ ở mức độ vừa phải mà đất, nước, khí trời dành cho người Sài Gòn. Với trà đá, người Sài Gòn chưa từng sanh tánh cố chấp, sanh chuyện phân biệt, trước cũng như sau bên ly trà đá mọi thị dân luôn biết cùng san sẻ mọi cơ cảnh ở đời.
Bây giờ tôi như một người già hóm hỉnh lành tính, như một cậu bé cắc cớ hồn nhiên rao mời lớn tiếng:Trà đá, trà đá đây!
-- #Ntech_SaiGon blog.ntechdevelopers.com
Du lịch - Ẩm thực
/an-choi
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất