Tony Takitani - Haruki Murakami
nguồn ảnh: https://www.flickr.com/photos/yukikitazumi/16906886676/ Tên thật của Tony Takitani thật ra là: Tony Takitani. Vì cái...
Tên thật của Tony Takitani thật ra là: Tony Takitani.
Vì cái tên này và mái tóc xoăn, rồi những đường nét trên khuôn mặt, nó thường bị hiểu nhầm là con lai. Chiến tranh vừa mới kết thúc, con lai nhan nhản khắp nơi là điều rất dễ hiểu. (ý chỉ con lai giữa phụ nữ Nhật và binh sĩ Mỹ). Nhưng bố mẹ của Tony Takitani là người Nhật, 100% chính thống. Bố của nó, Shozaburo Takitani, là một người khá nổi tiếng trong giới trombone jazz, nhưng đã rời Tokyo bốn năm trước Thế chiến thứ hai nổ ra vì vài bê bối với phụ nữ. Nếu đã phải rời nơi này, ông nghĩ, thì cũng phải thực sự rời đi, và rồi ông bỏ đến tận Đại Lục, trên người không gì ngoài chiếc kèn trombone. Ngày đó Thượng Hải chỉ cách Nagasaki một ngày đi tàu. Shozaburo không có gì ở Tokyo - hay bất cứ xó xỉnh nào khác trên đất nước Nhật – vậy nên ông cũng không có gì để mất và không có gì phải hối tiếc. Phải chăng là Thượng Hải, với những mánh khóe và lừa lọc, sẽ phù hợp với tính cách của ông hơn là ở Tokyo. Đứng cạnh boong tàu lướt trên sông Dương Tử, phóng tầm mắt nhìn ra phía xa, lần đầu tiên nhìn thấy những đường cong thanh lịch của Thượng Hải rực sáng trong ánh nắng ban mai, ông biết mình đã đúng. Ánh sáng ấy đầy rẫy sự hứa hẹn. Lúc đó ông hai mươi mốt tuổi.
Ông đi qua nhiều biến động của nước Nhật với thái độ hờ hững - từ cuộc chiếm đóng của người Nhật trên đất Đại Lục cho đến cuộc tấn công ở Trân Châu Cảng hay thậm chí sự kiện hai quả bom nguyên tử thả xuống nước Nhật. Ông cứ thế chơi trombone ở khắp các câu lạc bộ đêm ở Thượng Hải, như cuộc chiến là thứ gì đó ở một nơi rất xa. Shozaburo Takitani không có ý định tác động vào - hoặc thậm là tranh luận về - lịch sử. Ông không muốn gì hơn ngoài việc chơi trombone, ăn đủ ba bữa một ngày, và có đàn bà bên cạnh. Ông khiêm tốn, và kiêu ngạo cùng lúc. Tuy luôn coi mình là trung tâm, ông đối xử khá tốt với những người xung quanh, và đó là lý do tại sao ông luôn được mọi người yêu quý. Trẻ, đẹp, và tài năng, ông trở thành tâm điểm ở mọi nơi mình đặt chân tới, như một con quạ đen trên nền tuyết trắng. Ông ngủ với vô số đàn bà. Nhật, Trung Quốc, Nga, gái điếm, phụ nữ đã có chồng, phụ nữ trẻ và đẹp, những người không quá lộng lẫy: ai ông cũng có thể đặt tay vào. Chẳng mấy chốc thì tiếng kèn siêu ngọt ngào và cái dương vật cường tráng kia đã biến ông thành gã Thượng Hải chính hiệu.
Shozaburo cũng khá may mắn - mặc dù chính ông cũng không nhận ra – khi ông có khả năng kết giao dễ dàng. Ông quan hệ rộng với Quân đội cấp cao, sĩ quan, triệu phú và những người có sức ảnh hưởng khác, những kẻ trục lợi từ chiến tranh. Rất nhiều người trong số họ phải luôn mang theo súng lục bên dưới lớp áo khoác và không bao giờ ra khỏi một tòa nhà nào mà không liếc ngang liếc dọc. Vì lý do nào đó, Shozaburo Takitani và họ hiểu ý nhau ngay khi mới gặp. Và họ rất sẵn lòng hậu thuẫn cho ông bất cứ khi nào có vấn đề xảy ra.
Nhưng cái tài đôi khi cũng là cái họa. Khi chiến tranh kết thúc, các mối quan hệ của ông bị quân đội Trung Hoa chú ý, và ông bị bắt nhốt trong một thời gian dài. Ngày qua ngày, những người bị bỏ tù vì những lý do tương tự lần lượt bị đưa ra pháp trường hành quyết mà không qua một phiên xử nào. Các lính canh sẽ xuất hiện, kéo họ vào sân nhà tù, và thổi bay bộ não của họ bằng bộ súng lục tự động. Shozaburo nghĩ ông sẽ chết trong tù. Nhưng viễn cảnh cái chết không làm ông sợ hãi.
Một viên đạn xuyên vào não ông, và mọi chuyện sẽ kết thúc. Một nhoáng cái là xong. Ta đã sống theo cách ta muốn trong suốt những năm qua, ông nghĩ. Ta đã đặt tay lên rất nhiều người phụ nữ. Ta đã được ăn rất nhiều thức ăn ngon và đã có rất nhiều khoảng thời gian vui vẻ. Không có quá nhiều điều trong đời bị bỏ lỡ. Thêm nữa thì ta cũng không có cương vị gì phàn nàn cho cái chết, đó là điều nên xảy ra. Hàng trăm nghìn người Nhật đã chết trong cuộc chiến này, và nhiều người trong số họ còn chết theo những cách khủng khiếp hơn nhiều.
Trong lúc chờ đợi, Shozaburo nhìn những đám mây trôi theo song sắt nhỏ bé của mình và vẽ những bức tranh trừu tượng lên những bức tường bẩn thỉu của phòng giam hình những khuôn mặt và cơ thể của những người phụ nữ ông đã ngủ cùng. Tuy nhiên, cuối cùng, ông lại là một trong hai tù nhân Nhật Bản sống sót rời khỏi nhà tù và được trở về nhà. Người đàn ông còn lại là một quan chức cấp cao của Nhật, đã gần như mất trí. Shozaburo đứng bên mạn thuyền, ngắm nhìn Thượng Hải xa dần, ông nghĩ, Cuộc đời: Ta sẽ không bao giờ hiểu được nó.
Ω
Không xu dính túi, Shozaburo Takitani trở về Nhật Bản mùa xuân năm 46, chín tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Được hay tin nhà mình đã bị thiêu rụi trong trong trận oanh tạc Tokyo tháng 3 năm 45, cha và mẹ ông cũng đã chết vào lúc đó. Anh trai duy nhất của ông cũng đã mất tăm hun hút trên mặt trận Miến Điện. Nói cách khác, Shozaburo bây giờ không còn ai là người thân. Tuy nhiên, đây không phải là một cú sốc lớn đối với ông; cũng không phải là chuyện buồn gì to tát. Tất nhiên ông có cảm thấy trống vắng, nhưng ông biết ai sớm muộn rồi cũng sẽ còn lại một mình. Ông đã ngoài ba mươi tuổi, đã quá cái tuổi để đau buồn về sự cô đơn. Ông cảm thấy như thể mình đột nhiên già đi vài tuổi. Nhưng đó là tất cả. Không cảm xúc nào dâng trào trong ông. Bằng cách này hay cách khác, Shozaburo sống được đến ngày này, và ông sẽ cố gắng sống tiếp.
Vì chỉ biết một công việc duy nhất là thổi trombone, ông tìm lại một số bạn bè cũ và lập một nhóm jazz nhỏ chơi tại những căn cứ quân đội Mỹ. Tài năng kết giao đã giúp ông làm thân được với một Thiếu tá Mỹ. Anh ta cũng yêu jazz, một anh chàng Mỹ gốc Ý đến từ New Jersey, người có một chiếc kèn clarinet của riêng mình. Hai người họ thường xuyên gặp gỡ khi có thời gian rảnh. Là sĩ quan trong Bộ tư lệnh, anh ta có đủ loại băng đĩa, Shozaburo chỉ việc đến khu căn cứ, thư giãn trong những điệu vui vẻ của Bobby Hackett, Jack Teagarden và Benny Goodman, tự học những lối chơi của họ nhiều nhất có thể. Còn anh chàng Thiếu tá thì mang cho ông đủ loại thực phẩm từ đồ ăn đến sữa và cả rượu, những thứ rất khó mua vào những ngày đó. Không tệ, Shozaburo nghĩ, còn sống vào lúc này cũng không tệ.
Năm 1947, ông kết hôn với một người chị họ xa bên mẹ. Tình cờ gặp nhau một ngày trên phố, họ ngồi uống trà với nhau, chia sẻ tin tức về họ hàng và nói về ngày xưa. Không bao lâu sau thì họ kết hôn – có lẽ là vì bà mang thai. Ít nhất thì đó là chuyện Tony Takitani nghe được từ cha mình. Mẹ anh là một người xinh đẹp và trầm lặng, nhưng là một phụ nữ yếu ớt. Bà sinh Tony một năm sau khi kết hôn, và chết ba ngày sau đó. Thế là hết. Buổi hỏa táng diễn ra nhanh chóng và lặng lẽ. Bà đi qua cuộc đời bình lặng, và hầu như không phải chịu đựng gì nhiều. Bà chỉ biến mất vào khoảng không, như thể ai đó lui vào hậu trường và giật công tắc.
Shozaburo Takitani không biết mình phải cảm thấy thế nào về điều này. Ông khá xa lạ với những cảm xúc như vậy. Ông như không thể hiểu được chính xác cái chết là gì, cũng như không thể đưa ra kết luận về cái chết đặc biệt này có ý nghĩa như thế nào đối với ông. Tất cả những gì ông ấy có thể làm là nuốt trọn toàn bộ nó, như một kẻ đồng lõa. Ông có cảm giác như có một thứ gì đó phẳng, dẹt tròn như cái đĩa lèn vào lồng ngực. Nó là gì, hoặc tại sao nó lại ở đó, ông ấy không thể trả lời. Cái đĩa chỉ đơn giản là ở đó, ngăn không cho ông suy nghĩ thêm về những gì đã xảy ra. Ông ngồi thừ người ra như thế trong suốt một tuần sau khi vợ ông qua đời. Ông thậm chí còn quên mất đứa bé ông đã để lại trong bệnh viện.
Người thiếu tá đã cưu mang Shozaburo và làm tất cả những gì có thể để an ủi ông. Họ uống cùng nhau tại căn cứ gần như mỗi ngày. "Ông phải lấy lại tinh thần,” anh chàng Thiếu tá nói với Shozaburo, “ông còn phải nuôi đứa trẻ khôn lớn, đúng chứ?" Những lời này không có ý nghĩa gì với Shozaburo, người chỉ gật đầu trong im lặng. "Này," bỗng một ngày anh ta nói, “sao ông không để tôi làm cha đỡ đầu cho đứa bé? Tôi sẽ đặt tên cho nó. "Ồ,” Shozaburo nghĩ, ông quên mất việc đặt cho đứa bé một cái tên.
Thiếu tá đưa ra cái tên của mình - Tony. Tony, không có một đứa trẻ Nhật nào mà lại tên là Tony cả, nhưng anh Thiếu tá thì chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Shozaburo trở về nhà, ông viết cái tên Tony Takitani trên một mảnh giấy và dán nó vào tường, nhìn vào nó trong vài ngày liền. Tony Takitani. Không tệ. Không tệ. Cuộc chiếm đóng của Mỹ có lẽ sẽ kéo dài trong một thời gian, và một cái tên kiểu Mỹ có thể sẽ dễ dàng hơn cho đứa bé.
Tuy nhiên, đối với bản thân đứa trẻ, sống với một cái tên như vậy không mấy vui vẻ. Những đứa trẻ khác ở trường gọi thằng bé là "thứ tạp chủng", và bất cứ khi nào thằng bé nói ra tên của nó, mọi người xung quanh thường tỏ ra dè chừng và lạnh nhạt. Một số người nghĩ rằng đó là một trò đùa tồi tệ, và những người khác phản ứng với sự căm phẫn. Hẳn là mọi người, khi đối diện với một đứa trẻ tên là Tony Takitani, vết thương cũ của họ như bị cứa sâu hơn.
Trải qua những chuyện như vậy chỉ khiến thằng bé tách mình hơn. Nó không kết thân với bất kỳ ai, nhưng lại không mấy buồn về chuyện này. Nó cảm thấy đó là điều thiết yếu trong cuộc sống: như thể sinh ra đã là thế. Cha thằng bé đi đây đi đó với ban nhạc, khi Tony còn nhỏ thì đã có một quản gia luôn đến chăm sóc nó hằng ngày. Khoảng cuối những năm cấp một nó đã có thể tự lo cho bản thân. Nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp, tự khóa cửa, và ngủ một mình vào ban đêm. Điều này có vẻ hợp lí hơn khi không có ai quấy rầy nó.
Shozaburo Takitani không tái hôn. Ông có rất nhiều người tình, dĩ nhiên, nhưng ông không dẫn bất kì ai về nhà. Nó tựa như việc con trai của ông đã quen với việc tự chăm sóc bản thân nó. Hai cha con không khác nhau như mọi người vẫn nghĩ. Họ quen với sự cô độc, và không bao giờ là người chủ động mở lòng mình ra trước. Cũng không nhất thiết phải làm như vậy. Shozaburo Takitani không lựa chọn việc làm cha, và việc làm con cũng không phải do Tony Takitani được quyền lựa chọn. (Khác với nguyên văn: Shozaburo Takitani was not well suited to being a father, and Tony Takitani was not well suited to being a son.)
Ω
Tony Takitani thích vẽ và nó dành hàng giờ trong phòng mỗi ngày để vẽ. Thằng bé thích vẽ tranh về máy móc. Nó vẽ tỉ mỉ từng chi tiết về xe đạp, radio, động cơ và những thứ tương tự. Khi vẽ một cái cây, nó sẽ vẽ từng đường vân trên mỗi chiếc lá. Đó là cách duy nhất thằng bé biết. Điểm mỹ thuật của nó, khác với những môn học khác, luôn luôn nổi trội, và luôn giành giải nhất trong các cuộc thi vẽ của trường.
Cuộc đời Tony Takitani là một đường thẳng đi từ cấp ba tiếp lên đại học mỹ thuật và trở thành một họa sĩ minh họa. Một tiến trình thuận theo tự nhiên. Anh ấy không bao giờ cần phải xem xét các khả năng còn lại. Trong khi những người trẻ xung quanh anh loay hoay tìm hướng đi cho cuộc đời mình, anh vẫn cứ tiếp tục với những chi tiết cơ khí, không một suy nghĩ về bất cứ điều gì khác. Đó là khoảng thời gian khi mà hầu hết những người cùng thời chống lại với những thay đổi, bằng đam mê hay bạo động, và họ không thấy bất cứ thứ gì gọi là nghệ thuật trong những bức vẽ siêu thực của anh. Các giáo sư ở trường trưng ra một nụ cười thật méo mó. Các bạn học thì lại chỉ trích anh thiếu đi ý thức hệ. Bản thân Tony cũng không mấy hứng thú với tranh của họ. Anh chỉ thấy nó ấu trĩ, xấu xí và không chính xác.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi anh tốt nghiệp đại học. Nhờ tính siêu thực trong những bản vẽ, Tony Takitani không khó để tìm việc làm. Máy móc và kiến trúc phức tạp – không ai có thể sánh bằng độ chính xác với những chi tiết của anh - “Chúng trông còn thật hơn cả cái ngoài đời nữa.” Bản phác thảo của anh chi tiết hơn cả hình chụp, và mọi lời chú thích chỉ thêm phần thừa thãi. Rồi bỗng một ngày anh trở thành nhà minh họa duy nhất mà công ty nào cũng muốn giành về phần mình.
Anh đảm nhận mọi vai trò - từ bìa tạp chí ô tô đến chiến dịch quảng cáo. Anh thích công việc của mình và kiếm được một khoản khá. Không có bất kỳ sở thích nào, ở tuổi ba lăm anh đã tích lũy được một khối tài sản nhỏ. Anh mua một ngôi nhà lớn ở Setagaya, một vùng ngoại ô Tokyo giàu có, và có thêm một vài căn hộ cho thuê có thể mang lại thu nhập hàng tháng. Anh có kế toán riêng có thể lo liệu cho anh hết mọi khoản này.
Ở thời điểm này, Tony đã ở bên một vài người. Trong một thời gian ngắn anh thậm chí đã sống với một trong số họ. Nhưng anh chưa bao giờ nghĩ đến việc kết hôn. Anh chưa bao giờ thấy việc đó cần thiết. Nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ – anh có thể tự lo liệu, thậm chí ngay cả khi quá bận, anh có thể thuê quản gia làm cho mình. Anh chưa bao giờ cảm thấy khao khát có con. Anh thiếu đi sự kết nối với cha, và những người bạn thực sự – nhưng người sẽ đến gặp anh để xin lời khuyên hoặc để thổ lộ bí mật, hoặc thậm chí là đi uống với nhau. Chỉ những mối quan hệ bình thường với những người bình thường vào những ngày bình thường. Không phải anh kiêu căng hay ngạo mạn, anh không bao giờ bao biện cho bản thân hoặc nói xấu về người khác, và ai biết đến anh cũng cảm thấy mến anh. Anh gặp cha mình không quá một lần trong hai hoặc ba năm, có thì cũng chỉ về một số vấn đề. Khi mọi việc đã xong, không ai trong số họ có gì nhiều để nói với nhau. Do đó, cuộc sống Tony Takitani cứ thế trôi đi, lặng lẽ và trầm lặng.
Rồi bỗng một ngày, không một lời báo trước, Tony Takitani đã yêu. Cô ấy làm việc bán thời gian cho một công ty xuất bản, hôm đó cô đến văn phòng anh để lấy bản minh họa. Hai mươi hai tuổi, cô là một cô gái chín chắn với một nụ cười hiền hậu. Đường nét của cô hài hòa, nhưng, khách quan mà nói, cô không có gì gọi là quá đỗi đẹp hay gì cả. Tuy nhiên, có điều gì đó ở cô giáng một cú vào tim Tony Takitani. Khoảnh khắc anh nhìn thấy cô lần đầu tiên, ngực anh thắt lại và không thể thốt lên lời nào. Nhưng anh không thể nói được điều gì ở cô đã khiến anh lịm người đi như thế. (Nguyên văn: Not even he could say what it was about her that had struck him with such force.)
Điều tiếp theo khiến anh chú ý là quần áo của cô. Anh thường không quan tâm đặc biệt đến những gì mọi người mặc, nhưng có điều gì đó tinh tế ở cách cô vận y phục đã để lại ấn tượng sâu sắc với anh; thực sự, thậm chí có thể nói rằng nó khiến anh nao lòng. Có rất nhiều phụ nữ ăn vận quý phái và sang trọng, và số ăn mặc để gây ấn tượng còn nhiều hơn, nhưng cô gái này thì khác. Hoàn toàn khác. Cô ấy vận quần áo của mình với sự duyên dáng như thể đó là điều tự nhiên nhất trên đời, như con chim được che chở bởi ngọn gió đặc biệt trước khi bước qua một thế giới khác. Anh chưa bao giờ nhìn thấy ai mặc quần áo của mình với niềm vui thích như vậy.
Sau khi cô đi, anh ngồi ở bàn làm việc, thẫn thờ, lặng người đến khi trời chuyển màu và căn phòng đã tối đen như mực. Ngày hôm sau, anh gọi cho nhà xuất bản, tìm lí do để cô đến văn phòng của anh một lần nữa. Khi công chuyện đã xong, anh mời cô bữa trưa. Họ nói chuyện suốt cả bữa ăn. Mặc dù cách biệt nhau mười lăm tuổi, họ cảm thấy mình có nhiều điểm chung, gần như kỳ lạ. Họ có quan điểm giống nhau trong mọi chủ đề. Anh chưa từng có cảm giác như vậy với ai, và cô cũng vậy. Ban đầu cô hơi lo lắng, nhưng dần dần cô đã thả lỏng người, vui cười và nói chuyện thoải mái hơn.
“Cô rất biết cách ăn mặc,” Tony nói khi họ chào tạm biệt.
"Tôi thích quần áo," cô trả lời, với một nụ cười ngượng ngùng. "Phần lớn tiền kiếm được đều bị tôi ngốn hết vào quần áo. "
Họ có những cuộc hẹn với nhau sau đó. Không đi đến nơi nào đặc biệt, chỉ cần chỗ nào đó yên tĩnh là họ có có thể nói với nhau hàng giờ liền – về quá khứ của họ, về công việc của họ, về cách họ nghĩ hoặc cảm nhận về điều này hoặc điều kia. Trông họ không bao giờ biết chán. Cứ như thể họ đang lấp đầy sự trống rỗng trong nhau vậy.
Lần thứ năm họ gặp nhau, anh đã cầu hôn cô. Cô nói cô đang hẹn hò với một người từ thời trung học. Cô thừa nhận mối quan hệ này đã nhạt nhòa đi nhiều, và mỗi lần bên nhau là họ lại tranh cãi từ những việc vặt vãnh cỏn con. Cô thấy yên bình và dễ chịu khi ở bên Tony, nhưng điều đó không có nghĩa là cô sẽ bỏ đi mối quan hệ này. Cô có lí do của mình, bất kể chúng là gì. Ngoài ra thì cũng là vấn đề chênh nhau về tuổi tác. Cô còn trẻ và non nớt. Cô không biết sự chênh nhau ấy sẽ mang lại điều gì trong tương lai. Cô nói cô cần thời gian.
Mỗi ngày mà cô dành để suy nghĩ là một ngày tù đày đối với Tony Takitani. Anh không thể làm việc. Anh chỉ biết ngồi uống một mình. Đột nhiên, sự cô độc vốn có của riêng mình trở thành gánh nặng đối với anh. Sao mình chưa bao giờ chú ý đến điều này nhỉ?, anh nghĩ. Với đôi mắt tuyệt vọng, anh nhìn chằm chằm vào những bức tường dày lạnh lẽo bao quanh và nghĩ, nếu cô ấy nói không, mình sẽ tự sát mất.
Anh đến gặp cô và nói cho cô biết cảm giác của anh. Cuộc sống của anh cô đơn biết bao cho đến khi anh tìm thấy cô. Về những điều anh đã đánh mất bao nhiêu năm qua. Cách cô đã làm cho anh nhận ra tất cả những điều đó.
Cô là một người phụ nữ trẻ thông minh. Cô đã thích Tony Takitani này ngay từ lần đầu tiên cô gặp anh, và cứ mỗi lần gặp đều chỉ khiến cô thích anh hơn. Liệu cô có thể gọi đây là "tình yêu," cô cũng không biết. Nhưng cô cảm thấy rằng anh ấy có điều gì đó tuyệt vời bên trong, và cô sẽ hạnh phúc nếu mình dành phần đời còn lại ở bên anh. Và thế là họ kết hôn.
Ω
Kết hôn với cô, Tony Takitani đặt dấu chấm hết cho cuộc đời cô độc của mình.
Mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên anh làm là đi tìm cô. Cảm nhận được cô ngủ bên cạnh, anh thở phào nhẹ nhõm. Khi không thấy cô ở đó, anh lại lo lắng đi loanh quanh khắp nhà tìm cô. Việc anh không còn cảm thấy cô đơn thật kì quặc. Thật sự, cái sự thật mà anh đã không còn cô đơn như trước khiến anh sợ hãi nếu phải trở về khi ấy một lần nữa. Những câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu : Rồi anh ta sẽ làm gì? Đôi khi nỗi sợ hãi này sẽ khiến anh suy sụp đến toát cả mồ hôi lạnh. Tuy nhiên, khi đã quen với cuộc sống mới của mình, và khả năng vợ anh đột ngột biến mất dường như trở nên bớt thực hơn, sự lo lắng dần dần được xoa dịu. Cuối cùng, anh dần ổn định và ngập mình trong hạnh phúc và bình yên.
Vào một ngày, vợ anh nói rằng cô ấy muốn đi xem cha anh biểu diễn. "Anh có nghĩ ông ấy sẽ phiền không?," cô hỏi anh.
“Có lẽ là không,” Tony nói.
Họ đến một câu lạc bộ đêm ở Ginza nơi Shozaburo Takitani đang chơi nhạc.
Đây là lần đầu tiên Tony Takitani đến nghe cha chơi đàn kể từ thời thơ ấu. Ông vẫn chơi những bài cũ, những bài mà Tony đã nghe rất thường xuyên khi còn bé. Phong thái của Shozaburo mượt mà, thanh lịch, ngọt ngào. Tuy không đến mức gọi nghệ thuật, nhưng nó được tạo ra bởi một bàn tay khéo léo và uyển chuyển, đủ để mang lại sự dễ chịu đến cho mọi người.
Tuy nhiên, ngay sau đó, có thứ gì đó bắt đầu làm nhịp thở của Tony Takitani bị thắt lại, như một cống nước bị tác nghẽn đầy bùn, chầm chậm, lặng lẽ, nhưng bức bối, anh cảm thấy khó khăn để ngồi yên ở vị trí. Anh không ngừng nghĩ đến chuyện thứ âm nhạc này khác hơn trước một chút. Tất nhiên, anh đã nghe chúng trước đây, và dù sao thì anh cũng nghe bằng đôi tai của một đứa trẻ, nhưng sự khác biệt này, đối với anh, cực kỳ quan trọng. Rất nhỏ nhưng rất quan trọng. Anh muốn đi lên sân khấu, nắm chặt hai bên tay cha và hỏi, "Cái gì đây cha? Cái thứ quái quỷ gì đây? Điều gì đã thay đổi, thưa cha?" Nhưng anh đã không làm thế. Anh sẽ không bao giờ có thể giải thích được những gì trong tâm can của mình. Thay vào đó, anh ngồi ở bàn cho đến hết bản nhạc, và uống nhiều hơn bình thường. Kết thúc, anh và vợ vỗ tay và ra về.
Cuộc sống hôn nhân của cặp đôi không có bóng dáng của cãi vã. Họ cùng nhau trải qua những giờ phút vui vẻ, đi dạo, xem phim, đi du lịch. Công việc của Tony Takitani vẫn tiếp tục đi lên, và đối với một người còn khá trẻ, vợ anh rất có khiếu trong việc giữ gìn tổ ấm của riêng mình. Tuy nhiên, có một điều khiến anh ấy bận tâm, đó là cô có xu hướng mua quá nhiều quần áo. Đứng trước một bộ đồ, cô không thể tự chủ được bản thân mình. Ánh mắt cô trông khác đi, thậm chí cả giọng nói cũng thay đổi theo. Lần đầu tiên trông thấy điều này, Tony Takitani nghĩ rằng cô bị ốm. Anh đã nhận ra điều này trước khi kết hôn, nhưng mãi đến tuần trăng mật chuyện này mới thật sự nghiêm trọng. Cô mua cả tá trong chuyến du lịch vòng quanh châu Âu. Ở Milan và Paris, cô đi từ cửa hàng này đến cửa hàng khác, sáng đến tối, như người chủ sở hữu. Họ không đi thăm viếng ở đâu cả. Thay vì đi thăm Duomo hoặc Louvre, họ lại vào Valentino, Missoni, Saint Laurent, Givenchy, Ferragamo, Armani, Cerutti, Gianfranco Ferr. Như trong cơn mê, cô càn quét hết tất cả mọi thứ cô có thể chạm tay vào. Và anh đi theo sau cô, trả tiền cho những hóa đơn. Anh gần như lo lắng rằng con số sẽ lên cao đến mức anh sẽ hết sạch tiền trong thẻ.
Cơn mê của cô ấy không hề thuyên giảm sau khi họ trở về Nhật Bản. Cô ấy tiếp tục mua quần áo mới gần như mỗi ngày. Số lượng quần áo của cô sở hữu tăng chóng mặt. Để treo chúng, Tony đã cho mua một tủ đồ lớn. Anh cũng đóng riêng một cái tủ để cô có thể đựng giày. Mặc dù vậy, vẫn không đủ không gian cho mọi thứ. Cuối cùng, anh phải cho xây cả một phòng thay đồ lớn. Họ có phòng trống trong ngôi nhà rộng thênh thang của họ, và tiền không phải là vấn đề. Bên cạnh đó, cô biết cách ăn vận chúng một cách hoàn hảo, và cô trông rất vui mỗi khi có đồ mới, và Tony quyết định không phàn nàn. Không ai hoàn hảo cả, anh tự nhủ.
Nhưng khi lượng quần áo đã lên quá cỡ cho một một căn phòng thì đến cả Tony Takitani cũng bắt đầu tỏ ra nghi hoặc với quyết định của mình. Vào một lần khi cô ra ngoài, anh đã vào phòng thay đồ nhẩm đếm số quần áo của cô. Anh nhẩm rằng cô có thể mặc hai bộ mới trong cùng một ngày liên tục suốt hai năm mà vẫn không phải lặp lại bộ nào. Cô thậm chí bận rộn mua chúng đến nỗi không có thời gian để mà mặc. Anh tự hỏi không biết cô có vấn đề tâm lý gì không. Nếu thế, anh nên giúp cô hạn chế bớt việc này lại.
Anh đề cập chuyện này ngay sau một bữa tối : "Anh mong em có thể cân nhắc trước khi mua một món quần áo. Không phải là về vấn đề tiền bạc, ý anh không phải thế. Anh không phản đối việc em mua những gì em cho là cần thiết, và anh hài lòng khi chúng lên người em đều rất đẹp. Nhưng em có thực sự cần nhiều món đồ đắt tiền như vậy?"
Vợ anh cúi mặt và suy nghĩ về điều này một lúc. Sau đó nhìn anh và nói "Anh nói đúng, em không cần nhiều váy đến thế. Và em biết điều đó. Nhưng dù có là vậy thì em cũng không thể ngăn mình lại được. Khi em thấy một món đồ đẹp, suy nghĩ đầu tiên là em phải có nó. Cho dù em có cần nó hay không, hay cho dù em đã có tất cả mọi thứ đi nữa, thì việc đó nằm ngoài vấn đề. Em chỉ không thể ngăn bản thân mình lại được. Cô ấy nói sẽ hạn chế việc này lại. "Nếu em cứ như thế này thì nhà mình sẽ chôn trong quần áo của em mất thôi."
Và vì vậy cô ấy đã nhốt mình trong nhà suốt một tuần, và cố gắng không nghĩ hay lướt mắt đến các tiệm quần áo. Đây là khoảng thời gian vô cùng đau khổ đối với cô. Cô ấy cảm thấy như thể cô đang đi trên bề mặt của một hành tinh có rất ít không khí. Cô dành mỗi ngày trong phòng thay đồ lấp đầy quần áo của mình, lấy hết bộ này đến bộ khác ngắm nghía. Cô vuốt ve chất liệu, hít hà hương thơm, mặc chúng vào và ngắm nhìn mình trong gương. Nhưng càng nhìn cô càng muốn có thêm món gì đó mới. Mong muốn có quần áo mới trở nên không thể kiềm chế được. Cô đơn giản không thể chịu đựng được điều này.
Tuy nhiên, cô rất rất yêu chồng mình. Và cô tôn trọng anh. Cô biết anh nói đúng. Cô gọi đến một trong những cửa hàng yêu thích của mình và hỏi chủ cửa hàng liệu cô có thể trả lại chiếc áo khoác và chiếc váy mà cô đã mua cách đó mười ngày nhưng chưa bao giờ mặc được không. "Dạ được, thưa bà." Họ nói cô là một trong những khách VIP của cửa hàng và họ rất sẵn lòng làm những điều như vậy cho cô. Cô ấy bỏ chiếc áo khoác và chiếc váy vào chiếc Renault Cinque màu lam của mình và lái xe đến khu Aoyama tấp nập. Cô thực hiện việc hoàn trả và nhận lại thanh toán vào thẻ tín dụng. Cô nhanh chóng trở lại xe, cố gắng không nhìn vào bất cứ thứ gì khác. Cô cảm thấy nhẹ nhõm phần nào khi trả lại bộ quần áo. Đúng vậy, cô tự nhủ "Mình không cần nhiều món đến thế. Mình có đủ áo khoác và váy để mặc cho cả đời luôn rồi." Nhưng khi cô dừng xe đợi đèn đỏ, thì chiếc váy áo là tất cả những gì cô có thể nghĩ đến. Màu sắc của chúng, đường cắt và họa tiết: cô nhớ đến từng chi tiết như là chúng đang đặt trước mặt mình vậy. Mồ hôi của cô bắt đầu rịn trên trán. Áp bàn tay vào vô lăng, cô hít một hơi dài, sâu và nhắm mắt lại. Ngay khi mở mắt ra lần nữa, cô thấy đèn chuyển sáng xanh, và, theo bản năng, cô đạp ga.
Một chiếc xe tải lớn đang cố vượt đèn vàng, đập ngay vào hông chiếc Renault với tốc độ tối đa. Cô không còn cảm thấy điều gì nữa cả.
Ω
Tony Takitani bị bỏ lại với một đống váy cỡ 2 và một trăm mười hai đôi giày. Anh không biết phải làm gì với chúng. Anh không định giữ đống đồ này đến hết phần đời còn lại, thế nên anh gọi người thu mua đến xử lí và đồng ý cho đi mũ và phụ kiện với cái giá đầu tiên mà người đàn ông đưa ra. Anh gom bít tất và đồ lót lại thành một bó và đốt chúng ở lò đốt vườn. Bởi vì giày và quần áo thì có quá nhiều, nên anh để chúng ở lại đó. Sau đám tang, anh nhốt mình trong phòng thay đồ, dán mắt nhìn từng hàng từng hàng quần áo.
Mười ngày sau, Tony Takitani đăng quảng cáo tìm một trợ lý nữ, mang váy cỡ 2, chiều cao tầm 5’3’’ (tầm 1m6), cỡ giày 6 với mức lương khá hậu hĩnh và môi trường làm việc tốt. Vì mức lương cao đến mức khó có thể tin nổi, có tổng cộng mười ba đến studio của anh ở Minami - Aoyama xin được phỏng vấn. Năm người trong số họ đã nói dối về kích cỡ trang phục của họ. Trong tám người còn lại, anh chọn người có vóc dáng giống nhất với vợ của mình, một cô gái tuổi với khuôn mặt không mấy nổi bật. Cô mặc một chiếc blouse trắng trơn và một chiếc váy xanh bó sát. Quần áo và giày dép của cô tuy gọn gàng và sạch nhưng trông đã cũ.
Tony Takitani nói với cô gái, "Bản thân công việc không khó lắm. Cô chỉ cần đến văn phòng mỗi ngày từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều, trả lời điện thoại, sắp xếp các bản vẽ, đi lấy vật liệu cho tôi và các công việc sao chép - đại loại là vậy. Chỉ có một điều kiện kèm theo. Vợ tôi vừa mới mất, cô ấy để lại một tủ quần áo ở nhà. Hầu hết trong số chúng đều là đồ mới hoặc gần như mới. Tôi muốn cô mặc đồ của cô ấy như một loại đồng phục khi cô làm việc ở đây. Tôi biết điều này nghe có vẻ khó tin đối với cô nhưng, xin hãy tin tôi, tôi không có động cơ nào mờ ám cả. Chỉ là để tôi quen dần với việc vợ tôi không còn ở đây nữa. Nếu cô ở đó và mặc quần áo của cô ấy, tôi nghĩ sẽ có lúc tôi về đến nhà và tự nói với mình rằng : "Cô ấy đã đi rồi."
Cô gái cắn lấy môi mình, xem xét lời đề nghị. Hệt như người đàn ông này nói, một lời đề nghị hết sức kì quặc – kì quặc đến nỗi cô không thể hoàn toàn hiểu hết được. Cô hiểu phần nào về việc vợ anh đã mất. Và cô ấy hiểu phần nào về việc người vợ đã bỏ lại rất nhiều quần áo. Nhưng cô ấy lại không thể hiểu tại sao cô lại phải mặc quần áo của vợ người đàn ông để làm việc. Thường cô sẽ phải suy tính rất nhiều, phải tự nhủ rằng có cái gì đó ở đây mà cô không thể thấy ngay được. Nhưng người đàn ông này không như thế. Chỉ cần nghe cách anh ấy nói chuyện là bạn sẽ hiểu. Có lẽ việc mất vợ đã khiến anh không còn tỉnh táo nữa, nhưng anh ấy không giống kiểu người sẽ làm hại người khác vì điều ấy. Dù sao thì, cô đang cần việc làm. Cô đã tìm việc cả khoảng thời gian qua, và bảo hiểm thất nghiệp thì sắp hết hạn, và có thể chẳng thể tìm được công việc nào có mức lương hời hĩnh đến nhường này.
“Tôi nghĩ là tôi hiểu,” cô nói. "Và tôi nghĩ tôi có thể làm những gì anh yêu cầu. Nhưng trước tiên tôi có thể xem qua bộ quần áo mà tôi sẽ phải mặc không? Tôi cần xem lại liệu chúng có thật sự vừa với tôi không."
"Tất nhiên," Tony Takitani nói, anh đưa cô gái về nhà và cho cô ấy xem tủ đồ. Cô chưa bao giờ thấy nhiều váy vóc đẹp ở cùng một nơi như này ngoại trừ cửa hàng quần áo cả. Mỗi chiếc rõ ràng đều là hàng high-end. Mùi thơm của chúng cũng vậy. Tầm nhìn cô như mờ đi. Tim đập thình thịch, cô bắt đầu cảm thấy khó thở. Cô cảm giác như mình đang thật sự bị hứng tình vậy.
Tony Takitani để cô gái một mình trong phòng. Cô xoay người và mặc thử hết cái này đến cái kia, tất nhiên là cả giày nữa. Mọi thứ thật hoàn hảo, cứ như là chúng được làm ra để dành riêng cho cô vậy. Cô xem thêm một vài cái nữa, lướt dọc đầu ngón tay và hít hà hương thơm của chúng. Hàng trăm bộ váy đẹp lộng lẫy được treo ở đó thành hàng. Nước mắt cô bắt đầu trào ra, cô không cách nào giữ chúng lại được. Trên cơ thể cô là bộ váy của người phụ nữ đã chết, cô đứng bất động, khóc nức nở, cố gắng nén giọng để không phát ra tiếng. Ngay sau đó Tony Takitani đến để xem cô thế nào.
"Tại sao cô lại khóc?" anh hỏi.
"Tôi không biết," cô nói, lắc đầu. "Tôi chưa bao giờ thấy nhiều quần áo đẹp như thế. Tôi nghĩ là tôi quá xúc động (upset : làm tôi buồn). Tôi xin lỗi." Cô lau nước mắt bằng chiếc khăn tay của mình.
"Nếu mọi chuyện ổn thỏa với cô, tôi muốn cô bắt đầu làm việc tại văn phòng vào ngày mai," Tony nói với một giọng chuyên nghiệp. "Hãy chọn quần áo đủ cho cả một tuần, kể cả giày nữa."
Cô gái dành rất nhiều thời gian để chọn quần áo trong sáu này làm việc. Sau đó cô chọn giày đi phù hợp, rồi gói ghém tất cả mọi thứ vào một chiếc vali.
"Hãy lấy cả áo khoác nữa, cô sẽ cảm lạnh đấy."
Cô chọn một chiếc áo khoác len cashmere xám ấm áp. Nó nhẹ đến mức cô đoán nó được làm bằng lông vũ. Cô chưa bao giờ mang một chiếc áo khoác nhẹ như vậy trong đời cả.
Khi cô gái đã đi khỏi, Tony Takitani trở lại phòng thay đồ của vợ mình. Anh đóng cửa và lơ đãng nhìn quanh những chiếc váy của vợ mình. Anh không hiều tại sao cô gái đó lại khóc khi thấy chúng. Với anh, những chiếc váy này như những cái bóng mà vợ mình đã bỏ lại. Những chiếc bóng size 2 treo ở đó thành hàng dài, hết chiếc này đến chiếc khác, như thể ai đó đã gom lại và treo lên đó vô hạn những mẫu khả thi (hoặc ít nhất là về mặt lý thuyết) cho sự tồn tại của một cuộc đời.
Những chiếc váy đã từng ở trên cơ thể của vợ anh, người đã thổi hồn vào chúng và mang lại sự ấm áp của cuộc sống. Nhưng giờ đây, những gì treo trước mặt anh chỉ là những cái bóng tồi tàn, bị chặt đứt khỏi cội rễ của sự sống, dần dần khô héo, không có bất kỳ ý nghĩa nào. Màu sắc sặc sỡ của chúng nhảy múa trong không gian như phấn hoa tung bay từ những bông hoa, rơi vào trong mắt anh, tai và lỗ mũi. Diềm xếp, cúc áo, ren, băng đô, túi và thắt lưng vươn ra hút lấy không khí trong phòng một cách thèm thuồng, ngấu nghiến đến giọt cuối cùng cho đến khi anh không tài nào thở được. Lượng băng phiến tỏa ra thứ mùi giống như hàng triệu con côn trùng có cánh nhỏ. Anh chợt nhận ra anh ghét những bộ đồ này. Dựa lưng vào tường, anh khoanh tay và nhắm mắt lại. Nỗi cô đơn lại ngấm vào trong anh một lần nữa, như một nồi canh hầm. Mọi thứ đã kết thúc rồi, anh tự nhủ. Dù mình có làm gì đi nữa, thì mọi thứ đã kết thúc thật rồi.
Anh gọi cho cô gái và bảo cô ấy hãy quên công việc đó đi. Không có công việc nào ở đây nữa cả. Anh nói trong xin lỗi.
"Nhưng làm sao có thể…" cô gái sững sờ hỏi.
"Tôi xin lỗi, nhưng hoàn cảnh đã thay đổi," anh nói. "Cô có thể giữ số quần áo và giày dép cô đã mang về nhà, và cả chiếc vali nữa. Tôi chỉ mong cô quên tất cả về những việc này, và xin đừng nói cho ai biết về nó."
Cô gái không thể làm bất cứ điều gì trong tình huống này, và cô càng hỏi thì lại càng vô vọng.
“Tôi hiểu rồi,” sau cùng cô nói và cúp máy.
Trong vài phút, cô cảm thấy tức giận với Tony Takitani. Nhưng ngay sau đó cô cảm thấy mọi chuyện diễn ra như thế này là tốt nhất. Ngay từ đầu mọi thứ đã hoàn toàn không thật. Cô rất tiếc vì mất đi công việc này, nhưng cô nghĩ mình sẽ xoay sở được bằng cách này hay cách khác.
Cô xếp đồ từ trong chiếc vali ra, những chiếc váy cô đã mang về từ nhà Tony Takitani, phủi thẳng lại ngay ngắn, và treo lên tủ quần áo. Cô đặt những đôi giày vào tủ giày cạnh cửa phòng. So với những món đồ cô mới mang về, quần áo và giày dép của cô ấy trông thật tồi tàn. Cảm giác như những món đồ mới là một dạng vật chất hoàn toàn khác, như một loại vật liệu đến từ một không gian khác vậy. Cô thay chiếc áo kiểu và váy đã mặc đi phỏng vấn, tròng vào người chiếc áo len và quần jeans. Ngồi trên sàn, cô bật nắp lon bia và thở dài. Nhớ lại căn phòng đầy quần áo cô đã thấy ở căn nhà ấy, thật là đẹp, cô nghĩ. Và cái "tủ" đó: nó còn lớn hơn cả căn phòng của mình nữa. Tưởng tượng mà xem, bao nhiêu thời gian công sức và tiền của cho số quần áo ấy! Và rồi người phụ nữ đó chết đi. Không biết cảm giác sẽ như thế nào khi chết đi và bỏ lại bao nhiêu là quần áo đẹp đằng sau như thế nhỉ?
Những người bạn của cô gái biết rõ là cô không khá giả gì, vậy nên họ đã rất ngạc nhiên khi lần nào đi chơi cô cũng diện toàn áo quần đẹp – mỗi món đều rất đắt tiền và sang trọng.
"Cậu lấy đâu ra chiếc váy thế ?" họ hỏi.
"Tớ đã hứa là sẽ không kể cho bất kỳ ai," cô lắc đầu, "hoặc cho dù tớ có nói, cậu cũng không tin đâu."
Một thời gian sau, Tony Takitani gọi cho một bên thu mua mang đi hết tất cả đống quần áo ấy. Họ đề nghị với cái giá còn ít hơn một phần mươi so với cái giá mà anh đã bỏ ra, nhưng điều đó không quan trọng với anh. Anh thậm chí có thể cho không chúng, miễn là chúng sẽ đến một nơi mà anh sẽ không bao giờ thấy nữa.
Thi thoảng, anh sẽ vào trong căn phòng, anh cứ ngồi thừ người ra như thế từ một đến hai giờ, để đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Anh ngồi trên sàn và nhìn chằm chằm vào những bức tường trống, vào những cái bóng của cái bóng của người vợ đã chết. Nhiều tháng trôi qua, anh dần mất đi khả năng nhớ được những gì từng ở trong căn phòng. Kí ức về màu sắc và mùi hương của chúng mờ dần trước khi anh kịp nhận ra. Ngay cả những cảm xúc sống động mà anh đã từng trân trọng cũng lùi về phía sau, tựa hồ rút lui vào tâm thức. Giống như sương mù trong gió, ký ức của anh đã thay đổi hình dạng, và với mỗi thay đổi, chúng ngày càng mờ nhạt. Từng kí ức giờ đã là hình bóng của bóng hình. Điều duy nhất còn hữu hình đối với anh là cảm giác thiếu vắng.
Đôi khi anh không thể nhớ lại khuôn mặt của vợ mình. Tuy nhiên, những gì anh ấy nhớ lại là cô gái kia, một người hoàn toàn xa lạ, đã rơi nước mắt trong phòng khi nhìn thấy những chiếc váy mà vợ anh đã bỏ lại. Anh nhớ lại khuôn mặt không mấy nổi bật của cô và đôi giày da đã sờn cũ của cô. Rất lâu sau khi anh đã quên đi hầu hết, kể cả tên của người phụ nữ, hình ảnh của cô không hiểu sao vẫn ở đó.
Hai năm sau khi vợ của Tony Takitani mất, cha anh qua đời vì bệnh ung thư gan. Shozaburo Takitani không phải chịu đựng gì nhiều và thời gian ở bệnh viện điều trị cũng ngắn. Ông chết gần như đang say ngủ. Theo cái nghĩa ấy, ông đã sống một cuộc đời gần như hoàn hảo cho đến tận cuối đời. Ngoài một ít tiền mặt và một số chứng chỉ cổ phiếu, Shozaburo chả có gì nhiều gọi là tài sản. Chỉ còn chiếc trombone, và một bộ sưu tập khổng lồ các đĩa nhạc cũ. Tony Takitani xếp chúng vào đống hộp bên công ty chuyển nhà cung cấp và xếp chồng lên nhau trên sàn trên gác trống. Anh thường phải lên mở cửa sổ vì chúng bay mùi ẩm mốc, nếu không anh cũng chẳng bao giờ đặt chân tới đó.
Một năm trôi qua, việc có những thùng đĩa ấy trong nhà khiến anh thấy khó chịu. Chỉ nghĩ đến việc chúng có ở đó thôi cũng khiến anh thấy nghẹt thở. Đôi khi anh lại tỉnh giấc nửa đêm và không tài nào ngủ lại được. Kí ức của anh mờ dần đi, nhưng chúng vẫn cứ ở đó, như một sự thật hiển nhiên, với tất cả sức nặng mà chúng có.
Tony Takitani đã gọi cho một đại lý băng đĩa và nhận ngay lời đề nghị từ họ. Vì chúng là bộ sưu tập những băng đĩa cũ có giá trị, họ đưa ra một khoản lớn - thậm chí đủ để mua một chiếc ô tô con. Thế nhưng, tiền chẳng có nghĩa lý gì đối với anh.
Ω
Khi đống băng đĩa đã được mang đi hết, Tony Takitani đã thực sự còn lại một mình.
Bảo Duyên - Dịch từ bản dịch tiếng anh của Jay Rubin.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất