"Tìm ý trong lời cũng như khều trăng đáy nước, có liên quan gì đến sự thật đâu"- Phan Việt.
Nguồn ảnh: Internet
Đọc "Về nhà" của Phan Việt, có hai điều mình bất ngờ. Thứ nhất, Phan Việt - một tiến sĩ, giáo sư ngành xã hội học, hiện đang giảng dạy đại học ở Mỹ; đối với con đường tìm về Phật giáo, chị cũng chỉ là một môn đồ hoàn toàn mới toanh, bắt đầu tìm hiểu mọi thứ. Điều thứ hai, đó là Phan Việt có rất nhiều câu hỏi, rất nhiều cố chấp...giống như mình (?!).
Vài chi tiết ấn tượng khi "Về nhà"
Khi đọc "Về nhà" có rất nhiều chi tiết đắt giá. Mặc dù câu chuyện thật ra rất nhẹ nhàng, đúng chất một cuốn tự truyện.Ví dụ như việc Phan Việt khi mới sống trong chùa, đã rất nghi ngại, nghi ngờ mọi thứ, từ chuyện Phật, Bồ Tát, ông Hoàng, Mẫu, ma quỷ, nhập xuất, cho đến việc các sư thầy "có thể cũng đang đi theo những ảo tưởng mà không biết".
Phan Việt chia sẻ: "khi tôi chưa có bằng tiến sĩ, tôi thấy việc có bằng tiến sĩ là một cái đích đáng mơ ước; nhưng khi có rồi tôi thấy nó bình thường, tôi không quan trọng việc người ta có biết tôi là tiến sĩ, thậm chí thấy rằng không có bằng tiến sĩ cũng chẳng sao". Vì vậy, cô không ngần ngại đặt câu hỏi, việc Thái tử Tất Đạt Đa (tức Đức Phật) rời bỏ tất cả có phải cũng vì giàu có mà thấy sự giàu có là bình thường, muốn một thứ khác lớn hơn?
Thầy trụ trì giải thích, tiền thân của Phật tổ đã là bồ tát, làm thái tử do phước báo và nguyện lực; chứ không phải tình cờ làm thái tử rồi chán ngán mà bỏ đi. Tức là dù Đức Phật Thích Ca có sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bần cùng thì rồi ngài cũng vẫn có thôi thúc tìm sự giải thoát và sẽ từ bỏ gia đình để ra đi. Nhưng, với tất cả những công đức đã tích tụ từ các kiếp trước, Ngài phải sinh làm thái tử.
Mình rất thích chi tiết này, bởi nó liên kết rất nhiều thứ trong đầu mình về nhân quả - nên được hiểu một cách sâu dày hơn. Có lần mình và một người chị cũng nói về việc này. Chị cũng nói, trong một cuốn sách về tâm thần- tâm lý học, cũng từng nhắc đến giả thiết: không phải tự nhiên ai đó sinh ra đã giỏi cái này, làm cái kia một cách xuất sắc hay có niềm đam mê như vậy. Có thể rằng, người đó đã từng thích và từng học chính lĩnh vực họ đang theo đuổi, trong rất nhiều sinh mệnh trước đó của họ. Đó là phần ký ức được bi mật lưu lại trong tiềm thức.
Phan Việt viết:"Về chuyện phước báo của các kiếp trước thì tôi đã gặp đủ các hạng người trên đời để thấy một chuyện thế này. Có người sinh ra đã thấy làm việc lớn là chuyện đương nhiên – bất chấp xuất thân của họ cao sang hay nghèo hèn. Họ có thể chịu khó, chịu khổ lúc bé hay lúc trẻ mà không bận lòng vì họ luôn biết cái “lớn” của mình, họ thấy thế giới không đáng sợ, người giàu, người có bằng cấp, địa vị không có gì ghê gớm. Còn có người thì chỉ có thể thấy cái trước mắt, tính toán chuyện vụn vặt, vui với thành công nhỏ; kính ngưỡng sự giàu có, danh vọng, thành công, chức tước như những gì xa vời. Họ không thể nào tưởng tượng việc mình là chủ các cuộc chơi lớn mang tầm quốc gia, quốc tế; là người lãnh đạo, mở đường, tạo lập các truyền thống mới. Nghĩa là cái định dạng lúc khởi đầu, tầm cỡ của một người – mà thầy gọi là “nghiệp lực” ở các chúng sinh phàm và “nguyện lực” ở các bậc tái sinh – có thể là cái có thật."
Có một đoạn khác mà thầy trụ trì nói, mình cũng rất thích: "...ban đầu vốn không có cái cốc. Do có người sinh tâm muốn có một vật để đựng nước uống, có đất, có lửa, có gió, thế là đủ duyên người ta nặn, nung, và quy ước gọi là cái cốc. Chưa đủ duyên thì đất đấy, lửa đấy, mà không làm ra được cái cốc. Ta có ý có cái cốc, và ta gọi là cái cốc để giao tiếp với nhau cho dễ, rồi ta bèn chấp rằng cái cốc là có thật..."
Ngày xưa thì mình cũng rất cố chấp. Mình nghĩ rằng con người một cách chủ quan thì có thể thay đổi được tất cả. Nhưng đến bây giờ, câu mà mình tâm niệm lại là: "cái gì có thể xảy ra, sẽ xảy ra" (nghe hơi giống định luật Murphy). Điều này cũng giúp mình lý giải: tại sao lại có những người thành công ngay từ lần đầu tiên? Và tại sao lại có những người đi từ thất bại này đến thất bại khác rồi mới chạm được tay vào thành công?
Mình nghiệm ra, người ngay từ lần đầu tiên vẫn có thể thành công có thể vì họ vô tình (sâu xa hơn, cũng không hẳn là vô tình), hội ngộ đủ yếu tố để thành công và việc họ đạt được thành công là tất yếu, không phụ thuộc vào "đầu tiên" hay thứ hai , thứ ba. Còn những người gặp thất bại, và thay đổi dần dần, cũng giống như đi gom lại những yếu tố có thể thành công qua các lần thử sai, và đến lúc "đủ", họ sẽ thành công, nhưng cũng có thể, sẽ chẳng bao giờ có "đủ". Giống như đúng là đúng với mọi trường hợp, và sai chỉ cần tồn tại một trường hợp sai. Duyên hợp thì sinh, duyên tan thì hoại diệt!
Nghệ thuật
 Tạm chuyển từ "nội dung" sang "nghệ thuật", mình rất thích cách Phan Việt viết "Về nhà". Đó là cách viết của một nhà văn, một nhà báo. Có những đoạn chị hoàn là ghi lại, không đánh giá, không kết luận, mà phân tích từ nhiều chiều như một phóng sự. Nhờ vậy, câu chuyện trong "Về nhà" không hoàn toàn là triết lý giáo điều, mà đó là câu chuyện về những cuộc đời, những con người rất thật. Thấp thoáng đâu đó, là hiện thực xã hội Việt Nam - hiện lên chân thực. Đó là việc điều trị sức khỏe tâm thần đúng cách là hoàn toàn xa xỉ, những khoảng cách về định nghĩa "đúng -sai" giữa "Tây và ta", về tự do ngôn luận, những điều tụt hậu...Và cuối cùng là câu chuyện về cuộc đời của những sư thầy - những điều phi thường thấy được trong những người vốn dĩ rất bình thường.
Kết 
Tóm lại, mình nghĩ đây là một cuốn tự truyện hay, thật sự có ích, được viết ra bởi một học giả, một nhà nghiên cứu xã hội học, một người viết "có nghề"