Năm 2021, một câu nói trên kênh Youtube Hieu Nguyen đã khiến tôi tâm đắc: Có 4 thứ mà những người trẻ nên đầu tư cho chính mình, đó là trải nghiệm, tư duy, tri thức và tài chính. Trộm vía, tôi đã làm khá tốt những thứ liên quan đến trải nghiệm và tư duy trong năm vừa rồi. Tôi đọc nhiều sách hơn, chủ yếu là về tâm linh, du lịch và tiểu thuyết. Tôi đi du lịch nhiều hơn tổng số lần các năm trước cộng lại, dù 2021 là một năm đại dịch tồi tệ với Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi chuyển sang sống ở một thành phố mới, gây dựng cho mình nhiều hơn những mối quan hệ mới mẻ. Tôi buộc bản thân phải trau chuốt tư duy trong những vấn đề gặp phải hằng ngày, và cố gắng để các mục tiêu về tài chính và tri thức càng xa bảng kế hoạch càng tốt.
Và rồi, khi năm 2021 kết thúc, khi đã no nê với hàng loạt các trải nghiệm, tôi biết mình cần phải làm gì ở 2022. Tôi sẽ phải quay trở về thật nhanh cái guồng quay của một người trẻ, đó là học hỏi và làm giàu! Tôi sốt sắng chuẩn bị cho mình một kế hoạch tài chính cá nhân dài hạn. Tôi bắt đầu đọc lại self-help, cố gắng lắng nghe và học hỏi những người đi trước để tối ưu bản thân, cố gắng trau dồi sự hiểu biết hằng ngày về các lĩnh vực liên quan đến tiền bạc. Và hơn hết, tôi sẽ phải đầu tư càng nhiều thời gian càng tốt cho các mục tiêu về tài chính và tri thức. Tôi hy vọng năm 2022 sẽ là năm nền móng cho một kế hoạch tuyệt vời nào đó trong ít nhất 20 năm nữa. Mặc dù vẫn chưa định hình rõ ràng, nhưng tôi tin nó đã ở rất gần.

Tài chính cá nhân tự học

Để xây dựng một kế hoạch tài chính cá nhân dài hạn, tôi chọn những lý thuyết trong quyển "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam" làm nền tảng. Tôi thích cách viết với những con số rõ ràng của tác giả, việc định lượng thường sẽ mang lại cái nhìn khách quan hơn so với những lời khuyên định tính. Có 4 trụ cột trong một kế hoạch về tài chính cá nhân, đó là: kiếm tiền, tiết kiệm, bảo vệ và đầu tư. Sẽ có những lý thuyết chi tiết hơn khi chúng ta đi sâu vào từng trụ cột. Nhưng tựu chung lại, người học tài chính cá nhân sẽ phải vận dụng tối ưu những gì đã học ở từng trụ cột, để vận hành cổ máy kiếm tiền cá nhân đi đến những cột mốc quan trọng như an toàn, độc lập hay tự do về tài chính.

Kiếm tiền

Đây là câu chuyện chúng ta sẽ bàn về việc làm thế nào để tận dụng mọi nguồn lực, khai thác hết mọi tiềm năng và công suất để kiếm tiền. Tại đây, chúng ta sẽ tha hồ khám phá các lý thuyết để vận hành cổ máy kiếm tiền hiệu quả. Chúng ta học về quản lý bản thân và các nguồn năng lượng. Chúng ta học về KASH, về 4 loại nghề nghiệp cơ bản. Ngoài ra, chúng ta còn cố gắng đa dạng hóa các nguồn thu nhập. Để đảm bảo rằng, khi một nơi từ chối trả tiền cho cổ máy vì bất kể lý do gì, cổ máy kiếm tiền vẫn có thu nhập để duy trì hoạt động trong vài tháng tới.

Tiết kiệm

Tiết kiệm là nơi chúng ta bàn về cách xài tiền thông minh, và lập một bảng kế hoạch tài chính mỗi tháng sẽ giúp đỡ điều này rất nhiều. Thứ nhất, có bảng kế hoạch tài chính trong tay, ta biết được bản thân sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền mỗi tháng. Việc tiết kiệm nên diễn ra trước khi chúng ta xài tiền, vì nói cho cùng, việc xoay sở phần tiền thừa còn lại để tiêu, vẫn có ý nghĩa hơn xoay sở phần tiền thừa còn lại để tiết kiệm, vì đôi khi ta sẽ chẳng còn lại gì để tiết kiệm. Thứ hai, khi nắm được những khoản chi thiết yếu và không thiết yếu trong tháng, ta có thể hạn chế tối đa việc phải động vào các quỹ dự phòng. Quỹ dự phòng là để ngừa các biến cố, nhưng nếu những biến cố đó có thể đổi bằng những khoản chi không thiết yếu, ta vẫn đảm bảo giữ được một phần tiền phòng thân nếu lỡ như các biến cố bất thình lình quay lại. Hoặc nghĩ một cách tối ưu hơn, tiền dư ra từ quỹ dự phòng có thể được chuyển sang quỹ đầu tư để sinh thêm lợi nhuận.

Bảo vệ

Cái cốt yếu của bảo vệ là không để mất tiền. Tiền mà cổ máy cá nhân cố gắng kiếm và tiết kiệm, phải được bao bọc trước những nguy cơ hao hụt hay mất trắng. Chúng ta không để mất tiền vì lạm phát, vì các dự án đầu tư cam kết lãi suất quá cao, vì cố gắng đầu tư như những nhà đầu tư chuyên nghiệp (nếu chúng ta không phải). Và hơn hết, chúng ta không để mất tiền vì những rủi ro liên quan đến bệnh tật, tai nạn hoặc tử vong. Khi có rủi ro không may xảy ra, ta và gia đình chúng ta phải được thụ hưởng số tiền lớn bằng số tiền chúng ta phải làm trong nhiều năm.

Đầu tư

Đây là nơi chúng ta học về cách để tiền đẻ ra tiền. Sẽ có rất nhiều hình thức khác nhau để làm việc đó như đầu tư vàng, chứng khoán hay bất động sản. Nhưng các chiến lược đầu tư sinh lợi trong tương lai nên được xây dựng dựa trên 3 yếu tố chính: số tiền đầu tư định kỳ, thời gian đầu tư và tỉ suất lợi nhuận. Từ đó, ta có thể xác định khẩu vị đầu tư của bản thân và đưa ra những quyết định phù hợp.

Tôi và Bảo Hiểm Nhân Thọ

Thời gian gần đây, tôi đã chọn việc tư vấn bảo hiểm nhân thọ là bước đi tiếp theo trong kế hoạch tài chính cá nhân của bản thân mình. Và nếu phải nêu ra các lý do dẫn đến quyết định này, tôi sẽ chọn 2 lý do chính sau đây.
Thứ nhất, tôi muốn đa dạng hóa nguồn thu nhập của chính mình. Như đã đề cập ở mục kiếm tiền, tôi học được cách không để nguồn thu nhập của mình chỉ đến từ một nơi, thậm chí là từ một lĩnh vực nghề nghiệp. Tôi hiện tại so với các bạn đồng trang lứa, có phần may mắn hơn với công việc của một Kỹ sư Công nghệ thông tin. Tôi trộm vía vẫn ổn với các khoản chi tiêu cá nhân, nhưng vẫn chưa thực sự hài lòng với các khoản dành cho gia đình. Vì vậy, song song với việc trau dồi kỹ năng ở vị trí kỹ sư có thu nhập cố định, tôi chọn thử sức ở một vai trò mới với những thử thách mới. Và hơn hết, đây là công việc có thể mang lại các nguồn thu nhập đột biến.
Thứ hai, là một người mong muốn xây dựng một kế hoạch tài chính cá nhân vững chải, và đồng thời cũng là một kỹ sư hệ thống, tôi hiểu được ít nhiều giá trị của việc phòng ngừa rủi ro. Do vậy, tôi đã tự mình tìm hiểu về bảo hiểm, về nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm, về các hình thức bảo hiểm và cả về cách các doanh nghiệp bảo hiểm biến những khoản tiền bảo hiểm rủi ro vốn không có giá trị hoàn lại, trở thành những khoản tiết kiệm, thậm chí là đầu tư sinh lãi trả về cho bên mua bảo hiểm. Và nhờ những kiến thức đó, trong một cái duyên gặp lại một người bạn cũ đang làm công việc này, tôi đã nghĩ sẽ không có công việc nào phù hợp hơn tư vấn viên bảo hiểm nếu tôi muốn kiếm thêm một nguồn thu nhập khác.

Rủi ro, có đáng bỏ tiền ra quản lý?

Để trả lời câu hỏi này, tôi xin mượn một câu chuyện đã diễn ra để làm rõ quan điểm. Đơn giản vì tôi học được một điều, học từ quá khứ luôn là một cách tốt để chuẩn bị cho tương lai.
Trước giây phút khủng bố đau thương ngày 11 tháng 9 năm 2001, Morgan Stanley là một ngân hàng đầu tư danh tiếng và có diện tích mặt bằng lớn nhất Trung tâm Thương mại Thế giới. Công ty có khoảng 2700 nhân viên và làm việc tại 22 tầng từ tầng 43 đến 74 ở tòa tháp phía nam. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là, chỉ có 7 trên tổng số 2700 nhân viên kia thiệt mạng sau thảm họa. Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận việc nhân viên Morgan Stanley đã may mắn làm việc ở tòa nhà phía nam, tòa nhà bị tấn công sau 15 phút kể từ khi máy bay khủng bố lao vào tòa nhà phía bắc. Nhưng trong khoảng thời gian ít ỏi đó, việc di tản từng ấy con người ở một độ cao như vậy, đã là một chuyện phi thường rồi. Vậy câu hỏi đặt ra là, ngân hàng này đã làm thế nào?
Ngay sau cuộc tấn công năm 1993 vào Trung tâm Thương mại Thế giới, ban lãnh đạo nhận ra công ty dễ rơi vào tầm ngắm của khủng bố khi đặt văn phòng tại một trung tâm mang ý nghĩa biểu tượng cho sức mạnh thương mại của nước Mỹ. Nhận thức được điều đó, công ty đã đưa kỷ luật quân đội vào một chương trình ứng cứu hỏa hoạn và tiến hành huấn luyện thường xuyên. Nhiều công ty không xem trọng vấn đề này, nhưng Morgan Stanley thì có. Thậm chí ngân hàng này còn chuẩn bị cho những tình huống khắc nghiệt nhất. Công ty không chỉ có một mà tận ba trụ sở dự phòng để tập hợp nhân viên và tiếp tục hoạt động ngay cả khi trụ sở chính đóng cửa. Để bật lên những giá trị mà một kế hoạch dự phòng mang lại, ta có thể mượn lời Giám đốc điều hành ngân hàng Robert Scott như sau: "Ngày 10 tháng 9, người ta có thể nói chúng tôi hoang phí khi mở nhiều điểm dự phòng. Nhưng tới ngày 12 tháng 9, đây lại được coi là một ý tưởng thiên tài."
Ngày 10 tháng 9, người ta có thể nói chúng tôi hoang phí khi mở nhiều điểm dự phòng. Nhưng tới ngày 12 tháng 9, đây lại được coi là một ý tưởng thiên tài.
Robert G. Scott, COO của ngân hàng Morgan Stanley

Bảo hiểm nhân thọ và Quản lý rủi ro

Cuối cùng, có thể chúng ta đều đồng ý tầm quan trọng của một kế hoạch dự phòng để quản lý các rủi ro, nhưng vẫn còn một câu hỏi ở đây. Liệu có đáng bỏ tiền ra để mua bảo hiểm hiểm nhân thọ, vì rõ ràng khoảng tiền đó không giúp chúng né tránh các rủi ro về sức khỏe. Câu trả lời theo quan điểm của tôi là có.
Trước hết, ta phải làm rõ rằng, bảo hiểm nhân thọ là một giải pháp tài chính. Nó hỗ trợ chúng ta thực hiện các phản ứng về tài chính khi các rủi ro xảy ra. Bảo hiểm hoạt động dựa trên nguyên tắc lấy sự may mắn của số đông để bù đắp sự không may mắn của số ít. Tức là, sẽ có một bể tiền chung để nhiều người có thể bỏ tiền vào, và khi rủi ro xảy ra với một bộ phận số ít, ta ngay lập tức có một tiềm lực tài chính dồi dào để chi trả. Tôi thấy một vài người bạn tôi vẫn hay tự tin về các quỹ dự phòng khẩn cấp của bản thân có thể phòng ngừa được rủi ro. Nhưng cứ thử xét trên một bài toán định lượng đơn giản sau đây. Nếu mỗi tháng bạn bỏ thêm vào quỹ khẩn cấp 1.5 triệu đồng, khi rủi ro xảy ra vào cuối năm, bạn cũng chỉ có thêm 18 triệu đồng để lo liệu, nhưng nếu bạn tham gia bảo hiểm, con số này có thể lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Nếu mỗi tháng bạn bỏ thêm vào quỹ khẩn cấp 1.5 triệu đồng, khi rủi ro xảy ra vào cuối năm, bạn cũng chỉ có thêm 18 triệu đồng để lo liệu, nhưng nếu bạn tham gia bảo hiểm, con số này có thể lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Hơn nữa, các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay có cách để biến khoản tiền vốn không có nhiều giá trị hoàn lại như tiền phí bảo hiểm rủi ro, trở thành 1 khoản tiết kiệm, thậm chí là đầu tư sinh lãi cho bạn. Khoản tiền bạn đóng định kỳ hằng năm, một phần sẽ bỏ vào bể chung bảo hiểm, phần còn lại sẽ được đem đi đầu tư theo các hình thức khác nhau. Và sau một khoảng thời gian dài hạn nhất định, khoản tiền ấy sẽ sinh lời và bù đắp vào các khoản chi phí cố định hằng năm. Nói tóm lược hơn, nếu bạn tham gia một gói bảo hiểm liên kết đầu tư, thì sau một khoảng tầm 20 năm, bạn vừa có tiền lợi nhuận, vừa được đảm bảo hưởng các quyền lợi bảo vệ tài chính trong suốt 20 năm đó.
Đó là tất cả những giá trị về tài chính mà theo tôi, bảo hiểm nhân thọ có thể mang lại cho chúng ta. Tôi thường không ngại giới thiệu với bạn bè hay đồng nghiệp việc tôi là một tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ, cũng như không ngại chào mời các sản phẩm bảo hiểm. Vì tôi biết trong một phạm vi nào đó, tôi đang tư vấn một giải pháp có giá trị thực sự, và những người cần đến nó sẽ quan tâm.