Chỉ đến khi qua cơn hoảng loạn, tôi mới nhìn lên màn hình. Mấy ti vi chiếu hình bộ xương, nay đã chuyển sang chiếu các chương trình thịnh hành thời bấy giờ, trừ hai chiếc ở gần tôi nhất. Một cái đang chiếu cảnh tôi, trong khi cảnh kia phát lại cảnh bố mẹ tôi đứng đối diện giường.
-  “Con bây giờ năm 3 rồi, sắp tốt nghiệp rồi. Mấy năm nữa thôi, bố mẹ cũng không thể can thiệp vào cuộc sống của con nữa. Nhưng ngay lúc con vẫn đang đi học, bố cần nhắc lại, đừng dính vào mấy thứ vớ vẩn nữa. Tham gia cái gì nó phục vụ việc học một tí. Chứ rốc riếc rồi để thế này, cũng do con không nghe lời dặn của bố mẹ thôi. Lẽ ra con có thể đạt kết quả tốt hơn ở lớp. Bố mẹ biết rõ kết quả của con đấy. Đó không phải là tốt đâu.” - Bố tôi nghiêm giọng, như thể đang muốn gạt phăng hết mọi ý định của tôi liên quan tới chuyện chơi nhạc.
- “Không phải mẹ không biết những gì con làm, bố mẹ có người quen ở dưới đó, và họ cũng thấy những gì con đã làm. Con cũng có thể đã gặp người đó khá nhiều mà không để ý thôi. Họ biết rõ con chơi ở những đâu, mẹ không dọa con đâu. Nếu muốn, mẹ có thể gọi ngay người đó ra nói chuyện với cả nhà mình để xem con chối được không. Chỉ sợ con thấy là ai rồi, con sẽ lại sốc thôi. Bây giờ mẹ có thể kể ra ba sự kiện nổi bật con đã chơi.” - Mẹ tôi tiếp lời, tỏ ra rất chắc chắn. Rồi bà kể tên ra ba sự kiện ấy ở đâu, dịp nào. Cả ba sự kiện đều trùng khớp với những gì tôi đã tham gia. Không những thế, mẹ tôi đã kể chính xác về việc tôi đã chơi guitar ở sự kiện gần nhất trong cả ba.
Tôi tái mặt, biết rõ mình chết chắc rồi. “Mẹ chỉ kể ra ba cái đó xem có đúng không. Nếu con cần, mẹ sẽ gọi điện để người đó kể ra thêm.” - Mẹ tôi thể hiện rõ sự nghiêm túc trong lời nói của mình.
-  “Nếu con còn tiếp tục bám theo cái trò âm nhạc vớ vẩn đó, bố mẹ sẽ khiến con phải chọn một trong hai. Một là chuyển về quê học tiếp, ở luôn với bố mẹ, không đi đâu hết. Hai, bố mẹ cắt hết mọi khoản chu cấp. Không tiền, không của cải. Nếu thấy kiếm được tiền từ mấy trò âm nhạc đấy thì tự đi mà kiếm sống. Mà như bố thấy, anh cũng chỉ kiếm được đủ tiền sinh hoạt thôi, chứ học phí vẫn phải xin suốt mà… Nói vậy thôi, cơ hội cuối cho anh tự liệu cái thân. Muốn sướng muốn khổ gì tự quyết định lấy.” - Bố tôi chốt lại, và dựa trên giọng điệu và sắc mặt, ông sẽ làm đúng như những gì ông nói.
Tôi chẳng muốn giải trình hay nói gì nữa. Tất cả mọi sự việc đã khiến tôi đau đớn về thể xác và mệt mỏi về tinh thần. Tôi chỉ muốn thời gian trôi nhanh, để cơ thể này lành lặn, để được xuất viện, và ít nhất là, để không phải nghe những lời nói tôi đang nghe lúc này nữa. Tôi đã quá mệt mỏi rồi. 
Tôi nằm dài được một lúc sau khi bố mẹ rời đi. Suốt khoảng ấy, tôi ngẫm lại và nhận ra rằng, số tiền chơi nhạc, cộng với một số công việc thời vụ kia, tuy đủ để tôi chi tiêu mà không cần phải nhịn ăn hay mì gói bữa nào trong tháng, nhưng tôi chưa bao giờ có thể thực sự chi tiêu thoải mái cả. Để mua tư liệu học tập, tôi vẫn phải dùng số tiền dư ít ỏi tích cóp được qua các tháng, cùng một phần số tiền được cấp định kỳ. Và số tiền tôi còn lại chưa bao giờ đủ để đóng học phí cả, dù chỉ cho một kỳ. Tôi nhận ra tôi vẫn còn phải phụ thuộc vào gia đình, vẫn phải chịu sự chi phối của bố và mẹ ở một mức nào đấy, vẫn không thể vung số tiền được cho vào mục đích cá nhân được. Rõ ràng bố mẹ tôi vẫn đủ để chu cấp cho tôi, nhưng tôi dường như rất ít khi đụng đến chúng, trừ nhũng lúc phải mua đồ như kể trên. Phải chăng khoảng cách giữa các lần xin tiền quá dài nên tôi đã gây nghi ngờ ? Mà đúng thật, hai tháng nay tôi còn chẳng báo hết tiền. Tôi cố gắng sử dụng sao cho số tiền ấy vừa đủ hết sau kỳ này, vì đơn giản là tôi không thời gian chơi nhạc, còn việc làm hộ hay hướng dẫn bài tập là hoàn toàn bất khả thi đối với những người khác chuyên ngành. Có lẽ tôi nên tự đấm mình vì đã ảo tưởng quá nhiều về khả năng kiếm tiền và trở nên độc lập của bản thân.
Tôi cứ thể suy nghĩ, để rồi cảnh phim của ngày hôm đó kết thúc lúc nào không hay, để lại trên màn hình một màu đen với những vạch trắng chạy lên liên tục. Bấm nút chuyển kênh, trên màn hình lúc này là một khung cảnh rộn ràng khác. Một đám sinh viên năm cuối đang ăn mừng tốt nghiệp, và giữa đám ấy, có một con người lẻ loi. Con người ấy, không ai khác, chính là tôi. Trong suốt năm cuối ấy, tôi gần như không còn tìm thấy thứ gì thật sự là niềm vui nữa. Tôi chỉ đơn giản muốn làm sao để tốt nghiệp đúng hạn và làm cho phần còn lại của đời sinh viên trôi đi thật nhanh, để tôi được giải thoát, thế thôi. Và như thể mong muốn của tôi đã được vũ trụ này đáp ứng, tôi còn chẳng nhận ra khoảng hơn một năm ấy đã trôi qua thế nào, cho đến khi tôi đứng ở đây, tại lễ tốt nghiệp này. Tôi gần như chẳng giao du với ai ngoài đám chung phòng, vốn có đứa khác trường, đứa thì chương trình học dài hơn tôi đến nửa năm. Và như thế, tôi chẳng nghĩ ra một ai để tìm gặp giữa đám đông này.
Tôi đứng yên, lòng vẫn đan xen nhiều cảm xúc trái ngược nhau. Từ có phần tủi thân vì không kiếm được người ăn mừng với mình, đến vui vì mình sắp thoát được cuộc đời đại học, háo hức chờ đến lúc thoát khỏi sự ảnh hưởng của gia đình, cuối cùng tôi lại lo âu vì không biết liệu mình có kiếm được công việc ổn định để sống không. Bỗng một bàn tay vỗ lấy vai tôi từ sau lưng. 
- “Ê ku ! Đứng lẻ loi thế là sao ?”
Tôi quay lại, và màn hình chuyển cảnh qua mặt của người sau lưng tôi. Đó là thằng bạn học chung cấp 3. Có thể nói suốt mấy năm đại học, tôi cũng chẳng gặp nó mấy lần. Tuy bắt đầu để râu lún phún dưới cằm, nhưng cái bản mặt có phần bựa và cái tính cách tưng tửng, có phần tinh quái của nó xem ra chẳng đổi mấy.
-  “Đi, đi với bọn tao, còn thêm vài đứa trong hội cũ bọn mình nữa.” - Nó bá vai rồi kéo tôi đi - “Trưa nay phải làm một chầu ăn mừng cả bọn liền. Chơi xả láng một hôm, chứ sau này đời nó dập cho thì chả còn mấy dịp đâu.” Tôi miễn cưỡng lết chân theo, lòng vẫn còn vướng bận khá nhiều thứ.
Tôi mở thêm một màn hình nữa, trên đấy là chương trình dự báo thời tiết. Tôi nhận ra nó chính là chương trình lúc trước tôi đã mở lên, và người dẫn chương trình bảnh bao kia, chính là tôi. “Hờ hờ… khục khục khục…” - Tôi cười nhẹ, không thể tin được mình đã từng là con người ấy. Thật đối lập với cái kẻ lôi thôi lếch thếch, bần hơn cả Chúa tề Bần đang ngồi xem ti vi tại đây. Phải công nhận, xin vào đài truyền hình này không phải quá khó, vì gia đình tôi có mối làm trong đây, mặc dù vị trí của họ không đủ để cho tôi vào thẳng, nhưng họ cũng tạo điều kiện cho một thằng như tôi dễ dàng qua phỏng vấn hơn. Cũng may sao, tôi vẫn giữ đủ lễ độ, và thực hiện đủ một số bài kiểm tra kỹ năng để được nhận vào vị trí biên tập viên.
Tôi cũng chỉ mới biết về việc bố tôi có người quen bên đài sau khi đem chuyện xin vào làm cho nhà đài ra bàn với gia đình. Bố mẹ tôi lúc đầu không đồng ý để tôi đi theo nghiệp phóng viên mà muốn tôi theo một công ty lớn khác. Chúng tôi thậm chí suýt nữa đã đi vào cuộc tranh cãi gay gắt nhất trong vòng một năm rưỡi đổ lại, cho đến khi tôi nói rõ đài truyền hình tôi muốn nộp vào. Ngay lúc đó, bố tôi đã dịu xuống rồi thốt lên: “Ôi giời ! Tưởng gì ? Nộp vào đấy thì bố có một người bạn làm trùm ở bên biên tập. Qua đó đi, bố sẽ nhờ họ tạo điều kiện để con phát triển và thăng tiến. Ai lại đi làm phóng viên ? Cực thấy tổ ! Ai chứ con không làm nổi đâu.” Và ông cứ thế cười một cách sảng khoái.
Tuy tôi không hoàn toàn thoải mái với việc phụ thuộc vào bậc cha mẹ, nhưng dù sao làm người quản lý hay làm truyền hình cũng cực như nhau cả. Thôi cứ dành thời gian đầu chịu một tí, tích đủ điều kiện rồi sẽ tìm cách tạo hướng phát triển riêng cũng còn kịp. Ít nhất tôi đã từng nghĩ như vậy. Một suy nghĩ ngây thơ và ngu ngốc hơn bao giờ hết. Thăng cái mẹ gì lúc này, thăng tiên à ? Đời giờ như cái lời đồn vậy !
Tôi đang chìm trong một đống suy nghĩ thì bỗng chàng biên tập viên trẻ kia nhìn thẳng vào ống kính và nói: “Bạn đã chán chương trình này à ? Sao không chuyển sang kênh mới đi ? Còn nếu bạn muốn tiếp tục, chúng ta sẽ gặp lại nhau trong bản tin thể thao, nơi chúng tôi sẽ nói về cuộc tranh nhau giữa hai cầu thủ nhằm chiếm được giải cầu thủ của năm….” Cùng lúc ấy, màn hình bên cạnh cũng bắt sóng và mở một cảnh mới của đời tôi.
Tôi vừa mua được một căn hộ tập thể khá ổn sau vài năm làm việc, tích cóp và nhận sự hỗ trợ từ bố mẹ. Để ăn mừng điều đó, tôi đã quyết định tối hôm sau sẽ làm một cuộc ăn mừng tại quán rượu gần đó. Nhưng trước đó, vào buổi sáng, tôi phải tới đài truyền hình từ sớm, như mọi ngày, và vào việc.
Và đó là lúc mọi chuyện bắt đầu trở nên tệ đi. Thực lòng mà nói, bao nhiêu năm sống trong sự đè nén, nhẫn nhịn và lén lút chưa bao giờ khiến tôi trở nên hiền hơn hay biết giữ mình hơn cả. Sự kiềm chế của tôi đã đến mấy lần đạt tới giới hạn, và càng kìm nén lâu, nó càng bùng phát mạnh hơn vào những lần sau. Những vấn đề với cái tôi của thằng tôi này vẫn chẳng thể được giải quyết tí nào. Chính ngày hôm đó, sự bộc phát của tôi một lần nữa diễn ra, và nó cũng đánh dấu sự đi xuống của cuộc đời tôi, mở ra một thời kỳ vừa bết bát, vừa điên dại.
Chuyện xảy ra vào giữa buổi sáng, khi chúng tôi bắt đầu thảo luận nội dung cho một chuyên mục mới lên sóng được hơn một tháng để phát vào đầu giờ tối nay, trước giờ tin chính. Trong khi hai tay biên tập kia muốn nội dung chương trình có thêm sự chọc ngoáy sâu cay, thì tôi lại muốn chỉ để một chút hài hước nhẹ nhàng ở vài chỗ, còn lại vẫn phải giữ nghiêm túc theo định dạng bản tin chuẩn. Trong lúc chúng tôi tranh cãi về tính phù hợp của nội dung, tôi đã buông ra lời gay gắt:
-  “Đài truyền hình, thuộc cơ quan chính thống lề phải không phải cái chợ cho chúng bay tùy tiện.”
-  “Tôi làm ở đây lâu hơn, và những người đứng đầu chỗ này cũng là chỗ thân thích với tôi. Anh bạn ăn nói cẩn thận cho. Đừng để họ ghim anh.” - Một trong hai người đối diện, tay biên tập đeo kính cận, cách ăn vận và phong thái có vẻ kiểu cách lên tiếng, giọng đanh lại.
-  “Mày dọa tao à ? Cái đội này thì cũng tách ra từ ông chú nhà tao thôi !!! Tao sẽ bỏ chỗ này, thậm chí tao có thể khiến mày không ngóc đầu lên được.”
-  “Suy nghĩ kỹ những gì mày nói, thằng ranh này. Tao sẽ báo lên sếp đuổi mày !”
-  “À thế à ?” - Tôi gằn giọng. Gã đi qua và định phun vỏ hạt dưa vào tôi, nhưng trượt. Đó là lúc tôi không thể giữ mình được nữa. Tôi lao vào vật nhau với hắn. Tôi đấm vào mặt gã liên tục. Mà sức của tên thư sinh đó sao bằng tôi, một thằng đã từng bỏ thời gian tham gia vào lớp đấm bốc và tập thể lực để xả cơn tức, được ? Tôi cứ thể nện gã, và có lẽ tên đó sẽ đi đời luôn, còn tôi sẽ ngồi từ, nếu lúc đấy không có ai đến lôi tôi ra. May cho hắn, người còn lại đã kịp đi gọi người đến cứu nguy. Tôi đang cố nện hắn, thì bỗng một lực mạnh nhấc tôi lên và kéo tôi ra khỏi gã một cách ngoài ý muốn. Tôi vùng vẫy hết sức, nhưng thân bị mấy người đè vào tường rồi, ngoài huơ tay vẫy chân thì còn làm được gì nữa. Rồi tôi càm thấy đuối sức. Lúc này một người mới nói : “Sếp cần gặp cả hai người ngay lúc này.”, trước khi dẫn tôi theo đến văn phòng chính.
Một cuộc nói chuyện gay gắt từ giám đốc diễn ra ngày trưa hôm đó, và cuối buổi chiều, tôi nghe tin mình đã bị sa thải. Tôi không muốn chứng kiến hết và toan chuyển kênh Không may, chiếc tivi vẫn giữ kênh cũ, và tôi vẫn phải nghe. Thay vào đó là một tivi mới mở lên cảnh buổi tối cùng ngày. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tức tối như ngày hôm nay. Thế là buổi ăn mừng kiếm nhà tối nay đã được đổi thành buổi xả hận. Tôi không ăn mặc chỉnh tề nữa, mà mặc luôn bộ đồ lúc đi làm, lúc này đã xộc xệch đến quán rượu. Tôi gọi một ly cocktail thật mạnh mà quên rằng, mình sắp mất thu nhập. May cho tôi, nó không quá đắt. Tôi uống xong cốc đầu tiên và vừa gọi xong cốc nữa, một người nữa xuất hiện bên cạnh tôi và ngồi xuống.
-  “Cho tôi một ly giống gã bên cạnh.” - Người kia cất giọng, có vẻ là một nam thanh niên. Tôi đứng hình một giây vì chất giọng không thể nào quen thuộc hơn, nhưng tôi tạm chưa thể nhớ ra ai. Tôi quay đầu lại trong tình trạng bắt đầu ngà ngà say để nhìn, và rồi nhận ra ngay kẻ kia là ai. Chính là cái gã đã móc mỉa tôi lúc sáng.
-  “Chc… Nom mày thảm thật. Nốc mấy ly rồi ?” - Hắn quay sang tôi, nói với giọng điệu châm chọc.
-  “Một thôi... Mày đếch cần chê bai thế đâu” - Tôi gằn giọng nói vừa đủ hắn nghe.
-  “Một thôi ?” - Hắn làm bộ mặt có vẻ đang thắc mắc trong một giây, trước khi bật thành tràng cười - “Hực hực… Hà ha há há ha… Hô hồ… Một ly. Tao ngờ đâu mày lại yếu vãi cả l** ra ! Hố hồ hố...” - Thằng khốn nạn ấy lại làm điệu bộ như thể đang giễu cợt tôi. - “Đúng là một thằng bất lực bất tài thảm hại toàn diện… Tao chả muốn gặp mày đâu. Nhưng không ngờ lúc gặp lại mày lại nát bấy thể này. Tưởng hùng hổ thế nào...”
-  “Mày thôi cái trò con bò dở người của mày không ? Thích thì nói chuyện, không thích thì câm. Đ’ muốn gặp tao thì cút !!!” - Tôi quát.
-  “Ấy chà… lại thói cũ. Quán có phải của mày đếch đâu ? Bảo sao mày...” - Đúng lúc đồ uống được mang ra, tôi chẳng quan tâm mấy nữa. Thay vì thưởng thức như ly đầu, tôi quyết định nốc luôn một nửa ly này. Tôi giữ cho đầu mình tỉnh táo, rồi quyết định từ từ thưởng thức chỗ còn lại khi tiếng nhạc từ sân khấu cất lên. Những thành viên trong ban nhạc ấy còn rất trẻ. Người nhất phải trẻ hơn tôi phải tận 7 - 8 tuổi, có khi chỉ vừa xong cấp 3. Còn lớn nhất có vẻ cũng chỉ đầu 20. Song, phong thái của họ cực kỳ chuyên nghiệp, dù rằng họ chẳng qua trường lớp nào cả. Nhìn đám nhóc ấy, tôi chợt nhớ lại tình cảnh của mình. Tôi cũng từng như họ, cũng từng tràn đầy năng lượng như thế, để rồi gia đình, sự nghiệp và cuộc đời cứ thế vùi dập. Nhưng các cậu nhóc này khác, dường như tôi có thể cảm thấy sự quyết tâm trong ánh mắt vầ từng hoạt động của họ. Liệu họ có thể làm tốt hơn tôi không ? Liệu các nhóc này có thể giữ được ngọn lửa của họ lâu hơn không ? Và liệu tôi có thể quay trở lại với âm nhạc không ? Ngọn lửa ấy có thể cháy lên một lần nữa không ?
Màn trình diễn ngắn ngủi kết thúc cùng lúc với ly cocktail của tôi. Tôi đã trở nên chuếnh choáng, và gã kia cũng vậy. Tưởng ghê lắm… Tôi đi về nhà thì thấy gã cũng đi cùng con đường, miệng lèm bèm như muốn chọc ngoáy gì đến tôi. Thằng chó ấy nhắc lại những lời nó từng nói lúc trưa cũng như lần gặp vừa rồi trong quán. Máu nóng nổi lên cùng với hơi men đã khiến tôi phải cho hắn một trận nên thân, và rồi tôi xông vào thụi vào bụng và thúc một cú vào đầu hắn. Và hắn gục xuống.
Tôi mở tiếp một tivi nữa để xem diễn biến tiếp theo. Thằng tôi của sáng hôm sau, sau khi đã đưa tên đồng nghiệp kia về nhà, đã phát hiện ra con người kia đã không còn sự sống nữa. Nó, hay đúng hơn là tôi, hốt hoảng tìm mọi cách, và cuối cùng quyết định để tên kia trong phòng lạnh. Tôi về nhà bố mẹ, cốt để chuẩn bị vài đồ đạc cho một cuộc bỏ trốn và hủy xác. Tôi cầm theo bộ nhạc cụ đã có tuổi đời tính bằng năm, chuẩn bị cho cuộc đời của một kẻ chơi nhạc rong, nếu cuộc đời còn cho phép.
Một ti vi nữa mở lên cảnh tôi với một người tôi đã từng hẹn hò và chia tay, chúng tôi đang trong một cuộc chiến bằng bạo lực. Và rồi cô ấy đã ngã xuống, đập đầu vào cạnh bàn sau cú tát và xô của tôi. Tôi quay ra sau nhìn, hai cơ thể vô hồn của họ vẫn còn đó, mắt mở to trên gương mặt đơ cứng nhìn về màn hình. Một kênh khác lại mở lên, đó là cảnh tôi và bố mẹ đang xảy ra tranh cãi về việc tôi bị đuổi việc, muốn bỏ đi và chơi nhạc. Sau khi bố mẹ chỉ trích tôi là thằng không ra gì muốn từ mặt tôi, tôi đã hét lên rằng cả hai người cũng chưa từng xem tôi là gì cả chưa bao giờ cho tôi cơ hội để thực sự phát triển, chưa bao giờ xem nỗ lực của tôi ở đại học ra gì. Nhiều điều tồi tệ xảy ra, não tôi như bị quá tải, và rồi trên màn hình là cảnh bố tôi ngã quỵ xuống, mẹ và em gái tôi phải đưa ông đi cấp cứu trong khi khóc lóc và lay ông dậy. Nhưng không may, trên đường đi, họ đã gặp tai nạn và qua đời cả. Một màn hình khác chiếu cảnh họ nằm trên đường, cơ thể bê bết máu và gương mặt tái xanh, mắt chưa kịp nhắm.
Một làn gió lạnh thổi qua, tôi quay lại và cả nhà, trừ tôi cũng ngồi trên chiếc ghế sofa kia từ lúc nào, đôi mắt vô hồn, đờ đẫn chết chóc nhìn vào màn hình. Bỗng tất cả các màn hình đều cùng lúc chiếu các chương trình khác nhau, bao gồm cả các khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời mình, hầu hết đều là tồi tệ. Chúng cứ thế tràn vào đầu tôi cùng một lúc, như thể bắt tôi phải trải nghiệm hết tất cả mọi thứ cùng lúc, chịu tất cả mọi nỗi khổ cùng lúc vậy. Tôi quằn quại trong đau đớn, gục đầu xuống bàn. Nốc toàn bộ chai rượu, uống nguyên vỉ thuốc an thần, giảm đau vẫn không khiến tôi khá hơn tí nào.
“Tha cho tôi. Đừng ! Tôi không muốn, tôi không muốn nhớ lại. ĐỂ TA YÊN, CÚT HẾT ĐI” - Tôi gào lên liên tục, lặp đi lặp lại, nhưng mọi thứ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Mà cũng đúng, nghĩ lại thì tôi đã có rất nhiều tiềm năng để phát triển, tôi đã có điều kiện đầy đủ, dù không hẳn như ý muốn. Tôi đã có thể chấp nhận khó khăn và chấp nhận vượt qua, ngay từ sau đại học, không có khi là từ cuối những năm đại học. Nhưng sự mâu thuẫn trong tính cách của tôi, háo thắng nhưng lại chần chừ và sợ nguy hiểm, sợ thất bại, và cả hai điều trên đều biểu hiện không đúng lúc, đã khiến tôi có những nước đi sai. Tôi vừa cứng đầu, nhưng đến cuối lại sợ sệt, có ý kiến nhưng lại không có cách để bảo vệ. Cứ thế, nếu mọi người chỉ bị đời xô đẩy, thì tôi còn bị đấm, đá, vùi, dập. Chỉ vì sự thiếu kiên trì của mình. Tôi đã gây ra rắc rối và khổ đau cho nhiều người, nhưng rồi cũng chẳng thể đáp ứng một ước muốn hay đạt được mục đích của bản thân. Chỉ trôi nổi một cách vô vị, và kéo người khác theo sự tiêu cực của bản thân. Vừa hại người vừa hại thân, có lẽ trời đã phạt tôi bằng cách bắt tôi phải tự trải qua lại mọi khoảnh khắc ấy của đời mình.
Tôi cứ tiếp tục cảm nhận một lượng thông tin khổng lồ đang tràn vào trong đầu, khiến nó như muốn nổ tung và cướp đi mọi suy nghĩ khác của tôi. Đến khi chuẩn bị rơi vào cơn mê đầy đau đớn, bỗng mọi thứ kết thúc. Cảm giác giống như tôi bị sập nguồn một cách đột ngột vậy. Tất cả, kể cả ý thức của tôi chìm hẳn vào một màu đen…
Tôi mở mắt ra, thấy mình đang ngồi trong một quán bar. Một bóng người bước tới và ngồi xuống bên cạnh tôi. Là một cậu thanh niên hoặc thiếu niên, ít nhất thì ngoại hình của cậu giống một người chưa đến 20. Tôi nhận ra cậu ta là người chơi trong một ban nhạc hay lui tới chỗ này như nơi làm việc. Lần đầu thấy họ, hình như là lúc tôi mới mua nhà ở gần đây.
-   “Anh nhớ là... cậu hay chơi ở đây ? Hôm nay không à ?” - Tôi mở lời.
-   “Thằng đánh trống trong band gặp chuyện không hay trong nhà mấy hôm trước. Bọn em có qua hỏi thăm và phụ một tay. Việc dây dưa sang hôm nay, và nó chẳng có tâm trạng. Cơ mà… nhìn ông anh chẳng ổn tí nào nhể ? Thất tình, hay mới làm gì tội lỗi xong chắc ? Dạo này em định viết sách, anh không phiền tâm sự chứ. Ông anh thì được tâm sự, còn em cói như được học thêm về một mảnh đời cho có tư liệu.” - Thằng nhóc nhanh nhảu - “À, bartender, cho mình một cocktail giống anh đây luôn.”
Rượu vào, lời ra, tôi bắt đầu kể hết mọi thứ, từ những ngày thơ bé, đến tận bây giờ. Cậu nhóc kia cứ hí hoáy ghi chép. Cậu ta lia bút liên tục, như thể không muốn bỏ sót chi tiết nào trong câu chuyện của tôi vậy. Tôi kể hết, kể đến chuyện tôi đã gây hại cho mọi người xung quanh thế nào, cơ duyên nào khiến tôi đến đây, và những niềm hối hận vì đã không dứt khoát với cuộc đời mình. Để rồi cuộc đời trôi qua chẳng khác nào một chương trình ti vi, còn tôi chỉ ngồi xem. Đến khi câu chuyện tiến đến thời điểm hiện tại, khi tôi ngồi đây kể chuyện với cậu, tôi dừng lại, và uống thêm một ngụm nữa. Tôi nuốt từ từ, cảm nhận hương vị phức tạp pha trộn. Rồi mới nói “Mọi chuyện là thế đấy, rồi cậu tính xuất bản ở đâu ?”
-  “Em nghĩ là khả năng viết của em vẫn còn xa để được xem là đủ cho việc phát hành sách hay gì. Có lẽ em sẽ viết thử một bản đầu rồi đăng lên một diễn đàn em mới biết gần đây. Mong họ sẽ ném đá nhẹ tay…” - Cậu nhóc nói, giọng cười cười. - “Mà, hình như em biết ông anh. Trước đây anh có chơi trong một nhóm nhạc sinh viên nào đấy thì phải. Mà tính ra anh là người đầu tiền trong trường đó chịu sáng tác nhạc mới để hát và diễn đấy. Ban nhạc đó trước toàn hát lại bài người khác. Mà anh chơi keyboard cũng quá ổn luôn đấy, hay anh gia nhập với bọn em không ? Chẳng phải anh vẫn còn đam mê với âm nhạc sao ? Coi như đây sẽ là cơ hội làm lại và phát triển cùng ban nhạc đi ?”
Trên mặt tôi là một nụ cười cay đắng:
-  “Cậu em có ý tốt, anh cảm ơn. Nhưng lâu không chơi, anh lụt nghề rồi. Rượu bia với chất kích thích cũng bào mòn giọng hát và bộ óc này bấy lâu nay rồi. Giá như mấy năm trước được như vầy… Giá lúc đó anh đủ can đảm để theo… Nhưng cuộc đời anh đã diễn ra theo hướng đó, đã đẩy anh đi khỏi âm nhạc hẳn rồi. Anh quá già, các cậu còn trẻ. Anh sợ những tư tưởng khô cứng và bảo thủ anh phải hấp thụ mấy năm qua lại bộc phát rồi trút lên các cậu. Hồi mới đi làm được vài năm, khi lên chức và nhận hướng dẫn một đội nhân viên mới, anh đã có kiểu làm việc y hệt. Kết quả, mọi người đã tranh cãi, anh áp đặt, hai bên giằng co rồi dẫn đến chửi nhau. Cuối cùng, họ đã bỏ đi, còn anh bị chuyển công tác. Cái tư tưởng đó còn dẫn đên sự việc khiến anh bị đuổi việc mà anh đã kể. Tóm cái ô lại, anh không phải chê các cậu, chỉ là anh thấy mình không còn xứng nữa thôi. Tạm biệt.” - Nói rồi, tôi đứng dậy, cầm ô và bước ra ngoài. Trời bắt đầu mưa to dần. Cậu thiếu niên kia ngồi đó nhìn tôi, gọi với ra:
-  “Nếu anh đã định vậy thì em sẽ tôn trọng quyết định của anh vậy, dù rất tiếc. Dù sao… cảm ơn về câu chuyện.”
Tôi gật đầu lại, rồi quay lưng bước về nhà dưới cơn mưa.
Và rồi tôi tỉnh dậy, vẫn đang trong căn phòng ấy, trước mặt là cảnh tôi đang bước đi trong mưa. Mà xung quanh cũng toàn tiếng mưa rơi thật. Khoan, trong phòng kín sao có tiếng mưa được. Tất cả màn hình đã chuyển qua trạng thái nhiễu những hạt màu li ti. Chín chiếc ti vi chính giữa bỗng kết hợp lại và hiện lên cảnh tôi dàng ngồi trong căn phòng, đầu gục xuống bàn và có giọt máu chảy ra từ mũi và miệng, mắt khép hờ chưa kịp nhắm lại. Xung quanh là thuốc và rượu.
“Là sao... đây ? Mình… chết rồi sao ? Tôi quay lại nhìn phía sau, tất cả là những con người tôi đã gặp, đã gây rắc rối và bị tôi gây rắc rối, từ sau cấp 3 đến giờ. Họ đều bị tôi gián tiếp gây ra cái chết của mình, theo cách này hay cách khác. Có người bì treo lên trần, mắt vẫn còn trân trân nhìn tôi. Người thì ngồi trên ghế như nằm, gương mặt đơ vô cảm, thân xác đã lạnh cứng. Ước chừng cũng phải hai mươi người… Tôi nhớ lúc trước chỉ có bốn thôi mà…
Tiếng còi xe cảnh sát vang lên quanh khu phố… Liệu họ có tìm tôi ? Liệu họ có bắt tôi ? Mà có sao đâu, tôi chết rồi mà ? Chắc thế, mà có khi tiếng còi ấy cũng chỉ trên ti vi thôi mà. Phải không ? 
Và rồi những chiếc ti vi cuối cùng cũng mất tín hiệu và quay lại với màn hình nhiễu với những hạt màu xanh đỏ li ti nhấp nháy. Tôi quay lại, định bước ra cửa phòng thì chợt nhận ra, căn phòng không có cửa. Thế là hết đường thoát rồi nhể ? Chào mừng đến với cõi chết, trừ việc linh hồn mày còn sống.
Trong đầu tôi nảy ra một ý định kỳ lạ. Tôi có thể đặt những người này trước ti vi, và cầm tay họ bấm điều khiển để xem cuộc đời của họ không nhỉ ? Liệu tôi có thể sẽ thấu hiểu hơn những cuộc đời. Nhưng trước khi tôi kịp làm điều đó, tất cả các ti vi cứ thế tắt đi, để lại tôi trong căn phòng tối đen một cách tuyệt đối. Không còn bất cứ tia sáng nào phát ra, hay lọt vào cả, căn phòng chỉ còn lại tôi, với những cái xác không hồn mà tôi chỉ cảm nhưng không thấy. Chỉ còn lại bóng đêm của chết chóc, và tôi, một kẻ không còn cách nào khác trừ chờ tới khi chết vì kiệt quệ.
Phải không ?
Nguồn: MV Chuyển Kênh (sản phẩm này không phải là thuốc)
Nguồn: MV Chuyển Kênh (sản phẩm này không phải là thuốc)