Bà chủ Quốc Cường Gia Lai, vì sao bị bắt?
Ngày 19/7/2024, bà Nguyễn Thị Như Loan - mẹ ruột vị doanh nhân nổi tiếng Cường Đôla - bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng,...
Ngày 19/7/2024, bà Nguyễn Thị Như Loan - mẹ ruột vị doanh nhân nổi tiếng Cường Đôla - bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Dàn cựu lãnh đạo ngành cao su bị cũng khởi tố do bị cáo buộc liên quan. Cùng với đó, 1 số cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng bị liên đới như Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) và Novaland (mã chứng khoán NVL).
Vậy mối dây liên hệ ở đây là gì? Hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết trong bài viết bên dưới nhé.
1, Nguồn gốc
Tất cả sự việc xoay quanh khu đất vàng rộng hơn 6.200 m2, nằm ở số 39-39B, Bến Vân Đồn, Quận 4, TPHCM. Ngày xưa khu đất này thuộc sở hữu nhà nước, do Công ty Cao su Bà Rịa và Cao su Đồng Nai quản lý. Cả 2 công ty này đều thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam và tập đoàn này thuộc sở hữu nhà nước.
Cuối tháng 12/2009, 2 công ty Cao su Đồng Nai và Cao su Bà Rịa góp vốn thành lập 1 công ty mới là Phú Việt Tín, trong đó Công ty Cao su Đồng Nai (chiếm 72% vốn) và Cao su Bà Rịa (chiếm 28% vốn).
Tháng 3/2010, UBND TPHCM có quyết định giao khu đất 39-39B Bến Vân Đồn cho Phú Việt Tín để đầu tư, xây dựng dự án theo quy hoạch. Tuy nhiên sau đó công ty đã không làm đúng như quy hoạch và các sai phạm bắt nguồn từ đây.
2, Sai phạm
Ngay sau khi UBND TP HCM giao đất, cơ cấu cổ đông của Phú Việt Tín bỗng nhiên có sự thay đổi lớn khi có sự xuất hiện của Công ty Retro Harvest Finance Ltd đến từ Hàn Quốc.
Tính đến tháng 4/2010, Công ty Retro Harvest Finance Ltd đã sở hữu 80% vốn của Phú Việt Tín. Tỷ lệ góp vốn của Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa lần lượt chỉ còn 14,4% và 5,6%.
Công ty nước ngoài kia sau khi đã có quyền biểu quyết cao nhất thì quyết định không phát triển khu đất vàng theo quy hoạch của nhà nước nữa mà bắt đầu tìm cách bán nó để kiếm lời luôn. Lúc này bà Loan và công ty Quốc Cường Gia Lai chính là bên mua.
Quy trình cụ thể như sau (đoạn này sẽ hơi lằng nhằng 1 chút vì các đối tượng để tên các công ty gần giống nhau để tăng khả năng đánh lừa, nên mọi người hãy tập trung):
- Bước 1:
Công ty nước ngoài trên ủy quyền cho 1 nhân vật là bà Lê Y Linh để bán 80% cổ phần của Phú Việt Tín.
Lưu ý: bà Linh là giám đốc 1 công ty tên là Công ty Thương mại tổng hợp Việt Tín (không phải công ty Phú Việt Tín đang sở hữu đất vàng).
Bà Linh sau đó lại ủy quyền việc bán 80% số cổ phần công ty Phú Việt Tín trên cho Công ty Đầu tư thương mại Việt Tín do ông Đặng Phước Dừa làm giám đốc (gần giống nhưng không phải công ty Phú Việt Tín đang sở hữu đất vàng, và cũng không phải Công ty Thương mại tổng hợp Việt Tín phía trên của bà Linh).
- Bước 2:
Vào ngày 6/8/2014, ông Đặng Phước Dừa, Giám đốc Công ty ĐTTM Việt Tín ký hợp đồng bán 19,8% cổ phần Công ty Phú Việt Tín cho Quốc Cường Gia Lai . Thế nhưng chỉ 2 ngày sau, tức ngày 8/8/2014, bà Lê Y Linh lại bán tiếp 79,2% cổ phần Công ty Phú Việt Tín cho Quốc Cường Gia Lai . Tổng cộng là 99% cổ phần được bán cho Quốc Cường Gia Lai nhưng tổng số cổ phần mà công ty nước ngoài kia sở hữu chỉ có 80% mà thôi. Thông qua các giấy tờ bà Linh cung cấp, cơ quan điều tra cho biết bà Loan biết rõ điều này nhưng vẫn đồng ý mua.
Việc chỉ có 80% cổ phần mà vẫn bán được 99% là điều kỳ lạ thứ nhất. Điều kỳ lạ thứ 2 là tổng số cổ phần trong Công ty Phú Việt Tín của 2 công ty: Cao su Đồng Nai và Cao su Bà Rịa bỗng dưng từ 20% giảm xuống chỉ còn 1%. Và ngày 10/9/2014 cũng bán nốt cho Quốc Cường Gia Lai với giá 2,2 tỷ. Thế là Nhà nước không còn sở hữu bất cứ mét vuông nào của khu đất vàng nữa, tất cả đã sang tay cho Quốc Cường Gia Lai .
Điều kỳ lạ thứ 3 liên quan đến việc ngụy tạo hồ sơ mua bán lòng vòng để ăn chặn tiền Nhà nước. Số là, trên giấy tờ thì bà Loan phải trả 217 tỷ đồng cho lần mua 79,9% cổ phần từ bà Linh và trả 54,2 tỷ đồng cho lần mua thứ 2 là 19,8% cổ phần từ ông Dừa. Tuy nhiên theo các ủy nhiệm chi thì bà Loan đã chuyển đến 240 tỷ đồng cho ông Dừa, và phần lớn được chuyển trước khi ký hợp đồng. Trong khi với khoản 217 tỷ phải chuyển cho bà Linh thì đến nay Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa thể cung cấp đầy đủ chứng từ cho cơ quan điều tra.
Theo Tập đoàn Cao su định giá, giá bán khu đất vàng trên để làm dự án chỉ có hơn 100 tỷ vào năm 2014, tuy nhiên bà Loan đã phải trả 464 tỷ đồng để sở hữu khu đất (đó là theo lời của bà Loan kêu oan thế, thực hư thế nào chúng ta sẽ đợi cơ quan điều tra làm rõ).
Tuy nhiên, cũng chỉ vài tháng sau, Quốc Cường Gia Lai lại bán sạch vốn tại Phú Việt Tín cho 2 doanh nghiệp và 1 cá nhân khác, thu về hơn 840 tỷ đồng. Trong khi đó số tiền thu về ngân sách nhà nước chỉ là 186 tỷ.
Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, Quốc Cường Gia Lai đã thu về khoản lãi gần 382 tỷ đồng từ khoản đầu tư "chớp nhoáng" này. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 của Quốc Cường Gia Lai cũng ghi nhận khoản lãi bất thường này.
3, Hiện tại
Cuối tháng 3/2017, Phú Việt Tín đã sáp nhập vào Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phúc Nguyên, trở thành Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên (là công ty con của Novaland). Khu đất được đầu tư thành chung cư cao cấp có tên là The Tresor, với hàng nghìn căn hộ đã bán hết cho khách hàng sử dụng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do dự án đang bị thanh tra nên các hộ dân mua căn hộ tại dự án vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về phía Quốc Cường Gia Lai, trước khi có tin tức bà Loan bị bắt, cổ phiếu đang có đà tăng giá tốt hơn 100% từ vùng đáy đầu năm 2024 nhờ được hưởng lợi từ việc nhận lại mảnh đất trước đó có tranh chấp với công ty Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.
Sau khi có tin tức bắt giữ CEO, cổ phiếu giảm sàn liên tiếp 7 phiên. Tính từ mức đỉnh cao nhất trong năm vào tháng 4/2024 thì giá đã giảm 70% tính đến ngày 29/7/2024 thì mới có dấu hiệu hồi phục khi QCGL tổ chức đại hội cổ đông vào ngày 30/7. Ông Nguyễn Quốc Cường (tên thường gọi là Cường Đô La - con trai bà Loan) được chọn để lên nắm vị trí CEO Quốc Cường Gia Lai sau khi bà Loan bị bắt.
Sơ bộ xem xét lại BCTC Công ty ban đầu, ông Cường khẳng định tín hiệu tốt là QCGL không có bị lo ngại về dòng tiền. Ông cho rằng công ty có 4.900-5.000 tỷ đồng nợ trên vốn 9.000 tỷ đồng, con số này là lớn nhưng số lãi vay chỉ khoảng 3%, tầm 300 tỷ đồng.
Mặc dù nằm trong HĐQT và ban lãnh đạo nhưng ông Cường nắm giữ lượng cổ phiếu rất ít, chỉ 537.000 cổ phiếu (0,2%), một con số rất nhỏ so với tỷ lệ nắm giữ 37,05% (tương đương gần 102 triệu cổ phiếu) của bà Loan và 14,32% (gần 39,4 triệu cổ phiếu) của em gái Nguyễn Ngọc Huyền My hay 3,52% (gần 9,7 triệu cổ phiếu) của em gái bà Loan là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt. Vợ ông Cường là Đàm Thu Trang không sở hữu cổ phiếu và không liên quan gì tới QCG.
Trước đó, Ông Cường cũng đã nằm trong ban lãnh đạo và HĐQT của QCG trong hơn thập kỷ. Ông được bổ nhiệm giữ vị trí phó tổng giám đốc năm 2006 khi 24 tuổi; năm 2008 ông Cường có mặt trong HĐQT.
Trong khoảng thời gian ông Cường nắm quyền tại QCG, tình hình của doanh nghiệp "phố núi" có vẻ như không khả quan lắm khi ghi nhận nợ nần lớn, cùng với đó là nhiều sai phạm. QCG dính tai tiếng với dự án 39-39B Bến Vân Đồn hồi năm 2014. QCG cũng dính lùm xùm với 2 dự án Phước Kiển, trong đó có vụ "mua hụt" đất vàng giá bèo gần 1,3 triệu đồng/m2 tại dự án Phước Kiển 32ha, khiến dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) bị kỷ luật.
Về trách nhiệm với cổ đông, Quốc Cường Gia Lai ccũng ó nhiều lần công bố thông tin sai hay chậm hoãn tổ chức ĐHĐCĐ khi thời gian ông Cường đang làm người công bố thông tin. Tháng 6/2022, QCG cũng không tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. ĐHCĐ năm 2021 cũng tổ chức muộn hơn so với bình thường 8-9 tháng. ĐHCĐ năm 2021 được tổ chức vào ngày cuối cùng kết thúc năm tài chính (31/12/2021).
Vậy với lần quay lại này, ông Cường Đô La có thể vực dậy QCGl trong tương lai hay không, chúng ta sẽ thể chờ thời gian trả lời?
Cuối cùng, để xảy ra 1 sự việc mang tính hệ thống như vậy thì bà Loan không thể hoạt động 1 mình. Trong vụ án hình sự này, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khởi tố và bắt tạm giam nhiều bị can liên quan khác để điều tra và làm rõ. Họ đều từng là các lãnh đạo cấp cao, các Tổng giám đốc, các Chủ tịch hội đồng và giữ nhiều trọng trách trong Tập đoàn Cao su Việt Nam.
3, Kết luận
Từ 1 khu đất vàng được giao cho doanh nghiệp nhà nước với chi phí sử dụng chỉ 100 tỷ, bỗng chốc rơi vào tay các doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân, thay vì đầu tư phát triển dự án, họ ngay lập tức mua bán kiếm lời gấp cả chục lần chỉ sau vài tháng ngắn ngủi.
May thay, sự việc dù đã xảy ra từ rất lâu nhưng vẫn bị phát giác vào năm 2021 nhờ Thanh tra chính phủ khi kiểm tra khu đất thì đã nghi vấn rằng: tại sao 1 khu đất thuộc tài sản công lại được chuyển giao cho 1 doanh nghiệp tư nhân mà không qua bất kỳ 1 bước đấu thầu nào. Thanh tra chính phủ sau đó đã đề nghị Bộ Tài chính điều tra và chuyển cho Cơ quan Công an xử lý nếu có dấu hiệu hình sự. Và kết quả thì chúng ta đều đã thấy ở đây rồi.
Như vậy bà Loan cùng các đồng phạm có sai phạm không và nếu sai phạm thì sẽ bị xử lý như nào để răn đe các trường hợp về sau, để làm đúng theo tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - quyết tâm chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thì chúng ta sẽ cùng chờ những kết luận tại tòa án để biết rõ nhé.
*** Thông tin tham khảo:
----------------------------------------------------
Trang cá nhân tác giả:
Tài chính
/tai-chinh
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất