Trước hết để có thể cùng nhau đi tìm hiểu, chúng ta hãy định nghĩa cho thống nhất từ: “Ngôn ngữ”. Tìm trên nguồn bách khoa toàn thư điện tử thì ngôn ngữ là hệ thống phức tạp con người sử dụng để liên lạc hay giao tiếp với nhau. Tiếp theo chúng ta hãy cùng nhau trả lời câu hỏi: “Ngôn ngữ nào là quan trọng nhất?”
Sẽ có bạn nói ngay chính là tiếng Anh, ngôn ngữ của hội nhập quốc tế. Bạn sẽ bảo là tiếng Trung vì tính phổ biến của nó ở châu Á. Có bạn lại không đồng tình với hai đáp án trên, tiếng Việt mới là quan trọng hơn cả vì nó được dùng nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày trong xã hội Việt Nam. Tớ không có sự phản đối gì với những quan điểm trên, tớ sẽ giới thiệu một loại ngôn ngữ mà theo tớ, có tầm quan trọng không thua kém gì mấy ngoại ngữ trên.
Ngôn ngữ là một hệ thống phức tạp con người dùng, cuối cùng cũng là để hiểu nhau. Ấy vậy có trường hợp hai người Việt dùng tiếng Việt giao tiếp với nhau mà vẫn không hiểu được nhau. Không phải là chất giọng, không phải là do từ vựng và cũng không phải là do ngữ pháp. Ồ vậy nguyên nhân là do đâu, bạn có bao giờ tự hỏi?
Tớ đã hỏi, từ rất lâu rồi. Bây giờ tớ biết được là giữa hai người không nói cùng một ngôn ngữ của sự TRẢI NGHIỆM. Hai người nói cùng một thứ tiếng, nhìn thì có vẻ rất giống nhau (on the same page), nhưng thực tế thì rất khác nhau về mặt nhận thức. Làm sao có thể mong đợi hai người được nuôi dạy trong hai gia đình khác nhau, trải qua những cay đắng mặn nhạt cuộc đời với cung bậc khác nhau hiểu cùng một từ nói ra được. Trường hợp này, việc cả hai nói tiếng Việt hay tiếng Anh hay tiếng Ả Rập cũng không thể nào giúp được gì. Họ cần dùng một loại ngôn ngữ khác, loại ngôn ngữ mà ở thế giới hiện đại ít ai trân trọng nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc đến từng giây phút tương tác giữa con người với con người.
Khi tớ nói từ “nghèo”, bạn hiểu gì? Chắc có lẽ một số bạn sẽ nghĩ đây là một vấn đề xã hội cần được khắc phục, cải thiện. Đối với bản thân tớ, đó là những không chỉ là một vấn đề mà chính là kí ức những ngày sống trong hoàn cảnh thiếu điều kiện vật chất lẫn tinh thần khi ngày đầu chuyển đến Sài Gòn. Những ngày mà mọi giấc mơ của tớ đều bị nó dập tắt dần dần. Ngày mà tớ không được sống theo những giá trị hướng thiện của mình vì cái áp lực phải kiếm bằng được đồng tiền mưu sinh cho ngày mai. Đó chỉ là tôi và bạn, liệu mọi người có hiểu giống nhau?
Khi tớ nói từ “trường học”, bạn hiểu gì? Đa phần học sinh sẽ liên tưởng đến ngay sự chán đến phát ngán của mấy tiết học trên lớp. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn nghĩ đến cái thời mà lũ bạn chơi với nhau một cách chân thật nhất, những kỉ niệm khó quên của tuổi học trò. Nói vậy thì cũng có bạn sẽ nhớ lại một thời từng là nạn nhân của bạo lực học đường, ngày ngày nơm nớp lo sợ đến độ trầm cảm. Liệu chúng ta có cùng định nghĩa về “trường học”?
Khi tớ nói từ “lãnh đạo”, bạn hiểu gì? Mỗi lần giới thiệu bản thân tớ bản thân làm ở chủ tịch gì đó ở tổ chức A, nhiều bạn nghĩ ngay đến quyền lực, đến sự ngàu (cool) của công việc tớ làm. Các bạn đâu hiểu được tớ phải đau đầu như nào khi phải vừa đảm bảo quyền lợi của thành viên, khách hàng rồi lại cả cấp trên, cấp dưới vân vân và mây mây. Bạn chưa hiểu được tớ luôn bị “quầy rầy” bởi đủ thứ vấn đề trên rơi xuống mỗi ngày, những giây phút toát mồ hồi rơi nước mắt. Rõ ràng có thể tớ và bạn đang dùng hai ngôn ngữ khác nhau. Liệu thực sự bạn có hiểu khi nói chuyện với tớ?
Nếu bạn hiểu ba từ đơn giản là “nghèo”, “trường học” và “lãnh đạo” khác nhau thì chuyện hiểu nhau đã khó khăn rồi. Chưa nói đến là chúng ta có hàng triệu từ với đủ loại định nghĩa khác nữa. Mỗi định nghĩa trong nó đi kèm với trải nghiệm cá nhân, mỗi cá nhân lại có sự khác biệt. Chỉ có những người đã trải nghiệm – có cùng định nghĩa – mới có thể thực sự hiểu nhau nói gì. Mỗi loại trải nghiệm tạo nên cho chúng ta một ngôn ngữ. Con số ngôn ngữ tớ biết chắc chắn là hơn 10 – tôi chỉ dùng 10 làm con số để đại điện cho đẹp mà thôi. Có những người chỉ biết 1 ngôn ngữ, nhưng có người biết 5, biết 10, biết 20 và hơn thế nữa.
Tớ tự hỏi nếu mọi người nếu chọn đúng ngôn ngữ để giao tiếp với nhau thì thế giới tươi đẹp hơn như nào? Nếu bố mẹ dùng được ngôn ngữ của con trẻ thì đã không tạo ra những xung đột thế hệ không đáng có. Nếu con trai dùng được ngôn ngữ của con gái khi nói chuyện với con gái và ngược lại thì các mối quan hệ bền vững hơn đến nhường nào. Nếu Mỹ dùng được ngôn ngữ của người dân Syria sống trong cảnh bom đạn trong suốt 7 năm thì đã không khoét sâu vết thương bằng cách gửi đến hơn 100 tên lửa hủy diệt.
Đó chỉ là NẾU…Tiếc, tiếc là định nghĩa về ngôn ngữ của chúng ta có thể còn hẹp. Do đó, như một hệ quả, chúng ta không thực sự chủ động để học về nó. Mỗi người có xu hướng càng ngày càng co cụm về không gian của mình, dùng riêng ngôn ngữ của mình. Tớ nghĩ không ai hiểu được hết các loại ngôn ngữ đâu, tớ cũng chẳng phải ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu không nhận ra là mình cần học thêm những ngôn ngữ khác thì thật tiếc. Tớ hi vọng sau bài này thì định nghĩa của từ “ngôn ngữ” trong bạn đã được mở rộng. Ít ra là một phần nào đó.
Nói về khả năng hiểu hơn 10 ngôn ngữ giúp tớ như nào, tớ sẽ trả lời ngắn gọn như sau đây. Thực dụng nhất là trong môi trường làm việc, tớ có thể hiểu được những trăn trở khó khăn của khách hàng khi họ đến với tớ. Cũng chẳng lạ khi thấy tớ khá là khắc nghiệt khi đặt ra tiêu chuẩn khi làm việc, đó là vì tớ hiểu một việc làm của mình có thể ảnh hưởng rất nhiều đến như thế nào với trải nghiệm của họ. Có những lần tớ dành thời gian đóng vai khách hàng để hiểu thực sự họ trải nghiệm những gì, cố gắng hiểu ngôn ngữ khách hàng nói. Khía cạnh cá nhân thì nó giúp tớ nói chuyện được với nhiều người khác nhau, thấu hiểu được về họ thông qua giao tiếp cùng hệ ngôn ngữ. Nhờ đó mà tớ học được nhiều điều từ những người bạn xung quanh mình. Tớ có được cuộc nói chuyện mang ‎ý nghĩa sâu sắc mà ít người có được. Thứ ngôn ngữ tớ nói với họ, không phải là tiếng Việt và cũng không phải tiếng Anh mà chính ngôn ngữ của sự trải nghiệm.
Thế giới vốn dĩ đã phức tạp, đừng đơn giản hóa và hiểu nó bằng một ngôn ngữ, hãy ôm trọn sự phức tạp bằng sự thấu hiểu.
Ichiro Duong
A blogger, language lover, amateur athlete and purpose-driven leader