Để bắt đầu, tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện nhỏ. Trong một khoang tàu nhỏ trên một chuyến xe lửa có một chàng trai đang chăm chú đọc một quyển sách, một tiếng “xoẹt”, cửa khoang xe được mở ra và một cô gái bước vào. Anh chàng ngẩng đầu lên và ánh mắt 2 người chạm nhau. Lửa tình bắn ra tung tóe và bùm họ yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tất cả những khiếm khuyết, tổn thương, thiếu xót của họ ngay lập tức được thông cảm, thấu hiểu, bỏ qua bởi vì họ đã tìm thấy được chân ái của đời mình. Họ hiểu được nhau muốn gì ngay cả khi không ai nói tiếng nào. Họ yêu thương nhau một cách vô điều kiện, hiểu nhau thông qua ánh mắt, bao dung hết tất thảy thiếu xót vì họ yêu nhau và khi hai người yêu nhau thì đó là điều tất nhiên.
Nghe như thế nào? Quen thuộc có phải không? Một kịch bản tình yêu classic của Hollywood, một bộ phim thanh xuân hường phấn của Trung, một bản nhạc tình ca cổ điển của Hàn. Tâm hồn chúng ta được nuôi dưỡng từ những câu chuyện tình yêu của Romeo and Juliet, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, của nàng mộng mơ và chàng lịch lãm, chúng ta khát vọng một tình yêu vô điều kiện, một sự thấu hiểu cảm thông ngay từ giây phút đầu, chúng ta lãng mạn hóa tình yêu của mình, và khi chúng ta ngỡ đã tìm được chân ái, nửa kia, bạn đời, etc thì cuộc đời cho chúng ta một bạt tai vào mặt thật kêu. Vậy tự hỏi, trong những mối tình ngổn ngang cứ ngỡ là chân ái đó, bạn sai ở chỗ nào? Định nghĩa tình yêu sai? Nửa kia chưa phù hợp? Cách yêu sai?
Mẹ tôi từng nói một câu mà tôi luôn cảm thấy rất thú vị: “Tiểu Long Nữ và Dương Quá trải qua trăm cay nghìn đắng để đến được với nhau, nhưng thật ra chướng ngại lớn nhất mà 2 người họ cần vượt qua chính là “tả bỉm và tiếng khóc trẻ con”. Tình yêu đời thường mà, làm quái gì có vượt qua núi đao biển lửa mãi không rời, có đôi khi thứ tát cho bạn một bạt tai lại là những thứ đời thường nhất đấy.
Quay lại câu chuyện nhỏ của chúng ta nào, thật ra cách nghĩ của bạn về tình yêu, cách xã hội nuôi dưỡng tâm hồn của mấy cô cậu 13, 14 này nó mới xuất hiện từ thế kỷ 17, 18 từ những nhà văn ăn no dửng mỡ bên châu Âu mà thôi. Phần lớn lịch sử loài người chúng ta không yêu như thế, hay nói đúng hơn thì có lẽ nếu bạn ném khái niệm tình yêu cho ông bà cụ kị của bạn thì có khi họ cũng chả biết bạn đang nói về cái quái gì đâu. Câu chuyện về sự gặp gỡ “chân ái” của họ sẽ là như thế này, vào một ngày đẹp trời, một vị khách lạ mặt dẫn theo một thằng dở hơi mà có lẽ đây là lần đầu bạn thấy mặt nó đến chơi nhà bạn. Sau một vài cuộc trò chuyện giữa bố bạn và bố thằng đấy mà bạn còn chẳng được chúi mũi vào lấy một câu thì, nếu không có gì xảy ra, bạn và thằng đó sẽ là về chung một nhà.
Chả lãng mạn tý nào cả, ừm công nhận, nhưng mà bạn có biết mục đích ban đầu của hôn nhân chính là vì quyền lợi kinh tế và chính trị chứ không phải vì 2 con tim rung rinh nhau đâu. 2 ông bố nói chuyện với nhau, tiền cưới được chuyển thẳng từ tay ông bố này sang ông bố kia và đó là cách mà phần lớn ông bà tổ tiên của chúng ta gặp gỡ nhau đấy.
Túm cái váy lại, ở phần này tôi muốn nói là tôi không phải đối yêu đương, đó là quyền tự do cá nhân của mỗi người, nhưng mà tỷ lệ ly hôn không thể khiến tôi ngừng đặt câu hỏi cách chúng ta yêu, SAI Ở ĐIỂM NÀO?
Thôi bài viết đã dài, bao giờ rảnh viết tiếp, hẹn gặp lại và chào thân ái
Ré phờ rần xịt
Harari, Y. N., Harari, Y. N., Purcell, J., & Watzman, H. (2015). Sapiens: A brief history of humankind.
The school of life
Đây là poster của một bộ phim điện ảnh Hàn Quốc gần đây, cũng chính là động lực thúc đẩy tôi viết bài ở bộn bề deadline.