Tuần vừa qua tôi bị những cuộc điện thoại quấy nhiễu kiểu “ Ông bảo thằng A trả nợ cho chúng tôi đi “ . Tôi và A thực ra cũng chẳng thân nhau mấy . A chỉ là 1 nhân viên bất động sản trong 1 dự án mà tôi quen . Tôi không còn liên hệ được với A nữa nhưng theo tìm hiểu của tôi A đã vay tiền trên 1 app tín dụng đen và khi A không trả được nợ vay những kẻ cho vay đã cư xử như dân giang hồ bằng cách khủng bố đòi nợ A .Dù tôi có nói chuyện đó cho kẻ quấy nhiễu những họ cũng chẳng quan tâm . Mục tiêu của họ là quấy nhiễu , khủng bố làm mất hết danh dự và uy tín của A với mọi người trong danh bạ điện thoại của A .
Tôi thử tìm hiểu qua các vấn đề Tín dụng đen này trên báo chí và cả trên chính diễn đàn spiderum . Hầu hết những bài báo tôi đọc đều có quan điểm lên án tín dụng đen , lên án các tổ chức cho vay tín dụng đen và lên án các cơ quan nhà nước tại sao lại có thể để cho hiện tượng này công khai và hoành hành đến vậy
Cho vay là 1 hoạt động dân sự hợp pháp được nhà nước công nhận . Căn cứ điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất. Luật quy định mức lãi suất cho các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp bên cho vay yêu cầu mức lãi suất lớn hơn mức 20%/năm thì được coi là cho vay nặng lãi . Nhưng các bên cho vay nặng lãi thường lách con số 20% này bằng nhiều cách khác nhau như chỉ ghi số tiền cần trả mà không ghi gốc , lãi trong hợp đồng cho vay . Hay chia nhỏ hợp đồng ra thành các hợp đồng nhỏ các khoản phí phạt v.v.. 
    Hầu hết mọi người kêu gọi nhà nước các cơ quan chức năng hãy siết chặt các quy định về hoạt động cho vay nặng lãi . Mọi người cho rằng nhà nước cần phải làm nhiều hơn nữa có nhiều các quy định hơn nữa về tín dụng để cho các tổ chức tín dụng và cá nhân không thể cho vay tiền được nữa .WTF 
   Theo tôi vấn đề không nằm ở khâu cho vay mà nằm ở các hoạt động đòi nợ phi pháp của các tổ chức tín dụng đen . Các hoạt động đòi nợ  như quấy nhiễu khủng bố tinh thần , đánh đập , bạo lực hay thậm chí là giết người mới là vấn đề . Nếu không thể đòi nợ phi pháp thì sẽ chẳng có bất kỳ ai dại gì cho người khác vay tiền dù cho lãi suất có cao cách mấy đi nữa. 
 Tôi có một bà chị là công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần -Bình dương . Chị là 1 người hết sức thật thà và chăm chỉ ,tằn tiện . Nhưng chị có 1 nghề tay trái đó cho vay nặng lãi . Vâng cho vay nặng lãi . Chuyện là chị có 1 khoản tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng quá ít để có thể mua 1 mảnh đất còn nếu gửi ngân hàng thì lãi suất quá thấp chưa kể nếu có việc gì gấp rút ra thì lãi chẳng được là bao . Nên chị cho những bạn bè đồng nghiệp vay với lãi suất 1 triệu ăn 5 ngàn 1 ngày hay 0.5% / ngày, hay 15% / tháng ,hay 180% / năm quá đủ để khép vào tội cho vay nặng lãi . Thực ra nếu vay theo tháng thì chị chỉ tính lãi suất 3%/tháng nhưng như vậy cũng là 36% /năm vẫn vượt xa con số 20% . .Khi mà thị trường đi xuống , hay không có nhiều người vay và gặp người vay đáng tin tưởng chị thường hạ lãi suất xuống chỉ còn 2000 / 1 tr/ ngày . Đó chính là bàn tay vô hình của thị trường đang tác động đến lãi suất cho vay và điều kiện cho vay. Nếu có nhiều người cho vay lãi suất cho vay sẽ đi xuống và thủ tục sẽ bớt rườm rà hơn .Nhiều người sẽ chẳng việc gì phải đi vay tín dụng đen cả .
Nhưng chị chỉ dám cho những người tin tưởng vay vì nếu bị quỵt thì chị chỉ có mất tiền chứ chẳng có cách chi đòi nợ .Chị là 1 người vô cùng nhỏ nhắn và hiền lành chị chắc chắn chẳng dám đòi nợ phi pháp dù hoạt động cho vay của chị hoàn toàn vi phạm điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 . 
  Nếu bây giờ siết chặt các hoạt động cho vay thì chỉ có lợi cho các tổ chức cho vay sẵn sàng đòi nợ phi pháp . Các tổ chức đó sẽ có ít các đối thủ cạnh tranh hơn điều đó có nghĩa là họ có nhiều điều kiện để nâng lãi suất lên cao hơn nữa . Lãi suất cao hơn đồng nghĩa các hệ lụy xã hội của việc vay nặng lãi sẽ lớn hơn nhiều .
  Nên giải pháp không phải siết chặt hơn ở khâu cho vay .Mà các cơ quan nhà nước cần phải mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn các hành vi đòi nợ phi pháp . Đặc biệt các cơ quan công an phải bảo đảm các hành vi đòi nợ bằng bạo lực không được phép xảy ra . Tội phạm bạo lực phải bị trừng trị .Các hành vi quấy nhiễu khủng bố tinh thần con nợ phi pháp cũng cần bị trừng phạt .
 Khi không thể đòi nợ phi pháp người cho vay cũng sẽ cân nhắc kỹ càng việc cho vay . Vì chẳng ai dại gì cho vay nếu không thu được nợ . Cũng chẳng cần sợ những chủ nợ sẽ dụ dỗ và lừa gạt người khác vay nợ . Vì rõ ràng cho vay có rủi ro mất tiền nhiều hơn đi vay nhiều . Vì người đi vay chỉ cần tuyên bố phá sản thì người cho vay có thể sẽ mất trắng số tiền cho vay 
  Về mặt những người đi vay tín dụng đen . Các báo đài thường xây dựng hình ảnh họ là những nạn nhân yếu đuối , cả tin bị những tổ chức tín dụng đen lừa đảo dụ dỗ . Không thì cũng là những con người nghèo khổ túng quẫn phải vay mượn để sinh tồn. Có thể cũng có 1 vài trường hợp như thế thật  . Nhưng theo kinh nghiệm cá nhân ( vì mình không có một nguồn số liệu nào , bà chị “cho vay nặng lãi “ của mình cũng chẳng có một con số thông kê nào cả ) thì hầu hết những người sa vào tín dụng đen là những người cờ bạc , lô đề , rất thiếu hay nói đúng ra là chẳng có chút kiến thức tài chính hay kỷ luật tài chính nào cả . Họ là những người tiêu trước nghĩ sau sẵn sàng quỵt tiền và có thể đã quỵt tiền nhiều lần nên chẳng bạn bè hay người thân nào chịu cho họ vay tiền . Vì thế họ mới phải vay tiền ở những tổ chức tín dụng đen vì uy tín quá thấp của bản thân . 
  Một phần lớn nữa tìm đến tín dụng đen vì sự dễ dàng tiện lợi của nó . Đó cũng là lý do các tổ chức tín dụng hợp pháp bị chỉ trích vì thủ tục quá quan liêu , rườm rà , rắc rối buộc người ta phải tìm đến tín dụng đen . Giải pháp đương nhiên là các tổ chức lớn và hợp pháp này cần phải cải thiện dịch vụ các điều kiện cho vay cần mở rộng và dễ tiếp cận hơn . Nhưng 1 giải pháp nữa là để những người có nhu cầu cho vay lấy lãi nhỏ được hoạt động cũng sẽ giải quyết được bài toán về các điều kiện cho vay bất cập , rắc rối .
Một điều nữa cũng cần phải lưu ý là cần siết chặt hoạt động huy động vốn bừa bãi của các tổ chức tín dụng . Huy động và cho vay là hai nghiệp vụ đối lập hoàn toàn . Trong khi tôi khuyến khích mở cửa để mọi người tự do được cho vay kiếm lời và để thị trường tự cân bằng lãi suất cho vay .Thì tôi lại ủng hộ siết chặt và quản lý chặt các hoạt động huy động đây mới là hoạt động tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo mà cơ chế thị trường tự nó không tự cân bằng được .