Tôi đuợc sinh ra để bị nhồi nhét ghét người Israel

Đây là chia sẻ của Kasim Hafeez, một người Hồi Giáo Anh về việc ông đã bị truyền bá ghét người Do Thái ngay từ nhỏ và làm thế nào ông vượt qua định kiến này. Chỉ sau vài giờ khi video được đưa lên, You Tube đã xếp video này vào loại “phát ngôn khơi gợi sự thù hận” (hate speech) và gỡ nó xuống. Đây là một điều vô cùng khó hiểu vì Kasim Hafeez chỉ kêu gọi cộng đồng người Hồi Giáo dừng việc thù hận với người Do Thái và không hề có bất cứ phát ngôn kích động gây hận thù nào. Kasim Hafeez đã kêu gọi mọi người hãy tìm sự thật cho bản thân mình thay vì chỉ nghe những thông tin truyền bá sai lạc.


Sự thù địch quốc tế chống lại người Israel

Kể từ khi thành lập năm 1948, Israel đã phải chiến đấu với các nước láng giềng chỉ để tồn tại. Có thể kể đến chiến tranh Arab – Israel năm 1948 khi Israel phải chiến đấu chống lại các nước Ai Cập, Liban, Syria, Transjordan và Iraq để bảo vệ nền độc lập non trẻ, hay cuộc chiến 6 ngày năm 1967 và chiến tranh Arab – Israel năm 1973 khi người Ai Cập và Syria bất ngờ tấn công vào ngày lễ linh thiêng của người Do Thái Yom Kippur. Israel đã phải chịu đựng vô số các hành động khủng bố, mạnh nhất từ năm 2000 – 2005, cái gọi là phong trào Intifada thứ hai, trong đó nhiều trẻ em và những người vô tội khác đã bị đánh bom trong những nơi như tiệm pizza, xe buýt và đám cưới.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là Liên Hợp Quốc – một tổ chức được lập ra để duy trì và bảo vệ nền an ninh trên thế giới – lại cổ võ cho những hành động thù địch chống lại Israel. Liên Hợp Quốc đã trở thành một nền tảng toàn cầu cho việc chống lại chủ nghĩa Do Thái và tàn phá nhà nước Do Thái.


Sự bách hại Ki-tô hữu đang ở đỉnh điểm của lịch sử

Ki-tô giáo là tôn giáo bị bách hại nhiều nhất trên thế giới hiện nay, đặc biệt với những Ki-tô hữu sống trong những quốc gia mà Hồi Giáo chiếm đa số. theo một báo cáo mới với tựa đề “Bị bách hại và quên lãng?” từ Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ, một tổ chức từ thiện mục vụ Công giáo quốc tế, cung cấp cứu trợ khẩn cấp và mục vụ tại 140 quốc gia.
Trung Quốc, Eritrea, Iraq, Nigeria, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Ả-rập Xê-út, Sudan và Syria được xếp hạng “tột bậc” trong quy mô của cuộc bách hại chống Kitô giáo. Ai Cập, Ấn Độ và Iran được đánh giá là “cao gần như tột bậc”, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá “cao với mức độ vừa phải”.
Lấy Bắc Triều Tiên là một ví dụ. Một Ki-tô hữu có thể bị kết án đến 15 năm trong trại lao động chỉ vì sở hữu chỉ 1 quyển Kinh Thánh, Thánh Ca… Theo ông Brewer - chủ tịch Tổ chức cứu trợ nhân đạo Cơ đốc World Health, bản án 15 năm cơ bản là “án tử”, vì “phần lớn Ki-tô hữu sẽ chết trong vòng 3 năm vì bị tra tấn rất dữ dội”.
Nhiều Ki-tô hữu đến các trại lao động và ‘một đi không trở lại’ vì bị bỏ đói, đánh đập, tra tấn về thể chất lẫn tinh thần” – ông cảnh báo. “Họ bị buộc phải làm việc 13 tiếng/ngày. Christian Solidarity Worldwide phát hiện rằng các Ki-tô hữu trong các trại lao động thậm chí còn bị sử dụng trong các thử nghiệm ma túy nguy hiểm như những con chuột bạch. Những chàng trai, cô gái bị cắt xé cơ thể, bị cưỡng hiếp một cách có hệ thống.
Theo trung tâm nghiên cứu về Ki-tô giáo toàn cầu, một trung tâm nghiên cứu học thuật theo dõi các xu hướng nhân khẩu học trên toàn thế giới trong cộng đồng Ki-tô giáo, ước tính rằng từ năm 2005 đến 2015, 900.000 Ki-tô hữu đã tử đạo - trung bình 90.000 Ki-tô hữu mỗi năm.
Đến đây các bạn có thể đặt một câu hỏi? Có điều gì đó đang xảy ra trên thế giới khi có một sự thù hận không hề nhỏ nhằm thẳng trực tiếp đến những người Israel – những người tôn thờ Thiên Chúa Toàn Năng Duy Nhất và đến những người Ki-tô hữu – những người tín thác vào Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế của cuộc đời mình. Các chính phủ quốc gia và các tổ chức quốc tế bất lực, thậm chí cổ võ cho những hành động thù địch chống lại 2 nhóm người này! Liệu điều này có ứng nghiệm lời trừng phạt mà Thiên Chúa của người Israel đã dành cho con rắn, thiên thần sa ngã Lucifer mà chúng ta đã tìm hiểu trong kỳ 2:
Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”
Sáng Thế Ký 3 : 15
Ở kỳ 3 của series Tìm hiểu đức tin Ki-tô giáo, chúng ta sẽ tìm hiểu về Đấng Messiah – niềm hy vọng duy nhất của người Israel và các Ki-tô hữu trên toàn thế giới. Nhưng trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về nguồn gốc của người Do Thái.

Nguồn gốc người Do Thái

Người Do Thái có nguồn gốc từ người Hebrew cổ đại xuất hiện tại Trung Đông vào 4.000 năm trước. Theo truyền thuyết, người Do Thái và người Ả Rập là con cháu dòng dõi từ Abram (tên lúc sinh của Abraham) là người đã vâng theo lời gọi của Thiên Chúa rời bỏ quê hương ở thành Ur thuộc phía Bắc vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà) – nay là Đông – Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đến lập nghiệp tại xứ Canaan, một vùng đất kéo ngang từ bờ sông Jordan tới biển Địa Trung Hải ngày nay.
Thưa quý vị là những bậc cha anh, xin nghe tôi đây: Thiên Chúa hiển vinh đã hiện ra với ông Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, khi ông còn đang ở miền Mê-xô-pô-ta-mi-a, trước khi ông đến ở Kha-ran. Người phán với ông : Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng ngươi, và đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ông liền bỏ xứ người Can-đê mà đến ở Kha-ran. Sau khi thân phụ qua đời, Người bảo ông rời nơi ấy đến đất này, nơi anh em hiện đang ở. Người không ban cho ông sản nghiệp nào ở đất này, dù một tấc đất cũng không, nhưng hứa cho ông cũng như cho dòng dõi ông được chiếm hữu đất này, mặc dầu bấy giờ ông không có con. Thiên Chúa phán với ông rằng dòng dõi ông sẽ trú ngụ nơi đất khách quê người, và người ta sẽ bắt họ làm nô lệ và ngược đãi họ trong vòng bốn trăm năm. Người lại phán : Nhưng Ta sẽ xét xử dân đã bắt chúng làm nô lệ, và sau đó chúng sẽ ra đi và sẽ thờ phượng Ta tại nơi này. Rồi Người ban cho ông giao ước, mà dấu chỉ là phép cắt bì; và như thế, sau khi sinh ông I-xa-ác được tám ngày, ông làm phép cắt bì cho con; ông I-xa-ác cũng làm như thế cho ông Gia-cóp, và ông Gia-cóp đã làm như thế cho mười hai tổ phụ.
Sách Công vụ Tông Đồ 7 : 2 - 8
Tới năm Abram 90 tuổi, Đức Chúa là Thiên Chúa lập một Giao Ước rằng xứ Canaan về sau sẽ là vùng Đất Hứa (Promised Land) mãi mãi của con cháu Abram và Ngài sẽ là Thiên Chúa của họ. Abraham chấp nhận Giao Ước, và nguyện sẽ tôn thờ Thiên Chúa – Đức Jehovah – là Thiên Chúa duy nhất của vũ trụ. Cùng với Giao Ước này, Thiên Chúa đưa ra một dấu hiệu: các con trai trong dòng tộc Abraham phải chịu cắt da qui đầu, tức phép cắt bì, tám ngày sau khi chào đời, như một cách tỏ cho thấy bản thân chúng chấp nhận giao kèo.
Lịch sử của dân tộc Do Thái bắt đầu với câu chuyện của gia đình Abraham như thế. Họ trở thành một thị tộc (clan), rồi phát triển lớn hơn thành một bộ tộc (tribe), và cuối cùng trở thành một dân tộc (nation) – dân tộc Do Thái.
Tổ phụ Abraham của người Do Thái

Ý nghĩa của giao ước

Thời cổ đại, tại Lưỡng hà địa (Mesopotamia), có nhiều tín ngưỡng của con người tin vào các thần linh mang tính thiên nhiên như mưa gió sấm sét tinh tú hay phồn thực của mùa màng và sinh nở, mang hình thức bái lạy ngẫu tượng. Bên cạnh đó còn có những người có niềm tin độc thần, nhưng đối với Abraham, ông xem tín ngưỡng mình đang theo không phải là tôn giáo của con người lập nên, mà là tôn giáo của Thiên Chúa ban cho. Thiên Chúa của Abraham và Giao Ước của Ngài đưa ra cho ông có tính độc nhất vô nhị, bày tỏ Thiên Tính của chính Ngài, đó là:
1. Tôn trọng ý chí tự do của con người. Nếu Thiên Chúa tiến hành Giao Ước này với loài người thì chắc chắn Ngài tôn trọng ý chí tự do của con người. Điều này được biểu lộ trong câu chuyện Abraham cầu xin với Thiên Chúa khi Ngài dự định hủy diệt thành phố bại hoại Sodom. Khi Abraham cầu xin Thiên Chúa rằng không phải mọi người ở Sodom đều xấu xa, Thiên Chúa lắng nghe. Như thế rõ ràng Ngài tôn trọng ý chí tự do – một tặng ân mà Ngài ban cho loài người.
2. Trung thành với Giao Ước. Thiên Chúa thử thách Abraham hiến tế con trai duy nhất của mình là Isaac để làm của lễ. Abraham trong sự trung thành đã vâng lệnh không chút thắc mắc. Nhưng đúng phút giây ông khai đao định lấy tính mạng đứa con yêu dấu của mình thì vang lên tiếng từ trời cao bảo dừng tay, và xuất hiện con cừu đực chưa thiến trong bụi cây gần đó để ông tiến dâng thay vào. Lòng tự nguyện của Abraham dâng lên Thiên Chúa núm ruột ông yêu quí nhất là một kiểu mẫu của lòng trung thành triệt để mà Thiên Chúa muốn dân Ngài tuyển chọn noi theo.
3. Thiên Chúa sắp đặt các biến cố. Thiên Chúa cho thấy và lặp đi lặp lại nhiều lần việc Ngài là Đấng Tạo Hóa và sắp xếp các biến cố để bảo đảm sự liên tục của dân Ngài tuyển chọn và để hoàn thành các mục đích của Ngài. Ví dụ Thiên Chúa bảo vệ Josef, con trai của Jacob, bị anh em đem bán sang làm nô lệ ở Ai Cập. Cuối cùng, Ngài nâng Josef lên địa vị cao trọng để ông có khả năng cứu vớt toàn gia đình mình, đầu nguồn của 12 bộ tộc Hebrew.

Tổ phụ Abraham

Thời Abraham, dân Israel chỉ mới được gọi là Hebrew (Híp-ri), nhưng sau Adam, ông được xem là Đại tổ phụ, vì ít nhất bốn lý do. Thứ nhất, ông trực tiếp nhận được Giao Ước của Thiên Chúa cho con người, như một định mệnh được an bài cho dòng họ ông sau này thành dân tộc Israel, hiểu như đại biểu cho loài người. Thứ đến, với Giao Ước đó, ông và hậu duệ có quan hệ rất riêng tư với Thiên Chúa. Thứ ba, lòng tin tưởng Thiên Chúa của ông tuyệt đối, qua việc ông không ngần ngại hiến tế đứa con thừa tự độc nhất là Isaac theo yêu cầu của Ngài. Thứ tư, lòng yêu thương loài người của ông vô bờ bến khi ông tha thiết và buồn bã cầu khẩn Thượng đế đừng trừng phat hai thành Sodom và Gomorrah. Bốn đặc tính đó đem lại địa vị Tổ phụ cho Abraham trong Do Thái giáo, Ki-tô giáo và cả trong đạo Islam (Hồi giáo) với tên gọi trong Thiên kinh Qur’an là Ibrahim.

Cuộc lưu đày 400 năm ở Ai Cập

Jacob là cháu Abraham, được Thiên Chúa chọn gọi và đổi tên thành Israrel. Và kể từ ông, người Hebrew được gọi là dân Israel. Jacob sinh được mười hai con trai, trong đó có đứa con áp út là Josef, như có đề cập ở trên, lưu lạc sang Ai Cập rồi làm tể tướng.
Đất Ai Cập với phù sa sông Nil là vựa lúa của vùng Điạ Trung Hải và là nơi các dân tộc quanh đó tìm đến khi gặp đói kém, hoạn nạn. Đối với gia tộc Israel cũng thế, gặp lúc đất Canaan mất mùa, thiếu ăn, toàn thể gia tộc kéo sang Ai Cập, với nhân số khoảng 70 người tính luôn cả cha già Jacob, dưới sự bảo trợ của Josef, rồi ở lại theo lời mời của Pharaoh. Trong các tộc trưởng đó, ngoài Josef, mười một người con trai còn lại là Reuven, Simon, Levi, Yhuda, Yissahar, Zevulem, Dan, Gad, Naftali, Asher và Benjamin.
Chuyến đi tị nạn tưởng chỉ một đôi vụ mùa, đâu ngờ kéo dài tới 400 năm. Và điều này đã ứng nghiệm lời phán của Thiên Chúa với Abraham. Mười hai anh em thành 12 chi tộc sống ở Goshen, vùng đất phì nhiêu của Ai Cập, thuận tiện cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Thế nhưng thời thế đổi thay, từ 70 người di dân nay phát triển thành hàng trăm ngàn người, quá đông đúc gây thành mối lo ngại nội tại cho người Ai Cập. Về sau, các Pharaoh ngày càng ngược đãi người Israel, bằng nhiều hình thức, bắt họ làm thợ xây cất đền đài cung điện dưới sự đốc công của người Ai Cập, và độc ác nhất là ra lệnh giết con trai vừa lọt lòng của họ để kềm hãm đà gia tăng dân số Israel.
Một bé trai mới lọt lòng từ chi tộc Levi được một công chúa Ai Cập cứu thoát trong thúng điên điển do mẹ nó thả bên bờ sông Nil, có tên là Moses. Hoàng tử Moses lớn lên nơi hoàng cung và dĩ nhiên được giáo dục chu đáo. Trong một lần ông ra ngoài dạo chơi, vì cứu một phu xây dựng người Do Thái nên lỡ tay giết chết tên đốc công Ai Cập. Trở lại làm người Israel và trong khi trốn ở hoang mạc xa ngút ngàn, làm kẻ chăn cừu, Moses nhận được lệnh của Thiên Chúa phải quay về Ai Cập giải thoát dân Israel đang bị câu thúc. Ông vâng lời. Trong thời gian Moses thuyết phục Pharaoh để cho dân ông lên đường, Thiên Chúa giáng mười tai hoạ xuống dân Ai Cập mà cái sau cùng là giết chết trưởng nam cũng như những con vật đầu lòng của người Ai Cập, Pharaoh mới chịu để cho dân Israel ra đi. Biến cố vượt thoát ly kỳ này được ghi lại trong Kinh Thánh (Sách Xuất Hành), mang người Israel trực chỉ miền đất Canaan mà Thiên Chúa đã hứa cho họ từ thời Abraham.


40 năm trong hoang mạc

Cuộc lên đường gay cấn của bốn chục vạn người diễn ra trong khoảng thế kỷ 13 trước Công nguyên. Ngày nay, nhìn vào bản đồ, người ta có thể thấy thay vì đi thẳng, đoàn người Israel đã đi một vòng quanh hoang mạc mất đến 40 năm. Thiên Chúa đích thân hướng dẫn họ bằng cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm.
40 năm hành trình là thời kỳ tôi luyện dân Israel. Làm sao một dân tộc quen sống trong cảnh sung túc rồi nô lệ hàng trăm năm có đủ tính cách và bản lĩnh để có thể chinh phục vùng đất trước mặt và xây dựng một quốc gia hùng mạnh trong tương lai? Làm sao Lời Giao Ước của Thiên Chúa, vốn thuần túy là những hứa hẹn, được pháp chế hóa thành luật lệ và thiêng liêng hóa trong ràng buộc mang tính tôn giáo? Để có khả năng tiếp nhận miền đất hứa và xứng đáng làm người chủ của nó, dân Israel phải trải qua cuộc thanh tẩy trong đạo đức cùng thao luyện trong gian khổ. Quả thật, tường trình về chuyến băng ngang sa mạc ghi nhận đầy đủ những tin tưởng và phản bội, trông cậy và sa ngã, chiến đấu và thất bại, v.v… Đối với một số học giả, đó là lời giải thích cho cuộc đi vòng quanh và luẩn quẩn quá dài ngày mà thoạt trông tưởng là lạc lối.

Giao ước với toàn thể dân tộc

Trước đây, Thiên Chúa lập Giao Ước riêng tư với Abraham. Nhưng lần này Ngài lập Giao Ước với toàn thể dân tộc Israel qua những lần Moses lên đỉnh núi Sinai để trực tiếp gặp Ngài. Từ đỉnh núi trở xuống, Moses chuyển giao cho dân tộc Israel các huấn thị của Thiên Chúa. Thiên Chúa lúc này tỏ lộ danh xưng của Ngài là YHWH, nghĩa là “Ta là Đấng Ta Là”, gọi là Gia-vê (có nơi phiên âm lầm thành Giê-hô-va), vì việc kêu lên Thánh Danh ngài là điều cấm kỵ nên có thể gọi Ngài là Elohim, Thiên Chúa, Thượng đế, v.v… Còn về Thánh Nhan thì không một ai thấy Ngài mà sống sót, thậm chí cả Moses cũng chỉ thấy được bóng lưng Ngài. Và đặc điểm của Giao Ước lần này cũng rất cụ thể, đó là chừng nào dân Ngài chọn còn vâng lời Ngài, chừng đó nó còn được ngài che chở. Ngài còn nói rõ, ta là Thiên Chúa của các ngươi, là vị Thần Ghen Tương.
Trong lần tái xác nhận và Giao Ước với Israel này, Thiên Chúa truyền Mười Điều Răn, khắc sẵn trong hai tấm bia đá và trao cho Moses.
Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ.
Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.
Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông, còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.
Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.
Ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày Sa-bát và coi đó là ngày thánh.
Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.
Ngươi không được giết người.
Ngươi không được ngoại tình.
Ngươi không được trộm cắp.
Ngươi không được làm chứng gian hại người.
Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.
Xuất hành 20 : 2–17
Thiên Chúa lập Giao Ước với toàn thể dân tộc Israel

Đây là Giao Ước quan trọng chi phối cả đời sống tôn giáo lẫn chính trị của Israel, vận mệnh thịch suy của dân tộc này tùy thuộc vào mức độ tuân giữ lời cam kết ấy. Tuy nhiên, điều đáng tiếc đã xảy ra: người dân Israel đã gạt bỏ Giao Ước này và trong thâm tâm đã muốn quay trở lại Ai Cập. 
Họ nói với ông A-ha-ron: Xin ông làm cho chúng tôi những vị thần dẫn đầu chúng tôi, vì cái ông Mô-sê, người đã đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho ông ta. Trong những ngày ấy, họ đã làm tượng một con bê, họ dâng lễ tế cho ngẫu tượng ấy và ăn mừng công trình tay họ làm ra. Bấy giờ Thiên Chúa xoay mặt họ đi, và để mặc họ thờ thiên binh, như có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hỡi nhà Ít-ra-en, bốn mươi năm trường trong sa mạc, các ngươi có dâng lên Ta vật hy sinh và lễ tế nào đâu ? Các ngươi đã kiệu lều của thần Mô-lóc và ngôi sao của thần Rê-phan, là những ảnh tượng các ngươi đã làm ra để thờ; nên Ta đã đày các ngươi tới bên kia Ba-by-lon.
Sách Công Vụ Tông Đồ 7 : 40 - 43
Thiên Chúa trong Lòng Thương Xót của Ngài đã tuyển chọn và sai các ngôn sứ đến với dân Israel để nhắc nhở tuân giữ Giao Ước đã ký kết với Thiên Chúa và loan báo ơn cứu độ qua Đấng Messiah (Người được xức dầu). Nhưng lịch sử chứng minh nhiều lần Israel tỏ ra bất trung với lề luật, bắt bớ và sát hại các ngôn sứ của Thiên Chúa. Họ cũng sát hại luôn Đấng Messiah – vị thượng tế đời đời của họ - Chúa Jesus.
Chúng ta hãy đến với video ngắn chỉ trong 5 phút tóm tắt Kinh Thánh Cựu Ước về lịch sử dân tộc Israel:

Đấng Messiah – Đấng Cứu Thế

Ý niệm về Đấng Messiah (Đấng Cứu Thế/ Đấng Ki-tô) là một ý niệm đặc biệt trong tư duy của dân tộc Do Thái. Để tìm một định nghĩa xác thực nhất về Messiah, thiết tưởng không có gì đáng tin cậy hơn là Tự Điển Bách Khoa về Đạo Do Thái (The Shengold Jewish Encyclopedia).
Niềm tin vào Đấng Messiah (Messianism) được định nghĩa như sau: "Niềm tin vào đấng Messiah là niềm tin rằng dân tộc Do Thái và toàn thể nhân loại được dẫn đến một thời đại hoàng kim, trong đó nền công lý toàn hảo và nền hòa bình thế giới được thực hiện bởi đấng Messiah. Ngài là vị vua lý tưởng và là một người toàn hảo. Danh từ "Messiah" có nghĩa là "Người được xức dầu", đây là một phương cách cổ xưa để tôn vinh một người được trao trọng trách đặc biệt. Danh từ "Messiah Adonai" có nghĩa là "Người được Thiên Chúa xức dầu". Đây là một danh hiệu do Cựu Ước dùng để gọi các vị vua của Israel. Các vị tiên tri trong kinh Thánh mô tả Messiah là một người được Thiên Chúa chỉ định, một vị lãnh đạo lý tưởng để đưa toàn thế giới đến nền công chính và hòa bình. Qua nhiều thế kỷ lưu lạc, dân tộc Do Thái vẫn tiếp tục ước mơ về sự xuất hiện của đấng Messiah".
Messianism: The belief that the Jewish people and all humanity would be led to a Golden Age of perfect justice and universal peace by a Messiah, an ideal king and a perfect man. The Hebrew Messiah means "one anointed man with oil", the ancient way of dedicating a man to a special service. Messiah Donai - The Anointed of God - was a title of honor given in the Bible to the Kings of Israel. The prophets described the Messiah as a divinely appointed man, an ideal ruler who would lead the world in righteousness and in peace. During the long centuries of exile, the Jewish people continued to dream of the Messiah."
Kinh Thánh Cựu Ước đã loan báo Giao Ước của Thiên Chúa sẽ hứa ban cho người Israel một Đấng Cứu Thế qua lời tiên tri của ngôn sứ Isaia (sống vào khoảng năm 770 trước Công Nguyên và Isaia có nghĩa là Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ) như sau:
Từ gốc tổ Gie-se sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cỗi rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này ,thần khí khôn ngoan và minh mẫn...
( Isaia 11: 1-2)
Không những tiên báo về Đấng Cứu Thế sẽ ra đời, ngôn sứ Isaia còn nói rõ thêm về Mẹ Người là một Trinh nữ như sau:
Vì vậy chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai
và đặt tên là Em-ma-nu-en. 
(Isaia 7 : 14)
Chưa hết, ngôn sứ Isaia còn nói đến những đau khổ mà Đấng Messiah  - Người Tôi Trung của Thiên Chúa - sẽ phải chịu để đền tội thay cho nhân loại như sau:
Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca ;
như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng.
Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu.
Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới ?
Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh,
vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt.
Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn,
bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo
và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa.
Isaia 54 : 7 - 9
Cách đây hơn 2000 năm, có một người tên Jesus được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria và cuộc đời của Ngài đã ứng nghiệm toàn bộ lời của tiên tri Isaia, qua đó chứng minh Ngài chính là Đấng Messiah mà người Israel hằng mong chờ. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng đã thấy trước Israel sẽ phản bội lại Thiên Chúa của họ và sẽ đóng đinh Chúa Jesus lên thập tự giá. Nhưng chính nhờ sự phục sinh của Chúa Jesus mà ơn cứu độ được ban xuống trên toàn thể nhân loại.
Toàn dân đáp lại : "Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi !"
Tin mừng theo Thánh Matthew 27 : 25
Chính vì phản bội lại ân nghĩa của Thiên Chúa qua việc đóng đinh Chúa Jesus trên thập tự giá mà người Israel đã phải hứng chịu sự trừng phạt. Ngài đã để người La Mã phá hủy thành Jerusalem vào thế kỷ thứ nhất. Người Israel phải sống lưu vong, lang bạt và chịu nhiều đau khổ ở khắp nơi trong suốt hơn 2.000 năm. Đặc biệt, trong thế chiến thứ hai Addolf Hitler đã coi người Do Thái như dân tộc man di, gây ảnh hưởng lên dòng máu dân Đức thuần chủng nên đã đuổi cùng diệt tận. Chúa Jesus đã phán dân tộc Israel sẽ không bao giờ được diện kiến Ngài nữa cho đến khi họ nói: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”
Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi ! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi. Thật vậy, Ta nói cho các ngươi hay, từ nay các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến khi các ngươi nói : Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !
Tin mừng theo Thánh Matthew chương 23 : 37 - 39

Đấng Em – ma – nu – en khiến Ki-tô Giáo khác biệt như thế nào đối với các tôn giáo khác?

Từ lâu Giáng Sinh đã trở thành một ngày lễ đặc biệt với nhiều người Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Đây là một trong các ngày lễ quan trọng với những Ki-tô hữu. Theo đó, Giáng Sinh là ngày kỷ niệm Chúa Jesus được sinh ra.
So với tất cả danh xưng của Chúa Giê-xu được nhắc đến trong Kinh Thánh, thì có lẽ Em-ma-nu-en là danh xưng lạ kỳ nhất (Ê-sai 7:14; Matthew 1:23). Em-ma-nu-en nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối
đã không diệt được ánh sáng.
Tin mừng theo Thánh Gio-an 1 : 1 - 5

Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
Tin mừng theo Thánh Gio-an 1 : 14
Chúa Giê-xu là Thiên Chúa của chúng ta, là ngôi hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đã từ trời đến với thế gian và mặc lấy xác phàm — chúng ta gọi là sự nhập thể — để cứu độ chúng ta. Nhưng Ngài không kể chúng ta là kẻ mắc nợ vì sự viếng thăm lạ lùng của Ngài: đây hoàn toàn là hành động của ân điển và sự thương xót xuất phát từ lòng yêu thương thế gian của Ngài. Ngài đến ở cùng những kẻ Ngài yêu, không chỉ ở với chúng ta, mà còn giải cứu chúng ta.
Không giống như các lãnh đạo tôn giáo khác trên thế giới, Chúa Jesus không phải đến để soi sáng con đường cứu rỗi hay dạy về cách nhận được sự cứu rỗi. Ngài chính là đường đi: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (Tin mừng theo Thánh Gio-an 14 : 6). Em-ma-nu-en đã ban cho những người theo Ngài một điều khác biệt — một sự liên hệ cá nhân với Đấng Tạo Hoá và Đấng Cứu Thế của họ. Mặt khác, các tôn giáo khác không có Em-ma-nu-en, không có “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thay vì thế, họ còn đưa ra một trong hai lựa chọn: (1) không có Thiên Chúa ở cùng chúng ta, (2) Đức Chúa Trời là chúng ta
1. Hồi giáo: Không có Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Đạo Hồi dạy rằng “không có Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thánh Allah trong niềm tin của người Hồi Giáo là Đấng Tối Cao đến nỗi không bao giờ và không thể hạ mình xuống ở với loài người chúng ta. Người Hồi giáo tin rằng tính độc nhất của Allah là tuyệt đối đến nỗi nếu chỉ tưởng đến “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” không thôi cũng bị cho là phạm thượng.
Kinh Cô-ran rất rõ ràng về điểm nầy, đặc biệt là nói về Chúa Giê-xu. Giê-xu không phải là Con Một Thiên Chúa là điệp khúc được lặp đi lặp lại trong quyển Kinh của họ, tức là (tự nhiên) nói rằng Ngài không phải là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Q 4:171; 5:116; 112:3-4).
2. Phật giáo: Thiên Chúa là chúng ta
Với Phật giáo, mọi thứ từ cái rất nhỏ cho đến vật thể to lớn đều là một. Ý tưởng nầy được gọi là thuyết nhất nguyên, tức là không có sự phân biệt giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật. Đối với Phật tử, Thiên Chúa là chúng ta. Do đó, không cần có ai đến cùng chúng ta.
Vấn đề là khi những lúc sống vui vẻ trong cuộc đời thì có thể bạn không cần một ai đó cứu độ. Nhưng trong những lúc tăm tối nhất của cuộc đời thì bản thân mỗi người lại rất cần sự giúp đỡ của một ai khác để cứu mình khỏi chốn tuyệt vọng. Người Phật Tử tin rằng chỉ cần tin theo những quy luật vũ trụ và của vạn vật thì sẽ an ủi mình vượt qua bể khổ trầm luân.
Đức tin của Ki-tô Giáo đón nhận chính Thiên Chúa, qua Con Ngài, đã đến ở cùng chúng ta. Ngài đã đến để thay đổi những ảnh hưởng xấu xa của tội lỗi. Chúa Jesus có thể cảm thông với chúng ta vì Ngài đã trở nên giống như chúng ta và đã chịu cám dỗ như chúng ta. Tuyệt vời thay, nhờ tình yêu và ân điển của Thiên Chúa mà chúng ta đã được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết bởi sự phục sinh của Chuá Jesus. Qua đó đem đến một cơ hội cho những ai tin vào Con Thiên Chúa sẽ hưởng hạnh phúc trường cửu là sự sống đời đời.
Ai tin vào Con Thiên Chúa,
người đó có lời chứng ấy nơi mình.
Ai không tin Thiên Chúa,
thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối,
vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa
đã làm chứng về Con của Người.
Lời chứng đó là thế này :
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời,
và sự sống ấy ở trong Con của Người.
Ai có Chúa Con thì có sự sống ;
ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.
Tôi đã viết những điều đó cho anh em
là những người tin vào danh Con Thiên Chúa,
để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời.
Thư 1 của Thánh Gio-an 5 : 10 - 13
Chúng ta kết thúc kỳ 3 series Tìm hiểu đức tin Ki-tô Giáo: Đấng Cứu Thế tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong kỳ 4, cũng là kỳ cuối của series trong thời gian ngắn sắp tới. Thân ái!