Tiếp chương 2 : Tuổi trẻ (2.2)
*2.2 “Và bây giờ Hà Anh Tuấn xin tặng các bạn Super Junior”, hồi ấy nghe xong câu này tớ tưởng tớ ngất cơm mẹ nấu luôn, lúc các anh...
*2.2
“Và bây giờ Hà Anh Tuấn xin tặng các bạn Super Junior”, hồi ấy nghe xong câu này tớ tưởng tớ ngất cơm mẹ nấu luôn, lúc các anh bước ra sân khấu, tớ đã khóc hết nước mắt. Cũng từ đó mà tớ thành fan của Hà Anh Tuấn luôn”, một cô bạn của tôi kể lại buổi cô đi Concert của nhóm nhạc đình đám Super Junior khi họ lần đầu tới Việt Nam vào tháng 3 năm 2010.
Lúc đó chúng tôi là những học sinh lớp 12, đang cận kề kì thi đại học. Có những đứa như tôi, chỉ biết cắm cúi vào học. Nhưng cũng có những bạn ngoài học ra, thì họ có một niềm đam mê bất tận với những nhóm nhạc Hàn Quốc. Hồi ấy, K-Pop bỗng nhiên trở thành một hiện tượng, một làn sóng nổi đình nổi đám. Các bạn nữ lớp bên cạnh, và một vài bạn nữ lớp tôi, lúc nào họ cũng thao thao bất tuyệt về những nhóm nhạc ấy. Hồi đó DBSK (Dong Bang Shin Ki hay còn gọi là TVXQ) và Super Junior là hai nhóm nổi tiếng nhất mà tôi biết. Rồi còn có Big Bang, SNSD, rồi 2NE1, Wonder Girls, 2PM, 2AM... gì đó. Tôi đi xe bus cũng thường xuyên được nghe nhạc của họ trong bảng xếp hạng trên đài FM, kênh Xone FM. Ngày ấy tôi cũng rất thích bài “Bolero” của DBSK, tôi có xu hướng thích những bài nhạc da diết và có chút buồn. Còn những bài thường xuyên có tên trong bảng xếp hạng như “Fire” của 2NE1, “Haru Haru” của Big Bang, “Again and Again” của 2PM, “Gee” của SNSD, và quả là thiếu sót nếu không nhắc đến “Sorry Sorry” của Super Junior. Các bạn lớp bên cạnh lớp tôi xứng đáng được mệnh danh là fan cứng của K-Pop, các bạn ấy học nhảy, biểu diễn trên trường không dưới 1 lần bài Sorry Sorry của nhóm Super Junior. Ngày đó tôi thật sự rất chăm học, cho nên tôi thấy những bạn ấy thật ham mê quá độ, họ nói về K-Pop mọi lúc mọi nơi, họ học nhảy, biểu diễn lại, họ còn tổ chức họp fan, thật ra nói là họp fan nhưng là tụ tập tại một nhà nào đó để cùng nhau xem, cùng nhau học nhảy, cùng nhau nói về sở thích của mình. Họ còn in ảnh làm móc treo chìa khoá, mua ảnh, in ảnh từ trên máy tính xuống rồi dán khắp phòng. Hâm mộ đến mức nữa là tôi thấy họ tự đặt tên cho nhau theo tên của các thành viên trong nhóm nhạc, rồi còn gọi người này là vợ Hangeng, người kia là vợ Heechul. Thậm chí còn có câu chuyện họ nói với nhau, nếu bây giờ phải ăn cức để cưới được Hangeng thì mày có đồng ý không, người kia sẽ trả lời là để xem số lượng là bao nhiêu cức. Ôi, tôi thật sự choáng váng, và hơi kinh dị với sự cuồng nhiệt của họ. Ngày đó tôi chỉ thấy họ giống như phát điên vì thần tượng.
Lần tháng 3/2010 Super Junior sang Việt Nam, tôi nghe được không ít câu chuyện các bạn ấy đi đón họ từ sân bay Nội Bài, các bạn ấy phải chen chúc giữa rất nhiều người chỉ để được nhìn, thậm chí được chạm nhẹ vào thần tượng. Có bạn khi về còn khóc lóc điên cuồng rằng suýt chút nữa là chạm được vào các anh rồi. Có bạn thì khóc vì các “anh” của họ bị fan chen lấn, xô đẩy, bạn ấy khóc lóc và trách móc tại sao những người kia lại có thể đối xử với các “anh” như vậy. Tôi thấy đúng là dở khóc dở cười. Ngày ấy tôi còn đang vật lộn với Andehit, với đồ thị hàm số, với hình học không gian, tôi không hiểu sao họ có thể phân chia sự quan tâm của mình ra cho các “anh” nữa.
Nhưng nghĩ lại ngày ấy, tuổi trẻ của họ có điên cuồng, có si mê mù quáng, nhưng có lẽ sau này khi nhắc lại, họ sẽ bật cười, sẽ vui vẻ, có thể sẽ còn tự hào vì họ đã sống nhiệt huyết như vậy. Không giống tôi, cuộc sống trôi qua thật tẻ nhạt, chỉ biết lao đầu vào học, nhưng cuối cùng cũng vẫn thất bại. Lẽ ra tôi cũng nên thả lỏng bản thân một chút, điên cuồng một chút, ít nhất thì nghĩ lại tôi cũng sẽ không thấy nhạt nhẽo như thế này...
Ngoài K-Pop ra thì còn một hiện tượng nữa, chính là hiện tượng “Vườn sao băng, Boys Over Flowers”. Bộ phim ấy cũng chiếu năm chúng tôi học lớp 12. Phim chiếu vào buổi tối trên kênh Hà Nội, sáng hôm sau đi học chúng tôi đều bàn luận về phim. Ngày ấy chúng tôi cũng rất mơ mộng, bộ phim ấy cũng giống như mở đầu cho trào lưu phim con trai nhà giàu yêu con gái nhà nghèo khiến chúng tôi cũng có lòng tin, à hoá ra bình thường, không quá xinh đẹp, thậm chí có chút ngốc nghếch thì cũng sẽ có thể yêu được trai đẹp, nhà giàu. Thật ra trước đó vài năm đã có phiên bản “Sao băng” của Đài Loan rồi, Goo Jun Pyo chính là Đạo Minh Tự, còn Geum JanDi là Sam Thái. Nhưng phiên bản của Hàn Quốc vẫn rất ấn tượng với chúng tôi vì diễn viên đẹp trai, xinh gái, nhạc phim cũng rất tuyệt vời. Ngày ấy những bản nhạc “Because I’m Stupid”, “Stand by me”, “One more time” được chúng tôi nghe đi nghe lại đến mòn tai nghe. Nếu năm lớp 11 chúng tôi chỉ được dùng điện thoại Nokia 110i để nhắn tin với 3k 100 tin nhắn thì năm học lớp 12, chúng tôi đã được dùng những chiếc điện thoại có chức năng nghe nhạc, thần thánh nhất ngày ấy là điện thoại Mobell, có loại nắp gập và loại nắp trượt. Tôi cũng có được một chiếc nắp trượt màu đen, nhưng không lâu sau do xảy ra xích mích với chị gái, chị đã bẻ đôi nó không thương tiếc. Cũng đáng đời tôi, dạy cho tôi cách nhường nhịn chị hơn nếu không muốn bị phá đồ.
Thật ra mà nói những năm ấy, nhờ có những trào lưu đến từ Hàn Quốc ấy mà ít nhất cũng có những lúc chúng tôi được thả lỏng bản thân, không bị cuộc chiến với kì thi đại học áp bức quá. Ít nhất chúng tôi cũng được giải trí, cũng coi như là trùng đoạn dây đang căng trở lại. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy lẽ ra mình phải chơi nhiều hơn, vì dù sao thì tôi cũng trượt đại học :))
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất