Tiếng trống Thiên Hậu canh gà Thọ Cương
Có hai câu thơ người ta hay nhầm với nhau, một là ở Huế: Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương. Hai...
Có hai câu thơ người ta hay nhầm với nhau, một là ở Huế:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.
Hai là ở Hà Nội:
Phất phơ ngọn trúc trăng tà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Tôi nghĩ thế nào một trong hai câu thơ này cũng phải có cảm hứng từ câu thơ kia. Dù sao việc này cũng không liên quan đến tiêu đề lắm, chỉ là tôi thấy mọi người hay gọi nhầm chùa Thiên Mụ và chùa Thiên Hậu. Mà ở chùa Thiên Hậu tôi chỉ mới thấy người ta đánh trống, chứ chưa nghe gõ chuông.
Khi ai đó đến dâng lễ cho Bà Thiên Hậu, dù to hay nhỏ, cũng sẽ có người đánh một hồi trống. Chùa Bà Thiên Hậu nằm trên một trong những trục đường chính của Chợ Lớn. Khu này thì dĩ nhiên ồn ào. Sài Gòn vốn không yên tĩnh gì cho cam nhưng riêng Chợ Lớn nâng sự nhốn nháo lên một tầm cao mới. Người người buôn bán, nhà nhà buôn bán, Chợ Lớn không chỉ vận hành như một cái chợ thật lớn mà còn có đủ âm thanh, mùi vị, không khí của nó.
Thế nên khi tôi vừa bước chân vào chùa Thiên Hậu, sự êm ả của ngôi chùa này lại càng tỏa sáng trong veo. Chỉ cách mặt đường một khoảng sân nhỏ, nhưng bên trong chùa Thiên Hậu khác hẳn sự ầm ĩ xung quanh nó. Ngôi chùa này nổi tiếng với những nén nhang vòng treo dưới nắng, khói thơm bay kỳ ảo trên nền trời xanh đặc trưng của Sài Gòn. Hai bên tường là những hàng giấy hồng ghi tên và số tiền quyên góp của người dân, đều tăm tắp và lất phất bay trong từng cơn gió nhẹ. Những khung ảnh xinh đẹp này tôi đã xem thấy từ lâu, hôm nay mới được chứng kiến tận mắt.
Lớn lên ở Sài Gòn nhưng tôi ít qua quận 5. Tôi không phải người Hoa và cũng không có liên hệ gì với người Hoa ngoài việc từng yêu một người đàn ông lai Hoa chút ít. Có lần tôi được anh bạn chở đi chơi quanh khu quận 5, quận 8, được nghe kể về bến Bình Đông nơi ghe miền Tây từng tụ tập buôn bán, chỉ cho những dãy nhà thấp nhỏ như bối cảnh phim Hongkong, ăn chè hột gà trà. Chợ Lớn xa lạ với tôi quá, như một thành phố khác với nền văn hóa của riêng nó.
Tôi may mắn tìm thấy bên trong chùa Thiên Hậu một sự tĩnh lặng thân quen. Đa số các ngôi chùa nhỏ ở Việt Nam tôi đều có thể nương tựa vào như thế. Nhưng cái đẹp của chùa Thiên Hậu thì hoàn toàn mới mẻ. Trên mái là những phù điêu gốm chạm khắc vô cùng tỉ mỉ mô tả lại đời sống người Hoa, đều được thuyền buồm mang sang từ Trung Quốc. Chùa xây theo hình ấn, giữa các điện là những khoảnh sân ngập nắng. Màu sắc trong chùa khiến tôi mê mẩn. Ngoài màu đỏ dĩ nhiên phải có, hai mảng tường phủ kín giấy hồng rực, thì phù điêu trên mái và những viên ngói còn mang đến màu xanh lam, xanh ngọc nhẹ nhàng. Một palette hoài cổ rất đẹp.
Ra khỏi chùa Thiên Hậu là trở về với sự ồn ã của quận 5. Người Hoa hay người Việt cũng thế thôi, tôi nghĩ dù tất tả thế nào cũng cần một chỗ thiêng tĩnh nghỉ ngơi. Một chỗ để đặt niềm tin vào thần thánh, trút bớt gánh nặng trên đời. Một chỗ để thấy nhẹ nhõm khi được che chở.
Mà mỗi hồi trống vang lên lại khiến người ta yên tâm hơn chút.
Chùa Bà Thiên Hậu 710 Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5, Sài Gòn
Du lịch - Ẩm thực
/an-choi
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất