Đây là bài mình viết vào 1 đêm giáp tết con Gà. 
Lần đầu đăng bài mong được sự góp ý của mọi người. Thank
Buồn .... luôn là cội nguồn của cảm xúc, mà cảm xúc thường dâng về đêm – lúc người ta thường muốn viết cái gì đó để thỏa mãn cái tôi cá nhân hoặc chỉ là để tự mình được tâm sự, xả xì trét với trang giấy những điều khó chia sẻ với người khác. Đối với những người thích cầm bút như tôi cũng không nằm ngoài cái thông lệ ấy.
Nhưng ... đêm nay, khi định viết về những điều “mà ai cũng biết là khó chia sẻ” ấy thì bất chợt nghe tiếng gà đêm. Rất đỗi bình thường trong đêm mưa phùn cuối đông.
Bỗng ở đâu tràn về những thứ gọi là ký ức.
Đối với những bạn sinh trưởng ở vùng nông thôn, hoặc là khu ven đô ngoại thành thì tiếng gà không có gì xa lạ. Ngay cả người sinh ra và lớn lên 100% thành phố như tôi cách đây vài mươi năm cũng thế. Mới đây được đọc tác phẩm Chuyện ngõ nghèo của cây bút lão thành Nguyễn Xuân Khánh thì càng thấm hơn. Khi đó, khi tôi còn nhỏ, tuy nói là ở thành phố song gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác lại ở 1 khu có thể gọi là khu đất nhảy dù cắm cọc, hay như bây giờ ta nôm na là “khu ổ chuột”, nó sát chân đê, gần bãi rác to uỵch của thành phố Nam Định, cả xóm nghèo chứ không chỉ 1 ngõ đơn nhất. Và khi đó, con gà, con lợn không được coi là cải thiện bữa ăn như bây giờ mà đó là cải thiện cả cuộc sống của 1 gia đình nghèo. Chuồng trại sạch sẽ, thơm tho có khi còn hơn cả cái góc gác mà tôi vẫn nằm. Lợn thì tạp nham, không tính, nhưng mấy ông gà còn không phải ăn độn (thóc xịn) khoai hay bo bo như người (lắm lúc thấy cú).
Chuyện ngày xưa, kệ đi.
Nhất thứ kê đề ...
Người xưa chia tối đến sáng thành 5 canh
Canh 1 là từ 7 giờ đêm đến 9 giờ đêm (Giờ tuất)
Canh 2 là từ 9 giờ đêm đến 11 giờ đêm (Giờ hợi)
Canh 3 là từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng (Giờ tý)
Canh 4 là từ 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng (Giờ sửu)
Canh 5 là từ 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng (Giờ dần)
Tiếng gà gáy mà tôi nghe rõ ấy là khoảng đầu canh tư. Ông gà này chắc là ông trống choai, tiếng gáy nghe khẹc khẹc (cảm thấy có lỗi với khỉ khi tả như thế). Người ta bảo rằng, tiếng gáy là thể hiện sự trưởng thành của gà trống; kêu gọi mặt trời thức dậy chào bình minh buổi sớm. Tôi thì chả nghĩ vậy, ngôn ngữ của họ nhà kê thôi. Biết đâu tiếng khẹc khẹc của ông choai này lại là: “ông trời già đừng có lên, ông lên càng sớm tôi càng nhanh chết” thì sao. Ờ mà đúng vậy, ở đô thị mấy khi nuôi gà sống (trừ các bạn gà chọi, gà cảnh). Thường thì có người nhà ở quê ra chơi, quý hóa tặng gia chủ con gà trống choai thịt mềm và ngọt để tẩm bổ. Nhiều nhà méo mặt đón nhận món quà nghĩa tình mà chỉ mong đến sáng để mang ra chợ kèm theo 10 nghìn đồng, 5 phút sạch bong mang về chén, vì ở nhà phần không biết làm, phần vì ngại bẩn.
Cỗ xe của Appolo càng kéo cao bao nhiêu thì số lông cổ ông choai càng rụng nhanh bấy nhiêu chả cần phải nhổ.
Tiếng gà ở đô thị thi thoảng mới xuất hiện, ngoài việc người thân biếu tặng lẻ tẻ thì chỉ nở rộ vào dịp cuối năm, nghĩa là tính từ thời điểm này đến sự kiện “tuần lễ đen tối của họ nhà gà” diễn ra khoảng hai chục hôm. Gáy vang lừng, um tí tỏi. Tiếng gà gáy với những người xuất thân nông thôn, những người từ tuổi trung niên thì sao thấy thân thuộc, thấy nhớ nhung, cảm hoài. Với các bạn bé thì là sự thích thú, lạ lẫm. Thôi thì đủ mọi loại âm sắc, cao độ, cũng hay. Kiểu kiểu như tiếng nói của họ nhà người mỗi vùng miền mỗi khác ấy. Thực ra thì năm ngoái, tôi cũng định viết 1 cái tùy bút kiểu thế này vào khoảng giáp tết khi nghe mấy ông gà đồng loạt lên tiếng. Nằm trong chăn nghe tủm tỉm cười phân tích bản giao hưởng mà tôi gọi là câu chuyện của những kẻ sắp lên đĩa. Số là tiếng đầu tiên cũng là của 1 ông choai choai khẹc khẹc (xin lỗi bạn khỉ lần 2); tiếp sau đó là tiếng một anh đã trưởng thành, những anh khác cũng vươn cổ gào, thậm chí có tiếng om om của 1 đồng chí bị cầm cố trong cái chậu to úp ngược; cuối cùng là tiếng âm trầm mà tôi biết chắc chắn là ông gà lão thành nhà tôi – ông này được anh họ ở quê cho, quý lắm, to đùng bát vại, dáng vẻ kiêu hùng của kẻ từng rạch vườn xẻ ao. Bảo giao hướng đấy, hay phết, khổ nỗi là có 1 thằng người dửng mỡ dậy sớm (It’s me!!!) phân tích thế này:
Ông choai: Có ai không, em chào các bác!
Ông trưởng thành: Có, chào chú em!
Các ông nhỡ nhỡ: Hê nhô, Bông dua, Xiao..... (yên tâm không có gà tàu nhé)
Lời qua tiếng lại hỏi giống gì, quê đâu...
Bác lão thành chậm rãi lên tiếng: Canh 4 rồi đấy các chú nhỉ. Haizzzz
Tiếng bác thở dài nghe não nề, dìm cái không gian đang sôi động ấy xuống. Một lúc, bác hỏi: Chú mùng mấy?
Chú choai: Sao ạ, em không hiểu ý bác?
Gà trưởng thành tỏ vẻ từng trải: Ý bác ấy là chú bị thịt vào mùng mấy. Tôi mùng 2.
Tiếng chú choai run rẩy: Em chắc mùng 3, chiều qua thấy tay chủ nhà cứ chỉ chỏ rồi bảo để dành hôm mùng 3 cúng tiễn các cụ.
Lại tiếng thở dài của bác già: Mừng cho chú, tôi giao thừa.
Sau tiếng thở của bác lão thành, câu chuyện lại dần rôm rả trở lại....
.......................
Tiếng gà gáy từ sau câu chuyện thần thoại Hậu Nghệ bắn hạ 9 mặt trời thủa hỗn mang đã trở thành biểu tượng của âm thanh chỉ báo thời gian sắp bình minh của một ngày mới. Đồng thời nó còn là thứ vật chất có sức mạnh vô hình. Trong sự âm u, trong bóng tối, ở đâu có tiếng gà gáy là ở đó đang có hoạt động sống. Mỗi khi tiếng gà gáy sáng cất lên, nó như truyền đi sức mạnh xóa tan sự âm u, tĩnh mịch của không gian tăm tối, nó khơi dậy những hoạt động của muôn loài. Tiếng gà gáy tượng trưng cho khí dương, thuộc dương, nên nó gắn liền với hình ảnh mặt trời mang điều tươi sáng, năng lượng cho cuộc sống. Trong dân gian phổ biến có tục quỷ sợ gà, hồn ma kỵ tiếng gà gáy mà chính nhiều tác phẩm nghệ thuật đã diễn tả. Khi gà gáy sáng song hành lúc mặt trời ló rạng là lúc mặt đất không còn ma quỷ, bởi ma quỷ không còn nơi ẩn náu ở dương gian. Tiếng gà gáy sáng là âm thanh của sự tươi mới, bảo hộ cho cuộc sống yên lành.
Buổi sáng, khi tiếng gà báo hiệu bình minh là lúc gia đình bắt đầu thức dậy, là thời điểm cả gia đình sum họp, quan tâm săn sóc nhau, cha mẹ chăm con, con cháu chăm sóc ông bà, bố mẹ. Trong gian bếp, người mẹ chuẩn bị bữa cơm sáng cho gia đình. Bên bếp lửa hồng, các em nhỏ ngồi bên mẹ, trong vòng tay mẹ, dù mắt còn ngái ngủ nhưng đã hưởng trọn hơi ấm từ mùi ngai ngái của củi, của rơm, hưởng trọn những âm thanh rộn vang cắt cơn buồn ngủ là tiếng gà trống gáy phát ra từ đầu bếp. Những âm thanh, hình ảnh ấy như dòng phù sa bồi đắp tâm hồn mỗi chúng ta để rồi theo ta suốt cuộc đời. Những ai nhớ mẹ, nhớ những bữa cơm sáng đầm ấm trong gia đình có lẽ không ai quên được những âm thanh, hình ảnh đầy ý nghĩa đó. Giờ đây, cuộc sống đã nhiều đổi thay, đô thị hóa nhanh chóng, ít gia đình có điều kiện nuôi gà nhưng chắc hẳn với gia đình nông thôn dù còn một khoảnh sân cũng vẫn cố nuôi vài con gà cho cuộc sống thêm vui vẻ. Với ai đang ở những nhà lô, chung cư trong phố, chắc chắn rằng, mỗi sáng sớm, vọng xa một tiếng gà gáy cũng khiến chúng ta dừng lại đôi khắc để lắng nghe, để yêu hơn một thứ âm thanh nay đã trở thành quý giá.
Không chỉ trong cuộc sống đời thực, từ ý nghĩa sâu sắc của tiếng gà trống gáy mà người Việt đã mang vào đời sống tâm linh hình ảnh gà trống ở nhiều khía cạnh. Với mỗi gia đình Việt, trước mỗi thời khắc giao thừa cũng như nhiều ngày lễ quan trọng khác trong năm, người ta đều sắm lễ để cúng tổ tiên, thần linh mà trong đó không thể thiếu một con gà trống. Cúng gà trống đêm giao thừa với quan niệm đêm giao thừa là đêm tối nhất trong năm, nên gà trống là chủ thể đánh thức, gọi mặt trời lên mang lại ánh sáng, sự ấm áp cho cả năm. Lễ vật gà trống như một biểu tượng của sự khởi đầu sáng sủa, tinh khôi, cầu mong sức mạnh, sự thành công, sự bình yên, hạnh phúc...
Cuộc sống nay tuy chúng ta không còn nhiều điều kiện để chăn nuôi, duy trì cuộc sống nhiều mật thiết với loài gà, nhưng những ý nghĩa từ đời thực và ý nghĩa văn hóa sâu sắc, nhất là hình ảnh con gà trống, người Việt luôn dành nhiều tình cảm yêu quý với vật nuôi này. Những giá trị văn hóa gắn liền với con gà sẽ mãi mãi tồn tại trong tâm thức của mỗi người, trong dòng chảy không ngừng của văn hóa Việt.
.........................................
Viết đến đây thì tiếng ông “kê” choai choai đã “đề” lần thứ 5 không nhìn đồng hồ cũng tạm đoán khoảng trên dưới 4 giờ gì đó. Đành xin phép cụ Nguyễn, con mượn mấy câu của cụ để chốt bài.
“Đêm đông dài không cùng. Nó mênh mông và tự hết rất chậm chạp. Gió bấc thổi qua những kẽ cánh cửa bước vào nơi yên lặng này mươi lăm tiếng gà không nhẫn nhục được với tối tăm ... Cuộc đời hồi tỉnh lại dần dần”.