Ngày thơ bé, chúng ta đều được nhận – một cách vô điều kiện – thức ăn, chốn ở, giáo dục cùng mọi cung bậc tình yêu dịu dàng nhất. Chỉ khi lớn lên, ta mới dần hiểu ra một khái niệm phức tạp, rằng có rất nhiều thứ ta cần, phải được mua bằng tiền. Trong một vài trường hợp cụ thể, ta không khó khăn gì để chấp nhận điều đó: ta không bắt bẻ anh thợ làm bánh vì phải trả tiền cho chiếc bánh vừa mua, hoặc với cậu sửa máy giặt vì đã đưa ta hóa đơn thanh toán. Tuy nhiên, ta vẫn nuôi kỳ vọng cơ bản rằng một vài thứ trên đời không nên thương mại hóa – đặc biệt là những thứ gắn với nhu cầu lớn nhất, có ý nghĩa nhất của mỗi cá nhân: nhu cầu được yêu, được thoải mái, được an ủi, được thấu hiểu, được dìu dắt và được có bạn bè. Nghệ thuật, mái nhà chung của mọi lẽ cao quý, là tâm điểm của sự ngờ vực: đến nỗi, ta thường đánh giá thấp một nghệ sĩ chỉ vì anh này đã thẳng thắn ra giá cho tác phẩm của mình hoặc một tác giả nghiêm túc lại bán sách đắt như tôm tươi. Có vẻ như, chúng ta thường bài xích quan niệm rằng những thứ thiêng liêng và ý nghĩa cũng có thể đem định giá và bán lấy lời.