Tiền Có Là Tiên Là Phật?
Tiền bạc luôn là một vấn đề nhạy cảm vì đa phần chúng ta, bằng cách này hay cách khác, đều coi công việc và thu nhập kiếm được từ công việc đó như một phần giá trị con người mình.
Một trưa nọ, một nhóm sinh viên vừa tốt nghiệp rủ nhau đến nhà thăm ông thầy hồi đại học. Tụi này vừa mới ra trường đi làm được tầm một năm rưỡi nhưng đã bị cuộc sống ngoài kia vả vào mặt cho không biết bao nhiêu cái.
Suốt cả buổi hôm đó, chúng than với ông thầy rằng học xong sao mà khổ thế; nào là làm việc liên tục, sếp thì hách dịch, thị trường lao động thì cạnh tranh gay gắt và hình như điều duy nhất mọi người quan tâm chỉ có tiền, tiền và tiền.
Được một lúc sau, ông thầy đứng dậy đi pha cà phê. Ông pha cho mỗi thằng một ly. Nhưng điều quan trọng ở đây là: có 3 ly giấy và 3 ly sứ đắt tiền. Ông bảo tụi nó thích ly nào cứ lấy.
Và tranh cãi diễn ra ngay lập tức. “Ey cu, sao mày lấy ly đó?” “Đưa ly đó đây, tao là đứa chở mày đến đây mà, nhớ không?” “Cút cmm đi, tao mới là đứa lấy trước, ly này là của tao.” Chúng tị nạnh nhau xem đứa nào được uống ly sứ. Rõ ràng có một sự cạnh tranh ở đây.
Khi mọi thứ có vẻ tạm ổn, ông thầy vừa cười vừa bảo, “Thấy gì chưa? Vấn đề của tụi bay ở đây chứ đâu. Đứa nào cũng đòi cho bằng được cái ly sứ trong khi thứ tụi bay thực sự muốn là cà phê ở trỏng.”
Tiền bạc luôn là một vấn đề nhạy cảm vì đa phần chúng ta, bằng cách này hay cách khác, đều coi công việc và thu nhập kiếm được từ công việc đó như một phần giá trị con người mình. Vì tiền bạc chính là phương thức định giá sức lao động của mỗi người, thế nên ta thường “chướng tai gai mắt” mỗi khi có ai đó nhắc đến vấn đề tiền bạc (vì có vẻ năng lực của ta đang bị ngi ngờ).
Nhưng suy cho cùng, tiền bạc chỉ mang tính chất đại diện cho các giá trị khác. Bản thân tiền bạc vốn chẳng có giá trị gì cả.
Giá trị trong cuộc sống tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể kể đến như: kiến thức, thời gian hoặc cảm xúc tích cực. Tiền bạc thường chỉ đóng vai trò trung gian trong quá trình trao đổi giá trị giữa người với người.
Tiền bạc chỉ có giá trị khi được đưa vào sử dụng. Thông qua cách sử dụng tiền, ta biết được phần nào tính cách của một người.
Đối với một số người, giàu có là phải sở hữu cho mình nhiều thứ đắt tiền, trở nên nổi tiếng hoặc có địa vị trong xã hội. Tuy nhiên, rõ ràng việc dốc hết hầu bao book một bàn VIP tại nhà hàng ở Vegas và selfie cùng Ivanka Trump không những chẳng giúp tôi giàu lên mà còn trở thành trò hề trong mắt người khác.
Có một câu kinh điển trong phim Fight Club thế này: “Ta thường trở thành nô lệ cho những thứ ta sở hữu.” Chủ nghĩa vật chất chẳng khác nào cạm bẫy tâm lý. Không quan trọng bạn sở hữu bao nhiêu ngôi nhà, mua được bao nhiêu miếng đất hay kiếm được bao nhiêu tiền, bạn chẳng bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình có. Chính vì thế, bạn lao đầu vào làm việc quên ngày quên giờ, chấp nhận rủi ro và dần quên đi ý nghĩa cuộc sống.
Tiền bạc vốn không tốt cũng chẳng xấu. Nó đơn thuần chỉ là phương tiện giúp ta có được thứ mình muốn. Bạn kiếm tiền bằng cách tạo ra trải nghiệm cho người khác để rồi lại dùng chính số tiền đó, mua lấy trải nghiệm cho bản thân mình.
Kể cả khi bỏ tiền ra cho những thứ xa xỉ như siêu xe hay trang sức đắt tiền, thứ bạn muốn sở hữu không chỉ dừng lại ở giá trị vật chất mà là giá trị tinh thần được tạo ra trong quá trình sử dụng sản phẩm. Cách bạn tiêu tiền ngầm khẳng định với người khác về quyền lực và vị thế của bản thân.
Nói cách khác, giá trị của bất kỳ một giao dịch nào không đơn thuần nằm ở vấn đề tiền bạc.
Ta mua đồ ăn không phải vì ta muốn sở hữu chúng, cái ta cần là một giải pháp tức thời giúp giải quyết cơn đói của mình. Tương tự như thế, bỏ tiền ra mua một chiếc xe hơi không có nghĩa là bạn muốn khoe của. Thứ bạn cần là giải pháp cho những ngày mưa gió cần ra ngoài gặp khách hàng. Hoặc khi mua một bộ vest mới, bạn muốn cho người khác thấy địa vị xã hội của mình cũng như phát đi tín hiệu rằng họ có thể tin tưởng vào bạn.
Tiền bạc chỉ là phương tiện giúp đưa bạn đến với những trải nghiệm khác nhau.
Chính vì lẽ đó, tiền bạc thường tạo ra các vòng lặp cảm xúc: ta kiếm tiền bằng cách chịu đựng trải nghiệm tiêu cực và dùng tiền đó để đổi lấy trải nghiệm tích cực. Để tiếp tục có những trải nghiệm tích cực, bắt buộc ta phải quay lại với những trải nghiệm tiêu cực và một vòng lặp mới lại bắt đầu.
Vòng lặp căng thẳng: Để có đồng ra đồng vào, nhiều người chấp nhận đối mặt với muôn vàn áp lực nơi làm việc. Công việc hoặc vị trí của họ liên tục bị chỉ trích hoặc đe dọa cách này hay cách khác. Kết quả là họ dành phần lớn số tiền kiếm được vào việc giải tỏa căng thẳng, như một cách để bù đắp cho phần sức lực họ đã bỏ ra. Họ mắc kẹt trong vòng lặp không hồi kết và chẳng mấy khi trở nên thật sự giàu có.
Vòng lặp tự ti: Nhiều người cảm thấy bản thân thật tầm thường và vô dụng nơi công sở. Để bù đắp cho cảm giác tự ti đó, những người này thường đốt sạch mớ tiền kiếm được vào những thứ được cho là chất chơi người dơi. Họ quyết định bám víu lấy công việc hiện tại – dù không được mấy ai coi trọng - rồi dùng chính số tiền đó để cố gắng chế ngự cảm giác tự ti nơi bản thân. Và điều này hoàn toàn ngăn cản họ trở nên giàu có.
Vòng lặp tổn thương: Cũng có những người chấp nhận việc để người khác làm tổn thương họ hòng đổi lấy chi phí trang trải cuộc sống - có thể về mặt thể chất (ví dụ như đấu vật chuyên nghiệp) hoặc về mặt tinh thần/cảm xúc (như lao động tình dục hoặc tình trạng bị bóc lột ở nơi làm việc). Kết quả tất yếu là họ thường tìm đến rượu chè, cần cỏ hoặc các thú tiêu khiển thiếu lành mạnh như một biện pháp tạm thời giúp bản thân thoát khỏi tình trạng hiện tại.
Ta chỉ có thể trở nên giàu có khi ta thực sự biết cách kiếm tiền và tiêu tiền. Giống như hai mặt của một tờ giấy, hai quá trình này cần bổ trợ thay vì bù trừ lẫn nhau. Đồng nghĩa với việc: ta kiếm tiền một cách lành mạnh và dùng chúng để đổi lấy những trải nghiệm tích cực.
Những ai mắc kẹt trong vòng lặp cảm xúc do tiền bạc tạo ra sớm muộn gì cũng trở thành nô lệ của nó. Đối với họ, tiền là mục đích duy nhất của cuộc sống.
Một khi điều đó xảy ra, bạn không còn sở hữu tiền bạc nữa mà chính tiền bạc trở thành ông chủ của bạn. Cách duy nhất để trả mọi thứ lại đúng trật tự là bỏ ngay ý nghĩ dùng tiền làm thước đo sự thành công. Chỉ có như vậy ta mới có thể trở nên thực sự giàu có.
Có nhiều định nghĩa thế nào là thành công nhưng tiền bạc tuyệt nhiên không phải một trong số đó. Tiền bạc chỉ đơn thuần là phương tiện giúp ta đạt được mục đích: khi ta dùng nó để đổi lấy những giá trị quan trọng hơn, để bắt đầu khởi nghiệp, thúc đẩy sự sáng tạo, góp phần xây dựng cộng đồng, chăm lo cho gia đình, hỗ trợ bạn bè hoặc cải thiện sức khỏe tinh thần và phát triển bản thân.
Tiền bạc chỉ có giá trị khi ta dùng nó để đổi lấy những nhu cầu chính đáng: giúp ta tích lũy vốn sống thay vì rước về nhà những thứ ta chẳng mấy khi dùng tới. Đó là khi ta để tâm xem cà phê có ngon hay không thay vì tranh giành ly sành hay ly sứ.
Nguồn: The Real Value of Money - Mark Manson
Link: https://markmanson.net/the-real-value-of-money
Link: https://markmanson.net/the-real-value-of-money
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất