Xuyên suốt quá trình lịch sử văn học Việt Nam đã có biết bao nhiêu tác phẩm được ra đời và đi sâu vào tâm trí mỗi con người Việt. Thật không khó để có thể bắt gặp những trang văn mang đậm tình yêu đất nước, ghi dấu lại những chiến công lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong đó có “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu khắc họa chiến thắng vẻ vang trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 hay Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Mông-Nguyên năm 1288 đã khẳng định nước ta không hề yếu thế mà vô cùng mạnh, kiên cường và không khuất phục trước kẻ thù xâm lược.
      Trương Hán Siêu năm sinh không rõ nhưng mất vào năm 1354 tự là Thăng Phủ, quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh nay thuộc thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Ông xuất thân là một môn khách của Trần Quốc Tuấn, làm quan dưới bốn đời vua Trần và từng tham gia kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai và thứ ba đã lập nhiều chiến công. Là một người có tài đức song toàn nên được dân kính trọng, các vua Trần rất tin cậy và thường gọi ông là “thầy”. Tuy không đỗ đạt cao nhưng ông lại là một học giả uyên thâm.
      Bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu được viết theo thể phú, thể thơ cổ bắt nguồn Trung Quốc là một thể văn có vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi dùng tả cảnh vật, phong tục, kể sự việc, bàn chuyện đời. Phú gồm có hai loại chính là phú lưu thuỷ và phú cổ thể. "Phú sông Bạch Đằng" được viết theo phú cổ thể tương đối tự do.
     "Phú sông Bạch Đằng" được sáng tác khoảng năm mươi năm sau kháng chiến Bạch Đằng thắng lợi trong thời Trần Dụ Tông khi triều Trần đang trong thời kì suy vong. Chính vì thế là đại thần mang trọng trách lớn, địa vị cao, công lao nhiều mà ông không có cách gì làm cho triều đình trở lại quang minh nên cảm thấy hổ thẹn với người xưa nhất là trước lịch sử Bạch Đằng, càng thấy được âm hưởng hào hùng như vẫn còn sục sôi cuộn cháy.
     Bài được chia làm bốn phần gồm mở, giải thích, bình luận và kết. Phần mở từ "Khách có kẻ" đến "dấu vết luống còn lưu" là phần giới thiệu nhân vật khách và cảm xúc của khách trước cảnh sắc thiên nhiên đã từng ghi dấu một thời vẻ vang dân tộc khi du ngoạn trên sông Bạch Đằng. Phần giải thích từ "Bên sông" đến "khôn rửa nổi" là diễn biến chiến công Bạch Đằng qua sự hồi tưởng của các bô lão. Phần bình luận từ "Tái tạo" đến "chừ lệ chan" là suy ngẫm và bình luận của các bô lão về nguyên nhân làm nên chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Phần kết từ "Rồi vừa đi" đến hết là lời ca của bô lão và khách, khẳng định vai trò con người trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
      Nhân vật khách, sự phân thân của tác giả với mục đích thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên xuất hiện trong không gian biển lớn "giương buồm giong gió", "lướt bể chơi trăng". Không gian sông hồ với "Vũ Huyết", "Nguyên Tương", những vùng đất nổi tiếng của Trung Quốc như "Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt", "đầm Vân Mộng" hay những địa danh của Việt Nam "cửa Đại Than", "bến Đông Triều", "sông Bạch Đằng" được cụ thể làm phác hoạ bức tranh thiên nhiên qua đôi mắt và tâm hồn của tác giả. Với các từ miêu tả "chơi vơi", "mải miết", "tha thiết", "tiêu dao" và "thướt tha" được sử dụng đã mở ra một không gian cảnh sắc "tung hoành" cho khách. Đó là không gian nghệ thuật bốn phương, mênh mông, bát ngát thơ mộng và tràn đầy ánh trăng. Các hình ảnh thời gian sớm ở "Nguyên Tương", chiều thăm "Vũ Huyết". Cảnh sắc thiên nhiên hiện lên thật đẹp “Bát ngát…ba thu” đó là dòng sông thơ mộng, hùng vĩ và hoành tráng. Nhìn hai bên sông:
"Bờ lau san sát,
Bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy,
Gò đầy xương khô."
Đã thấy Bạch Đằng hoang vu, đìu hiu, lạnh lẽo, Bạch Đằng của cõi chiến trường xưa, chốn tử địa của quân thù. Ngoài ra, giúp ta thấy được nhân vật "khách" là một người có tâm hồn phóng khoáng, thích tự do, du ngoạn, yêu nước, có niềm tự hào lớn về những chiến công lịch sử và hiểu biết lịch sử, địa lý sâu rộng. Cảm xúc vừa vui, vừa buồn của khách khi du ngoạn trên sông Bạch Đằng làm người đọc ấn tượng sâu sắc hơn về tác phẩm lôi cuốn theo những dòng thơ ngắn ngủi mà đầy ý nghĩa, vẻ vang hào hùng.
     Trận chiến Bạch Đằng qua lời kể các bô lão về quân ta xuất thân với khí thế hào hùng “hùng hổ sáu quân”, sức mạnh khí thế như hổ báo của các chiến sĩ thời nhà Trần, với lòng yêu nước, với sức mạnh chính nghĩa. Còn quân địch ra oai:
"Những tưởng gieo roi một lần
Quét sạch Nam bang bốn cõi”
Sự huênh hoang, kiêu ngạo cùng với "thế cường”, "chước dối" bao mưu mô xảo nguyệt, ưu thế mạnh của giặc nhưng vẫn không thắng được. Bởi "Trời cũng chiều người", "trời đất cho nơi hiểm trở" và "nhân tài giữ cuộc điện an", thiên thời, địa lợi, nhân hoà đều hội tụ đã làm quân ta tạo nên thắng lợi ghi thêm vào trang sử vẻ vang của dân tộc Việt.
      Tác giả gợi lên hình ảnh Trần Quốc Tuấn và những hình ảnh so sánh với người để khẳng định sức mạnh, tài năng và đức đạo của con người. Lời ca của các bô lão khẳng định sự tồn tại vĩnh hằng của con sông Bạch Đằng và những chiến công, sự vĩnh hằng của chân lí "Những người bất nghĩa tiêu vong - Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh". Lời ca ngợi của khách cũng tiếp nối niềm tự hào về non sông hùng vĩ nhưng thể hiện quan niệm về nhân tố quan trọng trong công cuộc đánh giặc giữ nước là con người mà rõ hơn là các vị  anh hùng dân tộc với tài trí và đạo đức hơn người đã làm viết nên những trang sử vẻ vang.
      Bài phú với nhân vật khách đối đáp, dùng hình ảnh điển cố có sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn yếu tố trữ tình hoài cổ và tự sự tráng ca, lối diễn đạt khoa trương mà làm rõ hào khí nhà Trần, âm hưởng không khí chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Đọc xong bài phú mà đọng lại trong lòng người đọc bao cảm xúc về con người, quê hương đất nước. Vì thế, chúng ta ngày nay phải có ý thức xây dựng quê hương đất nước phát triển hơn.
Đọc thêm: