Thứ "tự do" chẳng tồn tại
If you want love, you must serve. If you want freedom, you must die. - Georg Hegel -
Tự do, theo rất nhiều người định nghĩa, là thực tại của việc không hề bị kiểm soát, kìm kẹp, được quyết định số phận theo ý chí của riêng mình. Bạn - người đọc, và mình, người viết cái đống này, đang là những con người "tự do". Chúng ta được cấp cho quyền bình đẳng về giống loài với nhau (cùng là người) và quyền được hưởng thụ cuộc sống. Chúng ta được nêu lên quan điểm, được người khác tôn trọng những quan điểm đó. Tóm lại, "tự do" cho chúng ta quyền được "sống", và "sống tốt", vơi nhiều người là vậy.
Nhưng với mình, tự do còn là cái gì đó hơn thế. Vị lãnh tụ Hồ Chí Minh, hay Karl Marx và Friedrich Engels đều đứng lên lãnh đạo hướng những con người đau khổ đó đến với tự do, một tương lai khi tất cả đều là chủ, và là chủ của chính mình. Tinh thần thực cao cả, nhưng thú thực nó cũng chỉ là một khía cạnh của cái gọi là "tự do". Chúng ta, vẫn chưa hoàn toàn là chủ, mà chính những suy nghĩ, tư tưởng của người thời vẫn luôn ảnh hưởng mạnh mẽ lên trí não chúng ta. Chúng ta vẫn còn chịu chi phối bởi bộ óc đầy những giới quan mà người khác nhồi nhét vào trong bạn - hay nói rộng ra, là tất cả những con người xung quanh - là cả xã hội này.
Đến với các tôn giáo và thần học, tự do chính là sự thoát ly khỏi những "tội lỗi, tâm lý nô lệ, hay các mối ràng buộc với trần gian." Điều này cũng đúng, nhưng với mình, thế vẫn chưa đủ.
Tự do, chính là sự thoát ly khỏi mọi cảm xúc và khái niệm áp đặt mà con người ngàn thuở nay luôn nói đến. Tự do chính là con đường hướng đến "sự không có gì". Bạn biết đấy, một khi còn tồn tại hạnh phúc, thì chắc hẳn sẽ còn đau khổ. Chỉ khi đau khổ, bạn mới biết thế nào là cảm giác được hạnh phúc, vui thú.
Đức Phật đã thoát ly ra khỏi trần thế phàm tục mà đến với cõi Niết bàn, không còn chút gì nỗi ưu phiền, tuyệt vọng như của con người đày đọa. Ấy vậy mà, Người vẫn không ngừng giảng giải cho người trần chúng ta về tâm thanh tịnh và lòng bác ái, cũng như đạt được chính quả đắc đạo - ngộ ra được chân lý của vạn vật - để rồi chỉ còn sự bình yên mà thôi. Nhưng nếu những "con người" chúng ta không thể nào thực sự với đến được đài sen chính quả đó, thì bạn có chắc rằng Đức Phật sẽ không cảm thấy buồn lòng hay ưu tư, dù chỉ một chút chứ? Và bạn có chắc rằng Đức Phật sẽ không cảm thấy hạnh phúc và hoan hỉ khi chúng ta cũng đạt đến được cảnh giới của Người, dù chỉ một chút?
Người bao dung, yêu thương tất cả. Đó là lẽ dĩ nhiên mà ai cũng đã từng nghe về Đức Phật. Nhưng Người cũng đã từng là một con người của trần thế, dù cho có loại bỏ được mọi dâm dục, xô bồ cùng những phẫn nộ và ái ố, Người cũng chẳng hề vượt ra hoàn toàn cảm xúc và lý trí đã giác ngộ ra cái chân - để rồi Người lại lần nữa dấn thân vào thế giới của chúng ta mà tiếp tục chịu sự kìm kẹp của "lòng yêu thương và thấu cảm muôn loài". Tức là, Người vẫn còn chịu sự áp đặt của con người - Người hi sinh tất cả, và cho dù con người co sa đọa và vùng vẫy trong bùn lầy của thống khổ, Người cũng chẳng thể bỏ mặc và hết yêu thương con người. "Sự trừng phạt" mà ai ai cũng nói khi nhắc đến luật nhân quả và thấu thị của Đức Phật soi hết khắp cõi gian, cũng chính là sự răn đe và tấm màn bảo vệ cho những "đứa trẻ" mà Người thương quý.
Ví dụ về Chúa còn rõ ràng hơn nữa. Từ Chúa tối cao trong Do Thái giáo, khi nhờ Moses truyền đạt lại thánh chỉ thiêng liêng của mình để cứu giúp những người Do Thái từ tay áp bức của Ai Cập, hay Chúa Jesus cũng trải quá biết bao thương khó, cùng sự hi sinh cao cả khi Người chấp nhận bị đóng đinh lên cây thập giá nhằm cứu lấy chúng sinh. Tất cả, đều là tình yêu. Và tất cả, đến cả thần linh - những thực thể tối cao không thuộc về nơi này - cũng cùng hưởng niềm vui và chịu những đau đớn, khổ sở khi họ quyết định sẽ không buông tay con người và tiếp tục sự kiểm soát từ "tình yêu" mà con người đặt lên vai họ.
Cái ác là gì? Là những thứ được sinh ra từ sự yếu đuối.Friedrich Wilhelm Nietzsche - Kẻ phản Kito
Con người ta yếu đuối khi họ còn tồn tại trong mình nỗi sợ. Và bất kì ai trong số chúng ta đều luôn yếu đuối, chỉ là lúc này hay lúc khác. Tin mình đi, nếu bạn không biết sợ, thì bạn thực sự không phải người. Và vì nỗi sợ là bản năng, là sự nguyên thủy từ gốc, vậy nên cái ác và tội lỗi luôn được sinh ra và sẽ chẳng bao giờ kết thúc, một khi con người còn tồn tại, và chúng sẽ luôn tồn tại ở đó, vĩnh viễn.
Lúc nào cũng vậy, lý trí luôn luôn luôn chỉ là đầy tớ phục vụ cho chủ nhân "cảm xúc". Cảm xúc là duy nhất và mạnh mẽ nhất, tất cả những thứ còn lại chỉ là thứ yếu. Cái ác, dù tinh ranh và khôn khéo đến đâu, cũng xuất phát từ cảm xúc.
Vậy nếu không có cảm xúc, thì mọi thứ, với mình, sẽ chính là tự do. Chúng ta thoát ra khỏi mọi niềm tin, suy nghĩ, quy chuẩn, tội lỗi. Chúng ta tồn tại trong mình sự "không có gì". Một ý chí tự do mạnh mẽ đến mức nó xóa sổ tất cả, để đến với "tuyệt đối". Một sự tự do đầy cô độc và lạnh lẽo - cho dù vậy, nhưng kể từ khoảnh khắc ấy, tâm trí - hay chúng ta - đều đã tự do hơn những cánh chim rồi. Vì đó là "sự không có gì", nên chẳng có giới hạn và thứ gì ràng buộc nó nữa.
Có điều, tự do như thế này thì quả thực là khốn đốn quá :)
Mình thấy, nếu nắm lấy sự tự do tuyệt đối đó, thì bạn cần phải là một đứa trẻ mới lọt lòng khỏi tử cung mẹ, hay khi đã đến bên Thần chết ở bên kia. Đó là cánh cửa. Nhưng cả 2 thứ đó, đều là cánh cửa dẫn đến một sự khởi sinh mới, không phải chỉ là của mình mà còn là những người khác.
Nhưng cuộc sống này quả thực, dù nó xấu xí và vặn vẹo, dù có cố đến mấy cũng chẳng thay đổi được, nhưng nó vẫn thực đẹp đẽ và nguyên sơ.
Có những thứ chúng ta dù có cố tẩy trắng và che đậy đến mấy cũng chả có ích gì, nhưng cũng có những món quà mà bạn chắc chắn sẽ nhận được từ cuộc sống.
Nếu ai cũng nghĩ đến sự tự do "không có gì" này, ai cũng hướng đến nó, vậy cuộc sống này, với bạn, có thấy đáng sống không?

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất