Ba xin lỗi con, con gái của ba...
Ba xin lỗi vì đã uống rượu quá nhiều...
Ba xin lỗi vì không quan tâm mẹ con các con, để hơi men cuốn lấy ánh sáng trong cuộc sống của ba.
Ba muốn được giải thích...
Cuộc sống con người có quá nhiều buồn bã và nỗi thất vọng con ạ. Ít nhất với ba là thế. Ba cũng đã từng cố gắng. Ba đã làm sai hay có lẽ là ba không biết cách làm đúng hay là đã không đủ kiên trì... Ba cũng không biết nữa... Ba không dám kể lể quá nhiều... Như thế... yếu đuối quá...
Cuộc sống của ba đã gặp phải quá nhiều bất công...
Ừ, không... chắc tại ba đấy. Sâu thẳm trong mình, ba biết đó là lỗi của ba. Không thể lo lắng được cho mẹ con con, không thể chăm sóc được cho ông bà nội, cũng không thể làm ông bà ngoại tin tưởng vào đứa con rể có thể mang lại hạnh phúc cho con cháu họ... Ba kém cỏi quá phải không ?
Nhưng xin hãy hiểu cho ba... Xin hiểu cho những trăn trở mà các con giờ còn chưa hiểu. Mẹ con cần tiền đi chợ, ông bà nội cần được chăm sóc lúc ốm đau bệnh tật, ông bà ngoại cũng cần được quan tâm thường xuyên... Con, các em con nữa... cũng cần được đi học. Cô, gì, chú, bác... của các con cũng có những hi vọng, những mong cầu. Ba cũng muốn được quan tâm, được chia sẻ với họ những khó khăn nhưng ba chả được tích sự gì cả, có mỗi vài việc cỏn con cũng làm không xong. Ba đã từng cố đấy chứ, nhưng ba không giỏi bợ đỡ, ba... không... thật sự giỏi cái gì.... Bọn khốn nạn ấy cũng chả tốt hơn ba tí nào cả, hồi trước mấy đứa ngu ngu ba khinh bỉ, giờ không ông nọ bà kia thì cũng đã đều ra ráng thành đạt. Bọn nó có thành đạt mẹ đâu, ba biết thừa, lũ sống chó ấy cũng chả ra gì, rồi cũng vô phúc thôi.
Ai cũng nói phải sống chân thật, phải thẳng thắn, phải nọ... phải kia... mới đáng sống nhưng có bao nhiêu đứa nói những câu đạo lí ấy dám nói thật với người khác đâu con... Không, bọn dối trá đạo đức giả ấy...
Nhưng mà xã hội trọng vọng cái ấy, cái... mặt nạ con ạ...
Rồi tất thẩy đám người tự cao đạo đức như mình là thánh nhân ấy quay ra khuyên nhủ, chỉ bảo như thể nhà mình tốt lắm rồi, mình đúng lắm rồi. Chỉ có ba là cặn bã... Chó má...
Ba không dám đối mặt, con ạ... Mỗi khi về nhà nhìn cuộc sống nhà mình... ba bất lực... ba mệt, ba mệt lắm... Ba chỉ muốn quên những lo nghĩ, quên những trách nhiệm đi một chút thôi, ba không muốn giả tạo, ba không muốn ngọt nhạt nhìn mặt bọn nó mà sống - ít nhất trong một thời gian- thời gian của riêng ba, cuộc sống của ba.
Men rượu lúc đầu chỉ để cho vui thôi, ba cảm thấy dễ chịu hơn từng chút, từng ly... Mỗi lần có vài ly là không phải nghĩ nữa, chỉ vui cười thoải mái trong cái lâng lâng ấy thôi... không cần suy nghĩ chuyện khi chiều, lũ con hoang khốn nạn ấy, không cần nghĩ đến lo lắng ngày mai... Vài li đầu thì thế, sau dần không đã thèm con ạ... Lại thêm vài li nữa mới dễ chịu được, chuyện lớn đến đâu, một ly không quên được thì thêm một ly... rồi lại một ly. Ba không biết từ lúc nào cuộc đời đối xử tệ với ba đến vậy. Ba càng cố, càng vùng vẫy những lo toan cuộc đời lại càng dấn sâu vào đầu, càng khó chịu lại càng cần rượu... Ba cũng biết uống rượu nhiều không tốt chứ... ai cũng bảo thế mà... Nhưng bọn nó làm sao hiểu cảm giác thanh thản không lo nghĩ cuộc sống như bây giờ... bọn hợm hình ấy làm sao biết cảm giác của ba... Nó hiểu đéo gì về cuộc đời thằng này mà phán xét cái gì đúng, cái gì sai... Bọn nó... không biết đâu con...
Ba buồn lắm con. Ai cũng cho là ba thất bại... ba không làm được như người ta... Ba biết... không ai nói nhưng mà ba con biết. Con cũng nghĩ thế... Ba không làm được cái gì nhỉ? Ba không chịu chăm chú làm ăn? Ba không được người đời nể trọng? Ba không ra gì, không đáng làm gương cho con cái?
Ba xin lỗi... xin lỗi, lại xin lỗi...
Ba đã không nói được ra những lời này với mẹ con, với con... Ba quá yếu đuối...
Hôm trước có đứa ranh kể lể với ba. Cái gì mà "nam tính độc hại", chia sẻ trong gia đình, "bạo hành tinh thần" cái chó gì gì ấy... Nó tâm sự ngọt nhạt khuyên nhủ, xong chỉ bảo ba làm cái này làm cái kia. M* nó. Ba không nhớ... toàn nói xuông...
Cuộc đời của ba, của ông con đã được nuôi dậy như vậy. Người đàn ông của gia đình luôn phải là trụ cột, luôn phải nhìn xa, trông rộng, phải tìm ra cách thức xử lí các vấn đề trong cuộc sống. Ba có muốn thế đâu... nhưng mà đời nó thế... Thế thì kệ mẹ đời... Ba không được vui à? Ba còn chả cần vui nữa rồi? Không cần! Không cần mẹ gì cả! Tao chỉ muốn được quên thôi... Bọn nó còn chả dám sống thật như tao... Có đứa nào dám nói thật cái sự đời chó mà này đâu...
Xin được giải thích chút Tôi viết cái này bằng cảm nhận mông lung từ những người bạn, người anh mà.. ờ, không đáng làm tấm gương -như người đời gọi thế, đôi lúc tôi cũng cảm thấy thế... Thi thoảng (lâu rồi) tôi cũng là con người như thế... Không có câu chuyện rõ ràng. Lúc say thì nó không rõ ràng cái gì hết cả đâu... Chỉ cố để hiêu cái bức bối khó giải của những người đàn ông thế hệ "gia trưởng" mà thôi.
Ở đây, xin nói một chút về hai chữ "gia trưởng".
Ừ thì giờ người ta dùng nó làm từ xấu rồi, để chỉ những người đàn ông cực đoan, thiếu cảm thông và bảo thủ trong gia đình. Bản thân từ "gia trưởng" không xấu đến thế. Gia Trưởng hiểu đơn giản là "Chủ của của Gia đình", phải là người định hướng, dẫn dắt, ra quyết định. Nên, dịch bay một tí theo nghĩa thời này là leader của gia đình...
Thời nay, không cần trải đời lắm mà chỉ cần google một tý ta có thể tìm ra vô số những tố chất cần thiết để có thể trở thành một leader đúng nghĩa. Nên dù vẫn có chênh lệch không nhỏ nhưng có thể tạm dùng những định nghĩa về tố chất và sự thành công của một nhà lãnh đạo để ánh chiếu và so sánh với những yêu cầu mà một người đàn ông thế hệ trước cần có. Giờ, bao nhiêu người trong chúng ta - giới trẻ hiện nay (tôi tự cảm thấy mình còn trẻ-kệ tôi)- có cái niểm tin và quyết tâm rằng ta có thể trở thành lãnh đạo truyền cảm hứng, dẫn dắt một tổ chức (ít nhất 3 người) đi đúng hướng trên con đường thành công và thịnh vượng... Với những người cho rằng mình có thể làm được thì... Chà, bạn có thể đảm bảo cho người ngồi cạnh bạn, cho người ngồi đối diện hoặc một nửa tổng số người bạn biết đều đã hoặc sẽ là những người lãnh đạo chuẩn mực chứ?
Tôi tin ta đều đồng ý là cái ý tưởng đó vô lý bỏ xừ. Và vâng, theo góc nhìn đó thì đa phần những người đàn ông thế hệ trước đều đã từng được yêu cầu và dạy dỗ rằng họ phải làm được, bất kể chuyện gì xảy ra... bất kể chuyện gì xảy ra... bất kể chuyện gì xảy ra... tại vì... đàn ông phải thế. Đến thời này những người anh xã hội trải đời vẫn dạy các cậu em non nớt: "gia đình là thứ tồn tại duy nhất" và "gia đình là tất cả, những thứ khác có hay không không quan trọng...". Ai chả cười nhẹ gật đầu với những người nói những điều đó như 1 cách đồng ý. Tôi không nói điều đó là sai lầm. Chỉ là khi ta gật đầu với điều đó, tất cả chúng ta bao gồm cả tôi và bạn đều đang khẳng định cái quy ước xã hội này. Các bậc cha chú chúng ta cũng thế... đó là định nghĩa sát ngay bên dưới bề mặt hai chữ NAM NHI.
Khi nhìn rõ mối liên hệ của "gia trưởng" và "nam nhi". Xin mọi người bình tâm nhớ lại những điều ta đã được nghe về "nam tính độc hại và... nơi tìm ra chúng" Chắc chỉ mất vài giây thôi nhỉ. Rồi, giờ hãy miễn cưỡng cộng thêm cái liên tưởng về gia trưởng và người lãnh đạo (tôi không nói nó hoàn hảo và đã được chứng minh nhưng tôi chưa tìm ra liên tưởng khác tốt hơn)
Đó là áp lực những người đàn ông thế hệ cũ phải gánh - hàng ngày - Trong từng hành động và quyết định.
Tôi không cố chứng minh hay biện minh cho hành động hay suy nghĩ của bất cứ ai. Chỉ muốn hỏi: "bạn cho là bao nhiêu người có thể chịu đựng được những áp lực ấy mà không bị ép vỡ ?" Tôi không hỏi tu từ đâu. Tôi thật sự muốn biết các bạn đọc cho là bao nhiêu người có thể dửng dưng nâng cái ba lô ấy lên mà không nhăn nhó, không chán nản, không mệt mỏi. Tôi tin nhiều người cũng giống tôi, đếm được là rất nhiều người trong số họ vẫn còn sống. Chắc họ phải có "bí quyết" gì chứ nhỉ??? Nhỉ???
Tôi muốn biết không phải để so sánh mà để hiểu hơn gia đình tôi, cụ thể là bố tôi.
PS: Gửi bạn tôi... AYP159