Thư Viện Thành Phố
Đi không phải để trải nghiệm, đi là để gặp lại những cuốn sách mà mình từng đọc.
Hồi cấp ba tôi rất hay đến thư viện.
Thư viện nằm trong trung tâm thành phố nhưng là trên đoạn đường tương đối vắng vẻ và yên tĩnh. Ngoại trừ tiếng xe cộ qua lại bất chợt hay tiếng lao nhao của trẻ con từ ngôi trường xa xăm nào đó, lúc nào đặt chân tới đây tôi cũng cảm giác mình là người đọc sách duy nhất còn sót lại trên thế gian này. Có lẽ vì quá ít người bén mảng thật nên trong sân còn chẳng có bãi đỗ ra hồn, thường tôi chỉ để gọn xe đạp ở một góc rồi bước vào trong tìm sách mà đọc.
Nhắc đến thư viện thì người ta liên tưởng ngay đến một nơi rộng lớn với hàng tá những cái kệ chất cả đống sách, và nhắc đến những kẻ mọt sách như tôi thì người ta liên tưởng ngay thư viện là môi trường tự nhiên của chúng. Không hẳn. Thư viện này đúng là chứa đủ loại sách, từ những cuốn cũ mèm chẳng được ai mượn hàng chục năm đến những cuốn mới tinh không bán được ở hiệu sách nên mới bị bế sang đây, nhưng tôi chẳng thích thú gì với chúng cả, mà chỉ nhắm đến một cái kệ duy nhất...
"Văn học Nhật Bản"
Kể từ ngày đầu tiên đến đây vào hè lên lớp 10 cho đến ngày trả thẻ và lấy lại tiền cọc để chuẩn bị rời khỏi đây đi học đại học, tôi chỉ gắn bó với cái kệ này thôi. Nói là "gắn bó" thì hơi nhẹ, cái từ "ám ảnh" có lẽ còn thích hợp hơn. Bạn biết không, trước đó tôi thật sự chưa đọc những cuốn sách nào nghiêm túc như thế cả. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu thương, học hành không tới nỗi nào và được mọi người xung quanh công nhận, thiết nghĩ chẳng cần đạp xe đến thư viện hiu quạnh tiếp cận những cuốn sách dường như đã bị cả thế giới bỏ mặc. Thế nhưng, thay vì tận hưởng thanh xuân cùng những người mình yêu quý, tôi lại chọn ngồi bên cạnh cái kệ ấy, ngày qua tháng lại nghiền ngẫm những cuốn sách mà tôi còn chẳng biết mình có thích nổi, những cuốn sách miêu tả những uẩn khúc trong mối quan hệ con người quá đỗi trừu tượng so với cái đầu suy nghĩ đơn giản của bản thân lúc bấy giờ.
Tại sao?
Tôi không biết.
Đến giờ khi viết những dòng này, tôi vẫn không rõ thứ gì thúc đẩy mình làm vậy. Những trang sách ấy chỉ cho tôi những câu hỏi chứ không có một câu trả lời nào cả. Tôi thậm chí còn ngoảnh mặt với con đường tương lai bố mẹ dọn sẵn để đi học ngành liên quan đến Nhật Bản ở đại học, một phần cũng là để làm rõ cái "ám ảnh" với không gian thư viện ấy và với những cuốn sách lạ lùng ấy, nhưng mãi đến lúc tốt nghiệp tôi vẫn mù tịt như thuở ngày nào. Dường như tôi đã bỏ sót một điều gì đó, một điều gì đó hết sức quan trọng nằm ở cốt lõi bản ngã này. Đã có trong tay mọi mảnh ghép hoàn hảo đến vậy, tại sao khi ghép lại thành một bức tranh tổng thể thì lại lòi ra một hình thù dị hợm khủng khiếp? Cái hình thù ấy nhiều lúc lại nhập nhằng với hình ảnh của tôi mỗi lần tiến vào thư viện, có nghĩ bao nhiêu đi chăng nữa cũng chỉ thấy nhòe hơn...
Nhưng tôi vẫn tiếp tục đọc sách. Đây là cách duy nhất để tôi làm rõ cái sự phi lý của cuộc đời mình, và quan trọng hơn là gặp lại cái "ám ảnh" ấy trong một ngày không xa. Ngày đó có lẽ chỉ xảy ra ở cái thư viện ấy mà thôi.

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này