Nhật ký Mai Phun | Ngày 0
1. Mai Phun là cái gì? Mindfulness là chú tâm đến khoảnh khắc hiện tại. Hỏi nhanh: thử để ý đến vai mình xem bạn có đang gồng lên...
1. Mai Phun là cái gì?
Mindfulness là chú tâm đến khoảnh khắc hiện tại. Hỏi nhanh: thử để ý đến vai mình xem bạn có đang gồng lên không? (Nếu bạn có thể thả lỏng, thì câu trả lời là có.)
Chúng ta ít khi thực sự chú tâm đến hiện tại của mình. Đang làm việc thì đi lướt facebook. Vừa ăn cơm vừa xem TV. Sống ở hôm nay nhưng ân hận chuyện hôm qua hay lo lắng chuyện ngày mai. Bằng cách kéo chúng ta về hiện tại, mindfulness giúp giảm căng thẳng và các cảm giác tiêu cực.
Nếu đi google bạn sẽ thấy mindfulness có nguồn gốc từ đạo Phật và trang Wikipedia tiếng Việt của mindfulness có tiêu đề là "Chánh Niệm" cùng với nội dung quá cao siêu cho một đứa đầu óc phàm trần như tớ. May thay là đã có người bình dân hóa thứ cao siêu này để tớ có thể tiêu hóa được. Kiểu mai phun bình dân này gọi là Giảm căng thẳng dựa vào chú tâm (Mindfulness based stress reduction).
Mai phun là một trong những thứ hiếm hoi mà cả phương Đông và phương Tây đều công nhận là có tác dụng tích cực. Không như nhiều loại thảo dược, thuật châm cứu, hay nhiều phương pháp chữa bệnh truyền thống -- là những thứ vốn dĩ thuộc về các phòng khám nghiêm túc ở phương Đông, nhưng khi đi Tây thì lại lạc ra siêu thị/spa, và hiển nhiên mất đi công dụng vốn có -- mai phun bắt đầu đi Tây ở một trường đại học Y. Công dụng của nó thậm chí còn tăng lên sau khi được các bác sỹ và nhà khoa học phương Tây "thiết kế" lại cho bớt màu sắc tôn giáo và dễ áp dụng hơn.
2. Chú tâm cho đỡ căng thẳng
Năm cuối cùng cao học, trong một lúc bấn loạn, tớ đã nhắm mắt nghe lời bác sỹ tâm lý và đi đăng ký học một khóa Giảm căng thẳng dựa vào chú tâm có tổ chức dạy ở trường. Hồi đấy tớ hoàn toàn mù tịt về mai phun, đi học chẳng qua là vì bác sỹ nói mãi đành phải nghe.
Kết quả rất khó tin. Tớ không rõ mai phun có thực sự giúp giảm căng thẳng không, bởi vì những tác động khác của nó quá nổi nên che mờ luôn cả vụ giảm căng thẳng này. Trong đó, cái làm tớ ấn tượng nhất là cách quản lý cơn cáu giận. Tớ đã không còn là một cái hỏa lò đụng tí là nổi điên nữa.
Hồi đấy tớ thờ ơ, lại học quáng quàng (năm cuối mà) nên chưa đến nơi đến chốn. Nếu như cai được bệnh nổi điên chỉ là một tác dụng phụ của mai phun thì không biết tác dụng chính là gì? Còn tác dụng phụ nào mà tớ bỏ lỡ không?
3. Nói là làm
Nên bây giờ tớ quyết định học lại một khóa Giảm căng thẳng dựa vào chú tâm rồi blog lên đây về quá trình học của mình, với mấy mục đích như này:
1> Gây áp lực cho mình: tự học nên tớ sẽ rất dễ nản, nghe đâu có nghiên cứu bảo là nếu lên mạng khoe khoang là mình sẽ làm gì đấy thì sẽ tăng khả năng mình thực sự sẽ làm việc đấy.
2> Viết về mai phun cho thêm người biết, và biết đâu sẽ có người thấy nó có ích.
3> Ghi chép lại những gì mình học được.
4. Học mai phun là học gì?
Vì tớ đã từng học một khóa rồi nên đại khái cũng biết mình sẽ học cái gì. Một khóa Chú tâm giảm căng thẳng kéo dài 8 tuần. Mỗi ngày tớ phải dành ra ít nhất 30 phút để tập. Nội dung tập thường là thiền ngồi (sitting meditation), quét cơ thể (body scan), yoga (loại dễ ai cũng làm được). Ngoài ra thì còn những bài tập hàng tuần theo chủ đề khác như là ăn một cách mai phun, đánh răng một cách mai phun, tập lắng nghe một cách mai phun, vân vân và mây mây.
Hồi tớ đi học trực tiếp thì một tuần lớp học một buổi có thầy giảng, rồi về nhà hằng ngày phải tập và viết cảm nhận. Lần này thì tớ học online nên một tuần phải tự dành ra một buổi tầm 90 phút xem video hướng dẫn và đọc các bài đọc yêu cầu, rồi hằng ngày cũng vẫn phải tập và viết cảm nhận.
Trong chùm blog này, tớ sẽ viết ngắn vừa phải và không trau chuốt lắm. Coi như là tớ đang đi gym luyện sáu múi và selfie để báo cáo thành tích thôi. Cũng như tập gym, mai phun phải tập lâu lâu mới thấy kết quả, và rất có thể là kết quả đấy chỉ mình tớ thấy.
Nhật ký ngày 0 đến đây là hết. Hẹn mai phun tiếp!
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất