Con người, ai cũng là thiên tài? - Nguồn ảnh: Pinterest
Nhà khoa học lỗi lạc Albert Einstein có một câu nói rất nổi tiếng rằng: "Mỗi con người đều là một thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống cả đời và nghĩ rằng mình thật ngu ngốc". Ông cho rằng mỗi chúng ta sinh ra đã đều là thiên tài ở một lĩnh vực nào đó và đều sẽ xuất chúng nếu được đặt trong một môi trường phù hợp cho sự phát triển của bản thân. Không chỉ mỗi Einstein, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng về cơ bản mọi trẻ em sinh ra bình thường, không bị dị tật bẩm sinh, đều có cùng một số lượng nơ-ron thần kinh như nhau, điều này có nghĩa rằng mọi trẻ em đều "thông minh" như nhau khi được sinh thành. Nhưng tại sao lại như vậy? Có thực sự chúng ta ai ai cũng đều là một thiên tài không? Và liệu chúng ta có đang hiểu sai về khái niệm "thiên tài" hay là đang có một  điểm bất hợp lý nào đó ở đây?
Với hầu hết tất cả mọi người (trong đó tất nhiên có cả tôi), thiên tài là những người có năng khiếu, năng lực bẩm sinh hoặc có thành tựu vượt xa những bất cứ những người nào khác trong cùng một lĩnh vực. Họ là những người thông minh một cách vượt trội, làm việc một cách xuất sắc hoặc đạt được thành tựu vĩ đại chưa từng thấy bao giờ. Trong tâm lý học, người sáng tạo ra những bài kiểm tra IQ, Alfred Binet, miêu tả những người đứng đầu trong 1‰ của những bài kiểm tra này gọi là genii (tạm dịch:thiên tài bình thường). Điều đó có nghĩa là hai chữ "thiên tài" vốn chỉ dành cho chưa đến một phần nghìn dân số trên trái đất. Điều này là hoàn toàn trái ngược với quan điểm đã đề cập ở phía trên của Einstein. Vậy đâu là điểm bất hợp lý ở đây?

Đọc thêm:

Thực ra thì chẳng có điểm gì là bất hợp lý ở đây cả, chúng ta đều là "thiên tài" với cùng một số lượng nơ-tron khi vừa mới sinh ra, đó là sự thật. Nhưng duy trì được sự "thiên tài" đó thì lại là một câu chuyện khác. Vì trong quá trình ta lớn lên, hàng tỉ nơ-ron đó chỉ có nơ-ron nào sớm được sử dụng, kích thích bằng các biện pháp thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ thì mới được củng cố, trở thành mối liên kết thần kinh lâu dài, thực hiện chức năng của các chu trình hay mạng lưới quan trọng, khi các nơ-ron đó có sự liên kết với nhau thì trí thông minh mới được tạo ra. Còn những nơ-ron khác nếu không được sử dụng hiệu quả đều sẽ trở nên “trơ ì” và cuối cùng là chết đi. Số lượng nơ-ron chết đi và số lượng liên kết nơ-ron tạo ra của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, đó chính là nguyên do của sự khác biệt. Và chịu trách nhiệm lớn nhất cho sự khác biệt này đó chính là môi trường sống xung quanh, có thể nói rằng, chính môi trường bạn đang sống sẽ quyết định bạn là ai?
Tất cả những điều diễn ra ở môi trường xung quanh sẽ đều tác động đến ta thông qua 5 giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác). Nếu phải ở trong những môi trường thiếu hụt sự kích thích giác quan, não bộ của chúng ta sẽ không được phát triển tối ưu, mất đi cơ hội phát triển những khả năng đặc biệt. Trong quá trình phát triển của trí tuệ, vai trò của cha mẹ và những người xung quanh đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Có một câu nói rất nổi tiếng rằng bạn là trung bình cộng của 5 người bạn dành thời gian nhiều nhất cho họ, nếu các mối quan hệ mà bạn có mang lại cho bạn nền giáo dục toàn diện về mọi mặt, có nhiều cơ hội phát triển về cả tư duy, nhận thức và vận động, điều đó sẽ tạo ra một môi trường sống lý tưởng để bạn phát triển hết được khả năng của mình và vươn đến những đỉnh cao mới. Nhưng trong thực tế không phải ai cũng may mắn có được điều đó, môi trường  sống của mỗi người là riêng biệt, không ai giống ai cả, vì vậy sự phát triển về tư duy, nhận thức của mỗi người cũng sẽ là rất khác nhau. Chính vì thế nên đừng bao giờ tốn thời gian so sánh bản thân với người khác, vì sẽ thật vô nghĩa nếu bạn so sánh mình với người vốn không cùng môi trường, hoàn cảnh sống với mình.
Môi trường xung quanh sẽ quyết định bạn là ai? - Nguồn ảnh: Facebook

Đọc thêm:

Kết lại, theo quan điểm của tôi, mỗi chúng ta khi sinh ra đều đã là một thiên tài, tài năng thiên bẩm luôn nằm sẵn bên trong mỗi người, có chăng chỉ là chúng ta chưa hiểu, nhìn nhận và phát huy đúng khả năng của bản thân. Có những thiên tài được ông trời ưu ái, bộc lộ năng khiếu từ rất sớm, nhưng cũng có những thiên tài phải mất 10 năm, 20 năm, thậm chí cả đời để hiểu hết khả năng của bản thân. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc, bỏ ngoài tai những định kiến xã hội, tập trung vào con đường mình đã chọn và lắng nghe bản thân để tạo nên môi trường phù hợp với mình, chắc chắn thành công sẽ chờ bạn ở cuối hành trình. Vì suy ra cho cùng, bạn là "thiên tài" theo các riêng của chính bạn.
-----