Thi dĩ ngôn chí - một khuôn mẫu trong tư duy thơ
Thơ trung đại chịu ảnh hưởng từ Đường thi Người trung đại chịu ảnh hưởng từ Nho giáo. Muốn luận bàn về thơ, cần hiểu...
Thơ trung đại chịu ảnh hưởng từ Đường thi
Người trung đại chịu ảnh hưởng từ Nho giáo.
Muốn luận bàn về thơ, cần hiểu tiếng lòng của người làm thơ. Nhà thơ Vương Quốc Duy, nhà Thanh có nói: "Nhà thơ, đối với vũ trụ nhân sinh, nên bước vào bên trong, mà lại nên đi ra bên ngoài. Bước vào bên trong mới có thể viết được. Đi ra bên ngoài mới có thể quan sát được. Bước vào bên trong mới có sinh khí. Đi ra bên ngoài mới đạt cao siêu..." Dẫu du nhập vào nội thể hay ngoại thế, thì "quan" và "thị" của thi nhân vẫn bị giới hạn bởi tư tưởng văn hoá của thời đại.
Con người của thời trước, không phải là con người hoàn toàn tự do, mà bị trói buộc trong vòng kim toả của cửa Khổng sân Trình. Tam cương - Ngũ thường không chỉ chi phối sự vận hành của xã hội, mà còn tác động đến thế giới quan của nhà thơ. Không có (đúng hơn là ít có) con người cá nhân, nên những cảm xúc riêng tây cũng được giữ lại, đến đầu ngọn bút bỗng thu tay về.
Ở văn học trung đại, hầu hết con người hiện diện trong thơ là con người siêu ngã, con người đạo đức. Siêu ngã - tức là vượt lên trên bản ngã của mình để đến một phạm trù cao hơn, gắn liền với đạo đức, công lý, đối lập với nhục cảm bình thường. Tâm lý học phương Tây phải đợi đến S. Freud mới gọi tên super ego, còn phương Đông đã hiện diện bản chất siêu ngã trong thơ từ rất sớm. Vì vậy mà nhà thơ, mặc dù vẫn dùng ngôn từ để giãi bày tâm tư, nhưng đó không phải là tâm tư cá nhân, càng không phải chuyện nữ nhi thường tình. Tình cảm trrong thơ, là tình cảm đẹp, quyện hoà với triết lý Nho giáo để giải phóng những khát vọng cao đẹp của cộng đồng. Vì thế mà thi nhân chỉ thuật hoài những suy tư vì nước, vì dân, vì chí làm trai.
Nguyễn Phi Khanh tả cảnh xuân giá rét, nhưng đọng lại cũng chỉ có những ngọn gió làm dịu nỗi cơ hàn cho muôn dân:
"An đắc thử thân như thác lược,
Hoà phong khư biến cửu châu tâm."
(Xuân Hàn)
Nguyễn Trãi tả cảnh ngày hè thanh bình rộn rã, suy cho cùng cũng chỉ muốn gửi niềm hy vọng về sự phồn vinh, thịnh vượng của muôn dân.
"Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương."
(Bảo kính cảnh giới - Bài 43)
Nguyễn Khuyến khắc hoạ làng quê thanh bình mùa thu, cũng chỉ là bức màn phía trước che sau những cơn sóng cuộn tâm tình. Nên mặt nước dẫu có phẳng lặng không một gợn sóng, nhưng tinh tế có thể nhận thấy cái thanh tĩnh tuyệt đối đó chỉ là sự nguỵ tạo cho muôn trùng sóng lòng trước cảnh vận nước nguy nan:
"Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo."
(Thu Điếu)
Nhàn ngôn, nhàn thân mà chẳng nhàn tâm.
Lấy thơ tỏ lòng, nên thơ trung đại dù có bay bổng đến thế nào vẫn luôn hướng về một tâm duy nhất là tư tưởng mà người nghệ sĩ theo đuổi. Dù là người theo Nho giáo hay không theo Nho giáo, họ đều được nuôi dưỡng bởi kiến thức Nho giáo, nên dù muốn hay không, thơ của họ vẫn luôn vận động theo chiều hướng tiến gần đến những phạm trù cơ sở của Nho giáo. Do đó mà hình thành một khuôn mẫu trong tư duy thơ của người xưa.
___________
Tài liệu tham khảo:
1. Thơ văn Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, 1971 (tái bản 1979)
2. Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1976
3. Thơ văn Lý Trần (tập III), NXB Khoa học xã hội, 1978
4. Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn, NXB Giáo dục, 1998.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất