Có một vị sư đã từng nói như thế này: “Bất cứ một ai chưa giác ngộ thì luôn có 4 nỗi sợ lớn trong lòng: sợ chết, sợ nghèo đói, sợ bệnh tật, và sợ cô đơn”. Theo nghĩa đơn giản nhất thì cơ thể sinh học của một người không hoạt động nữa nghĩa là họ chết, vì vậy chúng ta sợ cái chết để không làm những điều nguy hiểm. Nghèo đói thì có những thước đo và có thể đong đếm được, chúng ta sợ sự nghèo đói nên lao đầu vào làm việc, sợ một ngày nào đó ta có một cuộc sống khó khăn, tủi nhục. Bệnh tật thì cũng có thể thấy bằng mắt thường hoặc đo lường được, chúng ta sợ bệnh tật vì nó là một trong những con đường dẫn đến cái chết, và nếu đem tới chúng ta một cuộc sống thiếu chất lượng. Còn cô đơn thì sao? Tại sao chúng ta lại sợ cô đơn? Nó đáng sợ tới mức nào mà có thể đứng ngang hàng với cái chết? Có phải ai cũng sợ cô đơn không? Nhưng mà, vậy cô đơn là gì?
Một chút về lịch sử
Có thể nói dân tộc Việt Nam nói riêng và các dân tộc Á Đông nói chung không quen với việc chia lìa và ở một mình. Vì nền văn minh và cấu trúc xã hội của chúng ta được hình thành từ nền văn minh lúa nước và chăn nuôi là chính. Lúa nước một vụ cày, cấy, trồng, gặt mất một năm và mảnh đất đó cần sức của nhiều người làm việc với nhau ròng rã thì mới đạt được năng suất tối ưu. Các loại thực phẩm từ thịt đa phần là gia cầm, gia súc chăn nuôi như lợn, trâu, gà, vịt. Cho nên, từ xa xưa người Việt chúng ta ở theo từng cụm làng xã, mà rất có thể nhiều người sống cả đời chưa bao giờ bước chân ra khỏi lũy tre làng bao giờ. Từ thế hệ này qua thế hệ kia đều như vậy. Bạn cứ thử tưởng tượng xem, khoảng 4-5 thế hệ trước thôi, các cụ nhà ta đã từng sống như thế đấy. Cái nếp sống “Phép vua thua lệ làng” mà chúng ta vẫn hay nghe kể đấy.
Trong khi đó Châu Âu, cái nôi của nền văn minh phương Tây lại trung thành với lúa mì và săn bắn hơn. Nhất là săn bắt, nó đòi hỏi họ phải di chuyển liên tục từ địa điểm này tới địa điểm khác. Từng gia đình sống riêng lẻ và chuyện di dời là hết sức bình thường. Đó là lý do mà chúng ta hay có cụm từ “ Tây-balo”, chứ không bao giờ nói “Việt-balo” hay “Nhật-balo” cả. Người phương Tây làm gì cũng hay đơn lẻ hoặc nhóm ít người, còn người phương Đông thì quen với việc sống trong cộng đồng hơn. Tôi nói như vậy không phải để bạn so sánh giữa nền văn minh phương Đông hay phương Tây giỏi hơn. Bạn có bao giờ thấy việc hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau lắm khi phiền phức mà xa rồi lại thấy thân thương không? Thật ra chúng ta nên cảm thấy may mắn vì được sinh ra ở một nơi mà cái “Tình làng nghĩa xóm” được đặt lên hàng đầu. Và còn may mắn hơn nữa nếu nơi đó tràn ngập tình thương và sự hài hòa. Tuy nhiên, vì vậy chúng ta cũng phải khẳng định rằng: chúng ta không giỏi trong việc thích nghi với sự cô đơn.
Vậy cô đơn là gì?
Đọc tới đây nhiều người sẽ nghĩ tôi định nghĩa cô đơn là những mối quan hệ bên ngoài. Nhưng với tôi thì lập luận đó có lỗ hổng. Có một số người có vẻ không bao giờ có bạn cả, các mối quan hệ gần như là rất ít và cũng không thân thiết gì. Nhưng họ rất ít khi cảm thấy cô đơn. Trong khi đó có rất nhiều người có vẻ lắm bạn, thân thiết lắm, lúc nào cũng cười cười, nói nói. Nhưng họ lại cảm thấy cô đơn. Như vậy, tôi không định nghĩa sự cô đơn là không có người để bầu bạn, tâm sự, hoặc kết nối. Những người lúc nào cũng lắm bạn nhiều bè lúc nào cũng cười cười, nói nói nhưng chưa chắc là họ có sự kết nối với những người đó. Tôi dám cá là bạn đọc cũng đã từng có những buổi gặp mặt mà ở đó các bạn tỏ ra vui vẻ và nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với những người ở đó, nhưng khi về nhà thì quên sạch và chỉ còn lại trong tâm hồn một chút sự lạc lõng. Trong khi đó những người suốt ngày chỉ ở nhà đọc sách, nghe nhạc họ lại không cảm thấy cô đơn bao giờ. Vì trong lúc đọc sách đó họ hòa mình vào những dòng chữ, kết nối với những nhân vật, cốt truyện, khi nghe nhạc cũng thế. Vậy khi ngồi thiền người ta kết nối với cái gì? Lúc đó, họ kết nối với chính linh hồn và hơi thở của họ. Từng nhịp hít thở đều được kết nối, từng mảnh tâm hồn đều được lắng nghe, từng dòng cảm xúc đều được nhìn thấy. Vì những lẽ đó, tôi cho sự cô đơn là một NHU CẦU KẾT NỐI của TÂM HỒN. Nói nó là nhu cầu bởi tâm hồn của ai cũng cần sự kết nối cả. Nếu không có sự kết nối từ tâm hồn thì chúng ta giống như một đứa trẻ đi lạc vậy: sợ hãi, buồn bực, nóng giận, và cuối cùng là kiệt sức và bất lực. Vì lúc đó chúng ta lạc lõng và bắt đầu cố hết sức để bám víu một bất cứ một thứ gì để thoát khỏi nó. Nhưng cái lý tôi muốn nói ở đây là chúng ta không nhất thiết phải kết nối với những người xung quanh để thỏa mãn nhu cầu kết nối, mặc dù đây là cách phổ biến và dễ dàng nhất. Chúng ta hoàn toàn có thể kết nối với kiến thức, công việc, thiên nhiên, thú nuôi, hoặc là chính bản thân chúng ta.
Chúng ta nên làm gì khi cô đơn? Lúc thiền sư Thích Nhất Hạnh (một vị thiền sư khá nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế) viên tịch, nhan nhản trên các dòng tin tức là cuộc đời của Ngài, triết lý, chức vị, thậm chí là những đồn thổi. Bất chợt một câu hỏi lóe lên trong đầu tôi: “Một người đức cao trọng vọng như Ngài, hiểu được lý lẽ nhân sinh nhiều như thế, tu hành tinh tấn như vậy. Liệu lúc còn sống Ngài có bao giờ cảm thấy cô đơn không?” (Nếu bạn là Phật tử và cảm thấy câu hỏi này làm bạn khó chịu thì hãy bỏ qua phần này nhé, đây chỉ là sự tò mò ngu ngốc của mình thôi chứ không hề có ý xúc phạm đạo Phật). Nói rộng ra nữa, thì các sư thầy, ni cô hay các cha sứ bên đạo Chúa đều là những người hiểu sâu rộng về nhân sinh và con người, họ có bao giờ cảm thấy cô đơn không? Nếu theo đúng những gì mà vị sư mình đã nói ở phần mở đầu thì bất cứ ai chưa thành chánh quả đều sợ cô đơn cả, có lẽ sự cô đơn cũng không tha thứ cho những bậc chân tu. Hiểu nó như một lẽ tự nhiên, ai rồi cũng chết, ai rồi cũng có lúc đói, ai rồi cũng bệnh, và ai rồi cũng cô đơn thôi. Tôi nghĩ sự khác biệt giữa các bậc chân tu, không kể là tôn giáo nào, và người thường đó là: họ biết cách lắng nghe tâm hồn và ứng phó với nó. Họ cũng có nhu cầu kết nối, và họ kết nối nó với những bậc đồng tu khác, với tôn giáo của họ, với những câu kinh, và đặc biệt nhất là họ kết nối được với chính linh hồn của họ. Tôi không dám nói là tôi hiểu được các bậc đại tri thức. Tôi chỉ muốn cho mọi người biết là cô đơn giống như cái chết vậy, không chừa cho một ai cả. Ai trong đời mà không có lúc lạc lõng cô đơn đâu? Sự khác biệt nằm ở chỗ cách chúng ta nhìn nhận, phân tích, và phản ứng với nó.
Cô đơn có thể gây ung thư!
Vâng, có rất nhiều mặt báo và “dẫn chứng khoa học” giật tít bằng cách gán cho sự cô đơn một cái nghĩa tiêu cực và xấu xa. Rằng là khi cô đơn người ta hay đâm đầu vào những thói hư, tật xấu và xem nó như một căn bệnh. Tuy nhiên tôi nghĩ cô đơn giống như cơn đói vậy. Chúng ta cảm thấy đói, ta tìm thứ gì đó để ăn. Chúng ta cảm thấy cô đơn, ta tìm một thứ gì đó để kết nối. Nỗi sợ và sự thiếu thốn nói một cách đơn giản là động lực, còn tâm trí và tư tưởng là kẻ dẫn đường cho động lực đó. Ví dụ cho dễ hiểu thì sự cô đơn giống như hai bánh sau của xe ô tô vậy, cô đơn nhiều thì càng thúc giục xe đi về phía trước, còn tâm trí của bạn như hai bánh trước, đi đâu thì bạn là người điều khiển.
Cô đơn thường bị gán một cái nghĩa tiêu cực vì chúng ta ít khi thảo luận về nó, nhìn nhận nó luôn ở một nơi sâu thẳm nào đó trong tâm hồn. Cho nên khi nhu cầu đó dâng lên, chúng ta luống cuống và không có một cách ứng phó thích hợp nhất. Từ đó, chúng ta đi tìm bất cứ thứ gì có thể thỏa mãn nhu cầu tâm lý ngay tức khắc. Tóm lại, tôi không cho cô đơn là tốt hay xấu, cách nhìn nhận và phản ứng của chúng ta đưa tới những kết quả khác nhau vậy thôi. Cô đơn nói đơn giản chỉ là cô đơn.
Một người bạn của tôi là Phật tử, hằng đêm đọc kinh niệm Phật, và rất am hiểu về đạo. Một tối đang ngồi nói chuyện nó cười và bảo tôi rằng: “Ê tao thấy cũng lạ, sao bạn tao đa số là Phật tử và những người hay sân si ít khi chơi với tao lắm”. Tôi cười trả lời nó rằng: “Thì gió tầng nào gặp mây tầng đó vậy thôi. Mày đọc kinh sách nhiều, con người của mày cũng trở nên như vậy, nên những người cùng hệ tư tưởng và niềm tin sẽ dễ gần mày hơn, còn những người hay sân si thì dù có chơi với mày đi nữa dần dần cũng sẽ thấy điểm khác biệt và xa lánh nhau thôi. Ví dụ như người hay ăn chơi cũng sẽ có những người bạn như thế, người ham học cũng sẽ có những người bạn như thế”. Nhu cầu kết nối của tâm hồn có thể khiến con người thay đổi chính bản thân họ để được kết nối. Nó có thể là thay đổi theo mặt tích cực hoặc tiêu cực, tuy nhiên tôi không cho đây là một ý hay. Chúng ta hoàn toàn có thể nhìn nhận lại và thay đổi chính con người của chúng ta theo hướng mà chúng ta mong muốn. Quá trình này sẽ khiến chúng ta mất đi những mối quan hệ đang có hoặc mối quan hệ cũ. Nhưng dần dần, chúng ta sẽ thích hợp với những bạn mới mà người đó hợp với hệ giá trị mà chúng ta đạt được. Từ đó sự kết nối sẽ trở nên chặt chẽ, theo cách mà chúng ta muốn. Ví như trái đất hay mặt trăng đều đã từng là những ngôi sao đơn lẻ, nhưng khi lực hấp dẫn của cả hai cuộn lấy nhau thì mặt trăng bắt đầu quay quanh trái đất. Đó là lý thuyết cơ bản của luật hấp dẫn. Lời khuyên của tôi ở đây là: thay vì đi tìm những kết nối, hãy tìm cách thay đổi tư duy và con người bạn. Với một biên độ đủ cao và tầng số nhất định, những mối liên kết sẽ dần quấn lấy bạn.
Một chiều mưa đông nọ, bên cốc cà phê nóng, một người bạn nói tôi thế này: “Nếu đã hiểu sự cô đơn là gì, và nếu có cơ hội thì đừng chọn sống một cuộc đời cô đơn”. Đây chắc chắn là một trong những lời khuyên mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Không phải vì nó có ý nghĩa sâu xa hay trong một hoàn cảnh éo le nào cả. Nó thật tế, và thật lòng. Hôm nay tôi giúp các bạn một quãng trên con đường hiểu về sự cô đơn. Có lẽ bạn sẽ có nhiều ý nghĩ hay hơn nữa để hiểu rõ hơn về nó. Còn phần có cơ hội chọn hay không và chọn như thế nào còn là tùy vào từng cá nhân. Với kiến thức hạn hẹp của tôi thì chỉ giúp các bạn được tới đây thôi vậy.
Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo
Tôi là ai? Mà còn ghi dấu lệ?
Tôi là ai mà còn trần gian thế...
Tôi là ai? Là ai? Là ai?
Mà yêu quá đời này.