Năm tôi 18 tuổi, để chuẩn bị cho việc đi học xa nhà, tôi mở tài khoản ngân hàng đầu tiên của mình. Chiếc thẻ đầu tiên tôi cầm trên tay là một thẻ ATM bằng nhựa, với dãi thẻ từ đằng sau và tên tôi in ở mặt trước, được phát kèm theo tài khoản mà không có lời giải thích nào. Trong một thời gian dài, thẻ ngân hàng đồng nghĩa với chiếc thẻ có thể bấm mấy mã số rồi rút tiền ở máy ATM đó.
Sau này, tôi nghe về thẻ tín dụng, về thẻ Visa, thẻ Mastercard, rồi lờ mờ nhìn những người lớn xung quanh nói về việc đi nước ngoài phải có thẻ này, thẻ kia, rồi thì có thể bị mất phí, bị đòi nợ. Ở xung quanh tôi, những quảng cáo về thẻ tín dụng xuất hiện nhan nhản, hết lời ca ngợi về chiếc thẻ thần kỳ có thể thoải mái chi tiêu. Tôi ngờ ngợ rằng những gì mình nghe có phải là đúng, hay chỉ là chiêu trò để dụ khị khách hàng.
Tất nhiên ai cũng có một thời ngu ngơ. Nhưng sự thật là, có rất ít thông tin cho những vị khách hàng mười tám xuân xanh về một trong những phát minh tuyệt vời nhất của ngành tài chính: thẻ ngân hàng. Một chiếc thẻ nhựa là chìa khóa để sử dụng tiền ở mọi lúc, mọi nơi! Sẽ thật tiếc nếu bạn ngần ngại sử dụng thẻ chỉ vì không hiểu rõ về nó.

Về cơ bản, có 2 loại thẻ chính: Thẻ ghi nợ (Debit Card)Thẻ tín dụng (Credit Card)

Thẻ ghi nợ (Debit Card) - Có bao nhiêu, xài bấy nhiêu

- Thẻ ghi nợ (Debit Card) là chiếc chìa khóa để bạn sử dụng tiền từ trong tài khoản của mình. Chỉ đơn giản là như vậy. Trong tài khoản bạn có bao nhiêu tiền, bạn có thể dùng thẻ ghi nợ để rút, chuyển, thanh toán tối đa bằng với số tiền đó. Việc trừ tiền khỏi tài khoản gọi là giao dịch ghi nợ (Debit) - chứ không liên quan gì đến việc vay nợ đâu.
Ví dụ: Tài khoản bạn hiện đang có 100,000 VND, vậy bạn có thể xài thẻ ghi nợ để rút tối đa là 100,000 VND.
- Nếu bạn không có tiền trong tài khoản, bạn không thể dùng thẻ ghi nợ được nữa. Nói cách khác, khi chiếc kho đã rỗng, thì dù bạn có dùng chìa khóa mở cửa kho ra cũng không lấy được gì thêm để dùng.
- Chiếc thẻ ghi nợ đơn giản nhất mà gần như ai cũng sẽ có là thẻ Ghi nợ Nội địa, hay còn gọi là thẻ ATM.
Thẻ ATM = Dùng cho việc rút tiền [ghi nợ] + tại các máy ATM ở Việt Nam [nội địa].
Trước đây thẻ ATM thường chỉ rút tiền được ở máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ đó. Hiện nay, phần lớn thẻ ATM của các ngân hàng đã có thể rút tiền ở máy của nhiều ngân hàng khác nhau, thông qua hệ thống của tổ chức liên minh NAPAS - nơi các ngân hàng tham gia vào mạng lưới chung để thuận tiện liên kết các máy ATM với nhau.
Tiên tiến hơn, một số ngân hàng cung cấp thẻ Ghi nợ Quốc tế, hay còn gọi là thẻ thanh toán quốc tế (International Debit Card).
Thẻ Thanh toán quốc tế = Dùng cho việc rút tiền [ghi nợ] + tại các máy ATM ở Việt Nam và các nước trên thế giới [quốc tế].
Vậy làm cách nào chiếc thẻ của một ngân hàng ở Việt Nam có thể rút tiền tại một quốc gia khác? Đó chính là công việc của các "Tổ chức thanh toán quốc tế", mà chúng ta đã từng nghe qua như Visa, Mastercard... Như vậy, việc có Logo của Visa hay Mastercard in trên chiếc thẻ không có nghĩa là đây là thẻ tín dụng. Nếu đó vẫn là thẻ ghi nợ (Debit Card), thì bạn vẫn chỉ có thể xài tối đa số tiền có trong tài khoản, chỉ khác chăng là có thể xài ở nước ngoài (quốc tế) mà thôi.
Để có thẻ ghi nợ, tất cả những gì bạn cần là một tài khoản ngân hàng. Đơn giản vì chiếc thẻ này chỉ cho phép bạn xài tiền có trong tài khoản, nên nó gần như là 1 sản phẩm phụ kèm theo khi mở tài khoản. Một số ngân hàng sẽ thu phí khi bạn muốn dùng thẻ Thanh toán quốc tế, nhưng phần lớn các ngân hàng sẽ miễn phí khi phát hành thẻ ATM cho bạn.

Thẻ tín dụng (Credit Card) - Xài trước, trả sau

- Với thẻ tín dụng, bạn không cần phải có tiền trong tài khoản ngân hàng. Trên thực tế, thậm chí bạn còn không cần phải mở tài khoản tại ngân hàng. Ngân hàng sẽ cho bạn 'mượn trước' một số tiền nằm trong thẻ, gọi là hạn mức tín dụng (Credit) của bạn. Bạn sẽ được tiêu xài trong hạn mức đó, cho đến khi hạn mức chạm đến 0.
Ví dụ: Bạn được cấp hạn mức 40 triệu VND. Bạn có thể mua sắm, rút tiền, thanh toán... bằng thẻ tín dụng đó trong vòng 40 triệu VND, ngay cả khi trong tài khoản thanh toán không hề có tiền.


- Rõ ràng, đây là một cách cho vay ngắn hạn của ngân hàng. Sau một số ngày nhất định (thông thường là 30 ngày), ngân hàng sẽ thông báo cho bạn biết bạn đang nợ ngân hàng bao nhiêu tiền, và trong vòng một số ngày nhất định (thường là 15 ngày), bạn có thể trả số nợ đó mà không tốn bất cứ chi phí nào. Số tiền mà bạn trả sẽ được hoàn lại vào hạn mức tín dụng của bạn.
Ví Dụ: Bạn đã sử dụng 20 triệu VND từ hạn mức 40 triệu VND của mình. Hiện tại, hạn mức của bạn còn lại 20 triệu VND. Nếu bạn thanh toán (bằng cách nạp tiền của bạn) vào thẻ tín dụng, hạn mức của bạn sẽ lại được tăng tương ứng.


- Tuy nhiên, nếu bạn không trả đủ số tiền, thì số tiền bạn nợ ngân hàng sẽ được tính lãi đấy, và lãi suất của thẻ tín dụng thường khá cao. Đây cũng là cách ngân hàng kiếm tiền từ thẻ tín dụng, ngoài việc thu phí.
- Nhắc đến thẻ tín dụng, không thể không nhắc lại Master Card, Visa, JCB... tóm lại là các tổ chức thanh toán thẻ quốc tế. Vì phần lớn thẻ tín dụng chỉ hữu dụng khi các bạn mua sắm toàn cầu, nên các thẻ tín dụng phổ biến tại Việt Nam đều là thẻ tín dụng quốc tế. Do đó nhiều người hay gọi thẻ tín dụng là thẻ Visa hay thẻ Mastercard, dù trên thực tế, thẻ Ghi nợ (Debit Card) cũng có thể là thẻ của Visa hoặc Mastercard.
- Để có thẻ tín dụng, trước hết bạn phải được Ngân hàng tin tưởng là có thể trả nợ. Do đó ngân hàng thường sẽ kiểm tra khá nhiều thông tin của bạn, ví dụ như công việc, thu nhập từ lương, thu nhập hàng tháng... để quyết định hạn mức tín dụng có thể cấp cho bạn.
Xem bài viết gốc tại: