From this distant vantage point, the Earth might not seem of any particular interest. But for us, it's different. Consider again that dot. That's here. That's home. That's us. On it everyone you love, everyone you know, everyone you ever heard of, every human being who ever was, lived out their lives. The aggregate of our joy and suffering, thousands of confident religions, ideologies, and economic doctrines, every hunter and forager, every hero and coward, every creator and destroyer of civilization, every king and peasant, every young couple in love, every mother and father, hopeful child, inventor and explorer, every teacher of morals, every corrupt politician, every "superstar," every "supreme leader," every saint and sinner in the history of our species lived there--on a mote of dust suspended in a sunbeam. The Earth is a very small stage in a vast cosmic arena. Think of the rivers of blood spilled by all those generals and emperors so that, in glory and triumph, they could become the momentary masters of a fraction of a dot. Think of the endless cruelties visited by the inhabitants of one corner of this pixel on the scarcely distinguishable inhabitants of some other corner, how frequent their misunderstandings, how eager they are to kill one another, how fervent their hatreds. Our posturings, our imagined self-importance, the delusion that we have some privileged position in the Universe, are challenged by this point of pale light. Our planet is a lonely speck in the great enveloping cosmic dark. In our obscurity, in all this vastness, there is no hint that help will come from elsewhere to save us from ourselves. The Earth is the only world known so far to harbor life. There is nowhere else, at least in the near future, to which our species could migrate. Visit, yes. Settle, not yet. Like it or not, for the moment the Earth is where we make our stand. It has been said that astronomy is a humbling and character-building experience. There is perhaps no better demonstration of the folly of human conceits than this distant image of our tiny world. To me, it underscores our responsibility to deal more kindly with one another, and to preserve and cherish the pale blue dot, the only home we've ever known. - Carl Sagan
The Pale Blue Dot - Chấm xanh mờ nhạt
The Pale Blue Dot - Chấm xanh mờ nhạt
Hãy bắt đầu từ đây.
Ngày 14 tháng 2 năm 1990, Voyager 1 của NASA đã đi được quãng đường dài khoảng 5,8 tỉ kilomet và chụp một bức hình của Trái Đất, bức hình sau đó được đặt tên là Chấm Xanh Mờ Nhạt (The Pale Blue Dot) bởi giáo sư Carl Sagan. Voyager 1 được phóng đi vào ngày 5 tháng 9 năm 1977, sau 13 năm trôi dạt đằng đẵng với vận tốc chóng mặt trong không gian vô định, để đến được vị trí đó, điểm dừng cách Trái Đất 5,8 tỉ kilomet và chụp cho Trái Đất một kiểu ảnh.
Voyager 1
Voyager 1
Sau đó, camera của Voyager 1 đã được tắt đi để tập trung toàn bộ năng lượng cho chuyến đi của mình. Tính từ lúc đó, nếu mọi thứ vẫn ổn định, Voyager 1 là tạo vật duy nhất của văn minh nhân loại, mang trên mình những tài liệu được in trên một chiếc đĩa vàng bao gồm một vài bài hát quốc tế, lời chào trong 59 ngôn ngữ, tiếng gió thổi, tiếng đại dương xanh và trôi dạt được quãng đường cách Trái Đất xấp xỉ 22,3 tỉ kilomet – xa nhất có thể.
Giả sử, có một phi công đã trải qua một chương trình huấn luyện vô cùng khắc nghiệt, ông có thể chất vượt trội so với nhân loại và mang trọng trách “sống cùng” với chiếc tàu vũ trụ kia (thêm điều kiện môi trường tự tái tạo trên Voyager 1 cho phép ông ấy sống đến tận… 1000 tuổi), thì ông đã được chứng kiến vô vàn những thứ tri thức màu mỡ, những khung cảnh lạ kì đen thẫm dưới ánh sáng mờ phát ra từ các vì sao chẳng ai biết tên, một chuyến hành trình cô độc, vượt xa tầm hiểu biết của nhân loại về... nhân loại. Ông ấy rồi sẽ bắt đầu thích thú với những tri thức mở ra trước mắt mình, đắm chìm và trôi dạt đến cả dải ngân hà khác nữa, và nếu đủ may mắn, có khi lại gặp được một giống loài mới ở đó. Họ sẽ mày mò về cái đĩa vàng trên Voyager 1, mày mò về loài người và có khi cũng mày mò về câu hỏi thế nào là sống như một con người?
Nếu chúng ta tự hỏi mình câu này "thế nào là sống như một con người", đó là một câu hỏi về một tiêu chuẩn được thiết lập bởi con người dựa trên một khái niệm được tạo ra bởi con người, và dĩ nhiên được trả lời bởi… con người. Nếu "triệu hồi" được tất cả cá thể người từng sống trên Trái Đất tính từ khi con người bắt đầu có ngôn ngữ và yêu cầu họ trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ có được khoảng 108.760.543.791 (theo số liệu năm 2019 của PRB, trừ hao hụt sai số các kiểu) câu trả lời không-giống-nhau-lắm tương ứng với từng người. Chà, một câu hỏi cũng khoai đấy, có thể sau khi gõ xong bài này mình sẽ tìm ra câu trả lời chăng?
Trong thế giới của George R. R. Martin, để sống như một con người, cậu phải ra trận, phải sống chết với gia huy của gia tộc mình. Cậu phải trang bị cho mình những kĩ năng sinh tồn với cả tháng ngày dài giá rét nếu trên ngực áo cậu là đầu của một con sói lấp lánh ánh bạc. Cậu phải gầm rống vang vọng núi rừng, tóc cậu phải dài và xoắn đến giữa lưng, dính bết trên lớp da sạm nâu nếu như full-time job của cậu là cưỡi ngựa – cầm rựa và đi chặt đầu những tên khác. Nếu chẳng thuộc gia tộc nào cả, hãy sống cống hiến cho lãnh chúa của mình để giữ cho cái đầu được nằm yên trên cổ.
Trong suy nghĩ của cậu Thỏ Jojo, sống như một con người thực thụ thì phải xung phong ở chiến tuyến to nhất, nóng nhất và nhiều súng đạn nhất của Đức Quốc Xã, phục vụ cho lí tưởng vĩ đại của quốc trưởng Hitler. Dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Quốc trưởng, phải tin tuyệt đối những lời ngài nói, phải tuân theo mọi mệnh lệnh ngài đưa ra, và hơn nữa, đừng nghi hoặc về thứ ngài đang theo đuổi.
Trong bối cảnh Việt Nam giai đoạn sau Giải phóng, giống lúa “siêu phàm” IR36 sau một mùa lũ đến Cần Thơ đã chết sạch. Vào những năm 80 của thế kỉ XX, cầm trong tay 8 hạt lúa quý báu được gửi tặng trong một cái phong bì nhỏ từ ông Ba Xuân (tức Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường ĐH An Giang từ năm 2000 – 2008), ông Võ Văn Chung, hay ông Hai Chung, biến chúng thành 7 bụi lúa. Ông học hỏi và tìm cách nhân giống nó theo cấp số nhân. Sau thời gian ngắn, IR36 phủ kín 32 công ruộng của ông Giống lúa “khỏe như vâm” kháng được rầy nâu và sâu bệnh được hàng nghìn người từ khắp các tỉnh Đồng bằng Nam Bộ đến tìm mua, và mua bằng vàng, rất nhiều vàng. Ông không bán, ông cho, ai ông cũng cho một giạ lúa giống để làm. Nếu như ở Thái Bình có “chị hai Năm Tấn” với năng suất vào năm 1965 là 5 tấn/ha thì trong vòng 3 năm từ 1977 đến 1979, ông Hai Chung đã cho trên 3.000 giạ lúa giống kháng rầy, tương đương với 60 tấn lúa giống, mà giả tưởng nếu ông là một siêu anh hùng mặc áo choàng, tấm áo của ông sẽ vàng óng màu lúa và thêu chữ “Nông dân siêu hạng” với thành tích đưa cả vùng đồng bằng Nam Bộ thoát khỏi cảnh khủng hoảng lương thực. “Nông dân như Hai Chung khó tìm lắm”, đó là lời khen tặng của Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho ông nông dân hết mực cống hiến cho nền Nông nghiệp nước nhà, mà để đánh giá cho khách quan, có lẽ ông đã sống hơn kì vọng của một con người về con người – dựng nên chuẩn mực huyền thoại của ông Hai Lúa lưu truyền.
Ông Hai Chung
Ông Hai Chung
Nếu cùng nghiệm thật kĩ việc sống như một con người thành một giá trị có thể lí giải được, phải chăng ít nhiều trông nó cũng giống lí tưởng sống của một con người. Lí tưởng sống của một người ít nhiều có bị tác động bởi kì vọng của thời đại, của xã hội, của đất nước nơi họ đang sống, của những trải nghiệm và câu chuyện mà họ từng kinh qua, của tri thức mà họ từng thấu đạt, tính luôn những tai nạn hy hữu mà họ vô tình gây ra hay va phải trên đường từ chỗ làm về nhà nữa.
Một số người chọn cho mình một lí tưởng để theo đuổi cả đời, số khác thì không.
Một số người vì những vòng vèo, chùng chình ẩn hiện trong cuộc sống mà đành đánh đổi đôi ba cái sở thích để rướn mình về tương lai phía trước, số khác thì không.
Một số người bác bỏ lí tưởng sống của người khác và cố thuyết phục chung quanh rằng hãy cùng theo đuổi với tôi thứ mà lí trí của tôi đang mách bảo, để rồi ngày kia nhận ra rằng thứ hắn đang theo đuổi vừa vỡ tan ra trước mắt.
Một số người nhìn cái lí tưởng của mình treo lủng lẳng trên đầu trong khi họ đang loay hoay tìm cách leo lên từng nấc thang của cuộc đời với cánh tay bám víu ở bên dưới. Họ leo một bậc, tuột hai bậc và cứ mãi ngơ ra nhìn. Có thể ngày kia họ sẽ nhận ra mình không thể leo được nếu cứ bị bám thế này, hoặc họ từ bỏ hẵn vì nghĩ rằng mình quá nhỏ bé hay yếu ớt để leo tiếp.
Một số người còn chẳng thèm có lấy một cái lí tưởng gì cao đẹp, chỉn chu. Họ gặp biến cố xảy ra trong đời, rồi họ ngừng phấn đấu hẳn. Có lẽ họ còn sức, nhưng đủ sức chỉ để ăn cá mà người khác cho, chứ ném cho họ cái cần câu, có khi họ cũng chẳng còn đủ thời gian để chờ mặt nước đánh động nữa.
Chúng ta đều khác biệt, nhưng giống ở chỗ rồi ai cũng phải chết cả.
Chấm xanh mờ nhạt của chúng ta đã 4.5 tỉ năm tuổi, nó sẽ sống tiếp cuộc đời của nó trong vòng 50 năm, 100 năm, 1000 năm nữa. Hành tinh của chúng ta là đơn độc trong màn đêm vô chừng. Tất cả gia đình đang sống đều sẽ chết, tất cả những vị lãnh đạo tài ba và ưu tú, tất cả những vị CEO hàng đầu của thế hệ này đều sẽ thành cát bụi. Hệ thống này rồi sẽ sụp đổ, kéo theo hệ thống kia sụp đổ, rồi hệ thống nọ sẽ sụp đổ. Tất cả Boomer, Millennials, Centennials rồi cũng sẽ thành lớp bụi nền tiếp theo của Trái Đất. Voyager 1 rồi ngày nào đó sẽ hết... pin, thằng em Voyager 2 rồi cũng sẽ ngừng hoạt động, trong cô độc, lạc trôi giữa không gian vô định rộng lớn. Chúng ta, những cá thể nhỏ bé trên chấm xanh này không cần thiết phải kinh qua sự đơn độc tồi tệ đó. Nhưng hình như là chúng ta đơn độc, đơn độc trong lí tưởng của chính mình, ai cũng vậy thì phải.
Chúng ta sống cùng với nhau trong một vùng lãnh thổ, nhưng dường như chưa quan tâm đến nhau thật đủ. Chúng ta có nhau trên tinh cầu này, nhưng dường như chưa từng sống như một thể thống nhất.
Vậy ra, sống như một con người, với mình, là sống vì con người, vì loài người.
Teehee.