The Shape of Water – Bộ phim hoàn hảo ghép từ những mảnh đời không hoàn hảo. Ngay từ lần đầu tiên xem trailer bộ phim, mình đã cực kì cực kì mong đợi phim này. Từ nhân vật đến từng cảnh quay, nước phim, đều làm mình mong đợi. Và phim không hề phụ lại lòng mong đợi của mình. Phim đẹp, rất đẹp, nhưng cái vẻ đẹp ấy để lại cho mình nỗi buồn vô hạn. Mình không thích tựa đề tiếng Việt của phim – Người đẹp và Thủy quái, vì thứ nhất, chị diễn viên chính không hề đẹp, dáng người tầm tầm, không ngực nở mông cong, không trẻ măng căng tràn nhựa sống, mà là một cô gái rất bình thường như mọi cô gái khác, thậm chí có phần khuyết thiếu. Thứ hai, tựa đề không nói lên hết được ý nghĩa của cả bộ phim. Lí do là gì, mình sẽ từ từ giải thích. (Warning: spoiler)
Tại sao mình lại nói The Shape of Water là một bộ phim hoàn hảo được ghép từ những mảnh đời không hoàn hảo? Đơn giản lắm, nhìn lại toàn bộ tuyến nhân vật trong phim, ai cũng là chính và ai cũng là phụ. Ai cũng có một nỗi đau, một khuyết thiếu cho riêng mình và không dám đứng lên vì nó. Elisa bị câm, là một cô nhi và cũng là một cô gái đơn độc. Giles, người đàn ông già đồng tính, thầm thích chàng trai làm ở quán ăn nhanh và sống cùng một đàn mèo. Zelda đã có chồng, chị là người da màu và luôn chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Tiến sỹ Hoffstetler là gián điệp Nga. Còn Strickland – người đóng vai kẻ xấu trong phim, cũng là con người tội nghiệp nhất. Ngoài ra còn những nhân vật khác không tên, nhưng lại góp phần vẽ nên toàn cảnh nước Mỹ thời thế chiến thứ Hai quá chân thực. Tiết tấu phim nhẹ nhàng lắm, không có những cảnh hoành tráng như The Greatest Showman, cũng không đau xé lòng như The Danish Girl, mà cứ bình bình. Nhưng chính cái bình lặng ấy, bình lặng giống như mặt nước của con kênh, như màu xanh thẳm của hóa chất trong phòng thí nghiệm, lại nhấn chìm mình trong nỗi buồn không ngớt.
Elisa, một cô gái bình thường như bao cô gái khác. Cô không có nhan sắc, không có tài năng, cũng không có giọng nói, chỉ là một cô gái đơn độc thiếu thốn tình thương. Mỗi ngày với cô trải qua rất bình lặng, ngủ dậy, luộc trứng, làm bữa ăn, “động chạm” bản thân trong bồn tắm, cọ bóng đôi giày và đi làm. Chắc cuộc đời cô cũng sẽ mãi bình lặng như thế nếu không có sự xuất hiện của anh – người con của nước rừng Amazon, “thủy quái” không tên không tuổi. Nếu ban đầu cô tiếp cận anh vì tính hiếu kì, thì sau này cô đến với anh vì tình yêu. Yêu là gì? Cô không hoàn hảo, không hề hoàn hảo. Cô dùng cử chỉ để biểu lộ bản thân mình. Có ai nghe thấy tiếng cô không? Tiếng chân cô vui vẻ gõ theo người nghệ sĩ trên chiếc TV cũ mèn đen trắng, tiếng cô giật mình hốt hoảng lần đầu tiếp xúc với anh, tiếng cô nấc nghẹn khi cố gắng thuyết phục người bạn già cứu lấy anh, hay tiếng cô ê a hát theo lời bài hát, biểu lộ tình yêu của mình dành cho anh. Giọng nói mãnh liệt từ trái tim cô, ai đã từng bắt được? Giọng nói của cô, toát ra từ những cử chỉ tay – ngôn ngữ của người câm, từ cách cô ăn mặc – đôi giày đen, bộ quần áo xám xịt chuyển qua màu đỏ rực ấm áp, từ cách cô trân trọng anh. Cô có đau không? Có chứ, ai mà không đau khi nhìn người yêu mình ngày một yếu dần, khi phải đếm từng ngày từng giờ đến lúc rời xa nhau, khi nằm trên lồng ngực vững chắc mà nghe tiếng tim anh đập ngày một yếu dần. Từ một cô gái cô độc khép kín, cô đã chuyển mình mạnh mẽ để ở bên anh. Ai có thể hiểu được sự cô đơn trống trải trong căn phòng trọ ẩm mốc, của sự bất lực khi không thể nói ra lời, của những mặc cảm bởi sự thiếu sót của bản thân.
“Khi anh ấy nhìn tôi, cái cách anh ấy nhìn tôi… Anh ấy không biết, tôi thiếu sót những gì…  Hoặc, tôi không hoàn hảo. Anh ấy nhìn tôi là tôi. Anh ấy hạnh phúc khi nhìn thấy tôi. Mỗi lần. Mỗi ngày…”
Tình yêu là gì? Như với cô, tình yêu đơn giản lắm, chẳng cần những lời ngọt ngào trao nhau, chẳng cần những thề non hẹn biển. Yêu đơn giản chỉ là anh nhìn thấy cô, một cô gái hoàn hảo, vẹn nguyên trong mắt anh, thế là đủ. Cô chẳng cần cao sang, chẳng cần những tiền tài danh vọng, nhà cao cửa rộng, cô cần anh. Mình nhớ mãi cảnh hai người trong nhà tắm. Cả hai trần trụi, quấn lấy nhau trong cái phòng tắm chật hẹp đầy những nước. Cô hít một hơi, chìm xuống làn nước trong vắt, mỉm cười, rồi cả hai ôm lấy nhau. Trong giây phút ấy, giữa làn nước ấy, cả thế giới tĩnh lặng, chỉ có hai người, im lặng ở bên nhau. Thế là đủ. Trong giây phút ấy, cô không còn là cô gái câm nữa, mà cô hoàn hảo và xinh đẹp, cô có anh. Tình yêu chỉ cần như vậy thôi. “When we met the right ones, time stops.” (Big fish). Một tình yêu thuần khiết giữa những bon chen, đấu tranh gay gắt của xã hội lúc bấy giờ.
Tại sao lại nói Strickland là kẻ đáng thương nhất? Strickland “tên chống nạnh đứng tiểu” ấy cũng chỉ là con tốt thí, là kẻ phải làm hết những dirty work của cấp trên. 13 năm làm việc dưới trướng tay thượng úy, vậy mà hắn sẽ hứng chịu mọi thứ tồi tệ nhất chỉ vì một sai lầm. Hắn cũng chỉ là một người đàn ông bình thường, trước mặt có công việc, sau lưng có vợ con. Hắn làm mọi thứ chỉ để mang lại cho gia đình mình một căn nhà đẹp đẽ, một chiếc xe sang trọng, làm tấm gương tốt cho con cái và không bao giờ mang công việc về nhà. Rõ ràng trong mắt vợ và con hắn, hắn là một người đàn ông hoàn hảo, tốt đẹp nhất. Nhưng chính vì những mong muốn của cải vật chất đã đẩy hắn vào vai một kẻ xấu xa. Hắn đâu có thích công việc đó, chính vì thế hắn nhìn anh như một con quái vật xấu xí, một trò đùa của Chúa, hắn trút giận lên anh, để khi về nhà, hắn lại trở thành một người chồng, người cha mẫu mực. Hắn, xét cho cùng, cũng chỉ là con tốt trong ván cờ của nước Mỹ và Nga trong cuộc chiến tranh giành quyền lực. Hắn và cả Hoffstetler, đều là những con tốt mà thôi. Tuy hai người có mục đích khác nhau, nhưng kết cục cũng chẳng khác gì nhau, một cái chết đau đớn mang danh vì tổ quốc. Hoffstetler đã nhìn thấy tương lai, nhìn thấy nét đẹp trong con quái vật, và đấu tranh vì nó, cũng vì những tiến bộ trong khoa học để mang về cho tổ quốc kiến thức. Nhưng chính những kẻ quan chức, lại mù quáng vì danh hiệu, vì chiến tranh, mà không thấy được đất nước mình cần gì.
Nhưng bộ phim đâu chỉ ẩn những đấu tranh vũ trang giữa các nước, nó còn khắc họa cả những đấu tranh vì quyền sống, quyền bình đẳng của cả phụ nữ và người da màu. Và đó là lúc Zelda cùng những người da màu không tên điểm tô những nét trầm cho bộ phim đầy màu sắc. Ngay từ đầu phim, những người da màu hiện lên với vai trò nhân công, những người làm thuê cho chính quyền da trắng. Trong cả khu nghiên cứu ấy, không hề có bóng dáng trí thức người da màu. Đơn giản là vì họ không có tiếng nói, không có làn da trắng, nên họ không có vị trí trong xã hội. Những con người ở đáy xã hội đó tụ tập lại với nhau, cùng nhau hút thuốc, chăm sóc quan tâm, trêu ghẹo lẫn nhau trong mấy phút nghỉ giải lao với cái camera bị chỉnh góc. Zelda, người phụ nữ da màu ấy, luôn quan tâm tới Elise, thay một người chị gái mà yêu thương cô. Chị ngăn cô khi cô mắc sai lầm, mà cũng che chở cô khi cô vướng vào rắc rối. Mọi người ai cũng có quyền sống, có quyền yêu thương, vậy tại sao người da màu lại phải chịu khổ cực như vậy? Zelda đại diện cho lớp người phụ nữ mạnh mẽ can đảm, dám đứng lên chống lại những luật lệ của xã hội. Nếu vợ của Strickland là một người vợ Mỹ kiểu mẫu, luôn tươi cười khi chồng về, chăm lo các con, ăn mặc thời thượng, giải quyết nhu cầu sinh hoạt vợ chồng một cách ý nhị. Thì Zelda dám phá luật giúp đỡ Elisa, mắng ngược lại người chồng vô dụng, thoát khỏi những xiềng xích của người phụ nữ. Chị đã từng nhẫn nhịn, nhẫn nhịn cho cuộc hôn nhân không đổ vỡ, nhẫn nhịn những lời xỉ nhục của đàn ông, và khi chị không nhẫn nhịn được nữa, chị nổi dậy. Tuy chỉ là lời quát lại người chồng tưởng chừng rất đơn giản, nhưng với bối cảnh thời ấy, Zelda thực sự đã phá bỏ định kiến về người phụ nữ chỉ có thể phụ thuộc vào đàn ông, tự mình làm những gì mình cho là đúng.
Có một câu nói của Giles mà mình không thể không suy nghĩ: “Tôi nghĩ rằng mìn sinh quá sớm, hoặc quá muộn với thời đại của mình rồi.” Sinh quá sớm, vì ông là một người đồng tính, mà với xã hội Mỹ lúc ấy, đồng tính là một tội ác đi ngược lại lời răn dạy của Chúa. Ông không dám theo đuổi tình yêu, vì tính hướng của mình. Sinh quá muộn vì khi ông nhận ra, thì tuổi trẻ đã vụt qua mất rồi, để lại nuối tiếc vì không thể sống một cách trọn vẹn. Chính bản thân mình cũng đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Thử hỏi trong thời đại hiện nay, ai dám chắc mình đã sinh ra đúng thời điểm, mình đã sống đúng hiện tại, hay mỗi phút mỗi giây ước rằng mình được sinh ra ở thời đại khác, một cuộc sống khác phù hợp với ước mơ của mình?
Cả bộ phim, không một nhân vật nào là hoàn hảo. Ai cũng có một nỗi niềm riêng, một giấc mơ riêng, và tình yêu trọn vẹn của Elisa trở thành một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp giữa một xã hội Mỹ tăm tối đầy những cạnh tranh. Điều khiến mình ấn tượng nhất, chắc là những cảnh quay táo bạo miêu tả một Elisa rất “người”. Cô gái bình thường nhất, mà lại đa cảm nhất, có những nhu cầu riêng, có những tâm tư riêng. Lúc mình cảm thấy, cuộc sống của cô đầy đủ nhất, thì cô lại bộc lộ ra những tâm tư, những khắc khoải, những đau đớn trong tâm tư như mọi cô gái ngoài kia. Sợ người mình yêu đau đớn, sợ người mình yêu không hiểu mình yêu người ấy đến mức nào, sợ phải chia xa, để rồi cô đau đớn chia tay anh trong màn mưa tháng Mười lạnh lẽo. Đến phút cuối cùng cô vẫn cố gắng với lấy anh, đặt tay mình trong bàn tay anh, để trước khi nhắm mắt mình còn có thể chạm vào người mình yêu lần cuối. Những đau đớn ấy đâu cần phải nói thành lời.
“Unable to perceive the shape of You, 
I find You all around me. 
Your presence fills my eyes with Your love, 
It humbles my heart, 
For You are everywhere.”
Tựa đề, với mình, trước cả khi xem phim, cho đến tận những phút cuối cùng, sẽ luôn là “Dáng hình của nước”.