Thập nhị nhân duyên; như được biết; giải thích cơ cấu nhân quả của vòng luân hồi.
Thực tế, bạn đã đúng khi nói "luân hồi là ngay từng giây phút này", vì 12 nhân duyên cũng phản ánh bộ quy tắc mà theo đó các uẩn đang luân hồi từng sát na
Tiếp tục với hướng tiếp cận kỹ thuật, bài viết này mô tả lại Thập nhị nhân duyên một cách tóm tắt từ góc độ các pháp chân đế (paramattha dhamma).
Đầu tiên, chúng ta hãy nhắc lại một vài điểm cơ bản
I. Vài điểm cơ bản
Trong kinh điển Pali, Thập nhị nhân duyên được gọi tên chính thức là Paticca samuppada: Lý Duyên Khởi. Toàn bộ 11 mắt xích (có 11 mắt xích cho 12 yếu tố) được trình bầy dưới dạng Yếu tố làm duyên (Paccaya) dẫn đến Yếu tố được duyên lên (Paccayauppanna). 
- Yếu tố thứ nhất: Paccaya ở đây được hiểu là gồm cả các Nguyên nhân lẫn các Điều kiện trợ giúp cho Yếu tố thứ hai (Paccayauppanna) phát sinh. Yếu tố làm duyên thì bao gồm tất cả các pháp chân đế: tất cả các tâm (citta), các tâm sở (cetasika), các sắc pháp (rupa) cũng như Niết bàn và các khái niệm (pannati).  
- Yếu tố thứ hai: Paccayauppanna, tức là các pháp sinh lên phụ thuộc vào duyên hay nguyên nhân, nói vắn tắt, đây là Quả hay kết quả. Yếu tố được duyên lên thì bao gồm các pháp hữu vi: các tâm (citta), các tâm sở (cetasika) và các sắc pháp (rupa).
 Lý Duyên khởi dậy chúng ta yếu tố làm duyên (tạo điều kiện) và yếu tố được duyên lên (có điều kiện), ví dụ như B sinh lên phụ thuộc vào A, C sinh lên phụ thuộc vào B .... Và mặc dù Lý duyên khởi được trình bầy rằng A duyên B ... nhưng chúng ta cần hiểu không chỉ có nguyên nhân đơn nhất là A, mà A chỉ là một nguyên nhân chủ đạo, hay là một nguyên nhân nổi bật trong số nhiều nguyên nhân và điều kiện khiến B sinh khởi. B cũng không phải kết quả duy nhất, nó cũng chỉ là một kết quả chủ đạo hay nổi bật mà thôi. Đức Phật dậy rằng các nguyên nhân không sinh lên một cách ngẫu nhiên riêng lẻ. Chúng ta hãy hiểu rằng luôn có nhiều nguyên nhân và có nhiều kết quả. 
Lý duyên khởi là một quy luật tự nhiên vẫn luôn hiện hữu nhưng chỉ khi Đức Phật ra đời thì nó mới được khám phá và thấu hiểu. 
II. Các mắt xích 
1. Vô Minh duyên Hành: Vì có Vô minh làm duyên, Hành sinh lên. Vô minh là nguyên nhân nổi bật khiến Hành sinh lên. 
Ở đây Vô minh là Tâm sở si (moha cetasika), nó trỏ đến pháp chân đế là Tâm sở si sinh kèm với 12 tâm bất thiện (akusala citta). Còn Hành ở đây là một pháp chân đế khác: Tâm sở tư (cetana citta) hay Nghiệp (kamma), nó trỏ đến Tâm sở tư sinh kèm với 8 tâm thiện dục giới, 5 tâm thiện sắc giới, 12 tâm bất thiện và 4 tâm thiện vô sắc giới (tham khảo bảng các Tâm, tâm sở)
2. Hành duyên Thức: Vì có các Hành (kamma) làm duyên nên tâm Thức sinh lên. 
Hành ở đây một lần nữa có nghĩa là Tâm sở Tư (cetana) hay Nghiệp (kamma). Còn Thức ở đây là các pháp chân đế là Tâm quả (vipaka citta), nó trỏ đến 32 tâm quả hiệp thế là kết quả của Nghiệp.
3. Thức duyên Danh Sắc: Do có Thức làm duyên, danh (nama), sắc (rupa) và danh-sắc (nama-rupa) sinh lên
Thức ở đây có thể có nghĩa chỉ là 32 Tâm quả, mà đôi lúc lại có thể trỏ đến tất cả các Tâm (citta) chân đế pháp. Danh Sắc ở đây có nghĩa là các pháp chân đế bao gồm toàn bộ 52 tâm sở (cetasika) và toàn bộ 28 Sắc pháp (rupa)
Ở đây, lưu ý thêm rằng đôi lúc Thức chỉ duyên Danh, đôi lúc Thức chỉ duyên Sắc, đôi lúc nó duyên cả Danh và Sắc. Trong cõi vô sắc chẳng hạn, Thức chỉ duyên danh (các tâm sở), còn trong cõi vô tưởng, Thức chỉ duyên Sắc, còn trong các cõi ngũ uẩn chẳng hạn như cõi người, thì nó duyên cả Danh và Sắc. 
4. Danh Sắc duyên Lục Nhập: Do có danh (nama) và sắc (rupa) và Danh Sắc (nama-rupa) làm duyên nên 6 nội xứ (Lục xứ) sinh lên.
Danh Sắc ở đây lại có nghĩa là các pháp chân đế gồm toàn bộ 52 Tâm sở và toàn bộ 28 Sắc pháp, trong 28 Sắc pháp bao gồm 4 sắc Tứ đại và 6 sắc căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn). 
Lục xứ thì không phải là một pháp chân đế cụ thể. Lục xứ ở đây là "nơi gặp gỡ" của các pháp chân đế đồng sinh: Sắc pháp làm Đối tượng của tâm in dấu lên Sắc cănTâm kinh nghiệm đối tượng và các Tâm sở đồng sinh với Tâm ấy cùng gặp nhau tại "xứ". Lục xứ vì thế là sự gặp gỡ của các pháp chân đế là Sắc, Tâm và Tâm sở xẩy ra ở 6 căn và được đặt tên theo 6 căn tương ứng: Nhãn xứ, Nhĩ xứ, Tỷ xứ, Thiệt xứ, Thân xứ và Ý xứ. 
5. Lục Nhập duyên Xúc: Do Lục xứ làm duyên, Xúc sinh lên. 
Lục xứ ở đây vẫn là sự gặp gỡ của các pháp chân đế tâm (citta), tâm sở (cetasika), sắc (rupa). Từ sự gặp gỡ này xúc sanh lên. Xúc ở đây là 1 pháp chân đế: Tâm sở xúc (phassa cetasika): Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc.
Xúc không phải là bản thân sự gặp gỡ, mà nó là một pháp chân đế sinh ra từ sự gặp gỡ của các pháp chân đế khác (giống như âm thanh là thứ sinh ra từ sự gặp gỡ của 2 bàn tay). Bản thân sự gặp gỡ là Xứ (không phải pháp chân đế), còn Xúc là Tâm sở xúc (pháp chân đế).
<i>12 nhân duyên và các pháp chân đế</i>
12 nhân duyên và các pháp chân đế
6. Xúc duyên Thọ: Vì có Xúc làm duyên, Thọ sinh khởi
Xúc như đã nói, là Tâm sở Xúc (phassa) còn Thọ là một pháp chân đế khác: Tâm sở Thọ (vedana cetasika), một tâm sở có chức năng trải nghiệm đối tượng. Thọ có thể là 1 trong 3 loại: dễ chịu, khó chịu hoặc trung tính
7. Thọ duyên Ái: Vì có Thọ làm duyên, Ái sinh lên.
Thọ, như trên, là Tâm sở Thọ (vedana), còn Ái là một pháp chân đế khác: Tâm sở tham (lobha cetasika) với chức năng dính mắc vào đối tượng được trải nghiệm. Cả 3 loại thọ đều có thể làm duyên cho Ái sinh khởi.
8. Ái duyên Thủ: Do có Ái làm duyên, Thủ sinh lên.
Ái là Tâm sở tham (lobha), còn Thủ thì có 4: Dục Thủ, Kiến Thủ, Giới cấm Thủ và Ngã chấp Thủ. Ở đây, Dục Thủ cũng là Tâm sở tham còn 3 loại Thủ còn lại là một pháp chân đế khác: Tâm sở tà kiến (ditthi cetasika). Như vậy Thủ là 2 pháp chân đế: Tâm sở tà kiến (ditthi) và Tâm sở tham (lobha)
Kinh điển giải thích rằng khao khát một đối tượng ở mức nhẹ thì là Ái (tanha), còn khi ôm giữ khư khư lấy đối tượng, bám riết không rời đối tượng thì là Thủ. Sự dính mắc khởi đầu từ nhẹ (Ái) phát triển đến nặng (Thủ). Tại thời điểm của Ái, đối tượng vẫn có thể được từ bỏ, nhưng đến giai đoạn của Thủ thì không còn khả năng buông bỏ đối tượng nữa. 
Sự nắm bắt mạnh (Thủ) chỉ có thể sinh khởi khi có một sự khao khát nhẹ sinh khởi trước, đó là lý do tại sao Ái là một duyên cho Thủ sinh lên.
9. Thủ duyên Hữu: Do có Thủ làm duyên, Hữu sinh lên
Như trên, Thủ ở đây là Tâm sở tham (lobha) ở mức nặng. Còn Hữu ở đây là Nghiệp Hữu và Sanh Hữu.
Nghiệp Hữu là pháp chân đế: Tâm sở tư (cetana) sinh kèm với các tâm bất thiện hoặc thiện được làm duyên bởi sự dính mắc, còn Sanh Hữu trỏ đến các pháp chân đế là các Tâm quả (vipaka citta), Tâm sở quả (vipaka cetasika) và Sắc (rupa) do Nghiệp (kamma) sinh.
10. Hữu duyên Sanh: Do có Hữu làm duyên, Sanh sinh khởi
Hữu ở đây thì chỉ có nghĩa là Nghiệp Hữu, tức Tâm sở tư (cetana) sinh kèm với các tâm thiện (kusala citta) hoặc bất thiện (akusala citta), còn Sanh là các uẩn sinh khởi tại thời điểm tái sinh vào kiếp sống mới. Đó là các pháp chân đế: Tâm tục sinh (patisandhi citta), các tâm sở (cetasika) và sắc pháp (rupa) sinh lên do Nghiệp duyên tại thời điểm tục sinh, thời điểm đầu tiên của một kiếp sống mới.
11. Sanh duyên Lão Tử: Do có Sanh làm duyên, Lão và Tử sinh lên. 
Như đã trình bầy, Sanh là các pháp hữu vi (uẩn) do Nghiệp sinh vào thời điểm tục sinh. Sanh là nền tảng của Lão (già) và Tử (chết). Lão và Tử thì không phải là các pháp chân đế, chúng là đặc tính chung của tất cả các pháp (chân đế) hữu vi (các Tâm, Tâm sở và Sắc pháp). Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, bất kỳ cái gì đã sinh lên ắt phải diệt đi
<i>12 nhân duyên và các pháp chân đế</i>
12 nhân duyên và các pháp chân đế
III. Câu cuối của Lý Duyên Khởi
Lý Duyên khởi thực ra còn một câu cuối cùng nữa mà thường các tài liệu trên mạng không nhắc tới, câu đó như sau:
 Sự sinh lên của nguyên khối khổ này là như thế (evam etassa kevalassa dukkha khandhassa samudayo hoti)
Theo Đức Phật, cái mà chúng ta cho là hạnh phúc cũng được bao gồm trong nguyên cái khối khổ này. Vì sao hạnh phúc lại là khổ? Đó là vì hạnh phúc có khởi đầu và kết thúc. Hạnh phúc cũng bị áp chế bởi sinh diệt, cho nên nó rơi vào lĩnh vực của khổ (dukkha). Câu "Tất cả các Hành đều Khổ" nghĩa là vậy. Khi chúng ta hiểu về Khổ, chúng ta phải hiểu rộng như vậy. Mọi thứ trên thế gian thật ra đều là khổ vì mọi thứ trên thế gian đều bị áp chế bởi sinh diệt.
IV. Chiều sâu Lý Duyên khởi
Lý Duyên khởi được xem là rất thâm sâu. Nó có vẻ ngoài thâm sâu và nếu suy xét vào trong nó càng uyên áo và càng trở nên sâu thẳm. Chính Đức Phật đã nói đại ý như vậy với ngài Ananda. Trong kinh điển, Lý Duyên khởi được phân tích hết sức cặn kẽ, được triển khai rất nhiều nhánh như 20 chi tiết, 3 tục đoan, 4 yếu đoan, Tam luân, 5 nhân quá khứ, 5 quả tương lai v.v...
<i>(một minh hoạ không đúng lắm) 12 nhân duyên và Tam luân</i>
(một minh hoạ không đúng lắm) 12 nhân duyên và Tam luân
Thiết nghĩ, với người sơ cơ, chỉ hiểu đúng 1 mắt xích đầu tiên của Lý Duyên khởi cũng là đáng quý và hiếm có rồi. Sau đây tôi xin đi sâu thêm vào mắt xích này một chút.
Mắt xích thứ nhất nói lên điều gì: Vì có Vô minh làm duyên, Hành sinh lên. Nói nôm na dễ hiểu thì điều này nghĩa là: Được Vô minh làm duyên, các Nghiệp thiện và bất thiện sinh lên. Ở đây Vô minh là nguyên nhân chủ đạo của cả Thiện pháp lẫn Bất thiện pháp. Các bạn có để ý thấy không: Thiện pháp, thiện tâm không phải là Nhân, mà là Quả. Thiện và Bất thiện đều có chung nguyên nhân: Vô Minh, chúng là 2 anh em cùng một mẹ. Vì thế, nếu ai cho rằng: Tu tập là để tránh điều Bất thiện, để chuyển hoá khổ đau (=quả bất thiện) thành hạnh phúc (= quả thiện hay phước báu), thì người đó chưa thấy được điều mà mắt xích đầu tiên của Thập nhị nhân duyên dậy ta: 
 - Thiện không diệt được Bất thiện, vì nguyên nhân của Bất thiện là Vô Minh. Thiện là quả của Vô Minh, quả thì không thể diệt được "nhân" của chính nó. 
- Bản thân sự tích luỹ thiện pháp thì không dẫn đến sự chấm dứt của vòng luân hồi.
Những điểm trên cũng là những điểm mà tôi thấy đại bộ phận các phong trào "tu tập" "chuyển hoá" hiện tại đang bỏ qua.
---- Lưu ý (disclaimer) ----
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết sử dụng cách diễn đạt, vài thuật ngữ và quan điểm cá nhân. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.
--- Tài liệu tham khảo ----
 Cẩm nang nghiên cứu Thắng pháp, Tập 3 của tác giả Ven. Sayadaw U. Silananda, bản dịch Việt của Pháp Triều, chương 8, mục 8.2 Giáo Lý Duyên Khởi - Phần 1.
*********************************
 Tương truyền, sau khi chứng Thiên Nhãn Minh (thấy rõ sự tái sinh của chúng sanh), Đức Bồ Tát nhập vào thiền vô sắc thứ tư, sau đó Ngài xuất ra khỏi thiền này và thực hành thiền Minh Sát (vipassana) trên 12 yếu tố  của Lý Duyên khởi ở mức độ pháp chân đế. Ngài quán sát Vô Minh, thấy nó là Vô thường, Khổ, Vô ngã, quán sát các Hành, thấy rõ chúng Vô thường, Khổ, Vô ngã.... Như thế, Ngài thực hành vipassana trên tất cả 12 yếu tố này rất rất nhiều lần (kinh điển ghi lại là hàng tỷ lần). Sau khi thực hành vipassana trên 3 đặc tính của toàn bộ 12 yếu tố này ở giai đoạn thẩm sát tuệ, Ngài nhập lại vào thiền thứ tư, rồi sau khi xuất khỏi thiền đó, Ngài thực hành vipassana lấy các pháp chân đế làm đối tượng một lần nữa và chứng đạt mức độ tuệ giác thấy được sự sinh diệt. Cứ như thế, Đức Bồ Tát lần lượt chứng đắc các tầng tuệ giác tiếp theo sau đó.
**** Toàn văn Pali của Lý Duyên khởi Paticca samuppada *****
"Avijja paccaya Sankhara, Sankhara paccaya Vinnanam, Vinnana paccaya Nama-rupam, Nama-rupa paccaya Salayatanam, Salayatana paccaya Phaso, Phass paccaya Vedana, Vedana paccaya Tanha, Tanha paccaya Upadanam, Upadana paccaya Bhavo, Bhava paccaya Jati, Jati paccaya Jara-ramanam Soka parideva dukkha domanass' upayasa sambhhavanti. Evam etassa kevalassa dukkha khandhassa samudayo hoti"