Ngày bé, tôi là một đứa trẻ thông minh.
Thực mà nói, tôi là một đứa trẻ bị ép phải thông minh. Tự thân tôi chưa bao giờ thấy bản thân có chút gì là sáng dạ, thiên tư chẳng rạng ngời như ánh dương, trái lại, cay đắng thay, đen đúa xám xịt như bầu trời trước cơn dông. Tóm lại, tôi không tin mình có tư chất, không hơn gì mấy đứa trẻ khác cả.
***
Đấy là tôi của những năm mẫu giáo. Mùa hè trước năm lớp một, mọi sự thay đổi. Đợt ấy là những năm 2009, bà tôi trước làm nhà giáo đã về hưu từ thuở 2000, nhưng nhờ chút mai mối, xin cho tôi một chân vào lớp tập sự. Lớp học là chái nhà cũ của một cô giáo chừng bốn mươi tuổi, nằm sát cạnh căn biệt thự mới xây. Tôi vẫn nhớ tên cô giáo ấy là Thanh. Cô dỏng người, giọng nói có phần chua ngoa và đượm mùi mai mỉa nhưng trong công tác giảng dạy lại vô cùng mềm mỏng, biết lấy nhu trị cương, chỉ bảo ân cần và có một lòng nhẫn nại đáng khâm phục - thứ vũ khí giúp cô đương đầu với bọn đầu đất dân thành phố được cha mẹ xin vào học tại lớp của cô. Trong làng, duy có tôi là dân quê, chuyện móc nối quan hệ ra sao thì bạn đã rõ. Hành trang của tôi tới lớp gồm một chiếc cặp hình siêu nhân (tôi đã phải ăn vạ suốt nửa tiếng đồng hồ ở hiệu sách thì bà tôi mới chịu mở ví), một hộp bút vải rẻ tiền ngoài tiệm tạp hoá trưng đầy, một thước kẻ hai mươi phân, một bút chì, một cục tẩy bự chảng đen sì như miếng thịt cháy, một bảng đen và một hộp phấn.
Những bài học thật đơn điệu. Tất cả những gì chúng tôi cần làm là viết đáp án lên bảng rồi giơ lên cho cô giáo xem, rồi cô sẽ quét mắt một lượt, dừng lại ở những chiếc bảng có câu trả lời sai. Cô giảng giải, nhấn mạnh những điểm cốt lõi, trong khi phụ huynh của đứa trả lời sai kia cau mày bặm môi, như muốn nói: "Mày còn sai nữa thì xong đời!" Trong lớp có một thằng tên Long, cận lòi mắt, chân tay dài loằng khoằng, tụi trẻ đồ nó nhà giàu được uống nhiều sữa, xem tivi suốt và ngu như một con heo. Nó không nhớ được mấy phép tính cơ bản trong khi cả bọn đã sang tới bài học thứ ba, và mẹ nó, đường hoàng là một giáo viên tại một trường tư có tiếng ngụ giữa trung tâm thành phố, coi đó là một nỗi bất hạnh. Nó luôn trả lời sai, học trước quên sau, chậm như một con rùa và cả lũ phải dừng lại để chờ nó bắt kịp. Mẹ nó cảm thấy một niềm thoá mạ, có lẽ. Một hôm cô giáo trường tư vớ vội cây chổi dựng sát góc nhà, kéo tai nó ra hiên trước, quật tới tấp theo đủ phương hướng, vụt vào cái mông tròn trĩnh của nó như đánh một quả tennis. Phải vài ba người mới cản được cô, sau khi hai mẹ con vật lộn một hồi, hoặc do mệt lử, cô dừng lại, vơ học cụ trên bàn vào cặp như cách người ta vơ chút đồ vương vãi trên kệ bếp vào sọt rác.
- Về, khỏi học nữa! cô quát.
Phụ huynh quanh đó ai nấy cũng tròn mắt nhìn, kể cả cô Thanh đứng chết trân trên bục, còn mấy đứa tôi thì im thít cứ như thể hành động của cô kia sẽ khuấy động sự nhẫn nại của cha mẹ chúng tôi, khác nào một mồi lửa thả vào giữa vũng dầu. Thưở ấy người ta rèn con rắn hơn giờ nhiều, họ sẵn sàng thả con vào lớp học rồi chẳng ngần ngại, mở đường luôn cho cô giáo từ buổi học đầu tiên. "Cô giáo, nếu nó hư hay học dốt thì cô cứ đánh thật mạnh, không can!" Cứ thế bảo sao trong lứa chúng tôi có những đứa sợ cô giáo hơn cha mẹ ở nhà.
Thế mà cái phương pháp ấy - rắn đanh như mặt bàn tôi đang tựa khi đang viết bài này - lại phát huy tác dụng không ngờ. Tôi từng đúp một lớp mầm non, bị cho xuống học với mấy đứa lớp dưới, vậy mà chỉ trong vỏn vẹn hai tháng hè vươn trổ như tre mọc đốt. Ôi, bí mật ư, tất cả đều nằm ở màn tập dượt ấy, ở cái lớp tập sự, ở những giờ phút nhốt mình tập viết trong căn phòng học khoá trái cửa còn ngoài kia cả nhà ngồi xem thời sự.
Bước vào lớp một, tôi được coi là một thằng nhóc rất khá, mặt mũi sáng sủa, có đức tính ham học trời phú nhờ vào truyền thống gia đình và, oái ăm chưa, cực kỳ thông minh. Chỉ có tôi rõ mình ngu biết mấy, và cái tiếng thơm đã ve vuốt lòng kiêu hãnh của bà tôi trước mặt láng giềng gần xa, đằng sau đó là cả một chuỗi dài những khổ ải, nước mắt, tủi nhục - tất cả hoà lẫn tạo nên một tuổi thơ đầy sóng gió, bất trắc xen lẫn âu lo.
Trong khi tôi đang bận nhặt nhạnh lá cây giả làm tiền để chơi đồ hàng, đánh trận ngoài bãi cát trên đê hay câu cá nhóm lửa trên đường tàu, người chú quý hoá của tôi (bà tôi vẫn thường nói chú là người bố thứ hai của mình) sẽ tách tôi ra khỏi cuộc chơi như tách một nguyên tử, bằng một cái liếc mắt chẳng hạn, nhưng phần lớn thời gian thì chú chỉ huýt sáo một cái thôi là tôi đã co giò chạy về, còn đám bạn của tôi thì quen lắm rồi, chúng chẳng lấy gì làm bất ngờ hay ủ rũ nữa. Chúng tiếp tục chơi đùa còn tôi cứ vừa đi vừa ngoái lại, tiếng lạo xạo của đôi dép ma sát với mặt đường chất chứa cả bầu tâm sự, bất bình và tiếc nuối. Về tới nhà, chú cầm sẵn một cây roi mây hoặc một vỉ đập ruồi ngồi trước mặt tôi rồi, bốn con mắt trân trân nhìn nhau suốt hàng tiếng trời chỉ để nghe tôi mấp máy đếm từ một tới một trăm và nhắm mắt đọc thuộc lòng bảng chữ cái.
Xong sớm nghỉ sớm, “luật chơi”, chú tôi nói.
Thường thì tôi đọc lưu loát như cỗ máy bon bon mới được thay dầu rồi trục trặc ở đoạn từ số bảy mươi trở đi. Tới giờ, tiếng quát thét của chú tôi, với vỉ đập ruồi trên tay, mà tôi thấy chú đập ruồi thì ít còn đập tôi thì nhiều, vẫn mồn một trong tâm trí tôi như giấc mơ đêm qua. Chú đập tôi từng phát điếng người, còn tôi nghiến răng, bặm chặt môi cố không khóc, nhưng lần nào cũng thất bại. Cơn thịnh nộ của chú, điểm xuyết nỗi thất vọng và thi thoảng nồng chút men say, làm tê độn trí năng của thằng nhóc và đúng hẳn là đầu óc nó go blank.
Thằng nhóc chẳng chịu thua, bất kể đòn roi . Nhưng có lẽ nó vẫn nên thừa nhận, dù không lấy gì làm dễ chịu, những buổi đánh vần tập đếm như thế, khi người cha thứ hai tưới nước mắt lên cái đầu đất của thằng nhóc, để ươm mầm tài năng, cuối cùng biến nó thành thần đồng khi bước vào lớp một.
***
Lớp 1A, lớp của tôi, nằm biệt lập với trường cấp một vì nhà trường không đủ phòng học. Từ nhà tôi tới lớp chỉ cách một tầm nỏ. Đó là một căn phòng nhỏ với mái nhà lát gạch ngói nung, bốn bức tường ngả vàng bám rêu cũ kĩ, vài vết nứt chạy ngang dọc, tua tủa như tia sét rồi đánh xuống sàn bê tông, để lại một vết lằn to tướng, thi thoảng vẫn có vài đứa vấp phải. Bàn ghế là đồ cũ, nếu tính tuổi thọ có lẽ phải dùng tới từ “niên đại”; mặt bàn, đục lỗ chỗ, chằng chịt những nét trảm khắc tên tuổi hay hình vẽ bậy bạ của những tiền bối vô danh; vài cái bàn có chân sắt, úa màu hoen gỉ, lọc xọc như chuyến xe ba gác mỗi lần chuyển trọ. Thi thoảng chán nghe cô giáo giảng bài, tôi sẽ áp tai xuống mặt phẳng xù xì như thân cây, lắng nghe tiếng kẽo kẹt miệt mài của mấy con mọt. Ròng rã suốt bấy nhiêu năm, chúng ăn tới khi cái bàn hoá mục ruỗng, mùn cưa lất phất như bụi phấn cô viết trên bảng. Ngày nào tôi cũng thấy lũ mọt lao động, còn tôi thì học hành tuỳ hứng. Về điểm này, tôi tin mình thua chúng.
Lớp học nằm trên một mỏm đất rộng, là căn nhà cấp bốn cho thuê của chủ nhân căn dinh thự to tướng sát sườn, ngăn cách bởi một vườn cây ăn trái. Bậc thềm tam cấp nâng lớp học lên khiến nó chỏng chơ như một ốc đảo giữa đất liền, đứng từ ngoài bờ rào nhìn vào có thể thấy mọi hoạt động diễn ra bên trong; và, trải rộng phía trước là khoảng sân còn rộng hơn phòng học, đây đó ta thấy mấy giậu cây lau, cây chuối ngổn ngang, vài khóm hoa oải hương ngang tầm đầu gối, dàn hàng ngang san sát nhau.
Căn phòng ấy, vuông vắn như hộp đồ nghề của mấy ông thợ hàn, chứa đựng gần ba mươi đứa nhóc mặt mũi tèm nhem, những móng tay cáu bửn lấm lem mực xanh Thiên Long hoặc mực Queen đen như hòn than, trở thành cái giếng đầu tiên trong đời tôi.
Bà tôi, con người hào hoa mẫn tiệp mà các bà ở quê thường cho là sành sỏi, nhanh chóng thu xếp cho tôi chân Lớp trưởng. Giờ ra chơi, tôi thấy cô chủ nhiệm ngoảnh ra nhìn tôi từ trong lớp, nở một nụ cười khó hiểu; cuối giờ, cả lớp nán lại, chờ cho xong lễ nhậm chức của tôi.
Cô Tuyết, đó là tên của cô giáo chủ nhiệm, thể theo nguyện vọng của bà tôi không chút lưỡng lự, rằng tôi, thằng cháu đích tôn của bà, chắc chắn nắm giữ mọi phẩm cách cần thiết để làm đứa cầm đầu.
Mọi chuyện đều cần thể thức, nhưng là lần đầu, lúc ra về, tôi còn chẳng biết phải hô hào cho cả bọn chào cô ra sao.
Cô Tuyết mỉm cười như an ủi, rồi, làm mẫu một lần.
Tới lượt mình, tôi hắng giọng, hít một hơi sâu:
- Cả lớp! Nghiêm!!
Mấy đứa khác, nôn nóng được thoát ly, dõng dạc đồng thanh theo lời hiệu triệu của thủ lĩnh. Từ lần đó trở đi thì êm ru, tôi đảm nhận trọng trách như gã thuyền trưởng giương ngực hô hào thuỷ thủ đoàn mỗi lần ra khơi:
- Chào cô em về! Chào các bạn tôi về! Mai gặp lại nhé!!
Vào năm học rồi thì chú đi làm, không còn ai rỗi hơi đâu cầm roi trông tôi học nữa. Đợt ấy tôi ham học như gã Do Thái ham tiền, tối tối đều như vắt tranh cặm cụi đèn sách từ bảy tới chín giờ, quần áo là lượt thẳng thớm và khăn quàng treo sẵn trên móc từ tối hôm trước. Mỗi ngày đi học đúng là một ngày vui, đặc biệt là những ngày đông, khi gió bấc rít lên nghe vi vu như tiếng diều sáo, khi bà nội lồng tới hai lớp tất chân và đan cho đôi găng tay nhưng nhất quyết phải hở ngón vì thế mới đúng điệu, khi mấy thằng bạn réo tên tôi từ sáu giờ sáng để rủ đi học cùng. Háo hức đến thế!
Một buổi kiểm tra, cô Tuyết viết trên bảng bốn phép tính vào tiết thứ bốn. Xong sớm được về sớm, điều này làm tôi nhớ đến mấy buổi "tập huấn" của chú. Lần lượt từng đứa trong lớp ra về, cha mẹ chúng đứng chờ sẵn ngoài thềm cửa, thấp thỏm ngó qua thanh cửa chớp. Thằng Quang, ôi, cái thằng dốt đặc cán mai và đần như một con lừa, nó ngoáy tít lự, nộp bài rồi về thẳng cẳng từ đời nào rồi, còn tôi, đường đường là thần đồng toán học, vẫn cặm cụi tính toán thôi hồi mãi chẳng ra. Đầu óc tôi go blank, như đèn đóm thi thoảng lại chập chiếc. Tới giờ, tôi vẫn nhớ mình không hoàn thành được một phép tính nào cả, và tôi với bà là hai người về sau cùng. Bà vừa đạp chiếc xe cũ kĩ vừa hỏi tôi làm sao thế, dĩ nhiên là tôi không đáp.
Tới nhà, hai bà cháu ngồi trước thềm cửa. Bà châm ống hút vào hộp sữa, tôi nằm dài kê đầu lên đùi bà, khóc rung người, rồi tiếng bà văng vẳng bên tai:
- Cháu của bà! Cục cưng của bà! Chỉ là một bài kiểm tra thôi mà.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất