Mọi người bảo Tết chán hơn và cũng chỉ rõ ra lý do chủ yếu khiến Tết chán: “Kinh tế phát triển khiến chúng ta coi những điều thường chỉ có khi Tết (bánh chưng, quần áo mới…) là chuyện đương nhiên, do vậy không coi trọng nó nữa”.
Tôi hoàn toàn công nhận đó là những lý do chủ yếu khiến Tết “chán” hơn so với xưa, nếu nó có thật sự chán hơn (cũng không biết phải đối chiếu mức “chán” này với cái gì? Nếu đối chiếu với mức độ tiêu thụ hàng Tết (rõ ràng không giảm) thì lại rơi vào cái bẫy của Chủ nghĩa tiêu dùng, tức là lý do đã nêu). Tuy nhiên, nhìn theo khía cạnh tích cực hơn, “vui như Tết” hơn, thì sự phát triển kinh tế có thật sự khiến Tết chỉ có thể chán đi?

Tôi vẫn nhớ, những năm Tết xưa, tôi chỉ có thể về nhà ông bà ngoại ở một tỉnh xa bằng cách đi xe đò. Xe đò đã khổ cực thì chớ, lại bắt khách giữa đường, đứng chen chúc vào nhau, đã thế còn chỉ chạy vài chuyến mỗi buổi, thế nên có muốn ở với ông bà lâu hơn hay giả dụ có chuyện gấp muốn về sớm hơn cũng không được. Giờ, khá giả hơn một chút, Tết muốn về thì đi xe nhà, chỉ mất vài tiếng, lại chẳng việc gì mà lo lắng nhiều chuyện cơm áo gạo tiền ở nhà như xưa nên cũng dành được nhiều thời gian với ông bà hơn. Thành thử, như thế cũng là một cái lợi của kinh tế phát triển, ít nhất trên góc nhìn từ gia đình tôi thôi vậy.
Lại nữa, trong nhà, tôi và bà nội vô cùng yêu thích Tết, nhưng ông bô tôi thì ghét Tết nhất trần đời. Nếu ai đó muốn qua nhà chơi, ông bô tôi sẽ bảo đang về quê. Sau Tết, ai có trách đùa sao không ghé nhà, ổng sẽ gãi đầu gãi tai kêu đi nghỉ mát… Thực ra, 90% là ổng nằm nhà ngủ. Tôi không thích thái độ và cách hành xử đó, nhưng khi bé, vẫn phụ thuộc tài chính vào gia đình, thì cũng đặt đâu ngồi đấy: Giả sử ông bô ngủ nhà cả ngày thì chắc chắn hôm đó chẳng đi chơi Tết được. Nhưng lớn hơn rồi, tự lập hơn một chút về cả tài chính lẫn hành động, thì tôi lại thoải mái: Muốn đưa bà đi dạo phố hay qua thăm hàng xóm họ hàng, đều hoàn toàn có thể tự chủ…

Nêu mấy ví dụ ngô nghê vậy, cốt cũng chỉ muốn nói là, khi ta nghèo, thì Tết là dịp duy nhất để sắm sửa, bày trí và làm những thủ tục chỉ có khi Tết đến: Nấu bánh chưng, xem Táo Quân, đi ngắm pháo hoa, mua quần áo mới… Những cái này đã rõ. Nhưng, khi kinh tế phát triển, thì ngoài những việc đó, ta còn có thể làm được nhiều việc hơn nữa, và chẳng phải mọi việc đều là tiêu cực: Chúng ta về quê được lâu hơn, ít lo lắng vật chất hơn, tự chủ trong hành động hơn… và cơ bản, tận hưởng được một cái Tết có phần “cá nhân” hơn.
Sẽ có người nói, Tết là ngày lễ chung của cả dân tộc, mà ta lại tận hưởng một cách cá nhân thì lại xa cách quá, làm ảnh hưởng đến không khí chung của Tết. Nhưng, như đã đề cập, có những người vốn chẳng thích Tết, thì thôi cứ để họ chẳng thích vậy; còn chúng ta, những người thích Tết thì có thể tận hưởng cái Tết như một cái Tết truyền thống. Chúng ta không còn phải lệ thuộc vào không khí xung quanh và những điều kiện vật chất quá nhiều nữa. Cái tôi cá nhân hoàn toàn không cần phải tách biệt khỏi cái tinh thần chung của tập thể, nhưng ít nhất thì lần này nó được tự quyền lựa chọn cho hành động của nó. Nói như Kant thì, sự tự do phải là định lượng cho ý chí con người. Và nếu con người không bị gò ép bởi những khó khăn về kinh tế, thì chẳng phải chất lượng ý chí, mà nói rộng ra là chất lượng cuộc sống của con người đã tăng lên sao?
Ngược lại, kinh tế hoàn toàn không phải và không nên là “đích đến” của con người, nhưng nếu nó cho ta nhiều khả năng lựa chọn hơn, thì hà cớ gì ta chỉ trích nó? Đương nhiên, nếu chúng ta quá coi trọng nền kinh tế thị trường, việc mua sắm những đồ mới chỉ nhằm mà bỏ qua ý nghĩa ngày Tết, thì nó thật sự sẽ rơi vào lý do đã nêu, tức là Chủ nghĩa tiêu dùng.

Do đó, thứ nhất, tôi tin rằng,  sự phát triển kinh tế bản thân nó không có tác động tiêu cực lên Tết.

Nó cho ta nhiều lựa chọn hơn, và đó (nên) là một điều tích cực. Chỉ là, cách lựa chọn của ta có vấn đề: Nó có thể bị sa đà vào Chủ nghĩa tiêu dùng, có thể rơi vào sự xa lánh chán nản như ông bô tôi (mà cũng có thể nguyên nhân sâu xa liên quan đến Theory of Alienation của Marx?), nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta tận hưởng những ngày Tết một cách nhẹ nhõm hơn, bớt lo toan hơn, vẹn toàn hơn.

Rousseau nói, chúng ta không thể tái tạo lại trạng thái tự nhiên nữa, vốn vì chúng ta đã phát triển quá xa khỏi trạng thái đó và thích nghi với trạng thái xã hội hiện tại. Có lẽ điều này cũng đúng với Tết chăng?

Nếu thế, thứ hai, do kinh tế đã phát triển hơn trước rất nhiều, nên Tết âm lịch KHÔNG THỂ giống như cái Tết xưa nữa, và đó chưa hẳn đã là điều xấu. Nhưng chúng ta cần thay đổi để khiến Tết vui hơn, và đó PHẢI là cái Tết vui theo cách hiện đại.*

Tôi thấy nhiều người bàn về Tết và mong muốn nó trở nên “great again” bằng cách chỉ ra cái Tết xưa từng vui thế nào, câu đối đỏ bánh chưng xanh thế nào… Nhưng, nếu những thứ đó hoàn toàn dễ dàng có được và đã trở thành nền tảng của Tết hiện đại rồi, thì hơn cả việc trân trọng hơn những giá trị lâu bền đó (mà tôi vẫn cho là RẤT nên), chúng ta cần thay đổi Tết từ từ, chậm rãi từ một hướng nào đó khác chăng?
Có lẽ, chúng ta nên bỏ bớt những thủ tục mang nhiều phần áp lực của Tết: Chẳng hạn như việc làm đồ ăn thừa mứa, những lời cầu chúc đậm tính cá nhân và những chuyến viếng thăm nhau xuất phát từ tính vụ lợi? Hay việc chúng ta phải “thi” từ những thứ nhỏ nhặt nhất, như quần áo tôi mua phải đẹp như tiền tôi mừng tuổi con cô phải “hơn” tiền cô mừng tuổi con tôi…** Những thứ đó có vẻ như là những rườm rà áp lực hoàn toàn có thể bỏ qua được để khiến Tết vui hơn. Tôi thì vẫn… không nghĩ ngay ra được cách nào để khiến Tết vui theo kiểu khác, nhưng tôi tin rằng, nó hoàn toàn có thể vui theo kiểu khác, mới hơn, hiện đại hơn.
Đấy, nói đi nói lại, nói nữa thì lại tù quá. Tôi thấy một điều mừng rằng lớp trẻ chúng tôi ngày nay ai cũng thích Tết: Ai cũng lo lắng cho một cái Tết chán, và những thằng nào đòi bỏ Tết âm gộp Tết dương đều bị xắn váy chửi ngay tức khắc! Đó dĩ nhiên là một cái tốt. Nhưng, chúng ta không còn sống trong thời ông bà chúng ta, hoặc thậm chí trong thời thiếu nhi của chính chúng ta nữa, nên cái Tết nó đã khác, và nó phải khác. Vậy, trên cái nền kinh tế phát triển (mà bản thân nó không xấu), làm thế nào để chúng ta, với những gì chúng ta “sẵn có” và vẫn sẽ có như bánh chưng, quần áo mới… tạo được một cái Tết vui kiểu “khác”?

____________________
* Tết không giống cái Tết xưa vì chúng ta đã dễ dàng có được những gì cái Tết xưa có, không phải tôi muốn chỉ trích chê bôi cái Tết xưa.
** Đến 9/10 những thứ này đều thuộc Chủ nghĩa tiêu dùng rồi, nên mới nói, tấn công vào chủ nghĩa tiêu dùng thì bản thân nó là đúng, nhưng quy cả sự phát triển kinh tế cho một cái Tết chán hơn thì lại có vẻ rộng quá.
No photo description available.