Ông tào phớ (<a href="http://funnyfood.vn/vn/Tin-tuc/Kinh-doanh-tao-pho-de-hay-kho.aspx">nguồn</a>)
Ông tào phớ (nguồn)
Chẳng biết từ bao giờ, ông bác tào phớ đã là một phần trong cuộc sống của người dân khu tập thể. Chẳng ai biết tên tuổi quê quán của ông bác, mà chỉ gọi là “ông tào phớ”. Một kẻ vô danh, luôn hiển nhiên và có sẵn. Đồ nghề rất đơn giản: một nồi nhôm to đùng đựng tào phớ, vài ba cái âu nhựa đựng nước đường thả thêm mấy bông hoa nhài, chồng cốc thìa nhựa xếp gọn, và tất nhiên không thể thiếu mảnh vỏ trai to bản còn óng ánh màu xà cừ để hớt tào phớ. Tất cả đều buộc ngăn nắp trên cái khung gỗ gắn vào con xe đạp cà tàng. Thời trang của ông bác thì luôn cố định đến mức cố hữu: hè thì áo ba lỗ, đông thì vài lớp áo dài tay, và trên đầu luôn là mũ cối, dẫu nắng hay mưa.
“Phớớớớớớớớớớ”
Cứ tầm đầu giờ chiều, tiếng rao của ông bác lại vang vọng khắp khu tập thể. Bọn trẻ con trong khu bật dậy khỏi giấc ngủ trưa dở dang, lạch cạch cạy tủ hoặc nài nỉ xin bố mẹ tí tiền lẻ, để rồi chạy hết tốc lực xuống sân. Tay chúng nó nắm chặt những đồng bạc đã nhăn nhúm và sờn rách. Lũ trẻ túm năm tụm ba quanh ông bác, miệng í ới hò reo, như thể ai kêu to nhất sẽ được ăn trước vậy.
“Cho cháu một cốc”
“Cho cháu thêm tào phớ”
“Cho cháu xin thêm nước”
Đứa nào cũng xin thêm. Mà tiền thì có trả thêm đếch đâu.
“Tổ sư, khôn như bọn mày quê tao đầy.”
Ông bác nạt lũ trẻ, nhưng vẫn chiều lòng những thượng đế tí hon. Ông vẫn luôn buôn bán dễ dãi như vậy. Những buổi trưa oi ả của mấy tháng nghỉ hè dài hơi như rút cạn sức sống từ lũ nhóc. Chúng nó còn nhăn mặt khó chịu với mùi mồ hôi phả ra từ tấm áo ba lỗ của ông bác. Vậy mà khi trên tay mỗi đứa đã an vị một cốc tào phớ, mặt chúng nó giãn hẳn ra, chẳng còn ngắn tũn và cau có nữa. Làm trẻ con sướng thật, chỉ cần có chút đồ ăn vặt là bao nhiêu buồn bực cứ thế tan biến.
Ông bác đạp xe thật chậm, vừa để giữ sức rao, vừa để cho lũ nhóc kịp chạy xuống mua. Đi thêm vài vòng quanh mấy khu nhà khác, chẳng mấy chốc mà giữa chiều là hết hàng. Ông bác đạp xe về nhà với phong thái chậm rãi y hệt. Bán vừa đủ hết, kiếm vừa đủ ăn, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, ung dung tự tại. Cuộc sống hồi đất nước mới mở cửa chỉ đơn giản vậy thôi. Miễn là ông bác vui và lũ nhóc vui.
Mấy chục năm trôi qua, đất nước vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, cố gắng hết sức hội nhập toàn cầu. Dòng người hối hả xuất ngoại. Dòng tiền hối hả đổ về. Cứ vài năm lại thay da đổi thịt một lần.
Ông tào phớ, nay đã là một ông cụ, vẫn gắn bó với nghề. Vẫn mũ cối, áo ba lỗ, nồi nhôm, âu nhựa, xe đạp cà tàng. Vẫn phong thái ung dung chậm rãi. Vẫn không ai điểm mặt đặt tên. Ông cụ vẫn vậy, chỉ có mọi thứ xung quanh đổi khác.
Khu tập thể cũ ngày nào giờ đã bị dẹp, thay vào đó là mấy tòa chung cư và văn phòng cao cấp. Có rao to khản cổ thì cũng chẳng mấy ai nghe được. Có đạp xe chậm đến mấy thì khách vẫn phải chờ thang máy, chẳng thể lao ra hết tốc lực được. Đạp xe thật chậm, để thấy thế gian vội vã.
Trên phố mọc lên hằng hà sa số những hàng ăn vặt, từ chè Thái Lan, kem Mỹ, đá bào Hàn, trà sữa Đài Loan. Ông cụ còn thấy cả một chuỗi hàng tào phớ mở ra, lấy tên nửa tây nửa ta, với đủ các sự lựa chọn cho tào phớ như thạch, dừa khô, trân châu, ca-ra-men. Họ cạnh tranh nhau chiếm lĩnh thị trường, mở rộng quy mô, gia tăng doanh số. Còn ông cụ vẫn trung thành với tào phớ nước đường hoa nhài, vẫn rao loanh quanh vài con phố cũ, không hơn không kém.
Trẻ con giờ hay ngồi trong quán trà sữa, điều hoà mát lạnh, thơm tho sạch sẽ. Nhân viên ăn mặc chỉnh tề, đưa đồ cẩn thận, đong đếm định lượng từng chút, lại còn dõng dạc cảm ơn lúc ra khỏi cửa. Không có chuyện xin thêm, muốn thêm là trả thêm tiền, không lèo nhèo cũng không mặc cả. Tất cả đã có quy trình, thế mới chuyên nghiệp. Có lẽ chuyên nghiệp như vậy mới hút được khách. Còn khách nào chấp nhận mùi mồ hôi nồng nặc, áo ba lỗ xồ xề, lại còn thích quát nạt bỗ bã? Làm ăn kiểu gì mà dễ dãi, cảm tính?
Người ta bây giờ mở điện thoại lên, bấm bấm vài cái, nửa tiếng sau là có người giao đồ ăn tận tay. Những binh đoàn áo xanh, áo đỏ, áo cam, xếp những túi đồ ăn to vật vã vào cái thùng cách nhiệt sau yên xe, tản mát khắp phố phường như đàn ong thợ. Còn ai muốn chờ tới lúc ông cụ tào phớ đạp xe qua phố nhà họ nữa? Thời nay khác rồi, muốn gì là có nấy.
Phải thôi, kinh tế thị trường là vậy. Có lẽ bàn tay kinh tế vô hình đã bạt tai ông cụ một cú ê ẩm.
Hiện giờ, phần lớn mẻ hàng của ông cụ thường được bán cho mấy cô cậu nhân viên quanh khu văn phòng xây lại từ khu phố cũ. Có lẽ họ lớn lên từ văn hoá khu tập thể, từ những trưa hè oi ả, từ mấy đồng bạc lẻ sờn rách bố mẹ cho, từ tiếng rao tào phớ đánh bay giấc ngủ. Họ tìm tới ông như một mỏ neo, bám víu chút ký ức sẽ dần phai nhạt đi qua thời gian. Vài cậu thanh niên kể lể chê bai món tào phớ phồn thực tả pí lù bán ngoài chuỗi. Với họ, tào phớ nước đường hoa nhài là nguyên bản, là đơn sơ, là gốc rễ, là hoài niệm, là thứ biến họ thành đứa trẻ con trong chốc lát giữa cuộc sống hối hả. Biến thành trẻ con sướng thật, chỉ cần có chút đồ ăn vặt là bao nhiêu ưu tư cứ thế tan biến.
Và mấy đứa trẻ to xác đó xin thêm chút cái chút nước, như một thói quen đã hằn sâu trong tâm trí. Ông cụ nạt vui mấy câu rồi vẫn chiều khách. Và không lấy thêm tiền. Có những điều chẳng hề đổi thay sau bao năm tháng. Có lẽ cuộc sống thời hội nhập với ông cụ không có gì thay đổi. Miễn là ông cụ vẫn vui và lũ thanh niên vui.
Ở cái tuổi bên kia sườn dốc cuộc đời, ông cụ đem bán chút niềm hoài niệm cho những người cần nó. Khi mà thế hệ của ông cụ ra đi, liệu còn ai giữ lại mảnh hoài niệm của những ngày đã qua. Có lẽ lúc đó chỉ biết tự hỏi: những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?