Tài xế chở mình đi lại trên con đường mà cách đây vài ngày mình vừa đi với ba, để vào sân bay.
Ngày hôm đó trên xe, ba chỉ vừa dứt câu:"Ba nghĩ bà nội không gắng đến được Tết âm đâu con à. Nếu nội mất, con cũng cố gắng sắp xếp ra nhe." thì cuộc điện thoại của chú tới, báo hung tin.
Mình nghĩ bổn phận làm con cháu, ông bà mất hẳn nhiên phải về, nhưng ánh mắt xa xăm của ba lúc đó làm mình khó hiểu. Đến hôm nay mình đã thấm thía rồi.
Nhà ông bà mình ở cuối còn đường nhỏ của một ngôi làng nghèo, nhưng con cháu thì đã lớn và thành công cả rồi, đa số đều làm công chức nhà nước. Cả 2 ông bà đều là người có công với cách mạng, từ trẻ đến già đã ẵm về biết bao huân chương. Từ lúc bà mất đến cái lễ cúng cuối cùng cũng mất 5 ngày, dù đường vào nhà khó đi nhưng vẫn đón biết bao nhiêu đoàn khách từ các ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã đến doanh nghiệp và các gia đình, cá nhân,... Thời gian viếng chưa tới 2 ngày mà chả biết mấy ngàn khách tới phúng viếng. Toàn bộ con em cháu chắt cũng không đủ lực lo, phải huy động thêm lực lượng biên phòng, các ban ngành hỗ trợ và thuê thêm cả dịch vụ bên ngoài để phục vụ đám tang. Nhưng quanh đi quẩn lại, mấy ai thực sự là người quen của ông bà đâu, bạn bè cùng lứa tuổi thì cũng mất cả rồi, anh em bạn dì của ông bà cũng vậy, nếu mà nói thực sự là mối quan hệ của ông bà thì chỉ có hội cựu chiến binh, thôn xóm xã làng và và huyện uỷ. Cả ngàn khách kia là người trong ban ngành, cơ quan với con cháu của ông bà. Mình tự hỏi nếu vòng quan hệ của con cháu không lớn, nhà không đông con, cái đám tang có trở nên lạnh lẽo? Có phải vì thế mà những đứa trẻ hướng nội thường không được lòng họ hàng ở quê?
Lúc viết danh sách phúng viếng, mình cảm nhận được ánh mắt coi trọng của mọi người khi danh sách đoàn thể là các cơ quan nhà nước. Còn các cá nhân, doanh nghiệp, dù họ có viếng nhiều bao nhiêu, mình vẫn thấy một sự thờ ơ của mọi người với những nhóm cá nhân, doanh nghiệp đó. Mình tự hỏi cái danh xưng quan trọng như vậy sao? Suy cho cùng, ở một nơi cái ta cộng đồng lấn át, vào một cơ quan nhà nước (nơi mà đa số người trong cộng đồng đếu biết) nó sẽ "oách" hơn là làm một doanh nghiệp ít người biết, dù thu nhập và nỗ lực bỏ ra nhiều đến đâu.
Quê mình vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của các phong tục tập quán xưa cũ. Đám tang diễn ra khá rườm rà, nhiều lễ nghi. Nhìn các cô, chú, bác và ba, chân và lưng không còn khoẻ, vẫn phải đứng lên quỳ xuống lạy lục hết mấy ngày liền, dù đau đến không thở được phải uống cả thuốc giảm đau, vẫn phải theo nghi lễ. Chỉ cần sai một tí phong tục (mà mình chưa nghe đến bao giờ, và nhiều cái mỗi vùng còn khác nhau nữa), trong nhà đã nháo nhào cả lên. Đám tang diễn ra vài ngày, mình mới thấu hiểu vì sao những đứa cháu trai lại quan trọng như thế. Nhìn các anh của mình (nhiều khi chả gặp bà được mấy lần) đứng bên bàn thờ lạy đáp lễ khách hết cả ngày lẫn đêm, dù khoẻ cái thân tụi cháu gái như mình, nhưng lòng mình trống rỗng kì lạ. Mình hiểu đáp lễ đó là thay người đã khuất đáp lại người ta thôi, nam nữ gì chả được, nhưng trong câu chuyện phong tục này, cháu trai là người phải làm điều đó
Ngày đưa bà về nơi an nghỉ, gia đình mình cũng vào lăng thắp hương cho 2 đứa em sút sảo, tuổi lớn hơn em trai mình. Em trai mình lần đầu gặp nên ngây thơ hỏi:" Vì sao 2 anh chị này em chưa gặp mà lại được chôn ở đây?" "Vì 2 anh chị của em là họ P, lăng này là lăng của họ P, nên sẽ được chôn ở đây." "Vậy tại sao bà họ Đ mà cũng được chôn ở đây?" "Vì bà là vợ của ông, ông là họ P. Sau này nếu chị đi lấy chồng, chị cũng sẽ được chôn ở lăng họ chồng chị." "Vậy chị đừng lấy chồng nữa, hoặc lấy người họ P đi". Đó là cuộc hội thoại giữa mình và đứa em 8 tuổi còn ngây thơ nhưng cũng rất thông minh của mình, nhưng khi trả lời, mình lại càng thấm thía câu chuyện lấy chồng theo phong tục, tín ngưỡng có ý nghĩa như thế nào. Trong tang lễ, mỗi người sẽ có một cái áo tang. Những đứa con, những đứa cháu trai bên nội, và cháu-gái-bên-nội-chưa-lấy-chồng sẽ có một cái bạch sau lưng và trên tay. Điều này tượng trưng cho bổn phận thờ cúng ông bà tổ tiên. Chị gái con của bác mình (là chị lớn nhất trong họ) đã lấy chồng, hiển nhiên không có cái bạch này, đó là vì ngày vu quy, theo phong tục có nghĩa là chị đã về với họ nhà người ta rồi. Có lẽ vì vậy mà nhiều khi chuyện cưới xin của con cháu lại là chuyện quan trọng của cả dòng họ mình.
Mình may mắn vì ba mình không phải là người trọng nam khinh nữ, không bị bó buộc bởi những tập tục lễ nghi, có chính kiến riêng và tư tưởng cởi mở. Nhưng mình hiểu rằng, ba vẫn sẽ muốn mình hiếu khách, kết nối nhiều mối quan hệ hơn thay vì cứ ru rú trong nhà sau giờ làm, vẫn sẽ muốn mình vào một cơ quan nhà nước (nơi mà ai cũng biết) để làm thay vì làm cho doanh nghiệp nước ngoài, vẫn sẽ có một cái gì đó nặng nề hơn với em trai mình. Đơn giản là vì cái phong tục tập quán, cái lễ nghi rườm rà, cái chế độ phụ hệ đã ăn sâu vào từng cá nhân một ở quê, bao gồm cả ba.