Sếp mình, một điển hình của những người thuộc chủ nghĩa khắc kỷ, khi dạy cho mấy đứa trẻ chúng mình, thường nói một câu rất "stoic": "Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Cùng lắm là gì? Ừ, cùng lắm là chết chứ gì!". Quả thật, nó làm mình đối với mọi chuyện có cái nhìn nhẹ nhàng và bình tĩnh hơn. Nhưng kể cả có nghĩ đến những tình huống xấu nhất, tưởng tượng tiêu cực, những lo âu của mình cũng không hoàn toàn mất đi. Những gì bản thân không nắm được hay không biết chắc về nó càng khiến mình lo sợ nhiều hơn.
Thỉnh thoảng (hoặc nhiều khi) mình có những nỗi sợ rất mơ hồ và trừu tượng. Mình sợ chọn sai người, sai đường, mình sợ vì để đạt được điều gì đó mà mình đánh mất những điều tốt đẹp trong bản thân, không còn thấy rùng mình ghê tởm trước những điều từng khinh ghét. Mình có những lo âu trước những chuyến đi xa, đến những nơi mình không biết rõ. Mình cũng cảm nhận rất rõ bản thân thấy tệ như thế nào khi những người yêu thương xung quanh ốm và đau khổ. Và thật sự, với mình nó là nỗi sợ không thường trực nhưng to lớn và kinh khủng nhất.
Khoảng chục năm trước, mình từng xem hình ảnh từ một bài báo và nó gây cảm hứng cho mình rất lâu về sau. (Mình đã phải tra cứu lại thông tin khi viết những dòng này). Đó là hình ảnh một anh lính bộ binh được điều trị sống sót sau một vụ nổ bom khiến anh mất cả chân và tay trái. Ở bên phải lồng ngực của anh có một hình xăm, "For those I love I will sacrifice" - lời trong bài hát "Hallowed Be Thy Name" (Justin Brannan -1998). Ngày đấy, mình cực thích câu này. Và nó như ghim vào chiếc đầu hạn hẹp, ngốc nghếch của mình từ lúc ấy. Mình luôn cảm thấy, lý do mình tồn tại trong cuộc đời này, là vì những người mình thương yêu.
Mình thấy mình giống như một cánh bướm dập dờn trong vũ trụ lớn, hoặc là một cánh bèo lênh đênh trong hồ nước đầy. Mình cứ bay và thả trôi vô định, lạc lõng giữa cuộc đời kia. Mình cần có sợi dây hay chiếc cọc để níu giữ và liên kết mình với cuộc đời. Có những khoảng thời gian mình thấy không thiết tha cuộc sống, mình sống chỉ vì lo sợ rằng “bố mẹ mình sẽ buồn biết bao nhiêu”...
Thực ra không có một sự choàng tỉnh hay thức nhận nào mới mẻ ở đây cả. Nhưng có những ngày, như gần đây, mình không muốn tiếp tục làm cánh bèo hay cánh bướm nữa, mình không thích dập dờn hay lững lờ gì nữa cả. Mình suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống và cách sống. Mình thấy ý tưởng về việc trở thành chiếc cọc hay sợi dây (như đã đề cập ở trên) cũng không tồi. Ít nhất, việc làm chỗ dựa (về tinh thần) cho ai đó, không làm mình ham sống hơn, nhưng lòng mình được vỗ về, an ủi. Mình (thừa) biết rằng, ý nghĩa của cuộc sống, không tuỳ thuộc vào số năm sống. Mình tự nhủ rằng, dù loài người sống ngắn hay sống dài, sau cùng cũng đều nằm sâu dưới bảy tấc mồ chôn. Và mình cũng nên tự lập đi thôi, học cách yêu lại cuộc đời.
Vẫn trong cùng mạch suy nghĩ, mình nhớ đến trích dẫn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Mỗi người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi con người vì sợ mất tình mà giữ trong lòng một nỗi nhớ nhung" nhưng "Cuối cùng, lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại được đời người. Cuối cùng thì tình yêu cũng không giữ lại được người mình yêu”. Ừ thì có những thứ nằm ngoài tầm với và tiên liệu của loài người. Nên mình ước rằng những người xung quanh mình giữ sức khoẻ, bớt khổ đau và đầy lòng dũng cảm, để làm chỗ dựa cho người yếu hơn, để không vì sợ hãi mà ngã gục.
Sau cùng, nếu không thể sống dài lâu, mong mọi người hãy sống thật đậm sâu.
San - 210127