Tôi sinh ra ở miền Trung, cái vùng mà người ta nghe tên đã thấy thân thương. Cái kiểu thương không vì thân mà vì thấy nghèo thấy tội. Xin lỗi chứ cái "bọn thành phố" của miền Trung vẫn giàu lắm nha. Chỉ những vùng quê như chúng tôi là nghèo thôi. Khổ hay không thì chưa chắc. Người ta cứ dùng từ nghèo khổ kéo theo nhau như thể đánh đồng chúng là một vậy. Tôi thì không thấy vậy. Chúng tôi khổ mà vui.
Ở vùng quê này, tên đất nước ngoại quốc đầu tiên trên thế giới mà tụi trẻ chúng tôi biết là Lào. Chẳng phải nhờ bản đồ địa lý, cũng chẳng phải vì tò mò thế giới xung quanh. Đơn giản là nhờ Gió Lào.
Tôi chưa bao giờ nghi ngờ chuyện Gió Lào là một loại đặc sản. Mỗi khi nghĩ đến gió Lào, tôi nghĩ ngay về nước chè. Nước chè cũng là một đặc sản. Vì sao tôi lại có sự liên tưởng vậy nhỉ? À ra, gió Lào, có nét giống nước chè cũ buổi trưa, ở cái màu nâu nâu đậm đặc, ở cái sự nóng bức, và dễ khiến người ta say. Lớn lên tôi biết thêm, gió Lào cũng dễ làm cho tôi nâu óng đều đặn từng tế bào da như màu nước chè vậy. Đến sợ.
Không chắc bạn ngoại tỉnh có tưởng tượng được không, cái nóng của gió Lào làm bạn phải hãi hùng gió. Mỗi một hơi gió quật vào người là bạn như chín đều từ da thịt đến tâm trí vậy. Cái nóng ở da thịt là ba bốn, cái cảm giác khó chịu bức bách rõ là mười. Người ta đi trách gió gì mà nóng, thà không có có còn hơn. Khi có gió Lào, nhiệt độ đo được ngoài trời là 42. Nhiệt độ cảm nhận được trong người đâu đó chừng 142. Tại sao là 142 thì tôi thấy đó là số đẹp nên tiện tay thôi. Dù sao thì Dự báo thời tiết cũng không có nói.
Gió Lào là minh chứng đầu tiên cho việc, không phải thứ gì nhập khẩu cũng tốt. Đừng có sính ngoại.
Nghĩ về gió Lào, tôi nhớ chuyện ngủ trưa hồi nhỏ xíu ngày xưa những ngày mất điện. Ôi chao nhà nào có cái nền nhà gạch hoa thì sướng phải biết. Đóng cửa kín lại. Thêm chút quạt mo cau phe phẩy. Mẹ lấy cái giẻ giặt ướt, lau nhà sạch rồi mấy mẹ con nằm lên trển. Chưa hết. Còn phải kéo áo lên để lúc lưng trần tiếp xúc nền nhà mà tạo ra cảm giác mát lạnh sung sướng. Một hồi sau cảm giác lạnh mát đó trở về trung tính, lại phải kiếm chỗ nền khác để đặt lưng lên, cho mát lại. Cảm giác đến khoái. Nếu ai tinh tế quá mức mà cho đây là cảnh nhạy cảm thì dừng lại nhé. Đây là phân cảnh của trẻ con dưới 8 tuổi. Nếu ai tinh tế hơn cũng sẽ thấy, đây cũng như lộ trình tâm của con người thôi. Càng thích thú càng muốn níu giữ. Mà cái sự gây thích thú đó thì không kéo dài, sẽ sớm trở về trạng thái trung tính. Mà trung tính thì lại mau chán. Người ta lại đi tìm cảm giác khác.
Giống như chè xanh và kẹo lạc, gió Lào và mất điện đi với nhau thì thật tuyệt hảo. Đã có lần tôi đùa nói, anh chị nào muốn test xem có hợp nhau không để cưới, xin mời về quê tôi thử dịch vụ sống thử này chừng một tuần. Sống và làm việc một tuần, ở quê, trong điều kiện gió Lào và mất điện. Trái ý hay quan điểm bất đồng trong hoàn cảnh này mới là cực phẩm. Test trắc nghiệm tính cách lúc này bao chuẩn, MTBI hay Big Five cũng ngã mũ chịu thua. Nhân tiện đây tôi nghĩ, không biết tỷ lệ ly hôn ở quê thấp hơn ở thành phố, có phải nhờ gió Lào và điều kiện cơ sở vật chất kém luôn không?
Với ai không biết, với tôi, lúc mất điện, bạn của gió Lào là cafe. Một phần là bởi tôi thích cafe nên cứ có cafe thì hormone vui vẻ trong tôi tăng cao, tôi không quan tâm gió Lào là gió nào nữa. Phần nữa là nếu uống cafe thì buổi trưa tôi sẽ tỉnh ngủ. Các bạn cứ tưởng tượng cái cảnh, buồn ngủ ríu mắt nhưng không ngủ được vì nóng, vì rít, vì mồ hôi cứ chảy túa ra... thế thì có cơ khổ không. Còn gì khổ hơn buồn ngủ và không được ngủ. Hoặc được ngủ nhưng không thể nào ngủ nổi. Mắt thì ríu xuống đến cổ rồi mà cảm giác khó chịu toàn người cứ réo rắt. Thế nên nếu có cafe, tôi tỉnh táo. Đương tôi vẫn thấy nóng, vẫn thấy mồ hôi chảy trên mặt trên trán, vẫn cảm nhận được sự bức bách. Nhưng đã học thiền Tứ niệm xứ của sư Nguyên Tuệ rồi, tôi biết khổ thân một thì khổ tâm mười. Gió Lào làm tôi nóng trên thân một, tôi bứt rứt khó chịu chuyện nóng nực và mất điện mười. Thế là tôi ngồi im re, cảm nhận mồ hôi chảy trên mặt trên trán, cả sau lưng nữa. Tôi cảm nhận rõ nhưng không phản ứng cảm xúc gì cả, ngồi im soạn lại mấy dòng này.
Nhân tiện, tôi là đứa thích thả tóc. Bình thường mọi người khen tôi giỏi thả tóc thế, không nóng hả. Tôi bảo "Vâng. Nếu không bị kỳ thị thì chạy marathon em cũng nguyện thả tóc". Ấy vậy mà về quê vào mùa hè, trưa có gió Lào thì tôi đến chịu. Tôi vén tóc lên cao và gọn ghẽ nhất có thể rồi túm chặt gọn lại, như thể có sợi nào phất phơ rớt xuống trán xuống mặt đẫm mồ hôi thì tôi sẽ lăn đùng chết ngất ngay ra được. Ra rửa tay, nhìn bên ngoài nắng nóng chói chang, tôi nghĩ hình phạt lớn nhất dành cho tôi là nhìn ai đó đứng giữa cái nắng đó mà thả tóc. Tôi có chứng hay suy diễn. Tưởng tượng đám tóc đó bay lòa xòa vào mặt, vào cổ nhớp nháp mồ hôi, tôi sẽ... giả ngất để không phải nhìn cảnh đó.
Nhiều người bảo, miền Trung nắng gió mưa bão khắc nghiệt. Thương ghê. Rồi nói chắc vì vậy mà người miền Trung chịu thương chịu khó, chăm chỉ lao động học tập, tu chí làm ăn tích trữ... ra cái hệ quả giỏi và thành công. Tôi ở Hà Nội 5 năm, đi đâu nói em quê Nghệ An, người ta đều nói lại là "Người Nghệ An/ Nghệ Tĩnh giỏi lắm. Anh/chị quen mấy người". Rồi họ hỏi tôi biết người này người kia không? Tôi muốn hỏi là, có phải họ nghĩ Nghệ An/ Nghệ Tĩnh là một câu lạc bộ chừng 50 thành viên không? Sao mà tôi biết hết được. Nhưng tôi không nói gì, cũng phải nên công nhận rằng quê mình giỏi chứ, nên chỉ cười: "Dạ đúng rồi. Nhưng Anh/chị cứ trừ em ra". Chắc tôi yêu được gió Lào nên chẳng sợ khổ gì nữa để mà chịu khó học tập hay vươn lên nữa.
Gió Lào là thứ bền vững kiên cường. Hai mươi mấy năm qua, tôi thấy người ta bảo mùa đông nay không lạnh như xưa. Có người bảo do nay no ấm hơn, cũng có người nói do biến đổi khí hậu thời tiết. Ấy mà cùng những con người đó, với chừng đó phương tiện, chừng đó biến đổi khí hậu, gió Lào bền bỉ kiên cường và luôn nhiệt thành mà nóng hết mình như vậy. Thậm chí còn nóng hơn. Con người thời nay có quạt nước, có điều hòa, có tủ lạnh... Có thêm chừng nào phương tiện thì thêm chừng đó sợ gió Lào khi mất điện. Có phải vì thế thời nay vấn đề ly hôn hay mâu thuẫn gia đình ở quê cũng cao hơn. Ái chà. Phần trước "cảnh ngày xưa" thì ngợi khen, cảnh hiện tại này thì lại đổ tội cho gió Lào rồi.
Này thì khen. Ưu điểm duy nhất của gió Lào, là nhờ gió Lào, người ta mới hả lòng hả dạ khi đón gió Nồm. Gió Lào nóng chừng nào, người ta cởi cả lòng khi đón gió Nồm chừng ấy. Ông nội tôi luôn tự hào có cái cửa sổ đón gió Nồm mát nhất cái xã. Đúng quá rồi. Lúc gió Lào thì đóng cửa, lúc gió Nồm thì ở mỗi nhà mình. Có chỗ nào mà so sánh đâu mà chẳng cửa nhà mình mát nhất.
Giả sử như tôi đã chừng 50 tuổi nay ngồi kể lại chuyện gió Lào, tôi sẽ nói vài thứ gì đó văn vở nghệ thuật ẩm thực chút, giống như cách Vũ Bằng nói trong Thương nhớ tháng 12 vậy. Giả như ôi ngày đó mà có bát canh mướp nấu tép, có quả cà muối chấm ruốc thì tuyệt... Ấy là ví dụ thế chứ tôi không biết có đúng không? Tôi mới 28 tuổi, lại không biết ăn mướp và cà sống quẹt ruốc như dân quê mình. Tôi sinh ra khi đất nước đã có kem một ngàn năm que. Ấy mới là bát canh mướp của tôi.
Có một cái sự lạ nữa tôi mới thích thú phát hiện ra.
Ngày xưa mất điện mà có gió Lào, người ta chẳng trông gì ngoài chút gió nồm. Và khi có điện người ta sung sướng chạy đến mở cái quạt ngay. Nhưng ngày nay, cũng mất điện, cũng bị hấp cho chín bởi gió Lào, ấy mà có điện người ta lại nóng lòng trông ngóng mấy vạch wifi cho ổn định.
Thì cũng đúng, có wifi để người ta còn đăng tút câu like nữa chứ mà.