Tâm lý học trong câu thành ngữ "Nói trước bước không qua"
(Đây là một bài viết theo yêu cầu trên insta của mình: Động lực để làm những gì đã đề ra) Tại sao mình lại để tiêu đề như vậy? ...
(Đây là một bài viết theo yêu cầu trên insta của mình: Động lực để làm những gì đã đề ra)
Tại sao mình lại để tiêu đề như vậy?
Trước khi bắt đầu soạn bài viết này, mình đã rất đắn đo không biết nên triển khai theo hướng nào. Nhờ có một chút kiến thức liên quan đến neuroscience (khoa học thần kinh) và psychology (tâm lý học), ban đầu mình định giải thích về "động lực" bằng cách đưa vào những lý thuyết học thuật rồi mới chỉ ra các "how-to" để giải quyết câu hỏi. Sau đó mình lại nghĩ, biết đâu người đọc không thấy chúng thú vị như mình tưởng thì sao? Cuối cùng mình quyết định sẽ tiếp cận vấn đề một cách đơn giản và gần gũi hơn, sử dụng thành ngữ cùng với tâm lý học ứng dụng.
Nếu tìm trên google cụm từ khóa "làm thế nào để có động lực", có khoảng 197.000.000 kết quả cho bạn tha hồ nghiên cứu, nhưng thú thực là mình đã quá ngán ngẩm với những bài viết như vậy :( Tóm lại, đây không phải là bài viết cho bạn động lực, nhưng sẽ giúp bạn hiểu vì sao bạn có thể khiến bản thân mất động lực và làm giảm đi cơ hội hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
____
Để hiểu rõ hơn điều mình sắp đề cập, hãy bắt đầu bằng cách nghĩ đến 1 mục tiêu cá nhân của bạn. Có thể là vòng eo thon không có mỡ, tấm bằng IELTS 8.0, hay đứng top trong một cuộc thi/tập thể nào đó. Tiếp tục hình dung bạn sẽ quyết định hành động chăm chỉ như thế nào để đạt được mục tiêu, và sau đó bạn muốn kể cho người khác về dự định của mình. Họ bày tỏ sự ngưỡng mộ và chúc (mừng) bạn. Hãy mường tượng thật kĩ như vậy. Có phải lúc ấy bạn thấy rất phấn khích, giống như thể mục tiêu đang chuẩn bị thành hiện thực rồi không?
Bad news: đúng ra bạn không nên nói gì hết. Bởi cảm giác tuyệt vời kia sẽ khiến bạn khó hoàn thành mục tiêu hơn.
Năm 2009, Peter Gollwitzer đã tiến hành một cuộc thí nghiệm. 163 người tham gia được chia đôi để làm bài kiểm tra, họ viết ra những mục tiêu cần đạt và một nửa công khai cho những người khác biết (nhóm A), một nửa không (nhóm B). Thời gian làm bài là 45 phút nhưng họ được phép dừng bất cứ lúc nào. Kết quả: những người thuộc nhóm B trung bình sử dụng hết 45 phút, và khi được phỏng vấn sau đó, họ nói rằng vẫn cần thêm thời gian dài để hoàn thành; còn với nhóm A, họ dừng lại chỉ sau 33 phút trên trung bình, và khi được hỏi, họ nói rằng mình đã gần chạm đến mục tiêu đề ra ban đầu.
Các nhà tâm lý học gọi đây là social reality - hiện thực xã hội. Khi bạn kể với ai đó về mục tiêu của mình và họ công nhận điều đó, não bạn bị đánh lừa rằng việc đó đã được hoàn thành. Điều này khiến bạn cảm thấy một sự hài lòng nhất định (đúng ra bạn sẽ thấy khi chinh phục được mục tiêu), và vì thế mà ít nhiều mất đi động lực để thực sự bắt tay vào làm việc cần làm.
Giờ bạn đã biết rồi đó. Nói trước thì bước khó qua. Vậy chúng ta nên làm gì đây?
Sự công nhận của xã hội (social acknowledgement) cũng là một nhu cầu ở cấp độ cao trong tháp Maslow. Tuy nhiên, trước khi bạn đạt được mục tiêu, hãy hiểu rằng não bạn đang nhầm lẫn "lời nói" với "hành động", rằng cảm giác hài lòng ấy thì có nhưng thành quả thật sự thì không. Nếu bạn đang rất muốn chia sẻ với một ai đó, hãy thử chia sẻ về từng cột mốc nhỏ. Ví dụ mục tiêu của bạn là vòng eo 56 để tự tin mặc bikini (đây là ví dụ chung, còn về cách đặt mục tiêu nếu ai chưa biết thì tìm hiểu thêm SMART setting nhé), bạn có thể kể với bạn thân tuần này mình đã đi tập chăm như thế nào, tháng vừa rồi đã giảm được bao nhiêu cân, đã từ chối bao nhiêu cốc trà sữa rồi chả hạn. Họ sẽ chúc mừng bạn, vì bạn đã-làm-được những điều ấy. Cảm giác hài lòng khi hoàn thành các mục tiêu nhỏ này cũng sẽ khiến bạn có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu, hướng tới cái đích cuối cùng.
Mình không bác bỏ hoàn toàn việc sẻ chia, nhưng hãy nói với những người cho bạn động lực và cảm hứng làm việc. Họ có thể là người hướng dẫn, giúp đỡ, có thể là người cùng bạn thực hiện mục tiêu chung, hoặc là người khích lệ, động viên, giúp bạn kiểm soát và giữ vững kỉ luật bản thân để vượt qua cám dỗ.
Hy vọng bài viết giúp ích cho bạn. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc tới đây. Chúc bạn một ngày làm việc thật năng suất nhé!
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất